Một trí thức tận lòng cống hiến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ lâu, tôi đã muốn viết về anh - một bác sĩ, một nhà khoa học, một đại biểu Quốc hội và một tấm lòng thiện nguyện. Nhiều người đã trân trọng, yêu mến gọi anh với những mỹ từ: bác sĩ có bàn tay vàng, niềm tự hào của trí thức Việt Nam...
 
Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu trong một hoạt động khám chữa bệnh thiện nguyện cho trẻ em
Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu trong một hoạt động khám chữa bệnh thiện nguyện cho trẻ em
Tiên phong
Câu chuyện giữa tôi và anh bắt đầu với câu hỏi: “Anh là người đầu tiên phát triển Telehealth ở Việt Nam?”. Anh đáp: “Sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa (Telemedicine) thì Việt Nam triển khai từ lâu rồi. Nhưng Telehealth là do tôi đặt tên. Mọi người cứ thắc mắc sao tôi chọn từ khó phát âm thế. Nhưng tôi chọn nó để phân biệt với Telemedicine”.
Theo anh, Telehealth là y học từ xa, kết nối bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới thông qua công nghệ mạng. Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nơi anh công tác, là nơi khởi xướng cho loại hình này. Những tháng ngày đã qua, anh miệt mài đi khắp cả nước kết nối bệnh viện tuyến dưới. Những ai theo dõi trang Facebook cá nhân của anh sẽ không ít lần bắt gặp những trạng thái hạnh phúc tột cùng mà anh chia sẻ, khi nhờ Telehealth, với sức mạnh kết nối tuyệt diệu của nó, đã cứu chữa thành công những ca bệnh khó ở vùng sâu vùng xa. 
Bác sĩ Vũ Giang An, Phó Giám đốc Bệnh viện huyện Mộc Châu, Sơn La, nhớ lại ca sinh non, sản phụ chuyển dạ 28 tuần tuổi ở huyện Yên Châu. “Trên đường đến viện, mẹ chồng đỡ đẻ cho con dâu ngay trên xe. Khi mẹ con sản phụ nhập viện, cháu bé trong tình trạng tím tái, suy hô hấp. Đây là một ca hết sức khó vì trẻ sinh non nhiều tháng, nặng 1,1kg. Nếu không có Telehealth để kết nối với các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chúng tôi hết sức lúng túng”, bác sĩ An bộc bạch. 
Từ 2 bệnh viện ban đầu kết nối về Bệnh viện Y Hà Nội là Mường Khương (Lào Cai), Quảng Xương (Thanh Hóa), đến nay, đầu cầu Telehealth đã mở rộng sang Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Nhật Bản, cùng với đó là hơn 200 cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện, xã trong nước. Đó là thành quả của cả tập thể, nhưng công sức của anh chiếm phần nhiều. Sự phát triển của ngành y nước nhà chắc sẽ nhắc đến Telehealth và nhắc đến tên anh - PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội)... 
Telehealth càng trở nên có ý nghĩa hơn khi dịch Covid-19 bùng phát. Bác sĩ Hiếu kể, mới tháng trước, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ mắc Covid-19, tiên lượng nặng, một vị lãnh đạo cấp cao đã điện thoại cho anh đề nghị hỗ trợ. “Phối hợp với Viettel ngay chiều hôm ấy, chúng tôi thiết lập được nền tảng khám chữa bệnh từ xa Telehealth kết nối 24 giờ với tất cả nhân viên Đại sứ quán. Từ Hà Nội, chúng tôi hướng dẫn từng trường hợp, cách theo dõi nhiệt độ, triệu chứng, đến dùng thuốc; phân tích các kết quả xét nghiệm máu, X-quang, đưa ra quyết định ai bắt buộc phải nhập viện bằng mọi giá, ai không. Sau mấy ngày, tôi nhận được loạt tin nhắn của Phó Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, thông báo: anh Nhân đã xuất viện, chị Xuân hạ sốt, bé Phương đỡ hơn.... Dòng tin ngắn ngủi làm tôi vui cả ngày”, anh chia sẻ. 
“Đó chính là điều tuyệt diệu của y học không biên giới, với những cuộc hội chẩn khó xuyên quốc gia. Telehealth là bước ngoặt cho y tế Việt Nam”, anh Hiếu khẳng định như thế. Và, tôi tin điều anh nói. Trong câu chuyện với tôi, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu phấn khởi khoe, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là bệnh viện công lập đầu tiên trong cả nước tiến hành việc không in phim chụp, siêu âm. Đây được coi là một bước đột phá của ngành y tế trong việc chẩn đoán bệnh, giúp bệnh nhân không phải chờ đợi. 
Không chỉ khao khát đổi mới nơi bệnh viện của anh, mà bác sĩ Hiếu còn luôn khao khát cả hệ thống y tế Việt Nam sẽ đổi mới theo hướng thông minh, thân thiện, để làm sao cả người bệnh và y bác sĩ đều thấy nhẹ nhàng hơn.
Thẳng thắn, trách nhiệm
Nói đến anh Nguyễn Lân Hiếu, có nhiều danh xưng để gọi: Nhà giáo nhân dân, Thầy thuốc nhân dân, Đại biểu nhân dân. Gọi như thế là bởi anh được trân trọng, được yêu quý, được ngưỡng mộ vì sự cống hiến của anh cho xã hội, dù ở vị trí nào.
