Nâng niu hai tiếng hòa bình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hòa bình là ước vọng, là mục tiêu lớn lao mà nhân loại luôn nỗ lực vươn tới. Trước một cuộc chiến đã đi vào ký ức hay những xung đột đang diễn ra, lương tâm con người luôn cảm thấy day dứt xót đau và tìm mọi cách chấm dứt, hàn gắn, xoa dịu mất mát, đau thương.

1. Trưa 11-3-2023, một đoàn khách đặc biệt đã dừng chân tại TP. Pleiku, dẫn đầu là ông Dean Phillips-Hạ nghị sĩ Dân chủ bang Minnesota (Mỹ). Được sự hỗ trợ của các cơ quan hữu quan tại Việt Nam và chính quyền tỉnh Gia Lai, với tư cách cá nhân, ông Dean Phillips đã đến núi Hàm Rồng để thăm nơi bố ông-Đại úy Lục quân Arthur T. Pfefer tử vong 54 năm về trước.

Ông Dean Phillips được biết đến như một trong những nghị sĩ Quốc hội Mỹ quan tâm hàng đầu đến vấn đề bảo vệ quyền lợi cựu chiến binh, nhất là các cựu chiến binh từng tham chiến trong chiến tranh Việt Nam. Ông từng gọi đây là “một cuộc chiến phơi bày những mặt tệ nhất của nước Mỹ”. Duyên cớ chuyến thăm núi Hàm Rồng cũng thật tình cờ. Cuối năm 2021, trong một lần dọn nhà, ông tìm thấy đoạn băng ghi âm cha gửi về cho gia đình, trong đó bày tỏ mong muốn sớm được trở về để gặp cậu con trai Dean Phillips khi đó mới 6 tháng tuổi và “tặng cho con một nụ hôn thắm thiết”. Nhưng chỉ 2 tháng sau, sáng 25-7-1969, Đại úy Lục quân Arthur T. Pfefer đã tử nạn cùng 7 quân nhân Mỹ khác khi chiếc trực thăng UH-1H đâm vào núi Hàm Rồng do thời tiết xấu.

Từ nỗi xúc động lớn lao khi lần đầu được nghe giọng nói của cha, ông Dean Phillips cũng mong mỏi được một lần đặt chân đến nơi cha mình tử nạn. Tự tay bốc một nắm đất nơi đây để mang về Mỹ tặng mẹ, ông chia sẻ với những người có mặt: “Đây có lẽ là những khoảnh khắc ý nghĩa nhất đời tôi. Bạn biết đấy, cha tôi và những người đã mất cùng ông ấy năm 1969, cả những người lính Mỹ và lính Việt Nam khác đều có gia đình, anh chị em, con trai hoặc con gái, cũng như tôi. Chúng ta có rất nhiều cảm nhận chung, chịu đựng những tổn hại của chiến tranh. Chúng ta có thể phải phục vụ tổ quốc, yêu tổ quốc, nhưng không ai thích chiến tranh cả”. Từ chuyến thăm đáng nhớ này, ông Dean Phillips cũng mong muốn 2 nước sẽ cho thế giới thấy được ý nghĩa của sự hòa giải.

Trả lời câu hỏi của P.V Báo Gia Lai về những nỗ lực vun đắp cho hòa bình với vai trò Hạ nghị sĩ Mỹ, trong bối cảnh thế giới đang xảy ra rất nhiều xung đột, ông Dean Phillips khẳng định: “Từng có một người cha tử nạn trong chiến tranh, tôi rất trân trọng giá trị của hòa bình. Những gì tôi làm được cũng là những gì bạn có thể làm. Đó là ngồi xuống cùng nhau, hiểu biết thêm về nhau, như vậy chiến tranh sẽ không còn nữa”. Ông Dean Phillips cho biết, chuyến đi cho ông những ấn tượng tốt đẹp về Việt Nam, về Pleiku. “Tôi sẽ còn trở lại nơi này. Tôi cũng sẽ uống loại cà phê trồng ở núi Hàm Rồng mỗi ngày”-ông nói.

Với tư cách cá nhân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế đã có cuộc gặp gỡ, tặng quà lưu niệm cho Hạ nghị sĩ Dean Phillips (ở giữa) trưa 11-3-2023. Ảnh: Phương Duyên

Với tư cách cá nhân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế đã có cuộc gặp gỡ, tặng quà lưu niệm cho Hạ nghị sĩ Dean Phillips (ở giữa) trưa 11-3-2023. Ảnh: Phương Duyên

Để hiểu thêm về Việt Nam qua 2 cuộc kháng chiến, trước đó 1 ngày, ông Dean Phillips dẫn đầu đoàn nghị sĩ Mỹ và các diễn viên Hollywood gồm 17 người đến tham quan Di tích nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Gần nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, nỗ lực xoa dịu tổn thất của cả đôi bên đã được thể hiện bằng những việc làm cụ thể, từng chút, từng chút một. Không gì hơn ngoài sự chân tình thấu hiểu.

