Ngăn chặn, trấn áp tội phạm đường phố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mỗi ngày, những cán bộ chiến sĩ công an 'chìm', cùng các tổ 363 Công an TP.HCM vẫn đang miệt mài ngăn chặn, đấu tranh với loại tội phạm cướp giật, trộm cắp tài sản, tàng trữ, vận chuyển trái phép ma túy… 
Các loại tội phạm đường phố như: cướp giật, trộm cắp tài sản, tàng trữ, vận chuyển trái phép ma túy… vẫn thường tái diễn trên địa bàn TP.HCM. Ít ai biết rằng, mỗi ngày, những cán bộ chiến sĩ công an “chìm”, cùng các tổ 363 Công an TP.HCM vẫn đang miệt mài ngăn chặn, đấu tranh với loại tội phạm này.
Nhiều đêm tháng 3.2022, PV Thanh Niên theo chân tổ Cảnh sát hình sự đặc nhiệm (CSHSĐN) Công an Q.3 (TP.HCM) để tuần tra, kiểm soát, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Tổ cảnh sát tỏa ra các tuyến phố để lùng các đối tượng phạm tội, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Giáp mặt những kẻ cộm cán
Từ trụ sở Công an Q.3 (đường Cách Mạng Tháng 8), tổ công tác di chuyển qua các tuyến đường: Nguyễn Thị Minh Khai, Điện Biên Phủ, Hoàng Sa, Trường Sa, Hai Bà Trưng, Nguyễn Đình Chiểu… để kiểm tra hành chính những đối tượng nghi vấn.
Các CSHSĐN mặc thường phục xé lẻ khi di chuyển trên đường. Khi phát hiện đối tượng nghi vấn sẽ lập tức truy đuổi, áp sát để kiểm tra hành chính. Cũng có khi tổ công tác sẽ âm thầm, nhẫn nại đeo bám, đợi lúc đối tượng ra tay cướp giật tài sản để bắt quả tang. “Phải tùy cơ ứng biến nhưng nếu phát hiện nghi vấn, chúng tôi sẽ chủ động áp sát để kiểm tra hành chính. Nếu đối tượng đang đi “ăn hàng” thì coi như mình ngăn chặn, phòng chống tội phạm ngay từ đầu”, CSHSĐN tên P. chia sẻ.
 
Tổ cảnh sát hình sự Công an Q.3 kiểm tra hành chính đối tượng nghi vấn trên đường Cách Mạng Tháng 8. Ảnh: Trác Rin
Tổ cảnh sát hình sự Công an Q.3 kiểm tra hành chính đối tượng nghi vấn trên đường Cách Mạng Tháng 8. Ảnh: Trác Rin
Các đối tượng bị kiểm tra hành chính hầu hết đều… từng đi tù, nhiều nhất là tội cướp giật tài sản. Đáng chú ý, các đối tượng “ăn hàng” cũng nhiều lần phát hiện bị cảnh sát “chìm” đeo bám nên không ít lần, các trinh sát mất dấu, hoặc chưa kịp áp sát là các đối tượng đã tháo chạy, thoát khỏi tầm kiểm soát. “Đối phó các đối tượng tội phạm đường phố thật sự rất gian nan. Đường sá đông người nên mọi hành động đều phải nghĩ tới an nguy của người dân. Các đối tượng cộm cán lại thường ma mãnh sau những lần xộ khám, nên hành trình tuần tra mỗi ngày của chúng tôi chẳng khác gì “cuộc chiến” âm thầm trên đường phố”, một cán bộ nói.
Một đêm tháng 3, khi tổ công tác vừa qua vòng xoay ngã sáu Dân Chủ (Q.3), đến giao lộ Nguyễn Thượng Hiền - Điện Biên Phủ thì phát hiện nam thanh niên tên Th. (27 tuổi, ngụ Q.10), đi xe “độ”, cùng những hình xăm chi chít ở tay chân, tổ công tác lập tức áp sát. “Em mới đi tù về từ 2019, từng “rớt” (bị công an bắt - PV) một lần khi giật điện thoại ở Q.10. Hiện em phụ ông anh làm nghề… cho vay tiền góp để kiếm sống”, Th. nói. Không xuất trình được giấy tờ xe, Th. được tổ công tác đưa về trụ sở Công an P.4 (Q.3) để tiếp tục xác minh làm rõ.
Rạng sáng 7.3, khi đang di chuyển trên đường Trần Văn Đang hướng ra đường Cách Mạng Tháng 8, tổ công tác phát hiện đôi nam, nữ không đội mũ bảo hiểm, đi xe máy lạng lách nên tăng tốc áp sát. Phát hiện công an, nam thanh niên lái xe bỏ chạy.
Có lúc, một CSHSĐN phải nổ súng chỉ thiên nhưng đối tượng vẫn ngoan cố không chấp hành. Tuy nhiên, sau vài phút truy đuổi, nhóm CSHSĐN đã ép xe đối tượng tại một con hẻm trên đường Cách Mạng Tháng 8. “Cảnh sát hình sự đây, yêu cầu hợp tác, nếu không chúng tôi sẽ mời về trụ sở làm việc!”, CSHSĐN tên T. cảnh báo. Nam thanh niên cầm lái tên T.V.D.H (29 tuổi, ngụ Q.10) la lớn: “Tụi em có biết bọn anh là ai đâu. Tưởng các anh là giang hồ đuổi đánh nên mới bỏ chạy”. Đáng chú ý, H. tiết lộ bản thân mới đi tù về mới 4 tháng nay. “Năm 2009 em cướp giật điện thoại bị Công an Q.10 bắt, năm 2010 ra tù. Đến năm 2011, em tiếp tục cướp giật tài sản, bị bắt và đi tù đến cuối năm 2021…”, H. nói. Nam thanh niên này không xuất trình được các giấy tờ liên quan, nên được đưa về trụ sở Công an P.11 (Q.3) để tiếp tục đấu tranh làm rõ.
“Không hẳn mỗi lần chúng tôi kiểm tra hành chính sẽ phát hiện tang vật (tang vật cướp giật hoặc các loại chất cấm). Tuy vậy, những thành phần bất hảo bị kiểm tra đều được chúng tôi lưu lại hình ảnh, vừa răn đe, vừa làm tư tưởng ngay từ đầu để họ “quay đầu là bờ” nếu có ý định phạm tội”, CSHSĐN tên T. chia sẻ.
 
