Nghề 'mổ' hàu trên vịnh Hòn La

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Cóc, cóc, cóc…” Tiếng búa gõ vào ghềnh đá lúc trầm đục, lúc chát chúa, hòa cùng tiếng gió biển, tiếng sóng vỗ bờ, tiếng chim hải âu gọi bầy… tạo nên một bản hợp xướng giữa mênh mông trưa hè bên bờ vịnh Hòn La. Thứ âm thanh vi diệu ấy phát ra từ một nghề mưu sinh của những người phụ nữ bản địa: Nghề “mổ” hàu.
Bản hợp xướng giữa trưa hè
Hoành Sơn (Đèo Ngang) chạy từ dãy Trường Sơn ra biển Đông chia ranh giới Nam Hà Tĩnh và Bắc Quảng Bình. Trước khi dừng lại trước biển, những mỏm núi của Hoành Sơn kịp vây lại tạo thành một vùng kín gió, được gọi là vịnh Hòn La, thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Bên bờ vịnh Hòn La có những bãi đá ngầm trải rộng, có nơi hàng trăm mét, lúc lộ, lúc chìm tùy theo thủy triều lên xuống. Mùa nào thức ấy, bao đời nay, bãi đá này là chốn mưu sinh của người dân trong vùng.
Ông Nguyễn Đức Hiền, Chủ tịch UBND xã Quảng Đông cho biết: Bãi đá ngầm ở vịnh Hòn La rộng hàng chục héc ta. Như một thứ “lộc trời”. Mùa nào thức ấy, bãi đá trở thành chốn mưu sinh của bao thế hệ. Mùa Đông và mùa Xuân thì bãi đá này bám đầy rong biển, người dân chỉ việc ra hái về bán lấy tiền. Hết mùa rong biển thì loài hàu sữa lại sinh sôi…
Khi con nước thủy triều bắt đầu rút, các bãi đá ngầm bên bờ vịnh Hòn La lộ dần, cũng là lúc những người phụ nữ ở hai xã Quảng Đông và Quảng Phú í ới gọi nhau đi “mổ” hàu (khai thác hàu). Những con hàu sữa bé xíu bám chi chít trên các mỏm đá, nhiều năm nay đã trở thành nguồn “sinh kế” của nhiều gia đình…
 
Dụng cụ làm nghề đơn giản chỉ là một chiếc búa nhọn 2 đầu, 1 con dao nhỏ và 1 cái ca đựng hàu
Dụng cụ làm nghề đơn giản chỉ là một chiếc búa nhọn 2 đầu, 1 con dao nhỏ và 1 cái ca đựng hàu
Giữa trưa hè nắng như đổ lửa, ngang qua vịnh Hòn La hóng gió, bất ngờ tôi bắt gặp một thứ âm thanh vi diệu, như một bản hợp xướng phát ra từ bãi đá ngầm phía trước mặt, nơi những người phụ nữ trùm kín người, ngồi úp mặt xuống bãi đá “mổ” hàu mưu sinh.
 
Bà Xuyên là người duy nhất trong nhóm không bịt mặt, cho biết mình làm nghề “mổ” hàu từ thời con gái
Bà Xuyên là người duy nhất trong nhóm không bịt mặt, cho biết mình làm nghề “mổ” hàu từ thời con gái
“Cóc, cóc, cóc…”, tiếng búa của những người phụ nữ đều đặn đập vào lớp vỏ cứng của những con hàu sữa bám chặt trên những mỏm đá vừa mới lộ ra khi thủy triều vừa rút. Mũi sắt nhọn của chiếc búa xuyên qua lớp vỏ cứng, tách con hàu làm đôi. Nhanh thoăn thoắt, họ lại dùng con dao nhỏ cạy lấy nhân con hàu sữa mềm mại, to bằng đầu ngón tay trỏ bỏ vào chiếc ca nhựa tứa nước trắng đục.
 
