Nét cọ chạm tâm hồn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với khá nhiều sự kiện lần đầu tiên tổ chức trong thời gian gần đây, mỹ thuật Gia Lai đã mang đến cho công chúng yêu hội họa những “cú chạm” đáng giá về cảm xúc.

Phải thừa nhận rằng chưa khi nào mỹ thuật đương đại lại tiếp cận đời sống gần đến thế, nhiều đến thế, phả vào đó những quyến dụ mơ hồ, lãng đãng của một vùng sơn nguyên.

1. Có thể cảm nhận rất rõ cuộc trở mình của hội họa Gia Lai sau khoảng thời gian dài có phần lặng lẽ. Nói lặng lẽ là bởi, mặc dù tại các triển lãm khu vực và toàn quốc, các họa sĩ tỉnh nhà được vinh danh không ít lần nhưng cơ hội giới thiệu rộng rãi tác phẩm đến công chúng chưa nhiều. Sự quan tâm của công chúng dành cho nghệ thuật của sắc màu vì vậy cũng ít nhiều bị thu hẹp.

Tác phẩm “Mùa lá hát” của họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu.

Tác phẩm “Mùa lá hát” của họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu.

Trong cuộc trở mình này, không thể không kể đến triển lãm “Về miền đất đỏ” diễn ra vào cuối tháng 10-2023. Lần đầu tiên có một cuộc “tập hợp lực lượng” dành cho các cây cọ nữ nên sự kiện được nhiều người đón đợi. Cuộc trưng bày đầy nữ tính với sự mềm mại về đường nét, ấm áp trong cách sử dụng sắc màu đã thu hút đông đảo người thưởng lãm. Mỗi người một phong cách, một chất liệu khác nhau để kể lại câu chuyện của riêng mình, tạo nên buổi hòa sắc thú vị. Dù đã đạt độ chín trong sự nghiệp hay còn chút non tay, những cái tên như: Hồ Thị Xuân Thu, Lê Nguyễn Thảo My, Mai Thị Kim Uyên, Nguyễn Nguyên Bút, Lê Vi Thủy, Châu Thị Ái Vân, Hoàng Phượng… đều mang đến cho người xem nhiều xúc cảm.

Tác phẩm “Ngược gió” của họa sĩ Mai Thị Kim Uyên.

Tác phẩm “Ngược gió” của họa sĩ Mai Thị Kim Uyên.

Để thấy được sự yêu mến rất lớn của công chúng dành cho hội họa, có lẽ cần kể về một nhóm khách tham quan rất đặc biệt đến từ Cơ sở giáo dục trẻ khuyết tật Kim Yến Cao Nguyên (hẻm 106 Lý Thường Kiệt, thôn 5, xã Trà Đa, TP. Pleiku). Người đưa các em học sinh khiếm thính đến ngắm tranh tại đây là chị Trần Diễm Trinh-Chủ cơ sở và cô giáo Ngô Từ Vy (cũng là một người khiếm thính). Thường xuyên được hướng dẫn cách dùng sắc màu để vẽ lại những điều “lắng nghe” từ cuộc sống, phác thảo ước mơ của riêng mình, các em nhỏ đã vô cùng thích thú khi nhìn ngắm tác phẩm tại triển lãm. Lần đầu tiên các em được đến với một không gian rực rỡ đến vậy, nơi trải ra khung cảnh miền cao nguyên thấm đẫm bản sắc, nơi tỏ bày những góc nhìn về hạnh phúc hay tái hiện cả bầu trời tuổi thơ trong vắt. Dùng đôi tay để biểu đạt suy nghĩ bằng ngôn ngữ ký hiệu, cô giáo Từ Vy chia sẻ: “Tôi dẫn các em đến đây để học hỏi, giúp các em nhận biết các thể loại tranh với nhiều chất liệu khác nhau. Hy vọng quá trình học vẽ sau này của các em sẽ thêm phần tiến bộ, sáng tạo”.

2. Từ khi các triển lãm mỹ thuật thay phiên nhau mở cửa, đời sống đô thị bỗng như thành phố buổi lên đèn, lung linh lạ thường. Sự kiện nào ra mắt cũng đón lượng khách tham quan lớn, trong đó có cuộc tôn vinh cánh chim đầu đàn của mỹ thuật Tây Nguyên-cố họa sĩ Xu Man hồi cuối tháng 8-2023.

Tác phẩm “Bác Hồ với Tây Nguyên” của cố họa sĩ Xu Man (Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Phong chụp lại).

Tác phẩm “Bác Hồ với Tây Nguyên” của cố họa sĩ Xu Man (Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Phong chụp lại).

