(GLO)- Tháng Hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2019 có chủ đề “Tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”. Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, để giảm thiểu những sự cố đáng tiếc, quan trọng nhất vẫn là sự chủ động phòng ngừa của chính người lao động tại nơi làm việc.
Lao động là hoạt động quan trọng nhất để tạo ra của cải vật chất và các giá trị tinh thần cho xã hội; lao động có năng suất, chất lượng, hiệu quả là yếu tố quyết định sự phát triển của mọi hình thái xã hội. Điều này không thể tách rời với cách thức lao động an toàn và môi trường lao động trong lành. Chính vì lẽ đó, pháp luật đã quy định quyền và nghĩa vụ của các mối quan hệ trong sản xuất, trong đó có quyền và trách nhiệm về ATVSLĐ nhằm bảo vệ con người, bảo vệ nguồn nhân lực-chủ thể và động lực của mọi hoạt động xã hội. Vì vậy, việc chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật về ATVSLĐ của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người lao động cần được quan tâm, thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả.
Theo thống kê, từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh Gia Lai đã xảy ra 11 vụ tai nạn lao động, làm 9 người chết, bị thương 2 người. Điều kiện làm việc chưa đảm bảo, người sử dụng lao động và người lao động thiếu kỹ năng, kiến thức trong việc đánh giá, nhận diện các nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ... là những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn lao động thương tâm. Vì vậy, việc lựa chọn chủ đề của Tháng Hành động năm nay là “Tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc” là rất cần thiết.
Công nhân chế biến gỗ cao su có nguy cơ rủi ro cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Ảnh: Đ.Y |
Tháng Hành động về ATVSLĐ diễn ra từ ngày 1 đến 31-5 nhằm thúc đẩy các chương trình hành động cụ thể trong các doanh nghiệp, cơ sở; cải thiện điều kiện lao động; tăng cường công tác tự kiểm tra, rà soát các nội dung, quy trình bảo đảm ATVSLĐ, kỹ năng đánh giá các yếu tố nguy hiểm, có hại, các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc. Hội đồng ATVSLĐ tỉnh đề nghị các cấp, ngành, địa phương, người sử dụng lao động, người lao động nỗ lực và tích cực hơn nữa trong việc đề xuất và triển khai đồng bộ các giải pháp về quản lý, điều hành; các giải pháp về kinh tế, kỹ thuật, tổ chức lao động nhằm hạn chế mức thấp nhất các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Chúng ta không vì mục tiêu kinh tế mà đánh đổi sức khỏe, tính mạng và sự an toàn của người lao động. Phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo vệ môi trường, sức khỏe và tính mạng của người lao động.
Để triển khai hiệu quả Tháng Hành động về ATVSLĐ, các cấp chính quyền, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp và người lao động cần tập trung thực hiện và hưởng ứng một số nội dung trọng tâm.
Thứ nhất, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần triển khai sâu rộng và đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATVSLĐ để làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của doanh nghiệp và người lao động.
Thứ hai, tổ chức các hoạt động cụ thể, thiết thực hưởng ứng Tháng Hành động về ATVSLĐ gắn với các hoạt động của Tháng Công nhân và hướng về doanh nghiệp, người lao động nhằm tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc.
Thứ ba, tập trung đầu tư xây dựng các giải pháp, mô hình điển hình đảm bảo an toàn, phòng-chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cải thiện điều kiện lao động để nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.
Thứ tư, hàng năm xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch ATVSLĐ; đối với những công việc phát sinh trong năm thì được bổ sung nội dung phù hợp với kế hoạch ATVSLĐ và chấp hành các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc. Xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn ATVSLĐ cho tất cả các đối tượng người lao động theo quy định của pháp luật; không bố trí người lao động chưa được tập huấn ATVSLĐ vào làm việc tại đơn vị.
Thứ năm, thực hiện công khai, minh bạch trong việc kiểm định máy, thiết bị, vật tư với yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; xây dựng nội quy, quy trình vận hành an toàn lao động theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định của Nhà nước. Trang bị đầy đủ phương tiện cá nhân và thực hiện đúng, đủ chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động theo quy định của pháp luật. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định nội dung, biện pháp ATVSLĐ; phối hợp với Công đoàn cơ sở xây dựng và duy trì sự hoạt động của mạng lưới an toàn-vệ sinh viên tại các doanh nghiệp. Tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo tiêu chuẩn, chế độ quy định của pháp luật. Hướng dẫn, yêu cầu người lao động chấp hành, tuân thủ các quy định, nội quy ATVSLĐ liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao.
Thứ sáu, bố trí cán bộ theo dõi công tác ATVSLĐ tại địa phương, doanh nghiệp; thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, nhân sự làm công tác ATVSLĐ trong các đơn vị, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng và có thêm nguồn lực để triển khai các hoạt động về ATVSLĐ.
Sáng 8-5, tại Trung tâm Thương mại huyện Đak Đoa, Hội đồng ATVSLĐ tỉnh tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Tháng Hành động về ATVSLĐ toàn tỉnh năm 2019. Hy vọng rằng, với sự quan tâm của tỉnh trong công tác chỉ đạo và sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, địa phương, doanh nghiệp cùng nhiều hoạt động như: tổ chức chương trình tập huấn, đối thoại giữa Hội đồng ATVSLĐ với các cấp chính quyền, địa phương, doanh nghiệp về việc triển khai công tác ATVSLĐ; Hội thảo các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động trong thời gian tới; các doanh nghiệp tổ chức tập huấn ATVSLĐ cho người lao động, chú trọng đến các hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát, phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, có hại tại doanh nghiệp, phòng ngừa tai nạn lao động... sẽ góp phần tích cực ngăn ngừa nguy cơ rủi ro tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại nơi làm việc.
TRẦN THỊ HOÀI THANH
Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội,
Chủ tịch Hội đồng An toàn, vệ sinh lao động tỉnh