Một nhóm phụ nữ “mổ” hàu trên bãi đá ngầm bên vịnh Hòn La
Một nhóm phụ nữ “mổ” hàu trên bãi đá ngầm bên vịnh Hòn La
Trong nhóm phụ nữ, hầu hết mọi người đều đội mũ rộng vành, khẩu trang bịt gần kín mặt, riêng chỉ một mình bà Nguyễn Thị Xuyến (64 tuổi) là không hề bịt mặt. “Tôi già rồi, không sợ nắng và nước biển làm đen da nữa nên không cần bịt mặt, để rứa cho thoáng…” - bà Xuyến tiếp chuyện tôi bằng nụ cười thật tươi hiện trên khuôn mặt có phần khắc khổ vì tuổi tác và cuộc sống mưu sinh khó khăn.
Bà Xuyến cho biết, bà làm nghề “mổ” hàu từ thời còn con gái, tuổi trăng tròn. Trước đây, bãi đá ngầm bên vịnh Hòn La hàu bám tầng tầng, lớp lớp. Hằng ngày, bà và người làng muốn ăn hàu chỉ cần ra bãi đá cạy chừng vài chục phút là đủ ăn cho cả nhà. Hôm nào ăn không hết, bà đem đổi con cá, miếng thịt với hàng xóm để cải thiện bữa cơm cho gia đình.
Mưu sinh theo con nước
Khác với loài hàu nuôi hoặc hàu lặn dưới sông con to, ruột lớn, loài hàu sống tự nhiên ở những bãi đá này, nhỏ con, có vị thơm, ngọt, mát, nên được rất nhiều người ưa chuộng. Chừng hơn 10 năm trở lại đây, hàu sữa vịnh Hòn La được các nhà hàng, quán ăn và người sành ăn ưa chuộng, nên nó trở nên có giá trị. Từ đó, hàu ở đây không chỉ được người dân trong vùng đi lấy về ăn mà còn bán để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống gia đình. “Mỗi ngày từ khi thủy triều rút, đến khi dâng trở lại chừng hơn 10 tiếng đồng hồ, tui “mổ” được hơn 3 kg nhân hàu. Hiện hàu sữa có giá 150 nghìn đồng/kg, nên mỗi ngày tui cũng kiếm được gần 400 nghìn đồng, có thêm đồng vô đồng ra lo cho cuộc sống gia đình” - bà Xuyến chia sẻ.
Cách đó không xa, chị Phan Thị Hà (30 tuổi) cũng đang miệt mài “mổ” hàu. Khác với bà Xuyến, chị Hà là người vùng khác mới về làm dâu ở xã Quảng Phú được hơn 5 năm. Sau nhiều lần theo chân những người phụ nữ ở đây đi “mổ” hàu, chị Hà dần quen việc. “Những ngày đầu, dù được mọi người nhiệt tình hướng dẫn, nhưng năm lần, bảy lượt, ngoài “mổ” trật con hàu, thì em cũng không biết đâu là con hàu sống, đâu là con hàu chết mà cạy nữa. Những lần đầu đó, mỗi ngày em chỉ “mổ” được khoảng 2 lạng nhân hàu là nhiều” - chị Hà kể.
Vậy mà, theo lời của những người phụ nữ trong nhóm, chừng 3 tháng sau, nhờ kiên trì, chịu khó, chị Hà “lành nghề” và “vượt mặt” nhiều người khác. Hiện mỗi ngày chị Hà có thể “mổ” được hơn 4 kg hàu nhân, thu về hơn 500 nghìn đồng. Số tiền đó giúp nhiều để chị Hà trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học.
Chị Hà chia sẻ: Để mổ được nhiều hàu, ngoài đức tính kiên trì thì phải có kinh nghiệm và đôi mắt tinh anh. Người lành nghề chỉ nhìn vào vỏ hàu là biết ngay con hàu đó sống hay chết. Mổ chính xác con hàu sống sẽ tiết kiệm công sức và thời gian, sản phẩm nhiều hơn. “Nghề này không mất nhiều sức nhưng cũng không kém phần vất vả. Bởi vì phải mưu sinh theo con nước, nên lúc nào thủy triều rút, bất kể ngày hay đêm, những người “mổ” hàu như chúng em lại kéo nhau ra bãi đá này. Khó nhất là mổ hàu vào ban đêm, vừa sợ ma, vừa trơn trượt, nhiều khi ngã dúi dụi, rồi qua ánh đèn pin, nếu không quen thì rất khó để phát hiện ra con hàu để khai thác” - chị Hà cho biết.
Nghề “mổ” hàu sữa là nghề mưu sinh của nhiều thế hệ phụ nữ nghèo trong vùng. “Nghề này là nghề không vốn nhưng không hề dễ dàng chút nào. Để mưu sinh với nghề, chúng tôi phải bám mình, lê lết gần 10 tiếng đồng hồ trên những mỏm đá, chỉ cần sơ sẩy, trượt chân là bị hàu cứa tứa máu, rồi say nắng, trúng gió…Nói tóm lại làm nghề này cần phải chịu khó, kiên trì, nhẫn nại. Điều này giải thích tại sao, làm nghề này chỉ toàn là phụ nữ” - chị Linh, một người trong nhóm “mổ” hàu góp chuyện.
Con hàu sữa ngày càng có giá trị, nhiều người cùng đi “mổ” hàu nên không gian kiếm sống của những người phụ nữ ở đây cũng trở nên chật hẹp hơn. Vậy nhưng, trong câu chuyện, chúng tôi vẫn nghe họ bảo ban với nhau, chỉ nên “mổ” những con hàu đủ lớn, không ai được khai thác những con hàu quá nhỏ hay đục phá tùy tiện bãi đá vì đó là nơi đã nuôi sống họ và gia đình.
Theo Hoàng Nam (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Vườn cây của gia đình chị Nguyễn Thị Huệ -Công nhân Đội 2, Công ty Cà phê Ia Sao 2 trồng năm 1986 vẫn đạt sản lượng 24 tấn quả tươi/ha. Ảnh: Đinh Yến

