(GLO)- Trạm Y tế xã Ia Piar là đơn vị nổi bật trong số 9 trạm y tế xã trên địa bàn huyện về thực hiện quy chế chuyên môn và phòng-chống dịch bệnh. Vì vậy, cuối năm 2019, đơn vị đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Xã Ia Piar (huyện Phú Thiện) có hơn 8.770 người dân, trong đó, 89,6% là người dân tộc thiểu số. Đa số đồng bào Jrai tại chỗ có tập quán chăn nuôi heo, bò dưới gầm nhà sàn không hợp vệ sinh, dễ gây dịch bệnh. Đây là cản trở lớn của xã trong việc thực hiện tiêu chí môi trường để xây dựng nông thôn mới. Nhằm từng bước thay đổi thói quen không tốt đó, Đảng ủy xã đã thống nhất chủ trương giao Trạm Y tế xã làm nòng cốt, phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động bà con di dời chuồng trại ra khỏi gầm nhà sàn, giữ vệ sinh môi trường sống.
Bác sĩ Nguyễn Văn Điệp-Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ia Piar-cho biết: Ngoài việc trực chuyên môn tại Trạm, hàng ngày, chúng tôi phân công 6 cán bộ luân phiên xuống làng để cùng với nhân viên y tế thôn, bí thư chi bộ và trưởng thôn, ban công tác Mặt trận đến từng nhà vận động bà con di dời chuồng trại nhốt gia súc, giữ gìn vệ sinh môi trường. Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, chỉ riêng trong năm 2019, xã đã di dời được trên 500 chuồng trại nhốt gia súc ra khỏi gầm nhà sàn, cách xa nơi người ở. Cùng với đó, số hộ làm nhà tiêu, nhà tắm và bể chứa nước hợp vệ sinh cũng tăng lên đáng kể. Nhờ đó, cuối năm 2019, xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Vườn thuốc Nam mẫu tại Trạm Y tế xã Ia Piar được chăm sóc kỹ lưỡng, luôn xanh tốt. Ảnh: T.Đ |
Với phương châm “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, cán bộ Trạm Y tế xã Ia Piar quan tâm trước hết đến việc tuyên truyền, vận động người dân tự ý thức vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống để nâng cao sức khỏe, phòng-chống bệnh tật. Thời gian này, Trạm đặc biệt đề cao công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng-chống dịch Covid-19. Trạm phối hợp với Khoa Kiểm soát bệnh tật của Trung tâm Y tế huyện tổ chức phun hóa chất tiêu độc, khử trùng ở 3 đơn vị trường học trên địa bàn; đồng thời, phối hợp với các thôn tổ chức họp dân cấp phát tài liệu, tuyên truyền các biện pháp vệ sinh cá nhân, phòng-chống dịch bệnh Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Ông Rmanh Luh (thôn Rbai) cho hay: “Gia đình tôi ở sát quốc lộ 25, có quán cà phê võng nên nhiều khách địa phương và người vãng lai ghé vào uống nước, nghỉ ngơi. Để ngăn chặn mầm bệnh lây lan, các cán bộ y tế xã thường xuyên đến nhà nhắc nhở, hướng dẫn các biện pháp vệ sinh cá nhân, nâng cao sức khỏe”.
Trạm Y tế xã được tăng cường giữ vệ sinh, tiêu độc, khử trùng theo quy định. Cùng với đó, vườn thuốc Nam mẫu của Trạm với gần 60 loại cây thuốc được duy trì phục vụ công tác chữa bệnh Đông-Tây y kết hợp.
Nhờ quan tâm đúng mức công tác phòng ngừa nên tình hình dịch bệnh trên địa bàn xã Ia Piar thời gian qua không có biến động lớn. Trạm trưởng Trạm Y tế xã cho biết thêm: Trong năm 2019, đơn vị đã khám-chữa bệnh cho 3.081 lượt bệnh nhân, hầu hết có thẻ bảo hiểm y tế. Trong đó, có 7 ca nghi sởi, 5 ca lao, 5 ca viêm phổi; còn lại là bệnh thông thường như: viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản, tiêu chảy. Toàn xã chỉ có 7 ca sốt rét ở những người vãng lai có tiền sử đi rừng, ngủ rẫy… Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được triển khai kịp thời, đúng quy định.
Đánh giá về hoạt động của Trạm Y tế xã Ia Piar, bác sĩ Phạm Chí Quang-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Thiện-cho hay: Đây là đơn vị nổi bật trong số 9 trạm y tế xã trên địa bàn huyện về thực hiện quy chế chuyên môn và phòng-chống dịch bệnh. Từ năm 2015, khi được tăng cường bác sĩ về xã công tác thì người dân càng thêm tin tưởng về chuyên môn của Trạm. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân nhờ đó cũng tốt hơn, giúp giảm tải cho Trung tâm Y tế huyện. Với những nỗ lực đó, cuối năm 2019, Trạm Y tế xã Ia Piar đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế.
TRẦN ĐỨC