(GLO)- Xã hội hóa chợ nông thôn là một chủ trương đúng đắn, hợp với xu thế phát triển hiện nay. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng hội đủ các yếu tố để có thể xã hội hóa việc xây dựng chợ, nhất là với Gia Lai-một tỉnh miền núi, đời sống kinh tế các xã vùng sâu, vùng xa còn khó khăn. Vì thế, sự hỗ trợ của chính quyền trong việc xây dựng chợ là việc làm cần thiết.
Còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Theo Sở Công thương, việc đầu tư xây dựng chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh không được cấp từ nguồn vốn Nhà nước mà thực hiện từ nguồn vốn xã hội hóa 100%. Do vậy, hệ thống chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh phát triển chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, việc huy động nguồn vốn của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân theo hình thức xã hội hóa để đầu tư xây dựng chợ trên địa bàn các xã là rất khó khăn vì quy mô chợ nông thôn đều nhỏ, chủ yếu để phục vụ nhu cầu mua bán thực phẩm tiêu dùng thiết yếu của nhân dân hàng ngày nên việc đầu tư kinh doanh khai thác chợ rất khó thu hồi vốn.
Người dân đến mua sắm tại chợ Ia Blứ. Ảnh: L.L |
Thực tế, nếu chỉ trông chờ vào công tác xã hội hóa thì khó có thể phát triển hệ thống chợ nông thôn. Bởi xét theo hiệu quả kinh tế, khó có doanh nghiệp nào dám mạnh dạn bỏ ra hàng tỷ đồng để đầu tư chợ cho một xã vùng sâu, vùng xa. Minh chứng cho điều này đó là tình trạng chợ nông thôn xã Ia Krái (huyện Ia Grai) bỏ không trong khi doanh nghiệp đầu tư (Công ty TNHH một thành viên Tuấn Nhung) “điêu đứng” vì nợ nần. Đó là chưa kể suất đầu tư cao do doanh nghiệp phải tính thêm lãi suất ngân hàng, nhiều chi phí khác thì các tiểu thương cũng không mặn mà tham gia đấu thầu, vì có vào chợ thì giá cả hàng hóa cũng sẽ cao hơn để bù chi phí nên rất khó thu hút khách hàng…
Cần hỗ trợ vốn từ ngân sách
Xây dựng chợ không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông thôn mà còn là một trong những tiêu chí quan trọng để địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay thì chợ nông thôn sẽ khó hoàn thành theo đúng kế hoạch, nhất là đối với những xã vùng sâu, vùng xa, kinh tế kém phát triển, việc giao thương buôn bán vẫn còn nhỏ lẻ.
Tính đến cuối năm 2015, toàn tỉnh chỉ mới có 16 chợ nông thôn được quy hoạch đạt chuẩn quy định của Bộ Xây dựng. Đây là con số khá khiêm tốn so với tổng số 53 chợ nông thôn/185 xã trên địa bàn tỉnh. |
Theo bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương: Mặc dù Sở là cơ quan quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện tiêu chí chợ nông thôn, tuy nhiên việc đầu tư xây dựng chợ trên địa bàn các xã là do UBND cấp huyện thực hiện. Sở Công thương không thẩm định, kiểm tra thiết kế, vị trí bố trí xây dựng chợ và phương án hoạt động của các chợ nên rất khó khăn trong công tác quản lý.
Trước tình hình trên, Sở đã đề xuất một số kiến nghị lên UBND tỉnh nhằm sửa đổi, bổ sung các quy định về phân bổ nguồn lực và áp dụng cơ chế đầu tư đặc thù thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Trong đó, đề nghị nâng mức hỗ trợ ngân sách nhà nước (tỉnh, huyện, xã) từ 0% lên 70% (đối tượng 1) và 60% (đối tượng 2) để xây dựng chợ nông thôn trên địa bàn, phần còn lại sẽ huy động từ doanh nghiệp, nhân dân đóng góp. Sở cũng đề nghị UBND tỉnh cho cơ chế về việc phân bổ và sử dụng vốn đầu tư xây dựng chợ nông thôn hàng năm để phát triển hạ tầng chợ theo quy hoạch đã được phê duyệt, nhằm tạo điều kiện cho thị trường bán lẻ phát triển. Đồng thời giao trách nhiệm cho Sở Công thương thẩm định, kiểm tra đối với các dự án đầu tư xây dựng chợ nông thôn nhằm đảm bảo tính đồng bộ và hoạt động có hiệu quả, cũng như thuận lợi trong quá trình quản lý, chỉ đạo triển khai thực hiện tiêu chí chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Lê Lan