Mùa điều chín

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tháng tư trở mình với cái nắng oi nồng xen lẫn những cơn giông đầu mùa bất chợt. Gió mang hơi ngọt quánh dịu từng cơn đượm mùi quả điều chín.
Tuổi thơ trên mảnh đất đỏ bazan của đám trẻ chúng tôi gắn liền với tháng tư khi đến mùa điều. Thuở bé, tôi từng hỏi mẹ: “Sao lại gọi quả điều là đào lộn hột hả mẹ?”. Mẹ bảo vì nó vốn là quả đào nhưng có cái hột mọc ngược phía dưới quả nên người ta gọi tên như vậy. Đó là cái lý lẽ của người lớn, tôi thầm nghĩ vậy. Mỗi lần đứng dưới tán cây nhìn mấy quả điều treo lúc lỉu trong gió, tôi hay tưởng tượng ra một trái tim căng phồng và cái hạt lẽo đẽo chính là sự sống bám trụ vào trái tim quyết không chia lìa.
Ngày ấy, một buổi đi học thì buổi còn lại đám trẻ trong xóm chúng tôi lại hẹn nhau ra vườn điều. Học đòi theo phim Tây Du Ký, chúng tôi cũng tự đặt cho khu vườn cái tên là “hội bàn đào”. Ngày nào cũng thế, đều đặn chúng tôi vào cái lều nhỏ ngay mé vườn đào để nhận rổ, lượm quả cho chủ vườn để được ăn quả và nộp lại hạt. Hồi ấy còn bé, chúng tôi cũng không hiểu người ta lại lấy hạt điều để làm gì. Chỉ biết rằng mỗi lần được vào khu vườn, cả đám thích thú túa ra như bầy ong vỡ tổ tranh nhau nhặt những quả rụng.
Vườn điều được một người tên Sáng quản lý nhưng chú lại không phải chủ vườn. Chú Sáng là bộ đội xuất ngũ. Trong mắt chúng tôi, đó là một người đàn ông có tính cách hơi dị biệt và nghiêm nghị. Cuộc đời rất tréo ngoe với chú bởi tên Sáng nhưng mắt chú lại rất kém. Chú không thể nhìn xa, mỗi lần chúng tôi vào nhận rổ nhặt điều thì chú phải nheo mắt thật lâu để nhận diện từng đứa.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Vườn điều là cả khu vườn cổ tích với chúng tôi. Nó đều thẳng tăm tắp, mát lành và dịu ngọt đến lạ. Từng quả điều chín mọng rơi xuống đất nhưng vẫn nguyên vẹn, có thể nhờ lớp đất bazan mềm mại hoặc nhờ chính tấm đệm lá cây. Quả chín ươm ướp nước đỏ rực, có vị ngọt thanh lại có vị chát nhẹ, chua chua xen lẫn như trái cây đã lên men. Tất cả hòa quyện thành mùi hương rất khó tả. Khi ăn những miếng đầu tiên lúc nào cũng cảm thấy vị ngọt thanh như được uống ly nước chanh giữa trời nắng, nhưng càng ăn lại càng thấy vị chan chát, gắt gắt trong họng. Buổi đầu tiên vì bị hấp dẫn bởi mùi thơm lạ lùng của quả điều, lượm đến đâu chúng tôi ăn lấy ăn để đến đó, tới mức đứa nào đứa nấy rộp phồng cả lưỡi, có đứa hôm sau đi học còn bị mất tiếng. Những lần sau đó chúng tôi nộp lại hạt cho chú Sáng, còn quả thì đem về làm quà cho mấy đứa nhỏ ở nhà.
Quanh quẩn với vườn điều, nhặt rồi rượt đuổi, đùa giỡn cùng nhau mãi cũng chán. Đám trẻ bàn nhau sẽ không nộp hết số hạt điều mà đem giấu một ít để đem ra mé vườn nướng ăn. Thú thật lúc ấy tôi háo hức lắm nhưng lại sợ không dám làm. Tôi và thằng bạn thân không muốn lừa chú Sáng nên cứ nấn ná ở vườn chứ không theo lũ bạn. Đến khi trời đổ mưa, chúng tôi chạy nhanh vào cái lều của chú Sáng trú tạm. Mặt hai đứa buồn thiu vì nghĩ đám kia có lẽ đã nướng xong hạt điều ăn rồi. Như đọc được suy nghĩ của chúng tôi, chú bảo: “Hai đứa đem hạt lại bếp than vùi vào đấy, ăn xong đợi tạnh mưa rồi về”. Lúc ấy chúng tôi như vỡ òa vì sung sướng. Sau khi được vùi vào than, mủ của hạt chảy ra cháy xèo xèo phực lửa, bốc lên mùi hăng hắc, khen khét. Hạt chín, chú Sáng lấy cái búa đập vỡ và chúng tôi cứ thế nhặt nhân mà ăn. Mùi thơm của hạt điều ngon như đậu phộng rang, cái vị béo bùi và ngọt hậu quả thật đáng nhớ. Mùi vị ấy với mùi khói mờ ảo của tuổi thơ cứ xen lẫn, đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ! 
Vườn điều xưa giờ đang được máy múc lên để quy hoạch bến xe mới của phố huyện. Lòng tôi bỗng dậy lên một cảm giác buồn đến lạ. Những quả điều chín đỏ mọng đung đưa trong gió và hương thơm của chúng cứ thoang thoảng, vấn vít lấy nỗi nhớ khiến khóe mắt tôi cay cay.
TRÚC PHÙNG

