Ngã xuống để dân bình yên: Bố đi làm chưa về thôi phải không mẹ…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trước lúc lên đường làm nhiệm vụ, thiếu tá Vi Văn Luân còn hẹn vợ và các con đến ngày 28 tết sẽ chụp ảnh chung cùng gia đình, và ăn tết sớm hơn mọi năm để anh còn đi trực ở đơn vị trong những ngày tết. Nhưng lời hẹn đó giờ mãi mãi không thành hiện thực.
Đã hơn 1 năm kể từ ngày thiếu tá Vi Văn Luân, cán bộ công an xã biên giới Pù Nhi (H.Mường Lát, Thanh Hóa) hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ ngăn chặn tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy trái phép; những người ở lại luôn tự hào về lòng dũng cảm của anh.
Ngày 5.2.2021, tức 24 Tết Tân Sửu, sau khi giúp vợ dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón năm mới, thiếu tá Vi Văn Luân cùng đồng đội lên đường nhận nhiệm vụ tuần tra, trấn áp tội phạm dọc tỉnh lộ 521D và QL16 qua địa bàn huyện biên giới Mường Lát, theo kế hoạch của Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, nhằm bảo đảm an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán.
Không để tội phạm ma túy lộng hành
Ngày 25 tết, khi người Mông, người Thái từ các bản ở lưng chừng núi đổ xuống thị trấn Mường Lát mua sắm quần áo mới, bánh kẹo, thịt, cá… để chào đón năm mới, thì thiếu tá Vi Văn Luân cùng 3 đồng đội thuộc tổ công tác của Công an H.Mường Lát lại ngược lên các bản vùng cao, qua những chặng đường hiểm trở, đèo dốc để giữ gìn an ninh, trật tự.

Đồng đội của anh Vi Văn Luân luôn bên cạnh gia đình anh. Ảnh: Minh Hải
Đồng đội của anh Vi Văn Luân luôn bên cạnh gia đình anh. Ảnh: Minh Hải
Khoảng 20 giờ cùng ngày, tổ công tác đang tuần tra trên QL16, khi qua địa phận bản Mau (xã Mường Lý, H.Mường Lát) thì phát hiện 2 đối tượng cầm súng đang đứng bên đường. Nghi vấn những người này có hoạt động liên quan đến mua bán, vận chuyển ma túy, tổ công tác dừng xe lại và yêu cầu các đối tượng chấp hành kiểm tra hành chính theo đúng quy định.
Lúc này, thiếu tá Vi Văn Luân đi trước, theo sau là 3 đồng đội, dần tiến lại gần để kiểm tra hành chính các đối tượng nghi vấn. Bất ngờ, Sùng A Chía (41 tuổi, ngụ H.Mường Lát, một trong hai người đứng bên đường) chĩa súng bắn thẳng vào ngực thiếu tá Luân. 2 đồng bọn khác của Chía đứng ở đồi gần đó cũng liên tiếp nổ súng về phía tổ công tác rồi cùng nhau tẩu thoát khỏi hiện trường.
Thiếu tá Luân được đồng đội đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nên anh đã hy sinh. Riêng 4 đối tượng gây án sau đó lần lượt bị bắt giữ và TAND tỉnh Thanh Hóa tuyên phạt 1 án tử hình, 3 án chung thân về tội giết người.
Tấm gương sáng
Hơn một năm kể từ ngày thiếu tá Luân hy sinh, vợ anh - chị Ngân Thị An (37 tuổi) và hai đứa con nhỏ của anh vẫn chưa thể tin đó là sự thật.
Vợ chồng thiếu tá Luân đều là người dân tộc Thái, sinh ra ở địa phương có điều kiện đặc biệt khó khăn là Mường Lát, nhưng cả hai đã nỗ lực học tập và làm việc, trở thành tấm gương sáng trong ngành công an và ngành giáo dục H.Mường Lát.