Những công nhân tiêu biểu trong lao động giỏi, sáng tạo

(GLO)- Bằng lòng đam mê, nhiều công nhân tại các công ty cà phê tỉnh Gia Lai đã không ngừng học hỏi và có những sáng kiến mới áp dụng vào sản xuất. Họ không chỉ nâng cao đời sống gia đình mà còn mang lại nhiều nguồn lợi cho đơn vị, góp phần tô thắm thêm phẩm chất tốt đẹp của giai cấp công nhân.

Nông sản Việt đang ở đâu?

Nông sản Việt đang ở đâu?

Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang vào vụ thu hoạch các mặt hàng nông sản như: vải, nhãn, sầu riêng, thanh long,… Câu hỏi đặt ra giải pháp nào để xúc tiến xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản mùa vụ Việt Nam tránh tình trạng ùn ứ, điệp khúc “được mùa mất giá”.

Lặng thầm nghề giám định pháp y

Lặng thầm nghề giám định pháp y

(GLO)- Trong hành trình phá án, đội ngũ bác sĩ và cán bộ giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS), Công an tỉnh Gia Lai đóng vai trò rất quan trọng. Tuy vất vả nhưng họ vẫn cần mẫn làm việc, góp phần đấu tranh phòng-chống tội phạm và giữ bình yên cuộc sống.

Cán bộ Đoàn, ĐVTN cùng lực lượng quân đội đóng góp ngày công để đẩy nhanh tiến độ thi công nhà ở cho người dân. Ảnh: P.L

Xóa nhà tạm-Kiến tạo tương lai - Kỳ 2: Góp gạch hồng dựng xây mái ấm

(GLO)-Phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đang lan tỏa trên địa bàn tỉnh Gia Lai bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Mỗi tấm lòng, mỗi hành động đều hiện thực hóa mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” trên hành trình góp gạch hồng dựng xây mái ấm, giúp người dân an cư, lạc nghiệp.

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Thị trường mỹ phẩm “nóng rực” khi hàng loạt sản phẩm vô chủ vứt bừa bãi, doanh nghiệp ồ ạt xin thu hồi công bố. Phóng viên đã thâm nhập thị trường mỹ phẩm để tận thấy cách thức hô biến đồ rẻ tiền thành cao cấp, chiêu trò của các ông trùm vươn vòi bạch tuộc, bủa vây người người tiêu dùng.

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Với đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn lợi thủy sản phong phú, Việt Nam sở hữu lợi thế lớn về nghề nuôi biển. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ những nút thắt, phát huy tiềm năng, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi biển hiện đại, bền vững.

Bắt chồng giữa đại ngàn

Bắt chồng giữa đại ngàn

Nằm nép mình dưới chân núi Voi hùng vĩ, thôn Đarahoa hiện có hơn 340 hộ dân sinh sống, trong đó 80% là đồng bào dân tộc K’Ho. Không chỉ nổi bật bởi khung cảnh đại ngàn thơ mộng, Đarahoa còn gìn giữ một trong những phong tục đặc sắc bậc nhất của người K’Ho, tục "bắt chồng".

Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân tặng giấy khen cho các nhà báo, phóng viên hoàn thành chuyến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1. Ảnh: N.Q

Tác nghiệp trên Nhà giàn DK1

(GLO)- Vượt qua hàng trăm hải lý để đến với Nhà giàn DK1 là một trải nghiệm không thể nào quên đối với người làm báo. Càng đặc biệt hơn đối với tôi khi đây là lần đầu tiên được đặt chân lên Nhà giàn DK1 tác nghiệp, để thấm thía thế nào là gian khó, thế nào là tự hào.

Nhớ thời làm báo trong kháng chiến

Nhớ thời làm báo trong kháng chiến

(GLO)- Trong kháng chiến, bên cạnh những người lính cầm súng chiến đấu còn có nhiều phóng viên chiến trường với “vũ khí” là chiếc máy ảnh, cuốn sổ tay, cây bút để ghi lại từng khoảnh khắc của lịch sử. Ông Nguyễn Đức Thanh và ông Lý Vĩnh Hoa là những nhà báo như vậy.

null