Có thể bạn quan tâm

Thơ Nguyễn Thanh Mừng: Gia Lai một hai ba

Thơ Nguyễn Thanh Mừng: Gia Lai một hai ba

(GLO)- "Gia Lai một hai ba" của Nguyễn Thanh Mừng dẫn người đọc qua những nẻo đường dốc đèo, qua tiếng thác reo và chiêng cồng, để gặp lại khí phách người xưa. Mỗi hình ảnh, mỗi nhịp thơ là một lát cắt vừa hoang sơ, vừa tự hào về bản sắc không thể phai mờ của đại ngàn Tây Nguyên.

Thơ Lê Thành Văn: Nghe con đọc thơ về Tổ quốc

Thơ Lê Thành Văn: Nghe con đọc thơ về Tổ quốc

(GLO)- Trong bài thơ "Nghe con đọc thơ về Tổ quốc", tác giả Lê Thành Văn để mạch cảm xúc tuôn chảy tự nhiên: từ sự rưng rưng khi nhớ về chiến tranh đến niềm tin lặng lẽ gửi gắm vào thế hệ mai sau. Bài thơ như một nhịp cầu nối liền quá khứ đau thương và hiện tại bình yên.

Thơ Lê Vi Thủy: Biên cương mùa gió

Thơ Lê Vi Thủy: Biên cương mùa gió

(GLO)- Giữa những cơn gió xào xạc của núi rừng Tây Nguyên bỏng rát, bài thơ “Biên cương mùa gió” của Lê Vi Thủy như thổi vào lòng người nỗi xúc động lặng thầm. Từ ánh mắt trẻ thơ đến no ấm buôn làng và những giọt mồ hôi người lính, tất cả hòa quyện trong khát vọng yên bình nơi địa đầu Tổ quốc.

Tổ quốc trong tim

Thơ Lenguyen: Tổ quốc trong tim

(GLO)- Bài thơ “Tổ quốc trong tim” của tác giả Lenguyen là lời tri ân sâu sắc với cha ông đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Từ Cửu Long đến Trường Sơn, từ Điện Biên đến Sài Gòn, một Việt Nam bất khuất vươn lên giữa máu và hoa, rạng ngời sắc cờ Tổ quốc.

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

(GLO)- Trong nhịp sống hiện đại hối hả, bài thơ "Lòng quê" của tác giả Đào An Duyên là tiếng vọng thầm lặng mà day dứt. Người xa quê, dù ở đâu chăng nữa vẫn mang trong tim nỗi nhớ cội nguồn. Qua hình ảnh nước xuôi nước ngược, bài thơ gợi về sự gắn bó thiêng liêng giữa con người và quê hương.

Người nặng lòng với dân ca Tày

Người nặng lòng với dân ca Tày

(GLO)-Hơn 30 năm kể từ ngày rời quê hương Cao Bằng vào Gia Lai lập nghiệp, ông Mã Văn Chức (SN 1961, tổ 3, thị trấn Phú Thiện) vẫn nặng lòng với văn hóa dân tộc Tày. Hơn 100 bài hát đã được ông sáng tác theo làn điệu dân ca Tày với mong muốn “giữ lửa” cho âm nhạc dân gian.

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

(GLO)- Đó là phát biểu của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn tại hội nghị tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) diễn ra vào sáng 23-4 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

(GLO)- “Dáng vẻ của một người yên lặng đọc sách khá giống với những gì tôi cảm thấy khi nghĩ về một người đang trưởng thành trong lặng lẽ”-đó là cảm nhận của chị Trần Thị Kim Phùng Thủy-Trưởng ban Điều hành dự án “Văn hóa đọc Gia Lai” về giá trị sâu bền mà sách mang lại.