“Tôi cứ nghĩ định mệnh của tôi là cả đời chỉ làm chuyên môn cứu người. Nhưng định mệnh ấy bỗng chốc thay đổi chỉ sau một cuộc nói chuyện xúc động với vị Bộ trưởng Bộ Y tế Myanmar”, anh kể lại. Ông ấy nói, chữa được một ca bệnh đã khó, thay đổi được tư duy làm chính sách để giúp cho hàng triệu bệnh nhân càng đáng quý hơn, và con đường ngắn nhất chính là có nhà chuyên môn y khoa lên tiếng trong Quốc hội. Có thể coi đây là động lực để bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2015-2020.
5 năm qua thật nhanh, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu trở thành một trong những vị đại biểu Quốc hội được báo chí trích dẫn ý kiến phát biểu nhiều nhất, trở nên quen thuộc với cử tri cả nước. Thẳng thắn, trách nhiệm và có chiều sâu, đó là những gì đọng lại sau những lần anh đăng đàn. Nhiều người sẽ nhắc lại triết lý giáo dục của Việt Nam trong giai đoạn này, mà anh đề xuất là “không nói dối”. Anh cho rằng, chúng ta đã quá tập trung vào phát triển kinh tế mà chưa chú trọng đúng mức đến giáo dục đạo đức, đặc biệt là cho thế hệ trẻ. Nguyễn Lân Hiếu cũng chính là người đề xuất và được Quốc hội đồng ý bổ sung vào Điều 134 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự tình tiết tăng nặng với hành vi hành hung y bác sĩ…
“Quy luật của cuộc sống luôn là vậy. Trái đất vẫn quay và chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn mới phát sinh, nhưng điều quan trọng nhất ở bất cứ hệ thống nào, đó là niềm tin của người dân. Có được niềm tin, trang sử mới cho đất nước sẽ mở ra tươi đẹp hơn…”, bác sĩ Hiếu chia sẻ. 
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi chuyển sang hướng khác, anh nói nhiều về thiện nguyện, bởi hoạt động thiện nguyện đã như một phần không thể tách rời cuộc sống của anh. Cũng là cái duyên, cuộc gặp giữa tôi và bác sĩ Hiếu diễn ra ngay khi anh vừa kết thúc chuyến công tác Quảng Trị, vào những ngày cận kề lịch nghỉ lễ 30-4. Anh cùng các cộng sự ở Đại học Y Hà Nội vừa đến tận xã Húc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị để xây nhà bán trú cho học sinh. 
“Chia sẻ tình thương” là chương trình thiện nguyện do anh và một người bạn thân lập ra và thực hiện suốt 17 năm qua, với hơn 200 chuyến đi. Anh cùng bạn bè đã góp tiền mua máy siêu âm xách tay, thành lập “Bệnh viện dã chiến”, kết hợp với nhóm “Chia sẻ tình thương” đi khắp nơi khám miễn phí và điều trị sau phẫu thuật cho nhiều trẻ em nghèo bị bệnh tim. Anh đi không chỉ để chữa bệnh, mà còn để xây nên những căn nhà, mái trường, cây cầu. 
Hữu xạ tự nhiên hương, anh Nguyễn Lân Hiếu được mời làm đại sứ, mời tham gia nhiều quỹ từ thiện có tiếng. Cứ có thời gian rảnh là anh lên đường! Nhiều người đã phải thốt lên: Còn nơi nào không in dấu chân anh? Sao lại có thể làm việc không ngừng, không biết mệt mỏi như vậy? 
Sinh ra trong một gia đình tinh hoa, có ông nội là GS-NGND Nguyễn Lân, bố là GS Nguyễn Lân Dũng. Gia đình anh được yêu quý bởi sự cống hiến lớn lao cho xã hội, bởi tấm lòng của những trí thức ngoài Đảng: Nguyễn Lân, Nguyễn Lân Dũng. Và đến anh - bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu tiếp tục viết lên câu chuyện của một trí thức luôn dạt dào năng lượng tích cực, nhiệt huyết,  truyền khát vọng cống hiến cho nhiều người.
Nhắc đến bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu là nhắc đến chuyên gia đầu tiên về can thiệp tim bẩm sinh cho trẻ em tại Việt Nam. Cũng nhờ vào những sáng tạo không ngừng của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu mà kỹ thuật can thiệp tim bẩm sinh của Việt Nam vươn tầm ra thế giới, anh trở thành chuyên gia tim mạch của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều tổ chức tim mạch uy tín khác. Anh còn thường xuyên được mời đi giải quyết những ca khó của bệnh tim mạch ở nước ngoài. Năm 2019, anh được bổ nhiệm Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Từ đó, nhắc đến Nguyễn Lân Hiếu cũng là nhắc đến một lãnh đạo bệnh viện, một bác sĩ luôn đi trước để xây dựng một bệnh viện thông minh, bệnh viện không giấy tờ vì người bệnh và cán bộ y tế. 
THẢO NGUYÊN (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.