Chị An và con trai Vi Việt Dũng
Chị An và con trai Vi Việt Dũng

Chị Ngân Thị An không kìm được nước mắt khi kể về những ngày trước khi chồng hy sinh
Chị Ngân Thị An không kìm được nước mắt khi kể về những ngày trước khi chồng hy sinh
Trước khi hy sinh, ngày ngày vợ chồng thiếu tá Luân chở nhau vượt qua quãng đường gần 10 km từ TT.Mường Lát đến xã Pù Nhi làm việc. Khi đó, thiếu tá Luân làm công an xã, còn chị An là giáo viên dạy môn tiếng Anh ở Trường THCS Pù Nhi. Hạnh phúc càng thêm trọn vẹn khi con gái đầu Vi Ngân Thương (14 tuổi) và con trai út Vi Việt Dũng (7 tuổi) đều chăm ngoan, học giỏi. Tiếc thay ngôi nhà hạnh phúc của gia đình giờ vắng mãi người chồng, người cha thân yêu.
Căn nhà sàn nằm ở lưng chừng con dốc, bên một khe nước ở tiểu khu 4, TT.Mường Lát là nơi gia đình nhỏ của thiếu tá Vi Văn Luân sinh sống. Chiếc xe máy thường ngày anh đi làm trước đây vẫn còn đó.
“Ngày 24 tết, anh ấy tranh thủ dọn nhà cửa, giặt quần áo, giày dép cho vợ con để chuẩn bị đón tết. Anh ấy còn nói với tôi là đã chọn được cành đào, ngày 25 đi làm nhiệm vụ về, đến 26 sẽ cắm đào, trang trí nhà cửa. Chiều hôm đó, anh ấy còn mua chiếc loa kéo về nói là để tiện cho tôi thi thoảng dạy học sinh ở nhà, và có thể hát karaoke lúc rảnh rỗi. Tối hôm đó, vợ chồng tôi còn hát chung bài hát...”, chị Ngân Thị An ngậm ngùi nhớ lại.
Trước lúc lên đường làm nhiệm vụ, thiếu tá Luân còn hẹn vợ và các con đến ngày 28 tết sẽ chụp ảnh chung cùng gia đình, và ăn tết sớm hơn mọi năm để anh còn đi trực ở đơn vị trong những ngày tết. Nhưng lời hẹn đó giờ mãi mãi không thành hiện thực.
“Bình thường, anh ấy không thích chụp ảnh, nhưng hôm đó anh nói với tôi năm nay cả gia đình ăn tết sớm, còn hẹn mọi người trong gia đình nội, ngoại cùng nhau chụp ảnh chung, còn bảo tôi có bạn bè thân nào thì rủ đến ăn tết cùng gia đình. Trưa hôm sau, tức là 25 tết, anh ấy gọi điện nói là không về ăn cơm trưa, còn dặn tôi mua 2 nắm xôi và 3 con cá mặn để lúc nào về thì ăn cùng chú Dũng (đồng đội đi cùng thiếu tá Luân - PV). Ai ngờ…”, chị An vừa khóc vừa kể.

Cháu Vi Việt Dũng thích được cõng trên lưng. Mỗi lần đồng đội của anh Luân đến thăm đều cõng cháu đi quanh nhà
Cháu Vi Việt Dũng thích được cõng trên lưng. Mỗi lần đồng đội của anh Luân đến thăm đều cõng cháu đi quanh nhà
Bước tiếp con đường bố đã chọn
Kể từ lúc thiếu tá Luân hy sinh, con gái đầu Vi Ngân Thương mong ước trở thành cán bộ công an để bước tiếp con đường bố đã chọn. “Trước đây cháu thích học rồi làm giáo viên tiếng Anh giống mẹ để dạy cho các em nhỏ ở các bản, làng còn khó khăn. Nhưng từ khi bố mất, cháu lại muốn làm công an. Cháu sẽ học và thi vào ngành công an, sẽ bước tiếp con đường bố cháu đã chọn”, Thương chia sẻ.
Còn Vi Việt Dũng năm nay mới lên lớp 2, nhưng cậu bé không muốn ai nói bố mình đã chết. “Hôm rồi đi học thêm về, cháu có kể là bạn ở lớp hỏi vì sao bố bạn chết, chết là như thế nào? Con kể là khi bạn hỏi, con đã nói bố không chết, mà mất thôi, bố đi làm chưa về thôi phải không mẹ. Những lúc như thế, tôi không biết giải thích thế nào với cháu. Mấy hôm trước, trời mưa to, nước chảy ào ạt cả đêm, bỗng cháu gọi to tên bố, đòi ngủ cùng bố cho khỏi sợ”, chị An chia sẻ về nỗi lòng của con trẻ.
Từ ngày thiếu tá Luân hy sinh, đồng đội của anh tại Công an H.Mường Lát thường xuyên đến nhà thăm hỏi, động viên. Chính quyền H.Mường Lát cũng đã quan tâm chuyển chị An (đang dạy ở Trường THCS Pù Nhi cách nhà gần 10 km) về dạy tại trường ở xã Tam Chung, chỉ cách nhà khoảng 2 km để chị đi lại gần hơn, có nhiều thời gian chăm sóc con cái.
(còn tiếp)
Trước sự hy sinh vì bình yên cho quê hương của thiếu tá Vi Văn Luân, Chủ tịch nước đã truy tặng Huân chương Chiến công hạng ba; Bộ trưởng Bộ Công an truy thăng cấp bậc hàm trước niên hạn cho anh từ thiếu tá lên trung tá.
Trong quá trình công tác, trung tá Vi Văn Luân từng nhiều lần được tuyên dương. Trong đó, Chủ tịch nước tặng Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba; Chủ tịch UBND H.Mường Lát và Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa tặng nhiều giấy khen do có thành tích xuất sắc trong các năm công tác.
Theo Minh Hải (TNO)
 

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.