*146 hồ chứa có nguy cơ mất an toàn
Chiều 2-8, bão số 5 đã mạnh thêm 2 cấp so với một ngày trước đó, mạnh tới cấp 10-cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km/giờ), giật cấp 12-cấp 13. Ông Lê Thanh Hải-Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, cho biết tối cùng ngày, bão đã vượt qua đảo Hải Nam (Trung Quốc) vào vịnh Bắc bộ.
Bản đồ dự báo đường đi của bão số 5. |
Sáng 3-8, bão sẽ áp sát bờ biển các tỉnh Quảng Ninh-Nam Định, cường độ giảm 1-2 cấp. Khoảng trưa, chiều 3-8, bão sẽ đổ bộ vào các tỉnh Bắc bộ với cường độ mạnh cấp 8. Bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến một vùng rộng lớn từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, trong đó Quảng Ninh-Thái Bình là khu vực trọng tâm bão đổ bộ. Bão sẽ gây ra một đợt mưa to và rất to, lượng mưa phổ biến trong khoảng 100 mm-400 mm. Các tỉnh vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất.
Từ sáng sớm 3-8, các tỉnh ven biển phía đông Bắc bộ gió sẽ mạnh dần lên cấp 6-cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8-cấp 9, giật cấp 10-cấp 11. “Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định đặc biệt lưu ý tình huống nước biển dâng cao do mưa to gió lớn kết hợp với thủy triều dâng cao 3 mét-5 mét”-ông Hải cảnh báo.
Báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo Phòng-chống lụt bão Trung ương sáng 2-8 cho biết, có tới 146 hồ chứa trong tổng số 3.171 hồ chứa các loại tại Bắc bộ có nguy cơ không đảm bảo an toàn khi có mưa lũ do bị hư hỏng đập chính, tràn xả lũ hoặc cống lấy nước. Một số hồ chứa tràn xả lũ như Khe Chè (Quảng Ninh), Xạ Hương (Vĩnh Phúc)... không đủ năng lực thoát lũ nên khi có mưa to sẽ bị nguy hiểm. Các hồ Từ Hiếu (Yên Bái); Ngòi Là, Tam Tinh (Tuyên Quang); Bản Bang (Điện Biên); Trại Lốc 2, Khe Chè, Đồng Đò 2 (Quảng Ninh); Xạ Hương, Suối Sải, Bò Lạc (Vĩnh Phúc); Trại Muối, Hố Cao (Bắc Giang); Khuổi Chủ, Bản Cưởm, Khuôn Pinh, Cao Lan (Lạng Sơn); Tông Lệnh, Sài Lương, Vưng (Hòa Bình)... cần quan tâm bố trí lực lượng, vật tư và chỉ đạo để đảm bảo an toàn ngay trong bão.
Ban Chỉ đạo Phòng-chống lụt bão Trung ương đã có công điện khẩn yêu cầu các tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang và Quảng Ninh chỉ đạo các chủ hồ tổ chức trực ban, theo dõi mực nước và lưu lượng về hồ và tuần tra, canh gác, đồng thời sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để xử lý ngay từ giờ đầu nếu có tình huống nguy cấp xảy ra.
Các địa phương nêu trên cũng phải rà soát phương án chống lũ, lụt, đảm bảo an toàn hạ du sát thực tế, đặc biệt là phương án sơ tán dân trong tình huống khẩn cấp.
M.Thi (tổng hợp)