Mùa rừng Chư Yang Sin

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tháng 8, những cơn mưa dầm dề bắt đầu trút xuống núi rừng Chư Yang Sin, đó là mùa mà những dòng suối trong suốt, như vắt từng giọt nước từ những thảm thực vật, chảy ra trong sâu thẳm các khe nhỏ trên đỉnh tìm về với dòng sông dưới chân núi. Đó chính là cái màu thiêng liêng, cao vời, nuôi dưỡng và chở che tinh thần những người con của núi, sống bám núi từ thuở khai sinh…
1. Tôi đã nhiều lần trở về Chư Yang Sin, nóc nhà cao thứ hai của Tây Nguyên sau đỉnh Ngọc Linh ở tỉnh Kon Tum. Vườn quốc gia Chư Yang Sin trải dài qua địa phận huyện Krông Bông và huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, hiện đang bảo vệ diện tích rừng rộng lớn thuộc lưu vực sông Srepok, một chi lưu của sông Mê Kông. Địa hình trải rộng, đỉnh Chư Yang Sin cao 2.442 m được ví như “cổng trời” Tây Nguyên. Vốn là nơi chuyển tiếp giữa đồng bằng và cao nguyên, nên địa hình ở Vườn quốc gia Chư Yang Sin có độ che phủ cao và bị chia cắt mạnh, tạo nên những cảnh quan ngoạn mục hiếm có. Đó là hình ảnh hơn 40 dãy núi cao - thấp trùng điệp, những thảm rừng mênh mông với rất nhiều suối, thác đan xen.
Tôi từng đi qua những buôn làng dưới chân núi, đã ăn những bữa cơm măng rừng với muối ớt xanh cùng đồng bào. Cuộc sống dưới chân dãy núi thiêng đang khởi sắc nhưng chưa bao giờ hết bí ẩn trong sự tò mò của lữ khách đường xa.
 
Bản làng bình yên dưới chân Chư Yang Sin. Ảnh: Minh Phương
Bản làng bình yên dưới chân Chư Yang Sin. Ảnh: Minh Phương
Bà H’Nham vẫn nhớ tôi, dù thời gian và tuổi tác đã làm bà hao mòn nhiều sức lực và sự minh mẫn. Vào độ này, bà H’Nham cùng con trai đi rừng hái măng, hái lá ủ rượu cần và cây thuốc.
Măng rừng năm nay khan hiếm nên được giá, người hái măng phải vào sâu trong rừng, leo đến mấy quả đồi, lội qua nhiều khe suối. Rừng Chư Yang Sin độ ẩm cao, muỗi và vắt nhiều vô kể, chui rúc vào những bụi măng le, măng nứa thì xem như làm mồi cho muỗi. Những sơn nhân đi rừng quen thuộc như bà H’Nham đã quá quen với điều đó nên đoàn người đã có sẵn bảo bối chống muỗi. Đó là một loại lá rừng, bà H’Nham gọi là sặc, còn tên khoa học là gì thì bà không biết. Loại lá này mang về giã nát, trộn với vôi trắng và muối hạt rồi bôi vào quần áo, chân tay.
Nó có chất kết dính nên bám vào người được cả ngày không lo muỗi, vắt cũng như kiến “hỏi thăm”. Ngày nào kiếm được nhiều măng, mẹ con bà H’Nham sẽ không hái lá thuốc mà gùi ra bìa rừng lấy xe máy chở về nhà. Măng hái về được rửa sạch, ngâm với chút muối rồi đem phơi khô dưới ánh mặt trời hoặc hun khói bếp. Trung bình một ngày, vào mùa cao điểm, mẹ con bà H’Nham hái được khoảng 30- 50 kg măng tươi. Cứ 12 kg măng tươi sẽ còn lại 1 kg măng khô, bán cho các đại lý thu mua giá 130.000- 150.000 đồng.
Mùa măng chỉ kéo dài trong khoảng 2 tháng nhưng không phải hôm nào cũng gặp trúng “ổ” măng, vì người đi hái măng đông như trẩy hội, núi cao, dốc trơn, suối sâu, ở đâu cũng có bàn chân con người bước tới. Có những nhóm người hái măng ở địa phương khác vào hẳn bìa rừng làm lán trại đi hái măng về phơi tại chỗ, ăn ở tại chỗ khi nào hết mùa măng mới trở về.
 
