Ngay thủ đô: Bảo tàng "vườn không nhà trống", công viên "bãi rác"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Bảo tàng 2.300 tỉ, bự nhất nước, cả thập kỷ chưa hoàn thành. Công viên nước 1.000 tỉ bỏ hoang 13-14 năm. Công viên “cạn” 157.000m2 thành nơi… trồng rau. Trong khi 8,2 triệu dân thủ đô đang chung nhau có 4.500 thiết chế văn hoá thể thao.
 
Hình ảnh tại công viên Tuổi trẻ, gọi là bãi rác công viên cũng đúng mà công viên bãi rác cũng không sai. Ảnh: Trần Kiều
Hình ảnh tại công viên Tuổi trẻ, gọi là bãi rác công viên cũng đúng mà công viên bãi rác cũng không sai. Ảnh: Trần Kiều
6 chữ “thiết chế văn hoá thể thao” là nội dung phiên giải trình do Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội vừa tổ chức.
Chúng ta gặp lại “người quen cũ”: Cái bảo tàng Hà Nội, toà "tháp lộn" - như cách nói của dân. Một biểu tượng đớn đau về sự lãng phí.
Cái "tháp lộn" ấy là bảo tàng to nhất nước: 54.000m2. Đắt nhất nước: 2.300 tỉ đồng. Năm 2010, nó được “khánh thành” nhân Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhưng chỉ là khánh thành cái xác thôi. Chứ đến hôm 25.4, ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội - vẫn đang bảo: Quyết tâm cố gắng tới giữa năm 2024 kết thúc dự án này.
Phải mở ngoặc, cựu Giám đốc Tô Văn Động cũng từng hứa sẽ chấm dứt tình trạng “vườn không nhà trống”. Rồi không chừng, đến 2024, nhân dân Thủ đô lại được nghe thêm một lời hứa nữa.
Quay từ bảo tàng ra công viên: Công viên nước 26,3ha, đầu tư hết 1.000 tỉ đồng vẫn tình trạng “bãi tha ma” hoặc "đống phế liệu”, hoặc cả hai đều đúng.
Công viên Việt Hưng, Long Biên: 157.000m2, trở thành nơi trồng rau bắt cá.
Còn la liệt khắp nơi là tình trạng hoang tàn, xuống cấp, kiểu “cha chung không ai khóc”.
Bảo tàng, công viên, rạp hát, trung tâm văn hóa thể thao là những thiết chế không thể thiếu trong đời sống dân cư.
Tính đến tháng 2.2022, hơn 8,2 triệu dân Hà Nội chỉ có 30 thiết chế văn hoá thể thao cấp thành phố, 57 thiết chế cấp huyện, 136 trung tâm cấp xã, phường và 4.277 nhà văn hoá, điểm sinh hoạt cộng đồng tại các tổ dân phố.
Cực kỳ thiếu. Đến mức có nơi như phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, 7 tổ dân phố phải chung nhau một nhà văn hóa và một nhà sinh hoạt cộng đồng.
Cực kỳ thiếu. Nhưng cái đã có thì chỉ có cái xác, thì bỏ hoang cả thập kỷ. Cái thì cả thập kỷ chưa xong. Cái thì trở thành... cửa hàng thực phẩm - như nhà sinh hoạt cộng đồng khu dân cư 21, 22 phường Ô Chợ Dừa.
Đó là điều mà dân không thể hiểu được... Và đòi hỏi được hiểu, đòi hỏi có câu trả lời.
Phiên giải trình sẽ là một tín hiệu tốt cho một cái nhìn chân xác vào thực tế... để có biện pháp chấm dứt sự lãng phí và vô lý khủng khiếp này. Nhưng sẽ là vô nghĩa nếu chỉ là chuyện mở ra rồi đậy lại - như vô số đã từng.
Theo Anh Đào (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Hiệu quả thực hành nghề nghiệp

Hiệu quả thực hành nghề nghiệp

Nếu có dịp nào đó chuyện trò với những sinh viên từng trải nghiệm thực tế ở doanh nghiệp trong một kỳ thực tập hoặc một trong những buổi học theo mô hình "học phần doanh nghiệp", chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề đáng để suy nghĩ cả về phía nhà trường lẫn về phía doanh nghiệp.