Nâng cấp, mở rộng đồng bộ Quốc lộ 26 đoạn qua huyện Krông Pắc: Nhu cầu cấp thiết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Quốc lộ 26 được xem là “trục xương sống” kết nối nội vùng và liên vùng của huyện Krông Pắc.

Với lưu lượng phương tiện tăng nhanh trong những năm gần đây, nhu cầu nâng cấp, mở rộng đồng bộ tuyến đường huyết mạch này càng trở nên cấp thiết nhằm đảm bảo lưu thông an toàn, thông suốt.

“Cõng” hơn 6.000 ô tô/ngày đêm

Những năm gần đây, huyện Krông Pắc đã khẳng định sự phát triển vượt bậc về mọi mặt, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng kinh tế. Cùng với thế mạnh sản xuất nông nghiệp và các mặt hàng nông sản chủ lực như sầu riêng, cà phê, lúa gạo…, các ngành thương mại, dịch vụ trên địa bàn cũng đa dạng và sôi động kéo theo nhu cầu lưu thông của các loại phương tiện, nhu cầu vận tải hàng hóa ngày càng cao.

Mặt đường và lề đường Quốc lộ 26 bong tróc, xuống cấp tại khu vực đầu thị trấn Phước An.

Mặt đường và lề đường Quốc lộ 26 bong tróc, xuống cấp tại khu vực đầu thị trấn Phước An.

Số liệu từ Đội Cảnh sát giao thông - trật tự (Công an huyện Krông Pắc) ghi nhận, chỉ riêng trong năm 2023, trên địa bàn huyện đã có gần 1.800 phương tiện ô tô được thực hiện các thủ tục đăng ký mới và sang tên đổi chủ; cao hơn năm 2022 đến 25%. Hơn hai tháng đầu năm 2024 cũng đã ghi nhận gần 400 ô tô đăng ký mới và sang tên. Ngoài ra, các loại phương tiện mô tô trên địa bàn tăng khoảng 10.000 chiếc mỗi năm. Những số liệu trên là một trong những minh chứng rõ nét về sự phát triển kinh tế - xã hội nhưng lại tạo ra áp lực lớn lên hệ thống hạ tầng giao thông.

Năm 2024, Chi cục Quản lý đường bộ III.5 được bố trí gần 38,9 tỷ đồng để thực hiện sửa chữa, gia cố lề, tăng cường hệ thống an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 26. Trong đó, đơn vị sẽ thực hiện sửa chữa cầu số 34 (đoạn qua xã Hòa An); sửa chữa, gia cố lề từ Km121+700 đến Km123 (đoạn qua thị trấn Phước An); sửa chữa, tăng cường hệ thống an toàn giao thông các đoạn Km115+280 đến Km116+800 (đoạn qua xã Ea Phê), Km123 đến Km 125+750 (đoạn qua thị trấn Phước An)...

Hiện nay, Quốc lộ 26 vẫn là tuyến giao thông chính của huyện Krông Pắc, đóng vai trò chủ đạo trong việc kết nối lưu thông toàn huyện theo hướng Đông - Tây.

Đây cũng là tuyến giao thông ngắn nhất kết nối lưu thông từ đường Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đến tuyến Quốc lộ 1A và các cảng biển ở tỉnh Khánh Hòa.

Với vai trò quan trọng ấy, Quốc lộ 26 đang oằn lưng “cõng” hơn 6.000 ô tô/ngày đêm; ngoài các phương tiện cá nhân, phương tiện vận chuyển hành khách thì còn có rất nhiều các loại xe tải, xe container hạng nặng với tải trọng trên 40 tấn thường xuyên lưu thông.

Cao điểm nhất là trong vụ thu hoạch sầu riêng từ khoảng tháng 8 đến hết tháng 10 hằng năm, tuyến đường này thường xuyên ùn tắc cục bộ tại các khu vực tập trung nhiều kho thu mua, sơ chế sầu riêng như đoạn qua xã Ea Yông, Ea Kênh, Ea Knuếc…

Cần giải pháp đồng bộ cho tuyến đường huyết mạch

Ngoài các đoạn đường qua thị trấn Phước An và trung tâm một số xã đã được mở rộng lòng đường lên 12 – 14 m thì hầu hết các đoạn tuyến xen kẽ có bề rộng mặt đường chính chỉ 6 m theo hiện trạng đầu tư toàn tuyến từ năm 2008.