Loài thuốc quý bám vào thân cổ thụ khiến thợ rừng phải chấp nhận hiểm nguy để lấy.
Loài thuốc quý bám vào thân cổ thụ khiến thợ rừng phải chấp nhận hiểm nguy để lấy.
Tuổi cao, đôi chân không còn dẻo dai nữa nên bà H’Nham và bạn rừng không đua chen được với cánh thanh niên, bà chọn đi sâu, hái lại những gì còn sót nên thu nhập trong mùa măng của bà chỉ đủ ăn, không dư dả. Dù vậy, người đàn bà núi rừng vẫn cười hồn nhiên, hài lòng với cuộc đời sơn nhân dưới chân ngọn núi thiêng.
Măng rừng của người đồng bào luôn được ưa chuộng vì chất lượng cũng như uy tín. Từ đầu mùa năm nay, có nhóm sinh viên thực tập ở TP Hồ Chí Minh ghé vào buôn thăm quan, các em khuyên bà con nên đưa đặc sản địa phương lên mạng xã hội quảng bá và bán online, giá cả sẽ gấp đôi so với bán cho lái buôn và lượng tiêu thụ cũng cao. Em sinh viên lập cho bà H’Nham và mấy bà trong làng trang Facebook để các bà livestream bán đặc sản. Nhóm sinh viên hướng dẫn các bà tận tình, chỉ bảo cả con trai, con gái, con dâu cách nói chuyện, quảng cáo, giới thiệu và... chốt đơn, gửi hàng ra sao. Nhưng rồi công nghệ khó quá, bà H’Nham vào livetream được một lần thì ngượng ngùng không biết nói thế nào, vì bà cũng không thông thạo tiếng Kinh cho lắm. Bà ú ớ và chỉ biết che miệng cười nên không có ai vào hỏi hàng, cuối cùng, chương trình bán hàng online phá sản. Thôi thì cứ bán truyền thống cho dễ, mình có hàng, người ta vào tận nhà mua, trả tiền là xong. “Số mình đâu làm giàu được, bán buôn trên điện thoại khó quá, mình không biết làm đâu”, bà trải lòng.
 
