(GLO)- Hiện nay, Quốc hội đang bàn về Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục, trong đó có đề cập việc nâng chuẩn trình độ giáo viên Tiểu học, THCS. Và theo lộ trình, đến sau năm 2025, giáo viên các bậc học phải đạt trình độ đại học trở lên. Điều đó phù hợp với tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nước ta; phù hợp với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nền kinh tế tri thức.
Ảnh minh họa (nguồn internet) |
Sự nghiệp đổi mới giáo dục nước ta đang xây dựng theo định hướng từ cung cấp tri thức chuyển sang phát triển năng lực, phẩm chất người học, do đó phương pháp dạy học cũng thay đổi nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Vấn đề then chốt là năng lực, trình độ của đội ngũ giáo viên có theo kịp với yêu cầu hay không? Đây là yếu tố quyết định sự thành bại của các dự án đổi mới. Do vậy, đội ngũ nhà giáo hiện nay đang đứng trước thách thức mới, đòi hỏi phải tích cực học tập để nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, bắt nhịp với yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa trong những năm tới.
Theo số liệu báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh có 25.000 cán bộ quản lý và giáo viên các bậc học, trong đó trên 90% giáo viên đã đạt chuẩn. Tuy nhiên, Dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục đặt ra yêu cầu nâng chuẩn, nhất là đối với giáo viên Tiểu học cũng như THCS. Tại một số địa phương hiện đang râm ran thông tin sẽ không tuyển mới giáo viên Tiểu học có trình độ trung cấp sư phạm và cao đẳng sư phạm, khiến các cơ sở đào tạo ở nhiều nơi hoang mang. Gần đây, một số trường cao đẳng sư phạm có ý kiến về vấn đề này và tích cực tìm giải pháp tháo gỡ. Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai cũng nằm trong tình trạng chung là tuyển sinh đào tạo giáo viên tụt giảm đáng kể, mặc dù năm học này toàn tỉnh thiếu gần 2.000 giáo viên các cấp.
Nếu phương án nâng chuẩn giáo viên được áp dụng, trước mắt là đối với giáo viên Tiểu học thì Gia Lai có gần 3.000 giáo viên nằm trong diện nâng cấp trình độ. Riêng số giáo viên THCS và Tiểu học đang có trình độ cao đẳng sư phạm trở xuống chiếm tỷ lệ khá cao. Trong vòng 5 năm tới, để đào tạo, bồi dưỡng số giáo viên này đạt trình độ đại học sư phạm là cả một vấn đề khó khăn. Điều này đòi hỏi phải có lộ trình, phương án khả thi và sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều cấp mới có thể tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên nâng chuẩn theo yêu cầu.
Đối với cả nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang cân nhắc giao các trường sư phạm thuộc khu vực cũng như các trường đại học sư phạm lớn có kế hoạch liên kết với địa phương để đào tạo, bồi dưỡng nâng chuẩn giáo viên theo lộ trình. Đối với tỉnh ta, trước mắt nên giao cho Trường Cao đẳng Sư phạm tổ chức trung tâm đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, liên kết với Khoa Sư phạm-Đại học Quy Nhơn và các trường đại học sư phạm Đà Nẵng, Huế, TP. Hồ Chí Minh để mở các khóa đào tạo dưới hình thức vừa học vừa làm, giúp đội ngũ giáo viên có điều kiện học tập nâng cao trình độ.
Trong quá trình đào tạo lại đội ngũ giáo viên theo yêu cầu đổi mới, chúng ta cần tránh khuynh hướng “phong trào” để hợp thức hóa bằng cấp như nhiều cơ sở đào tạo đã làm với một số lớp học tại chức, từ xa… dẫn đến hiệu quả không như mong muốn. Chỉ khi nào nhà giáo có năng lực thực chất thì mới có thể có chất lượng giáo dục đúng nghĩa. Điều này dường như ai cũng hiểu, nhưng khi đi vào thực tế thì không phải nơi nào cũng thực hiện đúng.
Hoàng Linh Việt