Ngành ngân hàng 'sửa mình' để ngày càng tốt hơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một số vụ việc “mất tiền” diễn ra trong thời gian ngắn vừa qua khiến người dân lo ngại về những rủi ro có thể xảy ra cho chính mình khi gửi tiền vào ngân hàng.

Có thể kể đến như vụ Eximbank đòi khoản nợ thẻ tín dụng từ 8,5 triệu đồng thành khoản nợ 8,8 tỷ đồng sau 11 năm, sau đó đến việc 8 khách hàng gửi tiền tại MSB bị “bốc hơi” 338 tỷ đồng. Hay chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu bị mất 500 triệu đồng trong tài khoản; Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai bị lừa mất hơn 170 tỷ đồng...

Vụ “bốc hơi” 338 tỷ đồng của 8 khách hàng tại MSB đã được xác định là do nhân viên của chính ngân hàng “ra tay”. Công an TP Hà Nội đã khởi tố, bắt tạm giam bà Bùi Thị Hoài Anh, Giám đốc Trung tâm Khách hàng cá nhân MSB chi nhánh Thanh Xuân, về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Việc khách hàng mất tiền có liên quan đến cán bộ ngân hàng là thiệt hại trực diện về niềm tin đối với sự an toàn của ngân hàng.

Trong khi đó, vụ thu nợ 8,8 tỷ đồng đã có sự vào cuộc của cơ quan quản lý Nhà nước, Eximbank không thu khoản lãi này; đồng thời không còn tính phí đối với các tài khoản, thẻ “ngủ đông”.

Tuy nhiên, trước sự việc này, nhiều người đã kiểm tra, rà soát thông tin và phát hiện mình “bỗng dưng” mắc nợ ngân hàng từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng tiền phí dù tài khoản và thẻ không sử dụng từ rất lâu.

Thành thử sau vụ việc trên, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng phải minh bạch các loại phí, lãi suất, phương pháp tính lãi, đặc biệt là với thẻ tín dụng; đồng thời cung cấp đầy đủ thông tin và có biện pháp đảm bảo khách hàng đã nắm được các thông tin về quyền và nghĩa vụ của mình.

Đây được cho là sự chỉ đạo quan trọng vì trên thực tế, nhiều nhân viên ngân hàng “ép” người vay vốn mở thẻ để đạt chỉ tiêu nhưng tư vấn qua loa, khiến khách hàng phải mở thẻ dù không có nhu cầu, hoặc không biết rõ các loại phí và lãi suất của dịch vụ thẻ.

Tất nhiên, trong cuộc sống thường nhật, hệ thống ngân hàng vẫn đóng vai trò huyết mạch của nền kinh tế, là nơi hút tiền gửi và cũng là nơi cho vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, sinh hoạt xã hội. Ngoài việc tuân thủ pháp luật thì yếu tố quan trọng trong kinh doanh ngân hàng chính là chữ tín.

Câu hỏi đặt ra là liệu hệ thống ngân hàng có đảm bảo quy trình giao dịch an toàn và được giám sát nghiêm ngặt, tuân thủ từ phía nhân viên hay không? Theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước nên xem lại quy trình, vì khi vay tiền ngân hàng luôn có hợp đồng bảo vệ chặt chẽ, nhưng khi gửi tiền thì hầu như chưa có điều khoản bảo vệ quyền lợi người gửi tiền; nếu tranh chấp xảy ra, người gửi tiền luôn ở thế yếu.

Do đó, cần tăng cường tính bảo mật, bổ sung điều khoản bảo vệ khách hàng, qua đó củng cố niềm tin của công chúng. Tại các ngân hàng ở một số nước tiên tiến, người gửi tiền trong ngân hàng bị mất do lỗi của cán bộ ngân hàng, ngân hàng có trách nhiệm trả tiền cho khách và chỉ cần 3 ngày, phía ngân hàng phải có phương án xử lý.

Mong rằng, những sự việc đáng tiếc kể trên chỉ là “sự cố”, sẽ không lập lại trong tương lai. Có như vậy thì người dân mới tích cực hưởng ứng việc Chính phủ và ngành ngân hàng đang nỗ lực đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy kinh tế số.

Lòng tin của khách hàng và uy tín của ngân hàng là hai yếu tố hỗ tương nhau để mang đến một quan hệ tốt đẹp và đôi bên cùng phát triển, “sức khỏe” nền kinh tế được bảo đảm.

Các ngân hàng khác cũng nên coi đây là kinh nghiệm quý báu, từ đó hoàn thiện các chính sách của mình để nâng cao tính bảo mật và minh bạch. Đặc biệt, hiện nay với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, ngành ngân hàng phải liên tục cập nhật, ứng dụng những “lá chắn” tốt nhất để bảo vệ hoạt động của mình cũng chính là bảo vệ khách hàng, bảo vệ chữ tín trong kinh doanh.

Cùng với đó, Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 1-7-2024, mong rằng các văn bản hướng dẫn thực hiện sẽ kịp thời cập nhật, bổ sung các quy định để bịt những “lỗ hổng”, góp phần giảm thiểu rủi ro đáng kể cho khách hàng và bảo đảm sự an toàn trong việc vận hành của ngành ngân hàng ngày càng tốt hơn.

Có thể bạn quan tâm

Xe dù chui lọt lỗ kim

Xe dù chui lọt lỗ kim

Những năm qua, lực lượng chức năng cũng như các ban ngành hữu trách đã đề ra một số biện pháp nhằm dẹp bỏ loại 'xe dù, bến cóc', nhất là tại khu vực trung tâm, thì căn bệnh trầm kha này lại 'di căn' ra đến khu vực đường dẫn cao tốc.

Số hóa toàn diện, tinh gọn bộ máy

Số hóa toàn diện, tinh gọn bộ máy

Khi gợi mở các định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư Tô Lâm không ít lần khẳng định phải xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao.

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Dù chưa có những quy định cụ thể về tài sản kỹ thuật số nhưng công nghệ số liên quan thì chúng ta không cấm. Tình trạng không cấm nhưng không quản tiền số không chỉ lãng phí một khoản không nhỏ cho ngân sách, mà còn gây nhiều hệ lụy cho đời sống người dân suốt mấy năm qua.

Tạo xung lực mới cho phát triển

Tạo xung lực mới cho phát triển

Cải cách bộ máy hành chính nhà nước sao cho tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là vấn đề đã được Đảng quan tâm rất nhiều và rất sớm, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VI vào năm 1986. Nhưng cũng phải bắt đầu từ năm 1994, công cuộc cải cách này mới được triển khai với quy mô lớn.