Đây là lần đầu tiên Bảo tàng tỉnh giới thiệu bộ sưu tập tranh gốc của ông gồm 17 tác phẩm, chủ yếu sáng tác giai đoạn sau năm 1975, được đơn vị sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau. Triển lãm đã giúp công chúng thêm một lần tiếp cận gần hơn với tranh của người nghệ sĩ duy nhất của Tây Nguyên nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật ở lĩnh vực mỹ thuật cho đến nay; đồng thời, giới thiệu ảnh chụp lại một số tác phẩm của họa sĩ Xu Man đang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Tình yêu quê hương, làng rừng chất chứa, chảy tràn qua từng nét cọ nên phong cảnh, con người vùng đất đỏ bazan luôn ngời ngợi và tươi sáng trong tranh của họa sĩ tài danh này. Chị Trần Thị Kim Thanh (TP. Pleiku) bày tỏ: “Tôi đặc biệt ấn tượng với những bức tranh ông vẽ kho lúa, cảnh được mùa, giã gạo… Đó là cái nhìn rất chân thực về một cuộc sống đơn sơ, bình dị, gắn bó với cộng đồng”.

Song sự kính yêu dành cho vị lãnh tụ của đất nước còn lớn hơn thế trong ông. Vậy nên, hình ảnh Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên xuất hiện rất nhiều trong tác phẩm của Xu Man, đặc biệt là các bức đại cảnh vẽ lại chính mong ước của đồng bào Tây Nguyên: Cả buôn làng rộn rã đón Bác về thăm. Đó chỉ là số ít tranh còn lại trong di sản của cố họa sĩ Xu Man. Nhiều bức đã hư hại, thất lạc hoặc thuộc về các nhà sưu tập tranh ngoài nước. Song chừng ấy cũng đã giúp người thưởng lãm có cơ hội được chiêm ngắm thật gần để hiểu hơn, yêu hơn một tâm hồn xứ sở.

3. Chưa dừng ở đó, mỹ thuật Gia Lai tiếp tục “ghi điểm” trong lần đầu tiên đưa nghệ thuật về cơ sở. Đó là triển lãm mang chủ đề “Cảm xúc mùa thu” do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp với UBND thị xã An Khê tổ chức hồi cuối tháng 9-2023.

Tác phẩm “Cuối thu” của họa sĩ Nguyễn Văn Chung.

Tác phẩm “Cuối thu” của họa sĩ Nguyễn Văn Chung.

Lâu nay, các triển lãm mỹ thuật cấp tỉnh vẫn thường được tổ chức tại TP. Pleiku, song lần này, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã có cuộc “thử nghiệm” thành công trên vùng đất Tây Sơn Thượng đạo. 50 tác phẩm hội họa, điêu khắc của 9 hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam tại Gia Lai đã được chọn trưng bày; trong số này có nhiều tác phẩm đã đạt giải cao tại các triển lãm khu vực và toàn quốc. Bí thư Thị ủy An Khê Nguyễn Xuân Phước nhận định: “Đây là triển lãm lần đầu được tổ chức tại An Khê, quy tụ nhiều họa sĩ tên tuổi của Gia Lai, qua đó đưa các tác phẩm nghệ thuật đến gần hơn với công chúng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân”.

Đông đảo người xem, trong đó có rất nhiều học sinh đã cùng đến với không gian này để được ngắm nhìn vẻ tươi đẹp biết mấy của đất trời, con người Tây Nguyên với sắc thu vàng mật, sóng sánh ngời lên qua từng nét cọ. Rồi chẳng hẹn, cả bốn mùa cùng ùa vào không gian triển lãm, mang đến những rung cảm sâu sắc về mùa, về tình yêu và cả nỗi trầm tư mang dáng dấp của thân phận. Và biết đâu, trong số các bạn trẻ đến với triển lãm hôm ấy có người sau này sẽ trở thành người cầm cọ chuyên nghiệp, vẽ nên những tác phẩm đầy thấu cảm, chạm đến sâu thẳm tâm hồn đất và người Tây Nguyên.

Có thể bạn quan tâm

Người dệt chuyện đời trên thổ cẩm

Người dệt chuyện đời trên thổ cẩm

(GLO)- Những chuyện kể về tháng ngày dân làng đoàn kết một lòng chống giặc, chuyện mùa gặt trên nương rẫy hay ngày làng có lễ hội… đều được nghệ nhân Rơ Châm Monh (làng Kép 2, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) tạo thành hoa văn trên thổ cẩm.
Kiến tạo phát triển từ tầm nhìn quy hoạch

Kiến tạo phát triển từ tầm nhìn quy hoạch

(GLO)- Không chỉ giúp hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển, quy hoạch tỉnh còn được xem như một chỉ dẫn quan trọng để định vị những giá trị, cơ hội cũng như xác định những thách thức trong tương lai.
Công ty Phát triển thủy điện Sê San: Nỗ lực hoàn thành mục tiêu đề ra

Công ty Phát triển thủy điện Sê San: Nỗ lực hoàn thành mục tiêu đề ra

(GLO)- Nhờ bám sát chủ trương, nhiệm vụ do Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao cùng sự nỗ lực, quyết tâm của tập thể lãnh đạo và người lao động, Công ty Phát triển thủy điện Sê San đã đạt và vượt các chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh, đảm bảo duy trì sản xuất điện an toàn, liên tục.

