Một khúc tâm tình với hồ Kẻ Gỗ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hẳn có nhiều người chưa từng tới Hà Tĩnh, chưa từng tham quan hồ Kẻ Gỗ nhưng đã biết đến hồ này qua ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ. Chính bài hát đã làm hồ nhân tạo này trở nên nổi tiếng cả nước, dù nước ta có rất nhiều hồ, cả hồ tự nhiên lẫn hồ nhân tạo, mà trong số này cũng có những hồ được nhiều người biết đến, như hồ Ba Bể, hồ Tuyền Lâm, hồ Tơ Nưng (biển Hồ Gia Lai), hồ Lắk, hồ Pa Khoang, hồ Trị An, hồ Dầu Tiếng, hồ Thác Bà...

 

 



Hồ Kẻ Gỗ hiện thuộc xã Cẩm Mỹ, H.Cẩm Xuyên, là hồ nước ngọt lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh. Ngày 15-6-1957, trong chuyến về thăm Hà Tĩnh (lúc này chưa nhập với tỉnh Nghệ An để thành tỉnh Nghệ Tĩnh), trong khi nói chuyện với các cán bộ, lãnh đạo tỉnh, Bác Hồ đã nhắc nhở Hà Tĩnh cần lục lại và nghiên cứu trước hồ sơ hồ Kẻ Gỗ để khi nào có thời cơ sẽ tiến hành xây dựng. Sau yêu cầu này của Bác, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Thủy lợi và Kiến trúc Trần Đăng Khoa đã giao Viện Thủy lợi tìm lại các hồ sơ liên quan đến hồ Kẻ Gỗ và nghiên cứu kể từ năm 1958. Đến năm 1974, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký quyết định về việc đồng ý xây dựng Đại thủy nông Kẻ Gỗ (ở xã Cẩm Mỹ, H. Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Từ năm 1975, Hà Tĩnh đã cho tiến hành làm đường sá và chuẩn bị mọi điều kiện chờ ngày khởi công.

Ngay sau ngày thống nhất đất nước, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Nghệ Tĩnh khi đó đã xúc tiến việc xây dựng hồ Kẻ Gỗ. Vào ngày 26-3-1976, đúng vào dịp kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Đoàn, công trình Đại thủy nông hồ Kẻ Gỗ chính thức được khởi công trong niềm vui của hàng vạn đồng bào tỉnh Nghệ Tĩnh. Nhiều người kể lại, thời ấy xứ Nghệ đói kém gắt gao; trong dân còn lưu truyền câu “năm tám mươi, gạo cũng tám mươi. Dân xứ Nghệ, mặt vàng như Nghệ”. Nên việc huy động đông đảo người dân ở nhiều huyện trong tỉnh Nghệ Tĩnh làm công trình này được mọi người đồng tình, hưởng ứng vì sẽ tạo cơ hội cho tỉnh nhà có thể tăng gia sản xuất, cải thiện được đời sống, hạn chế thiên tai... Trong số này, có nhiều thanh niên lên đường tham gia xây dựng công trình này khi vừa rời ghế nhà trường, như câu hát đã nêu: “Thấy mùa phượng vĩ ta ngỡ gặp mùa thi, cũng ngày phượng nở hai đứa mình ra đi...”.