Số hung khí thu được trong cốp xe của đối tượng nghi vấn - người từng 3 lần đi tù vì tội cướp giật tài sản
Số hung khí thu được trong cốp xe của đối tượng nghi vấn - người từng 3 lần đi tù vì tội cướp giật tài sản
Căng mình tuần tra trong ngày lễ
Đêm 8.3, rất đông người dân đổ về khu vực trung tâm TP.HCM vui chơi, dạo phố nhân ngày Quốc tế phụ nữ. Quanh khu vực nhà thờ Tân Định (đường Hai Bà Trưng, P.8, Q.3), nhiều bạn trẻ ngồi dọc các hàng quán ven đường để ăn uống. Một số khách du lịch đang tản mát quanh nhà thờ. Nhận định các đối tượng cướp giật dễ trà trộn vào dòng phương tiện đông đúc để ra tay cướp giật tài sản, tổ CSHSĐN nhiều lần di chuyển trên tuyến đường này để lùng các đối tượng.
Khoảng 22 giờ 30 cùng ngày, khi di chuyển trên đường Hai Bà Trưng hướng ra công viên Lê Văn Tám, CSHSĐN tên Tr. và Th. bỗng quay đầu xe chạy ngược lại. Rất nhanh chóng, các thành viên trong tổ cũng quay đầu xe, chạy theo đồng đội hướng về Q.Phú Nhuận. “Nhóm đối tượng đi trên 2 xe máy, một chiếc không gắn biển số…”, CSHSĐN tên Th. chỉ kịp nói hết câu đã mất hút và đuổi theo nhóm đối tượng nghi vấn. Tuy nhiên, nhóm đối tượng đã nhanh chân “đá” số, kéo ga chạy về hướng Q.Phú Nhuận tẩu thoát. “Việc truy đuổi thành công hay thất bại chỉ quyết định trong chớp mắt vài giây. Tuy nhiên, coi như mình răn đe, đẩy đuổi, dập tắt ý định gây án của các đối tượng”, anh P., CSHSĐN lúc này đang chở PV Thanh Niên, chia sẻ.
Sau đó, tổ công tác tiếp tục tuần tra trên đường Bà Huyện Thanh Quan, Võ Văn Tần, Lê Quý Đôn… “Hay chúng ta chốt trên đường Lê Quý Đôn (đoạn gần giao lộ Lê Quý Đôn - Ngô Thời Nhiệm, P.Võ Thị Sáu, Q.3). Mấy quán nhậu gần đây rất có thể là nơi tụi cướp giật nhắm đến”, CSHSĐN tên Tr. đề xuất. Ngay sau đó, tổ công tác xé lẻ đội hình, tấp vào lề đường để chốt. Lúc này, tiếng nhạc xập xình của một nhà hàng trên đường Lê Quý Đôn vang lên không ngớt. Kế đó, một quán bar trên đường Ngô Thời Nhiệm tấp nập người ra kẻ vào. Đáng chú ý, những chiếc điện thoại khách chơi đêm cầm trên tay, hoặc chiếc túi xách hàng hiệu như những “miếng mồi ngon” cho các đối tượng tội phạm đường phố nhắm đến… Gần 1 giờ trôi qua và theo ghi nhận là tình hình vẫn im ắng, tổ công tác tiếp tục tuần tra di động.
 