Để đáp ứng nhu cầu lưu thông ngày càng tăng, Chi cục Quản lý đường bộ III.5 đã thực hiện gia cố, mở rộng hai bên lề đường thêm từ 1 – 1,5 m bằng phương pháp láng nhựa từ nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng hằng năm.

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế bởi nhiều đoạn mặt đường thường xuyên xuống cấp, lớp thảm nhựa bong tróc, lồi lõm trước mật độ phương tiện cao, tải trọng lớn.

Bên cạnh đó, việc đầu tư không đồng bộ làm tuyến đường tồn tại nhiều điểm “nút cổ chai”.

Ở những đoạn đường hẹp, việc tránh, vượt của các phương tiện tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn cho người và phương tiện.

Từ đầu năm 2023 đến nay, chỉ riêng trên tuyến Quốc lộ 26 đoạn qua địa bàn huyện Krông Pắc đã ghi nhận 14 vụ tai nạn giao thông khiến 13 người tử vong.

Các phương tiện ùn ứ trên tuyến Quốc lộ 26 đoạn qua xã Ea Kênh.

Các phương tiện ùn ứ trên tuyến Quốc lộ 26 đoạn qua xã Ea Kênh.

Tại các cuộc tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, cử tri huyện Krông Pắc thường xuyên kiến nghị sớm nâng cấp, mở rộng đồng bộ tuyến Quốc lộ 26 hoặc đầu tư tuyến tránh thị trấn Phước An.

Theo văn bản trả lời của Bộ Giao thông vận tải, hiện Bộ đang tập trung nguồn lực đầu tư tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; khi công trình hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ góp phần giảm tải lưu lượng trên Quốc lộ 26. Do đó, Bộ Giao thông vận tải ghi nhận kiến nghị của cử tri và sẽ xem xét việc đầu tư tuyến tránh khi nhu cầu vận tải trên Quốc lộ 26 qua thị trấn Phước An tăng cao và cân đối được nguồn vốn.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Krông Pắc Trần Hồng Tiến cho biết, cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột có đến bốn nút giao nằm trên địa bàn huyện Krông Pắc. Như vậy, khi cao tốc hoàn thành và đưa vào sử dụng, Quốc lộ 26 vẫn là tuyến kết nối, thu hút nhiều phương tiện lưu thông vào các nút giao này. Cùng với mức độ gia tăng các phương tiện hằng năm của địa phương, việc đầu tư nâng cấp, mở rộng đồng bộ Quốc lộ 26 là vô cùng cần thiết.

Bên cạnh đó, theo Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, huyện Krông Pắc nằm trong tiểu vùng trung tâm, tiểu vùng động lực đóng vai trò quan trọng nhất của tỉnh. Chính vì vậy, huyện sẽ tiếp tục đề xuất, kiến nghị đến các cơ quan cấp trên sớm ưu tiên nguồn vốn giải quyết những bất cập lâu nay trên tuyến đường quan trọng này, đảm bảo an toàn lưu thông và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Có thể bạn quan tâm

Quy định mới về đầu tư điểm dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc

Quy định mới về đầu tư điểm dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc

(GLO)- Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) tỉnh Gia Lai vừa có công văn gửi các sở, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan, phổ biến Thông tư số 58/2024/TT-BGTVT ngày 15-11-2024 của Bộ GT-VT quy định về đầu tư điểm dừng xe, đỗ xe và vị trí, quy mô trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc.

Gia đình bà Nguyễn Thị Kim Hương (tổ 2, phường Ngô Mây) tự nguyện tháo dỡ hàng rào, hiến đất để mở rộng đường. Ảnh: M.N

An Khê huy động nguồn lực hoàn thiện hạ tầng giao thông

(GLO)- Những năm qua, thị xã An Khê đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông từ nội thị đến nông thôn. Nhờ đó, mạng lưới giao thông được kết nối, đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, đi lại của người dân và giúp địa phương hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.