2. Đi qua bao cuộc chiến và thấm trải nỗi đau thương, hơn đâu hết, Việt Nam ý thức và trân trọng hai chữ hòa bình. Đầu năm 2018, Bộ Quốc phòng đã tổ chức lễ ra mắt Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Cục có nhiệm vụ “nghiên cứu, tham mưu, đào tạo, huấn luyện, chuẩn bị và triển khai lực lượng, chỉ huy và điều hành toàn bộ lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Quân đội nhân dân Việt Nam”.

Riêng trong năm 2022, dấu ấn nổi bật nhất của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam là lần đầu tiên đội Công binh số 1 xuất quân tham gia làm nhiệm vụ ở Liên hợp quốc với quân số đông đảo nhất từ trước đến nay. Cán bộ, chiến sĩ là những sứ giả của hòa bình, văn hóa và sức mạnh quân sự Việt Nam thông qua việc cung cấp các hoạt động hỗ trợ nhân đạo, giúp các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc thực hiện nhiệm vụ gìn giữ và tái thiết hòa bình, đem lại cuộc sống bình an cho người dân các quốc gia cần được hỗ trợ, giúp đỡ.

Trong số này, người duy nhất thuộc biên chế của lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn tỉnh Gia Lai tham gia thực thi sứ mệnh hòa bình quốc tế là Đại úy Lê Đình Huy (Lữ đoàn Thông tin 132). Tháng 6-2022, Đại úy Huy cùng 155 thành viên Đội Công binh số 1 chính thức lên đường tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Phái bộ UNISFA, khu vực Abyei. Thời điểm này, anh không khỏi băn khoăn do 2 con còn nhỏ; thời tiết, điều kiện sống và sinh hoạt tại khu vực anh đặt chân đến rất khắc nghiệt. “Trước những khó khăn đó, bản lĩnh của “Bộ đội Cụ Hồ” không cho phép tôi chùn bước”-Đại úy Huy khẳng định.

Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 21 đến 23-10-2022, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho rằng, điều mà hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc hướng tới là xây dựng lòng tin. “Các quân nhân Việt Nam đã làm được điều đó”-ông António Guterres khẳng định.

Ở nhiều nơi trên thế giới, những cuộc chiến, những xung đột vũ trang, chính trị vẫn chưa dừng lại. Đâu đó vẫn còn những gia đình đau thương vì ly tán, vẫn còn những đứa trẻ sinh ra giữa tiếng đạn bom. Đó là lý do hoạt động gìn giữ và tái thiết hòa bình luôn được các tổ chức và lực lượng quốc tế đặt lên hàng đầu. Việt Nam vinh dự góp mặt trong những nhiệm vụ cao cả ấy với mong ước hòa bình ngự trị khắp mọi nơi. Như những ca từ thật đẹp trong ca khúc bất hủ “Heal the world” của cố nghệ sĩ Michael Jackson: “Heal the world, make it a better place for you and for me and the entire human race...” (Hãy hàn gắn thế giới, biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn, cho bạn, cho tôi và cho cả nhân loại...).

Có thể bạn quan tâm

Chuyện ở chốt 383

Chuyện ở chốt 383

(GLO)- Tuy còn nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng cán bộ, chiến sĩ chốt 383 của Đồn Biên phòng Ia Púch (huyện Chư Prông) nỗ lực vượt lên để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ khu vực biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia.

Công an Gia Lai được Bộ Công an biểu dương

Công an Gia Lai được Bộ Công an biểu dương

(GLO)- Ghi nhận những thành tích xuất sắc trong 15 ngày (từ 15 đến 29-12-2024) cao điểm tấn công trấn áp tội phạm đảm bảo an ninh, trật tự trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Công an tỉnh Gia Lai vừa vinh dự được Bộ Công an biểu dương.

Nhiều tập thể, cá nhân của Công an tỉnh Gia Lai được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen

Nhiều tập thể, cá nhân của Công an tỉnh Gia Lai được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen

(GLO)- Sáng 6-1, tại lễ chào cờ đầu năm 2025, Đại tá Phạm Hữu Trường-Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai đã đọc thư chúc mừng năm mới của Bộ trưởng Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh và trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc liên quan đến vụ án Phan Thị Thảo.

Niềm vui từ chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản”

Niềm vui từ chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản”

(GLO)-Chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản” được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Gia Lai phối hợp với các đơn vị tổ chức tại xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ với nhiều hoạt động đầy ý nghĩa đã mang lại niềm vui cho hàng ngàn người dân trên vùng biên giới mỗi dịp Tết đến, xuân về.