Cảnh sát hình sự Công an Q.3 kiểm tra 2 thanh thiếu niên nghi vấn đi xe “độ”
Cảnh sát hình sự Công an Q.3 kiểm tra 2 thanh thiếu niên nghi vấn đi xe “độ”
Sa lưới
Mới đây, khi đang tuần tra trên đường Cao Thắng, tổ CSHSĐN Công an Q.3 phát hiện P.T.B (36 tuổi, ngụ Q.10), chạy xe máy Vario BS 60B2-733xx với nhiều biểu hiện nghi vấn nên lập tức truy đuổi. Sau khi áp sát đối tượng, tổ công tác đưa về trụ sở Công an P.2 (Q.3) để đấu tranh làm rõ. Đáng chú ý, B. có tới… 3 tiền án về tội cướp giật tài sản, mới nhất là năm 2018, B. bị Công an Q.8 bắt giữ và xộ khám tới năm 2021. Kiểm tra cốp xe máy của B., tổ công tác còn phát hiện nhiều hung khí như: rìu, dao… “Đây là đối tượng cộm cán, lúc nào cũng thủ hung khí, sẵn sàng thanh toán khi có mâu thuẫn với người khác”, CSHSĐN tên Th. nói.
Ngày 9.3, trong quá trình tuần tra, tổ CSHSĐN Công an Q.3 bất ngờ phát hiện Nguyễn Trọng Duy (19 tuổi, ngụ Q.Tân Bình; Duy là đồng bọn trong băng nhóm cướp giật tài sản đang bị Công an Q.3 truy tìm), nên lập tức áp sát khống chế, dẫn giải về trụ sở. Sau đó, Công an Q.3 bắt giữ đồng bọn của Duy là T.V.H (15 tuổi, ngụ Q.Tân Phú). Trước đó, chiều 8.3, Đ.T.K và B.V.L (cùng 17 tuổi, ngụ Q.Tân Phú) cướp giật chiếc điện thoại của chị H.M.P (21 tuổi, ngụ Q.3) tại một địa chỉ trên đường Trần Quang Diệu (P.13, Q.3). Cả 2 đã bị tổ CSHSĐN Công an Q.10 theo dõi trước đó, nên sau khi gây án đã bị tổ trinh sát bắt giữ. Sau đó, Công an Q.10 bàn giao K. và L. cho Công an Q.3 tiếp tục mở rộng điều tra, truy xét các thành viên còn lại trong băng cướp giật. “Cả 4 đối tượng rủ nhau đi “ăn hàng” nhưng chỉ 2 người bị bắt giữ, còn lại chạy thoát. Khi chúng tôi tuần tra, phát hiện Duy đang đậu xe máy hút thuốc bên vỉa hè, nên áp sát khống chế”, CSHSĐN D. kể và cho biết thêm, chiếc điện thoại tang vật trị giá gần 20 triệu đồng đã được công an thu hồi, trao trả lại cho chị P.
(còn tiếp)
Theo Trác Rin (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Lời ru chim yến…

Lời ru chim yến…

Tôi vẫn tin một quy luật mặc định với những ai có cuộc sống gắn với tồn sinh của tự nhiên, rằng không quý không yêu, không trân trọng tử tế với thiên nhiên, thì cái giá trả không rẻ.
'Bông hồng thép' Diệu Linh

'Bông hồng thép' Diệu Linh

Chị Nguyễn Thị Diệu Linh, SN 1983, hiện đang làm Quản lý Chương trình NPA tại tỉnh Quảng Trị đã có những đóng góp không nhỏ trong việc giảm thiểu tai nạn thương tích do bom mìn.

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Nuôi chim săn mồi, huấn luyện chúng trở thành những “chúa tể” bầu trời là sở thích của nhiều người. Thú chơi này nở rộ từ sau Tết Nguyên đán cho tới tháng 5, được các tay buôn lùng sục khắp nơi tìm nguồn. 
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

Sau 70 năm giải phóng, mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng có rất nhiều thay đổi đáng tự hào trên. Để làm rõ hơn kết quả đạt được của Điện Biên trong 70 năm qua và định hướng sắp tới, phóng viên Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Lê Thành Đô - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên.
Tiếng kèn địch vận trên đồi C1

Tiếng kèn địch vận trên đồi C1

Ký ức xưa ùa về, vị tướng già 92 tuổi đã ôm máy trợ tim hơn 20 năm, ánh mắt như cười khi thổi những giai điệu rộn ràng của cây kèn Harmonica cho tôi nghe, những bản tình ca tha thiết của 31 ngày đêm chiến đấu trên đồi C1...
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

Có lẽ, ít ở đâu trên nước ta, quyết tâm đưa điện về bản lại cao như ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Địa bàn nghèo nên không thể cấp cho dân “cá”, muốn cấp “cần câu” cũng khó nên chính quyền chọn cách đưa cho dân “mồi câu”. “Mồi câu” ở đây chính là điện lưới quốc gia.
Tôi đi chiến dịch Điện Biên

Tôi đi chiến dịch Điện Biên

(GLO)- "Tôi có cảm tưởng như cả đất nước, tất cả các dân tộc đang hành quân đi giành lấy độc lập tự do. Làm sao mà có thể đè bẹp ý chí của cả một dân tộc yêu nước. Tôi vô cùng tự hào là người chiến sĩ Ê Đê thuộc Tây Nguyên miền Nam duy nhất cũng có mặt trong đoàn quân ấy".