Bài hát Người đi xây hồ Kẻ Gỗ đã phần nào miêu tả được hình ảnh làm hồ lúc bấy giờ, dù bài hát ra đời từ năm 1976, khi công trình chỉ mới bắt đầu. “Bạn về theo bạn đào núi lấp sông” là hình tượng người người lũ lượt rủ nhau tham gia công trình này trên quê hương mình, vừa đào núi, vừa lấp sông để thành hồ... Bởi đây là “vùng đá bạc đồi núi lô nhô”, sau khi có “tay anh phá đá tay em đào sỏi” thì “bỏ đồi hoang lại trong nắng trong mưa” mà nước nguồn như “những dòng suối nhỏ theo sông về với biển”... Việc xây hồ chủ yếu là dùng sức người, cùng với các loại công cụ, phương tiện khá thô sơ, trong điều kiện khá khó khăn, vất vả, nhất là vào mùa hè nóng bức hay mùa đông giá rét. Các nhân chứng kể lại, dù làm việc trong bối cảnh như vậy, lại phải ăn uống khá kham khổ, nhưng mọi người đều vui tươi, phấn khởi, đêm đêm phải ngủ dã chiến ở các lán trại giữa rừng, nhưng mọi người vẫn say sưa đàn hát... Không chỉ vậy, Hà Tĩnh là khu được Mỹ “quan tâm đặc biệt” trong chiến tranh bởi là điểm mở đầu của đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử, nên đã rải rất nhiều bom đạn xuống mảnh đất cằn khô này, trong số đó có nhiều bom mìn, đầu đạn chưa nổ. Với tinh thần xung phong rất cao, các đội dân công đã tình nguyện nhận đào ở những khu vực chưa rà phá bom mìn bằng sự dũng cảm và thận trọng cần thiết...


 

Bên trong đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.
Bên trong đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.



Hồ Kẻ Gỗ bây giờ đã là một công trình thủy lợi nổi tiếng, rộng hơn 35.000 ha, được xây dựng trên lưu vực của sông Rào Cái, nằm giữa các sườn đồi, núi thuộc H. Cẩm Xuyên, với hơn 17km kênh chính, gần 100 km kênh cấp 1, hàng ngàn cây số kênh cấp 2, cấp 3 và 3.168 công trình trên mặt hồ dài gần 30km, gồm 1 đập chính và 10 đập phụ với sức chứa hơn 350 triệu m³ nước. Bắt đầu từ năm 1979, hồ cơ bản hoàn thành và được đưa vào sử dụng, sau đó dần hoàn thiện thêm các hạng mục khác. Từ đó đến nay, hồ đã góp phần cung cấp nước sản xuất và sinh hoạt cho các huyện Cẩm Xuyên, Hương Khê, Kỳ Anh, Thạch Hà, thị xã Hà Tĩnh..., đồng thời thực hiện việc tiêu úng vào mùa mưa cho nhiều khu vực của các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, tránh tình trạng ngập lụt. Năng suất lúa đã tăng gấp nhiều lần từ ngày có hồ, đúng với hình tượng “từng đàn cá lượn cây lúa thêm nặng bông”...

Hiện nay, hồ Kẻ Gỗ còn là một địa điểm tham quan khá đặc sắc của tỉnh Hà Tĩnh. Nhiều người muốn đến đây để tận mắt nhìn thấy quang cảnh một cái hồ vốn đã được xây dựng trong một câu chuyện nên thơ mà nhạc sĩ tài hoa đã dựng lại, rồi vỡ òa với khung cảnh hữu tình ở nơi đây. Xa xa là những dãy núi, ngọn đồi tạo thành những bờ đê tự nhiên cho hồ, với những triền đồi thoai thoải phủ kín cây xanh. Đó đây, những “hòn đảo” nhỏ như những chòm cây xanh giữa hồ mà mùa khô còn nhìn thấy rõ các mớn nước vốn in lại trên các vách đá. Ngày nắng đẹp, mặt hồ phẳng lặng, trong veo như một tấm gương soi khổng lồ in rõ từng chòm mây. Thấp thoáng giữa hồ là những chiếc thuyền nhỏ của  ngư phủ, thấy rõ đời sống thanh bình, giản dị. Đi trên con đập chính, nghe gió lộng thổi rạt rào từ khu rừng xanh mát mà tưởng như “nghe trong gió bao nhiêu là chuyện lạ” từ thuở “lội qua khe” để “đắp đập xây hồ”, “đào núi ngăn sông” hay sự thay đổi diệu kỳ của mảnh đất này từ ngày “vang vang lời trống giục”. Cũng có vài chiếc thuyền chở khách du lịch với những chiếc áo phao màu cam nổi bật trong màu xanh ngắt của mặt hồ chầm chậm trôi để du khách được tận hưởng cảm giác thư thái giữa khung cảnh nên thơ tuyệt vời của hồ. Hồ này bây giờ nằm một phần trong khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, nơi có núi, có sông, có hồ, có những loài động thực vật đặc hữu, không chỉ có giá trị du lịch sinh thái mà còn có ý nghĩa bảo tồn các giá trị thiên nhiên đặc sắc... Hàng năm, người dân và chính quyền địa phương đều thả hàng ngàn ký cá giống xuống hồ để tái tạo nguồn lợi thủy sản, đồng thời quản lý nghiêm ngặt việc đánh bắt, triệt để cấm khai thác bằng các hình thức tận diệt.