Bữa ăn giữa rừng già Chư Yang Sin.
Bữa ăn giữa rừng già Chư Yang Sin.
2. Vào cuối vụ măng, bà H’Nham sang xã Cư Pui, huyện Krông Bông theo người anh họ là ông Y Luy đi rừng hái lá thuốc Nam và lá ủ rượu cần. Ông Y Luy là thầy cúng kiêm thầy thuốc. Ông tự bào chế thuốc Nam rồi chữa cho đồng bào miễn phí, ông làm vì cái nghiệp thầy thuốc vận vào người chứ không lấy đó làm kế sinh nhai. Trên sườn rừng Chư Yang Sin, dấu chân ông Y Luy đã trải dài qua bao mùa mưa rừng. Bà H’Nham theo vì ông biết nơi nào có loại lá ủ men rượu cần ngon nhất.
Là người nắm giữ “linh hồn” của gia tộc, bà H’Nham có trách nhiệm đi tìm lá để làm ra loại rượu cần, vốn là thức uống không thể thiếu trong các lễ hội truyền thống của đồng bào mình. Rượu cần còn là món quà đặc trưng trong các cuộc vui, đón khách quý ở xa về thăm gia đình.
Loại lá nào ủ rượu cần ngon nhất, sẽ không ai tiết lộ vì đó là bí mật. Nếu có ai hỏi, cả ông Y Luy và bà H’Nham đều nở nụ cười bí hiểm và chỉ lắc đầu mà thôi.
Ông Y Luy cho biết, công thức làm rượu cần thì ai cũng biết, nồng độ phụ thuộc vào loại gạo lên men, nhưng mùi vị và nét đặc trưng của loại rượu cần thì phải do lá rừng tạo nên. “Chúng tôi muốn giữ lại một phần nào đó nét riêng của loại rượu buôn làng của mình. Bây giờ chỗ nào cũng làm rượu cần, quảng bá rượu cần đại trà, thậm chí làm giả rượu cần vì lợi nhuận. Ché rượu cần đã không còn mồ hôi, nước mắt và vị đắng cay của rừng già nữa rồi”, ông bộc bạch.
Nhóm sơn nhân do ông Y Luy dẫn đường vào sâu trong các cánh rừng Chư Yang Sin, họ tìm kiếm thảo dược, hái lá ủ rượu cần và tranh thủ tìm rừng măng mới cho vụ mùa sau. Với họ, rừng xanh như người mẹ hiền luôn mở rộng trái tim yêu thương, luôn cho đi mà không cần sự đáp đền. Vì thế, “những đứa con” bé nhỏ luôn một lòng tôn thờ mẹ thiên nhiên. Những cây thuốc dù là quý hiếm, ông Y Luy không bao giờ nhổ cả gốc rễ mà chỉ chiết lấy một phần lá hoặc vỏ, còn lại sẽ bồi thêm đất cho cây sinh trưởng tự nhiên. Với lá ủ rượu cần cũng vậy, một cây chỉ được phép hái vài lá già và tỉa chút rễ, tất cả sẽ được bảo vệ tuyệt đối bằng sự tự nguyện của những người đi rừng.
 
Chư Yang Sin là ngọn núi thiêng luôn kích thích sự trải nghiệm đối với người ưa khám phá.
Chư Yang Sin là ngọn núi thiêng luôn kích thích sự trải nghiệm đối với người ưa khám phá.
Lá rừng hái về được cắt, giã nát, trộn rồi ủ, sau đó vo viên, phơi khô, hong trên bếp lửa trong nếp nhà sàn. Nhờ giữ trên bếp lửa nên viên men có thể sử dụng tốt sau 2 đến 3 năm. Men lá được ủ với cơm hoặc nếp, ngâm trong chum từ 7 đến 10 ngày mới chưng cất. Quá trình chưng cất, phải dùng củi đun đều lửa, không cho cháy to quá, cũng không nhỏ quá để rượu ra từ từ.
Theo quan niệm của đồng bào M’nông thì rượu cần là nước uống của Yàng (thần linh). Hơn nữa, rượu cần chính là sợi dây gắn kết từng cá nhân với cộng đồng, giúp mọi người xích lại gần nhau hơn, đoàn kết giúp nhau vượt qua khó khăn, thử thách. Vì thế, trong quá trình lao động sản xuất cũng như khi sử dụng, làm rượu cần, đồng bào M’nông luôn tuân thủ nghiêm ngặt những điều kiêng kị nhưkhông làm men rượu vào độ xoài trổ bông, lúa làm đòng; phụ nữ có thai hay đang trong giai đoạn kiêng cữ thì không được đến gần, không gây vỡ ché, không làm gãy cần... Những quy định ấy cũng chì vì mong muốn giữ lại chút hồn cốt linh thiêng của loại thức uống đã trở thành một thứ dư vị mang đặc ân của thần rừng ban tặng.
 
