“Ngày làm việc tốt”: Lan tỏa giá trị nhân văn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Ngày làm việc tốt” (Good Deeds Day) là sự kiện do Trung tâm Tình nguyện Quốc gia tổ chức vào tháng 4 hàng năm nhằm lan tỏa những giá trị nhân văn trong cộng đồng.

Hưởng ứng sự kiện này, một số câu lạc bộ (CLB), đội, nhóm tình nguyện (thuộc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia) trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa với phương châm “Bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu, bất kỳ thời điểm nào đều có thể làm việc tốt”.

Được thông báo về chương trình “Ngày làm việc tốt” do nhóm từ thiện Chư Prông tổ chức vào sáng 12-4, 60 người dân và học sinh xã Ia Kly (huyện Chư Prông) đã tập trung về hội trường UBND xã từ sớm. Tại chương trình, nhóm từ thiện Chư Prông phối hợp với Công ty Đông Phương tặng 20 suất quà (300 ngàn đồng/suất) cho các em học sinh và 40 suất quà (500 ngàn đồng/suất) cho các hộ gia đình khó khăn ở xã Ia Kly.

z6503809696243-67e607a7736c63d53fe26f3563c03be2.jpg
Tại chương trình “Ngày làm việc tốt”, nhóm từ thiện Chư Prông tặng quà cho thiếu nhi khó khăn ở xã Ia Kly. Ảnh: M.N

Đón nhận phần quà ý nghĩa từ nhóm từ thiện, bà Siu Nhúit (làng Klă) bày tỏ: “Mình rất vui khi được nhận quà của nhóm từ thiện. Các thành viên của nhóm động viên bà con mình chăm chỉ làm ăn để vươn lên thoát nghèo. Mình mong nhóm có thêm nhiều chương trình dành cho bà con khó khăn trong thời gian tới”.

Ngoài tặng quà cho học sinh và người dân xã Ia Kly, nhóm từ thiện Chư Prông còn đến thăm, tặng quà cho 29 học sinh thuộc Dự án Hy vọng, mỗi em được nhận 1 suất quà trị giá 1 triệu đồng. Nói về chương trình hưởng ứng “Ngày làm việc tốt”, anh Nguyễn Đắc Kiên Bình-Trưởng nhóm từ thiện Chư Prông-cho hay: Nhóm từ thiện chọn tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày làm việc tốt” nhằm lan tỏa những giá trị nhân văn đến với cộng đồng. Những phần quà tuy có giá trị không lớn, nhưng là tấm lòng của nhóm và các nhà hảo tâm với hy vọng chia sẻ yêu thương, động viên người dân, học sinh nỗ lực vượt qua khó khăn.

Hưởng ứng “Ngày làm việc tốt”, CLB Tình nguyện viên máu nóng Ia Grai đã phối hợp với chùa Vạn Phật phát 100 suất cơm và sữa miễn phí cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện. Trong trang phục có logo “Good Deeds Day” do Trung tâm Tình nguyện Quốc gia cung cấp, ngày 12-4, các tình nguyện viên của CLB tập trung về chùa Vạn Phật để phụ sơ chế các loại nấm, rau củ và thực phẩm chay…

Sau khi đóng hộp cơm, các tình nguyện viên di chuyển đến Trung tâm Y tế huyện Ia Grai để phát cơm cho bệnh nhân, mỗi hộp cơm đều được phát kèm 1 hộp sữa.

Chị Ngô Thị Loan-Chủ nhiệm CLB Tình nguyện viên máu nóng Ia Grai-cho biết: Hoạt động nấu cơm được CLB duy trì hàng tháng. Đây không chỉ là việc làm thiện nguyện mà còn là tình thương đối với những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Các tình nguyện viên của CLB luôn chủ động sắp xếp thời gian, tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần để tham gia hoạt động thiện nguyện. Bà con vui vẻ đón nhận phần cơm, các tình nguyện viên cũng vui lây vì thấy việc mình làm ý nghĩa.

2.jpg
Thành viên Câu lạc bộ tình nguyện viên Máu nóng Gia Lai tặng suất cơm miễn phí cho bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Ia Grai. Ảnh: Minh Nhật

Trong khi đó, CLB Lửa hồng Tây Nguyên lựa chọn tổ chức hoạt động “Nuôi em vùng cao” để hưởng ứng “Ngày làm việc tốt”. Các thành viên của CLB chuẩn bị các nhu yếu phẩm như: mì tôm, gạo, nước mắm, dầu ăn, bánh kẹo, sách vở để đến thăm 4 con nuôi: Đinh Thong (Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa); Rah Lan H’Riu (làng Đăk Chá, xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa); 2 chị em ruột: Nguyễn Thị Thanh Huyền và Nguyễn Thị Thu Trang (thôn 1, xã Kim Tân, huyện Ia Pa). Các em đều có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi và đang được CLB nhận đỡ đầu hàng tháng.

