Năm học mới - tâm thế mới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Ngày 5-9, trên 23 triệu học sinh các trường mầm non, phổ thông trên cả nước chính thức bước vào năm học mới, năm học 2024-2025 với nhiều thách thức và cũng đầy kỳ vọng.

Chúng ta đều cảm nhận rõ được tình cảm ấm áp, yêu thương của các thầy giáo, cô giáo, các bậc phụ huynh; cũng thấy rõ sự hào hứng, quyết tâm của học sinh cho một năm học mới.

Theo số liệu sơ bộ tính đến tháng 8-2024 do Bộ GD-ĐT cung cấp, cả nước có hơn 23 triệu học sinh, hơn 2 triệu sinh viên; gần 54.000 cơ sở giáo dục; gần 1,66 triệu giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, người lao động trong ngành giáo dục. Năm học 2023-2024 đánh dấu 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, là tiền đề để toàn ngành giáo dục, toàn xã hội chung tay tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT trong bối cảnh, tình hình mới, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Năm học 2024-2025, ngành giáo dục tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ lớn được giao tại Nghị quyết 29, tiếp tục đổi mới GD-ĐT với một tâm thế mới.

Ngành giáo dục xác định chủ đề năm học 2024-2025 là “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương”. Ngành cũng đề ra 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó có phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT. Tiếp tục kiên cố hóa trường lớp, xóa phòng học tạm; phát triển trường lớp ở các khu vực có dân số tăng nhanh, đông dân cư; bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ chương trình giáo dục phổ thông. Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo…

Có thể thấy, rất nhiều nhiệm vụ quan trọng mà ngành giáo dục phải thực hiện trong năm học này. Sau 4 năm học triển khai theo từng lớp, từng cấp học, quá trình triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 sẽ hoàn tất chu trình trong năm học 2024-2025 với các lớp cuối cùng của từng cấp học. Đây cũng sẽ là năm học đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo phương án mới; công tác tuyển sinh đại học từ năm 2025 trở đi sẽ theo hướng phù hợp, đáp ứng yêu cầu Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, bảo đảm chất lượng và công bằng. Dù Bộ GD-ĐT đã có những chuẩn bị từ các năm học trước và đã sớm ban hành kế hoạch năm học mới với những đầu việc cụ thể, nhưng nhiệm vụ quan trọng này cũng đòi hỏi toàn ngành giáo dục phải nỗ lực rất cao để đạt tới mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng giáo dục, bảo đảm việc tiếp cận công bằng trong giáo dục của tất cả đối tượng học sinh.

Nhiệm vụ nhiều như vậy, song nhìn lại đội ngũ giáo viên, vẫn còn nhiều vấn đề. Riêng về số lượng, cả nước hiện có khoảng 1,6 triệu nhà giáo, con số này vẫn chưa đủ đáp ứng trong bối cảnh số học sinh không ngừng tăng. Năm học 2024-2025, số giáo viên còn thiếu so với năm học 2023-2024 tăng 19.856 giáo viên. Tình cảnh thiếu giáo viên xảy ra ở hầu hết các địa phương. Còn về mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, hiện cả nước còn khoảng 15,5% số phòng học chưa được kiên cố hóa. Vẫn có hiện tượng thiếu phòng học tại những khu vực có mật độ dân cư cao, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; tỷ lệ đáp ứng về thiết bị dạy học theo chuẩn quy định trên phạm vi cả nước mới đạt 50,63%. Do đó, để thực hiện được mục tiêu đến năm 2030 kiên cố hóa 100% cơ sở giáo dục và khắc phục được khó khăn về cơ sở vật chất, trường lớp hiện nay, cũng như việc bảo đảm đủ đội ngũ giáo viên về lượng và chất, cần sự nỗ lực rất lớn không chỉ của Chính phủ, Bộ GD-ĐT, mà còn từ các địa phương, trong đó có vai trò tham mưu của các sở GD-ĐT…

Chặng đường đổi mới giáo dục vừa qua dù có nhiều khó khăn, song đã cho thấy quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp và toàn ngành giáo dục để từng bước hình thành tư duy đổi mới trong chính những người thực hiện, thụ hưởng đổi mới và thuyết phục xã hội về kết quả tích cực của đổi mới. Một năm học mới bắt đầu, chúng ta tin tưởng mỗi cán bộ quản lý, mỗi thầy giáo, cô giáo sẽ thêm quyết tâm, giải pháp mới, phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành giáo dục và tiếp tục cống hiến, giúp hơn 20 triệu học sinh, sinh viên có một năm học mới nhiều sáng tạo, khai phóng và tiến bộ.

Theo LÂM NGUYÊN (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Giá trị của liên hoan

Giá trị của liên hoan

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 tổ chức tại TP Cần Thơ vừa khép lại. Bên cạnh những hồ hởi, vui vẻ, nhiều nỗi niềm của sân khấu cải lương truyền thống cũng đã bộc lộ trong mùa liên hoan năm nay.

'Lớp học đảo ngược' với ChatGPT

'Lớp học đảo ngược' với ChatGPT

Chẳng còn gì ngạc nhiên khi nghe chuyện học trò sử dụng ChatGPT và có thể là nhiều hỗ trợ AI khác nữa để "xử đẹp" các bài tập môn này môn kia. Nhưng cũng chẳng có lý do gì để đặt ra chuyện cấm dùng những hỗ trợ đó.

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách nghĩ, cách làm như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý.

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.