Mùa mật ong trên những khu rừng ngập mặn Kim Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hè về, hoa sú vẹt nở trắng trên những triền đê và rừng ngập mặn các xã bãi ngang ven biển của huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Do thời tiết thuận lợi, mật ong từ phấn hoa sú vẹt thơm và màu đẹp hơn nên người nuôi rất phấn khởi. Ảnh: Hải Yến/TTXVN

Do thời tiết thuận lợi, mật ong từ phấn hoa sú vẹt thơm và màu đẹp hơn nên người nuôi rất phấn khởi. Ảnh: Hải Yến/TTXVN

Đây cũng là thời điểm thợ nuôi ong trong và ngoài tỉnh đưa những đàn ong về đây để khai thác mật tự nhiên. Năm nay, thời tiết thuận lợi, mật ong từ phấn hoa sú vẹt thơm và màu đẹp hơn, người nuôi rất phấn khởi.

Hơn 10 năm trong nghề đưa ong đi lấy mật ở khắp mọi miền Tổ quốc, cứ vào khoảng tháng 4 hằng năm, khi hoa sú vẹt nở, anh Trần Văn Lợi (xã Văn Hải, huyện Kim Sơn) lại đưa 400 đàn ong của gia đình về các xã bãi ngang ven biển của huyện Kim Sơn để khai thác phấn hoa làm mật. Những khu rừng ngập mặn ven biển này chủ yếu là cây sú vẹt, có sức sống khỏe, chịu được ngập mặn, nhiều hoa nên rất hấp dẫn các loài ong.

Nông dân thu hoạch mật ong tại huyện Kim Sơn. Ảnh: Hải Yến/TTXVN

Nông dân thu hoạch mật ong tại huyện Kim Sơn. Ảnh: Hải Yến/TTXVN

Sau khi hút phấn hoa, ong sẽ nhả mật trong cầu, sau đó người nuôi sẽ cắt cầu bỏ vào thùng để vắt lấy mật. Để có chất lượng mật tốt, quan trọng nhất là phải có đàn ong khỏe mạnh và phải chọn được thời điểm quay mật phù hợp. Chỉ nên quay mật khi các tổ ong chứa mật đã được đàn ong dán kín 75% bề mặt khung. Nếu hơn 1/4 bề mặt tảng ong không được bảo vệ, nghĩa là mật chưa được ong quạt hết hơi nước nên mật sẽ loãng, chất lượng không đảm bảo.

Anh Trần Văn Lợi cho biết, từ đầu vụ hoa đến nay, anh đã quay được 3 vòng, mỗi vòng được khoảng 400 kg mật, với giá bán từ 90 - 120 nghìn đồng/kg, trừ chi phí thu lãi 200 triệu đồng. "Năm nay, thời tiết thuận lợi, vụ hoa sú vẹt này gia đình tôi thu lãi lớn. Mật ong sú vẹt có vị ngọt đặc trưng và giá trị tốt hơn hẳn những loài hoa khác, nên được thị trường rất ưa chuộng", anh Lợi chia sẻ.

Trung bình 1.000 thùng ong cho thu hoạch khoảng 8-10 tấn mật/vụ hoa. Ảnh: Hải Yến/TTXVN

Trung bình 1.000 thùng ong cho thu hoạch khoảng 8-10 tấn mật/vụ hoa. Ảnh: Hải Yến/TTXVN

Những ngày này, dọc đê Bình Minh 3 thuộc huyện Kim Sơn, hàng nghìn đàn ong đặt cạnh rừng ngập mặn để khai thác nguồn hoa tự nhiên. Chủ của những thùng ong này không chỉ là những người dân trong huyện mà ở khắp nơi trong cả nước. Đặc tính của cây sú vẹt là nửa nước, nửa cạn, sống trong điều kiện cực kỳ khắc nghiệt, khi thủy triều lên, phần cây sẽ bị nước biển phủ kín, thủy triều xuống, cây trơ nguyên phần gốc, vậy nên nó cũng tạo ra loài hoa rất đặc biệt. Mật ong khai thác đầu mùa rất thơm, màu lên đẹp. Do vậy, vào mùa hoa sú vẹt, người nuôi ong ở đây quay mật đến đâu khách mua hết tới đó.

Ông Trần Văn Thiều, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Năm nào, tôi cũng ra đây mua mật về dùng. Hoa sú vẹt nở tự nhiên ở vùng biển, giữa một hệ sinh thái hoàn toàn tự nhiên, trong lành, không bị ảnh hưởng bởi các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật nên mật có vị đậm đà, mùi thơm đặc trưng, rất lành và bổ dưỡng. Mật ong hoa sú vẹt không chỉ có tác dụng tốt cho sức khỏe mà còn được dùng làm thuốc chữa nhiều loại bệnh nên được thị trường rất ưa chuộng và có giá trị kinh tế cao".

Mật ong sú vẹt được nhiều người dân ưa chuộng và tìm mua. Ảnh: Hải Yến/TTXVN

Mật ong sú vẹt được nhiều người dân ưa chuộng và tìm mua. Ảnh: Hải Yến/TTXVN

Nghề nuôi ong cho thu nhập cao, song không phải ai cũng theo được vì nghề này đòi hỏi sự cần cù, chịu khó. Bởi lẽ, thời điểm vào vụ ong làm mật cũng là lúc thời tiết nắng nóng gay gắt. Người nuôi ong phải thường xuyên chăm chút cho đàn ong, làm mái che để tránh để tia nắng mùa hè trực tiếp chiếu vào tổ, vệ sinh thùng ong cẩn thận, sạch sẽ. Đồng thời, người nuôi thường xuyên đảo cầu để mật lên đều, kiểm tra từng thùng ong xem ong có khỏe mạnh, lấy đủ lượng phấn hoa cần thiết hay không. Bên cạnh đó, người nuôi còn phải nắm bắt được diễn biến sức khỏe của từng đàn ong bởi đây là loài rất nhạy cảm với thời tiết và dễ nhiễm bệnh.

Vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn có diện tích hàng nghìn ha và hàng năm vẫn tiếp tục được bồi tụ tiến ra biển. Nhiều năm qua, với sự nỗ lực trồng, chăm sóc, bảo vệ của người dân, chính quyền địa phương và sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức quốc tế, nơi đây dần được phủ một màu xanh bạt ngàn của rừng ngập mặn. Hiện toàn huyện có trên 700 ha rừng ngập mặn chủ yếu là trồng cây sú vẹt, bần chua.

Rừng ngập mặn Kim Sơn không chỉ bảo vệ, cải tạo môi trường sinh thái ven biển mà còn tạo ra sinh kế bền vững cho người dân. Mỗi mùa hoa sú, vẹt từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 8, khi các loại hoa này nở rộ, khoảng 20 chủ nuôi với khoảng 5 nghìn đàn ong được người dân trong và ngoài tỉnh mang về đây khai thác nguồn hoa tự nhiên.

Trung bình, 1.000 thùng ong cho thu hoạch khoảng 8-10 tấn mật/vụ hoa. Sản lượng mật vào khoảng 50-70 tấn, giá trị hàng tỷ đồng. Nghề nuôi ong lấy mật ở rừng ngập mặn ven biển Kim Sơn đã không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân mà còn góp phần bảo vệ tính đa dạng sinh học của các loài thực vật và bảo vệ môi trường sinh thái ven biển của tỉnh Ninh Bình.

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.