Ngày mới ở Đak Tơ Pang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Là xã đặc biệt khó khăn của tỉnh, nhưng nhờ sự quan tâm của chính quyền các cấp nên cuộc sống của người dân xã Đak Tơ Pang (huyện Kông Chro, Gia Lai) đến nay đã được cải thiện khá nhiều, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.
Tự hào truyền thống xã anh hùng
Chúng tôi đến xã Đak Tơ Pang vào một ngày nắng vàng trải trên những cánh đồng cỏ xanh mướt đến tận chân núi. Trên đoạn đường bê tông thẳng tắp dẫn vào làng Groi, từng chiếc xe công nông chở hàng đầy ắp lần lượt chạy qua đập tràn bắc ngang suối Hway. Khung cảnh ấy khiến Đak Tơ Pang trở nên thật nhộn nhịp, thanh bình.
Người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt cho năng suất cao. Ảnh: N.T
Người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt cho năng suất cao. Ảnh: N.T
Ông Đinh Anep (SN 1933, làng Groi), người đã từng tham gia các trận chiến khốc liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đón chúng tôi tại ngôi nhà sàn của mình. Cẩn thận đưa từng tấm huy chương ra ngắm nghía, ông trầm ngâm hồi tưởng: “Đak Tơ Pang khi ấy là địa bàn chiến lược quan trọng, là nơi đứng chân của lực lượng kháng chiến địa phương, lực lượng vũ trang Quân khu 5 và bộ đội chủ lực để tấn công địch tại An Khê và Cheo Reo. Tôi cùng đồng đội thuộc Sư đoàn 33 đóng quân tại Gia Lai. Sức mạnh từ sự đoàn kết, một lòng một dạ đi theo cách mạng của người dân đã góp phần làm nên chiến thắng trong các trận đánh tại địa phương”.
Trong các cuộc kháng chiến, xã Đak Tơ Pang có những chiến sĩ cách mạng như: Đinh Thị Đép, Đinh Hneng, Đinh Thị Ger, Đinh Xrôn, Nhuơr, Hrùi… đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng nhiều huân-huy chương. Trải qua năm tháng trường kỳ kháng chiến đầy gian khổ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân xã Đak Tơ Pang đã vượt qua mọi khó khăn, kiên trì đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược, góp phần thống nhất nước nhà. Sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, xã có 24 liệt sĩ, 23 thương-bệnh binh và 20 người có công với cách mạng. Với những cống hiến đó, năm 1998, xã Đak Tơ Pang đã được phong tặng danh hiệu xã Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Diện mạo nông thôn khởi sắc
Phát huy truyền thống anh hùng, Đảng bộ và nhân dân xã Đak Tơ Pang đã chung sức, chung lòng tạo dựng cuộc sống ngày một ấm no, hạnh phúc. Hiện xã Đak Tơ Pang có 6 thôn, làng với 357 hộ, 1.575 khẩu, trong đó, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 95%. Dân làng đã thi đua hiến đất, góp công làm đường, phát triển cơ sở hạ tầng; xã cũng lồng ghép triển khai nhiều chương trình, dự án giảm nghèo có hiệu quả do Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư. Cùng với đó, chính quyền xã đã vận động nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương để giúp bà con phát triển kinh tế. Đến nay, tổng diện tích gieo trồng của xã đạt hơn 1.140 ha, đàn gia súc gần 2.040 con; hệ thống trường lớp, trạm y tế, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn được quan tâm đầu tư; 100% người dân được sử dụng điện lưới, tỷ lệ xét hoàn thành chương trình tiểu học, tốt nghiệp THCS hàng năm đạt 100%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 98%; quốc phòng-an ninh được giữ vững…
 Một góc xã Đak Tơ Pang hôm nay. Ảnh: N.T
Một góc xã Đak Tơ Pang hôm nay. Ảnh: N.T
Ông Đinh Văn Bưk (làng Groi) cho biết: “Trước đây, gia đình tôi rất khó khăn, không biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi nên năng suất rất kém. Từ khi được xã giới thiệu mô hình sản xuất phù hợp, được tập huấn, tôi về trồng lúa, nuôi dê. Nhờ vậy, kinh tế gia đình đã ổn định, con cái được đến trường”. Trong căn nhà sàn rộng khoảng 200 m2 với đầy đủ tiện nghi, ông Anep cũng không giấu được niềm vui trước sự thay đổi của quê hương mình. “Địa phương mình ngày càng phát triển, có đường bê tông sạch đẹp dẫn về tận ngõ, tụi nhỏ được đến trường đầy đủ, sức khỏe dân làng cũng được đội ngũ y-bác sĩ tại Trạm Y tế xã quan tâm chăm sóc”-ông Anep phấn khởi nói.
Tuy nhiên, xã Đak Tơ Pang hiện còn gặp nhiều khó khăn trong việc nâng cao thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, các công trình thủy lợi chưa phát huy tác dụng… Ông Đinh Hyách-Bí thư Đảng ủy xã Đak Tơ Pang-cho biết: Xác định sản xuất nông nghiệp là thế mạnh, thời gian tới, xã chú trọng hướng dẫn người dân chuyển đổi các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương; sử dụng hiệu quả công trình thủy lợi làng Brăng để sản xuất lúa nước. Tiếp tục tập trung các nguồn lực, phấn đấu đến cuối năm 2019 xã đạt thêm 2 tiêu chí nông thôn mới (đạt 12/19 tiêu chí); tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 6%, từng bước nâng cao thu nhập, đời sống của người dân.
 NGỌC THU

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.