Trên một hòn đảo nhỏ gần bờ, từ nhiều năm nay đã trở thành một điểm viếng, bởi ở đó có đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Từ khi tiến hành xây dựng hồ Kẻ Gỗ, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến công trình này, nhiều lần chỉ đạo, giúp đỡ và kiểm tra trực tiếp. Đây không chỉ là sự quan tâm của một vị lãnh đạo đối với một công trình thủy lợi có ý nghĩa thiết thực của địa phương mà là sự thể hiện tình cảm của một người con đối với quê hương. Tổng Bí thư Lê Duẩn tên thật là Lê Văn Nhuận, sinh ra tại xã Triệu Thành, H. Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, nhưng quê gốc ở làng Phương Cai, xã Cẩm Duệ, H. Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, tức là ngay tại nơi có hồ này. Để tri ân công lao to lớn của cố Tổng Bí thư, nhân dịp kỷ niệm 180 năm thành lập tỉnh (15-10-1831 – 15-10-2011), được sự đồng ý của gia đình, tỉnh Hà Tĩnh đã đầu tư xây dựng Đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn ngay trên hòn đảo nằm giữa lòng hồ, nơi ông từng nghỉ lại trong chuyến về thăm Hà Tĩnh (nên nhân dân địa phương thường gọi là “Đảo Cụ Duẩn"). Đền thờ được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống, khánh thành vào ngày 18-1-2014, trở thành một điểm nhấn của hồ Kẻ Gỗ bởi sự hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, là địa điểm văn hóa tâm linh để du khách tưởng niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Đặc biệt, gần đây, chiếc cầu nối từ bờ đến đảo được xây dựng mới, có thiết kế đẹp, càng hấp dẫn du khách đến nơi đây, sau khi có những bức ảnh đẹp có thể lắng lòng với lòng tri ân một vị lãnh đạo có nhiều đóng góp cho đất nước, cho dân tộc...

Hồ Kẻ Gỗ đã đi vào thơ, vào nhạc, là một biểu tượng của quê hương Hà Tĩnh, đồng thời cũng là một dấu ấn thể hiện sự chung sức, đồng lòng của người dân trong công cuộc dựng xây đời sống mới sau nhiều năm chiến tranh gian khó. Ngày nay, hồ trở thành một điểm đến hấp dẫn của khách tham quan, là một địa chỉ du lịch sinh thái có ý nghĩa. Do đó, hồ Kẻ Gỗ cần được quan tâm gìn giữ, tôn tạo cảnh quan, phát huy sự đa dạng sinh thái, bảo đảm an toàn và có thêm nhiều hạng mục thu hút du khách, để khách phương xa luôn muốn đến nơi này và khách đã đến còn mong quay lại với những tâm tình, lưu luyến khôn nguôi...


 

http://cadn.com.vn/news/65_219875_mot-khuc-tam-tinh-voi-ho-ke-go.aspx

Theo NGUYỄN MINH HẢI (cadn)

 

Có thể bạn quan tâm

Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.