Đến thăm các em, các thành viên của CLB hỗ trợ dọn vệ sinh nhà cửa; kiểm tra tình hình học tập, tặng quà và động viên các em vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống. “Em rất vui khi được phần quà mà các cô, chú trao tặng. Em sẽ sử dụng số tiền này để mua sắm dụng cụ phục vụ học tập”-em Thong tâm sự.

Chị Lê Thị Sửu-Chủ nhiệm CLB Lửa hồng Tây Nguyên-chia sẻ: Mỗi việc làm tốt, dù lớn hay nhỏ đều ý nghĩa. Ngày làm việc tốt là dịp để mọi người cùng nhìn nhận lại và tiếp tục hành động, lan tỏa những điều tốt đẹp để tạo nên một cộng đồng ấm áp tình yêu thương.

“Good Deeds Day” là sự kiện thường niên hướng tới những giá trị nhân văn, diễn ra suốt 18 năm qua ở khắp nơi trên thế giới. Tại Việt Nam, “Ngày làm việc tốt” được Trung tâm Tình nguyện Quốc gia khởi xướng từ năm 2017 đến nay. Năm 2025, “Ngày làm việc tốt” được phát động cao điểm vào ngày 6-4 và triển khai hoạt động hưởng ứng trong tháng 4.

Một số CLB, đội, nhóm tình nguyện trên địa bàn tỉnh đã có hoạt động hưởng ứng như: CLB Tấm lòng vàng An Khê tặng 5 suất quà cho 5 người khuyết tật, 80 suất quà cho phụ nữ, 100 suất quà cho thiếu nhi ở làng Đê Chơ Gang (xã Phú An, huyện Đak Pơ); CLB Cơm từ thiện Pleiku tặng 300 suất cháo và bánh mì cho bệnh nhân tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Tâm thần kinh tỉnh…

Trao đổi với P.V, chị Lý Thị Hồng Trị-Trưởng ban Thường trực Mạng lưới Tình nguyện Quốc gia khu vực Tây Nguyên-thông tin: Trung tâm Tình nguyện Quốc gia yêu cầu các CLB, đội, nhóm tình nguyện trực thuộc tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày làm việc tốt” tùy theo khả năng để có những hoạt động khác nhau. Những việc làm tốt mỗi giờ, mỗi ngày góp phần lan tỏa, tạo cảm hứng cho nhiều người làm theo, để tất cả các ngày trong năm đều là “ngày làm việc tốt”.

Có thể bạn quan tâm

Phóng viên trẻ Gen Z đã và đang hướng bản thân trở thành người làm báo đa năng (ảnh nhân vật cung cấp).

Phóng viên gen Z “kể chuyện” bằng đa ngôn ngữ

(GLO)- Trong dòng chảy sôi động của báo chí đương đại, một thế hệ nhà báo mới đang từng bước khẳng định mình bằng sự linh hoạt, nhạy bén và sáng tạo. Họ là những người làm báo thế hệ gen Z trưởng thành giữa làn sóng công nghệ và có thể “kể chuyện” với đa ngôn ngữ trên nhiều nền tảng.

Gen Z lan tỏa lối sống tích cực

Gen Z lan tỏa lối sống tích cực

(GLO)- Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, giới trẻ đã thể hiện sự năng động, sáng tạo qua các nền tảng như Vlog, TikTok, podcast... Không chỉ là trào lưu mạng xã hội, xu hướng này phản ánh cách giới trẻ tiếp cận công nghệ, thể hiện bản thân và kết nối với cộng đồng.

Người trẻ đột phá công nghệ, vươn mình vào kỷ nguyên mới

Người trẻ đột phá công nghệ, vươn mình vào kỷ nguyên mới

Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là kỷ nguyên đột phá trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đưa quốc gia, dân tộc lên một tầm cao mới, tiến cùng thời đại. Nhận thức rõ vai trò và sứ mệnh của mình, người trẻ đã tiên phong đột phá công nghệ để cùng đất nước vươn mình, phát triển.

Pleiku: Sôi nổi Talkshow “Cùng tiếng Anh bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”

Pleiku: Sôi nổi Talkshow “Cùng tiếng Anh bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”

(GLO)- Ngày 31-5, tại Trường Liên cấp Sao Việt (TP. Pleiku), Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức chương trình Talkshow với chủ đề “Cùng tiếng Anh bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động của Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2025.

Dấu ấn trí thức trẻ tình nguyện

Dấu ấn trí thức trẻ tình nguyện

(GLO)- Từ bỏ cơ hội có thu nhập cao và việc làm ổn định ở các thành phố lớn, nhiều trí thức trẻ đã tình nguyện đăng ký đến công tác tại các khu kinh tế-quốc phòng của Binh đoàn 15 và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đơn vị cũng như ở địa phương nơi công tác.