Người thầy giữa đại ngàn

Người thầy giữa đại ngàn

(GLO)- Hè năm 2004, bản thảo tiểu thuyết “Màu rừng ruộng” của tôi đang giữa chừng thì tắc mạch. Sau chuyến đi Buôn Đôn, tôi đã được dũng sĩ săn voi Ama Kông “vẽ đường” cho nhân vật Y Than.

Năng lượng tái tạo: Đòn bẩy tăng trưởng xanh

Năng lượng tái tạo: Đòn bẩy tăng trưởng xanh

(GLO)- Trong định hướng phát triển, Gia Lai xác định năng lượng tái tạo là một trong những trụ cột của ngành công nghiệp. Với định hướng đó, tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, hướng đến tăng trưởng xanh.
Bác sĩ về làng

Bác sĩ về làng

(GLO)- “Ơi bà con, ngày mai có đoàn bác sĩ của tỉnh xuống thăm khám sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em trong làng. Bà con đến Nhà văn hóa cộng đồng để được thăm khám nhé”-chị Hrac-cán bộ y tế làng Amil (xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) trực tiếp đến từng nhà thông báo.
“Vua sáng chế” Phạm Văn Bình

“Vua sáng chế” Phạm Văn Bình

(GLO)- Dù mới học lớp 5 và chưa từng qua trường lớp đào tạo nào về cơ khí nhưng ông Phạm Văn Bình (SN 1978, thôn Hưng Hà, xã Phú Cần, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) đã sáng chế nhiều máy nông nghiệp giúp người nông dân giảm chi phí nhân công, tăng năng suất lao động.
Ia Grai quyết tâm phát triển toàn diện

Ia Grai quyết tâm phát triển toàn diện

(GLO)- Năm 2023, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, UBND huyện cùng sự nỗ lực của các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân, huyện Ia Grai đã đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đề ra.

Chư Păh đẩy mạnh thực hiện “3 đột phá”

Chư Păh đẩy mạnh thực hiện “3 đột phá”

(GLO)- Năm 2023, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc huyện Chư Păh đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Đây là tiền đề quan trọng để địa phương có sự bứt phá mạnh mẽ trong năm 2024 và giai đoạn 2021-2025.

Nối dài những đường tơ

Nối dài những đường tơ

(GLO)- Kết nối những giá trị vượt thời gian của thổ cẩm Tây Nguyên vào thời trang, nhà thiết kế (NTK) Minh Hạnh đã khiến thổ cẩm thăng hoa trên các sàn diễn trong nước và quốc tế hàng thập kỷ qua.
Hiện thực hóa khát vọng trở thành vùng động lực Tây Nguyên

Hiện thực hóa khát vọng trở thành vùng động lực Tây Nguyên

(GLO)- Gia Lai phấn đấu đến năm 2045 sẽ trở thành “Cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe”; trở thành điểm đến xanh, giàu bản sắc vì mục tiêu sức khỏe con người; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, bền vững, đưa Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn trên cao nguyên Pleiku, Kon Hà Nừng.
Phát huy nội lực xây dựng Chư Prông giàu mạnh

Phát huy nội lực xây dựng Chư Prông giàu mạnh

(GLO)- Năm 2023, huyện Chư Prông đã hoàn thành và vượt 21/21 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đề ra. Đây là tiền đề quan trọng để huyện đặt ra những mục tiêu phấn đấu trong năm 2024, góp phần hoàn thành mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025.

Rừng-biển kết nối

Rừng-biển kết nối

(GLO)- Truyền thuyết kể rằng, khi Lạc Long Quân trở về biển, nhớ chồng, nàng Âu Cơ thường đứng trên núi cao hướng về Biển Đông gọi tên cha của các con.
Dạo rừng ngày xuân

Dạo rừng ngày xuân

(GLO)- 

Một chuyến về với rừng già trong dịp xuân này có lẽ sẽ là gợi ý hay dành cho những ai muốn tìm kiếm sự yên tĩnh gần như tuyệt đối từ khung cảnh xung quanh.

Đọc thơ trên đất Mỹ

Đọc thơ trên đất Mỹ

(GLO)- Năm 2000, tôi, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ cùng nhà văn Tô Đức Chiêu được mời sang Mỹ giao lưu với các bạn cựu chiến binh tại Trung tâm William Joiner (Đại học Massachusetts, Boston).