Ủ rượu là công đoạn quan trọng để cho ra đời ché rượu cần mang hương vị đặc trưng của Tây Nguyên. Ảnh: Minh Phương
Ủ rượu là công đoạn quan trọng để cho ra đời ché rượu cần mang hương vị đặc trưng của Tây Nguyên. Ảnh: Minh Phương
Rượu cần nhà bà H’Nham, ông Y Luy và bà con trong buôn đều không mang bán, không đổi chác với bất cứ thứ gì, mà chỉ dành để uống vào dịp nhà có khách quý và lễ hội buôn làng. Có rất nhiều thương nhân làm du lịch đến gặp các sơn nhân đi rừng, đặt vấn đề trao truyền bí quyết làm rượu cần hoặc chỉ cho loại lá ủ men, họ sẽ mua bằng tiền, nhưng đều nhận cái lắc đầu từ chối.
Tôi từng uống rượu cần trong gian bếp lửa nhà sàn của bà H’Nham những mùa rừng năm trước, từng say lịm đi cái thứ men rừng bí mật ấy. Điều mà tôi cảm nhận được chính là vị ngọt nhẹ của gạo núi, xen lẫn mùi chát đắng của lá rừng, chút cay nồng của hương men và điều đặc biệt, chính là cái tình của người làm ra nó. Bà H’Nhâm bảo rằng, uống rượu cần phải say thì mới nhớ đến rừng. Bởi thế, những sơn nhân dưới chân cánh rừng thiêng luôn tâm niệm, sống với núi là đang sống với thứ xa xưa nhất, cũ kỹ nhất ở trần gian. Thứ ký ức thách thức luôn thời gian, tạo hóa và cả sự xoay vần của vũ trụ...
Theo Ngọc Thiện (cand.com.vn)

Có thể bạn quan tâm

Miền lửa đạn hồi sinh

Miền lửa đạn hồi sinh

Thung lũng Ia Drăng từng là vùng chiến địa nổi danh trên thế giới với đầy rẫy đạn bom. Hơn 50 năm sau, vùng thung lũng chết ấy đã hồi sinh với màu xanh của cây công nghiệp như tiêu, cà phê, cao su; mang lại việc làm và đời sống ấm no cho đồng bào địa phương cũng như dòng người đi kinh tế mới.

Sắc màu huyền bí

Sắc màu huyền bí

Văn hóa dân tộc M’nông luôn tạo cảm giác tò mò bởi sự huyền bí. Ở bất cứ lễ hội nào, đồng bào dân tộc M’nông cũng thể hiện những nét đặc trưng độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc họ. Bản sắc văn hóa đó cứ mãi lan tỏa, rất riêng, không nơi nào có được.

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

(GLO)- Từ hàng chục năm trước, nhiều gia đình người Tày từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào vùng đất Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) với khát khao xây dựng cuộc sống mới. Cũng từ đó, món bánh cuốn hay còn được gọi là bánh cuốn canh được họ mang theo đã trở thành đặc sản của vùng đất này.

Dưới bóng nêu làng

Dưới bóng nêu làng

Nghệ nhân nhân dân Hồ Ngọc An (70 tuổi, ở làng Trà Dòn, thôn 2, xã Trà Thủy, H.Trà Bồng, Quảng Ngãi) ngày đêm "truyền lửa", đào tạo lớp trẻ thực hành nghệ thuật trang trí cây nêu làng để gìn giữ tinh túy văn hóa dân tộc Kor.

Nghề lái tàu metro: 'Trái tim' của đoàn tàu

Nghề lái tàu metro: 'Trái tim' của đoàn tàu

Không trực tiếp lái tàu hay đón khách, đội ngũ nhân viên tại Phòng điều độ ở depot Long Bình (TP.Thủ Đức, TP.HCM) là những người làm việc thầm lặng, nhưng quyết định sự vận hành trơn tru của toàn hệ thống metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Mưu sinh trên những cánh rừng

Mưu sinh trên những cánh rừng

(GLO)- Việc trồng rừng đã tạo cơ hội việc làm cho nhiều người dân xã Song An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Giai đoạn nào, công việc ấy, người lao động rong ruổi trên những cánh rừng, nhọc nhằn mưu sinh, kiếm tiền trang trải cuộc sống.