Mùa hoa bằng lăng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Một ngày tháng tư, chạy xe chầm chậm qua phố, lòng hân hoan khi thấy những bông bằng lăng nở tím biếc trên cành.
Không phải hoa học trò nên bằng lăng ít được trồng trong sân trường như phượng vĩ, dù sắc tím miên man của nó đủ làm rung động những tâm hồn trinh bạch và làm thổn thức những trái tim trong trắng chưa một lần biết yêu!
Trong những khu nhà vườn, biệt thự kiểu mới, thảng hoặc ta cũng bắt gặp một gốc bằng lăng kiêu hãnh xòe tán, khoe sắc giữa một thế giới đầy hoa kiểng. Nhưng, cũng vì thế, cái đẹp của nó không đua chen được với những độc lạ của lan đột biến, của những chậu bonsai đắt đỏ. Bằng lăng nhạt nhòa trong thế giới không thuộc về mình.
Vậy chỗ của bằng lăng ở đâu? Không phải trong rừng già, không phải trong vườn nhà, bằng lăng đẹp nhất khi đứng nép mình trên phố. Để một ngày thức giấc, chợt nhận ra con đường ta qua ngập tràn sắc tím, khu phố ta ở đã thành “phố tím” nên thơ, đẹp đến nao lòng bởi sắc hoa bằng lăng.
Hoa bằng lăng nở rộ trên đường Hoàng Hoa Thám (TP. Pleiku). Ảnh: Đức Thụy
Hoa bằng lăng nở rộ trên đường Hoàng Hoa Thám (TP. Pleiku). Ảnh: Đức Thụy
Cái đẹp của bằng lăng là cái đẹp chắt chiu, nhẫn nại. Nếu chỉ nhìn bằng lăng những tháng ngày cây nuôi thân thay lá có lẽ ta dễ thất vọng. Bởi bằng lăng không có dáng yểu điệu thướt tha như liễu rủ ven hồ, cũng không có vẻ thanh nhã, trầm tư của những loài cây dáng thẳng như xà cừ, long não...
Bằng lăng dáng thấp, lá cây ở thời điểm đẹp nhất cũng không mướt, không xanh bóng mỡ màng mà lốm đốm nâu đen, trông bạc thếch và cằn cỗi. Đi dưới con đường bằng lăng những mùa ấy, đôi khi ta quên mất sự tồn tại của nó như cách ta vẫn thường quên những sự nhỏ bé, bình dị tồn tại quanh mình.
Qua hết mùa xuân, bằng lăng hồi sinh và khai hội hoa khi những cơn mưa tháng tư bắt đầu kéo tới. Bất kể đang mùa hoa loa kèn trắng xanh mặt đất, mặc cho phượng vĩ đỏ thắm trên cành, bằng lăng cứ tím miên man, dịu dàng, mê hoặc... Mỗi cành cây là một tràng hoa, mỗi tán cây là một vòm hoa, mỗi con đường bằng lăng là một đường hoa. Ngước mắt lên là một không gian xao xuyến màu hoa thắm.
Dường như ý thức được mình thiếu hụt hương thơm, bằng lăng đã vắt kiệt đời cây cho sắc tím. Có những loài hoa mới nở thì phơn phớt, càng lâu sắc hoa càng sậm màu. Bằng lăng thì ngược lại. Ngay khi vừa xòe cánh đã hiến dâng tận độ cho đời một màu tím tinh khôi mà đậm đà. Cái tươi mới, rực rỡ và thanh tân của những bông bằng lăng buổi ban đầu ấy khiến lòng ta say mê và xúc động xiết bao!
Ban mai xanh, bằng lăng tím hồng trong nắng sớm. Hoàng hôn vàng, bằng lăng tím lung linh trong nắng chiều. Dưới sương khuya, bằng lăng càng thêm tím, thẫm lại trong niềm lặng im sâu thẳm, xao xác những con đường.
Một buổi ngồi dưới gốc bằng lăng, nhìn thời gian nhỏ giọt trong ly cà phê đen đá, ngắm dòng người vội vã lại qua, ngước mắt lên gặp một vòm hoa tím, lòng chợt dịu dàng bình yên, phút chốc quên những phiền muộn tranh đua với đời.
Ai từng hò hẹn dưới cây bằng lăng có nhớ sao trời lung linh qua mắt hoa, kẽ lá? Và bằng lăng êm dịu dệt một chuyện tình, thả rơi vài cánh hoa mỏng lên mái tóc bờ vai, nghe thẹn thùng dâng lên trong làn môi, ánh mắt...
Lặng thầm thế, bằng lăng làm đẹp những con đường, góc phố, làm đẹp cả những tâm hồn tha thiết yêu thương.
HÀ HOÀI PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.