Mở rộng tiêu thụ sản phẩm địa phương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Thời gian qua, chính quyền và các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong tỉnh Gia Lai rất quan tâm phát triển, mở rộng các điểm bán hàng Việt. Đó là nền tảng để hình thành chuỗi cung ứng hàng Việt, đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của địa phương và tiến đến liên kết mạng lưới sản phẩm trên cả nước.

Quảng bá sản phẩm địa phương

Cách đây hơn 3 năm, Công ty TNHH Nhất Nông Gia Lai đã đầu tư mở điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku. Từ chỗ chỉ trưng bày và bán sản phẩm của địa phương, đến nay, Công ty đã hợp tác với 50 chủ thể sản xuất để phát triển lên 80 sản phẩm trong tỉnh và 30 sản phẩm ngoài tỉnh tại điểm bán hàng này. Ông Võ Thành Tuân-Giám đốc Công ty TNHH Nhất Nông Gia Lai-cho hay: Hầu hết các sản phẩm đặc sản, đặc trưng, sản phẩm OCOP đều được khách hàng quan tâm, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm, dược liệu. Mỗi tháng, doanh số bán hàng tại điểm này đạt khoảng 120 triệu đồng. “Ngoài yếu tố quảng bá, hỗ trợ tiêu thụ, các chủ thể sản xuất đã được cọ xát thị trường, tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng để tiếp tục cho ra nhiều sản phẩm khác, cải tiến mẫu mã bao bì, nâng cao chất lượng, định giá đúng giá trị của sản phẩm sao cho phù hợp thị trường. Bên cạnh việc quảng bá sản phẩm của tỉnh, Công ty còn kết nối với các chủ thể OCOP ở một số tỉnh để đưa hàng vào bày bán tạo sự đa dạng về sản phẩm”-ông Tuân chia sẻ.

Cũng có vai trò là cầu nối quảng bá sản phẩm địa phương, điểm bán hàng Việt do Công ty TNHH một thành viên Ngọc Thạch Khôi mở ở thị trấn Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh) từng bước kết nối đưa sản phẩm đến khách hàng. Ông Trần Thế Vinh-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Ngọc Thạch Khôi-cho biết: “Do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố nên sức tiêu thụ của thị trường nông thôn chưa cao. Tuy vậy, khi đưa hàng vào điểm bán thì tính quảng bá, giới thiệu sẽ được đẩy mạnh, củng cố niềm tin của người tiêu dùng về sản phẩm chất lượng, từ đó mở ra cơ hội tiêu thụ tốt hơn trong tương lai”.

Nhiều sản phẩm đặc sản, đặc trưng của tỉnh được trưng bày và giới thiệu tại các điểm bán hàng Việt, hàng OCOP. Ảnh: V.T

Nhiều sản phẩm đặc sản, đặc trưng của tỉnh được trưng bày và giới thiệu tại các điểm bán hàng Việt, hàng OCOP. Ảnh: V.T

Qua việc khảo sát để mở điểm bán hàng Việt và sản phẩm OCOP tại các địa phương cho thấy, địa điểm phù hợp là ở khu vực chợ, siêu thị, bến xe, sân bay, bưu điện, các điểm du lịch... Hiện một số cửa hàng đã đi vào hoạt động hiệu quả như: cửa hàng OCOP ở Khu du lịch sinh thái Biển Hồ (TP. Pleiku), cửa hàng OCOP ở Siêu thị Co.op Mart Pleiku, điểm bán hàng Việt ở Trung tâm Thương mại huyện Đak Đoa... Việc hình thành các điểm bán hàng Việt và hàng OCOP đã tạo điều kiện để người tiêu dùng được tiếp cận các mặt hàng có chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, giá cả hợp lý.

Ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-thông tin: “Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có cửa hàng bán các sản phẩm nông nghiệp của hội viên nông dân, hợp tác xã do Hội Nông dân huyện tổ chức tại khu vực chợ; 1 điểm bán hàng đặc sản của chủ thể OCOP để giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc sản, đặc trưng của địa phương. Đồng thời, huyện cũng đang khảo sát các vị trí thuận lợi, tập trung đông khách du lịch để phát triển thêm các điểm bán hàng”. Cũng theo ông Tình, huyện Kbang có 7 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh. Năm 2023, huyện dự kiến có thêm 6-8 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Việc mở một số điểm bán tại các địa điểm thuận lợi sẽ góp phần hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện Kbang nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung.

Ở góc độ khách hàng, chị Lê Trần Phương Trinh (tổ 8, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) chia sẻ: Khi kinh tế phát triển thì người dân nông thôn bắt đầu quan tâm đến thương hiệu, chất lượng sản phẩm. Trước đây, nếu nói đến sản phẩm được sản xuất trong tỉnh thì rất ít người biết đến. Nhưng kể từ khi các cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP, điểm bán hàng Việt đi vào hoạt động đã giúp người tiêu dùng tiếp cận các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo. “Khi đến với điểm bán hàng đặc sản, đặc trưng của tỉnh, tôi có thể tìm thấy nhiều sản phẩm địa phương độc đáo, không chỉ sản phẩm trong tỉnh mà còn có nhiều sản phẩm đặc sản của một số tỉnh, thành trong cả nước. Hầu hết sản phẩm bày bán đều đạt các chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, giúp người tiêu dùng yên tâm khi mua sắm”-chị Trinh bày tỏ.

Xúc tiến liên kết mạng lưới hàng Việt

Đến nay, toàn tỉnh đã có 311 sản phẩm OCOP của 154 chủ thể, trong đó có 49 sản phẩm đạt 4 sao và 262 sản phẩm 3 sao. Toàn tỉnh hiện có 12 điểm bán sản phẩm OCOP. Việc xây dựng hệ thống điểm bán hàng Việt, hàng OCOP gắn với đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu các sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tiếp cận thị trường, đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy việc hình thành chuỗi cung ứng hàng Việt và dần tiến đến liên kết mạng lưới sản phẩm OCOP trên cả nước.

Đánh giá hiệu quả bước đầu của các điểm bán hàng Việt, hàng đặc sản, đặc trưng và hàng OCOP, bà Nguyễn Thị Bích Thu-Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) cho biết: “Với mục tiêu thúc đẩy và phát triển chuỗi cung ứng hàng Việt tại vùng nông thôn, đơn vị đã khảo sát và đánh giá khả năng mở điểm tại một số nơi. Đơn vị đã làm cầu nối mời gọi các chủ thể tham gia kết nối với điểm bán, cửa hàng để trưng bày sản phẩm. Hiện nay, các chủ thể làm hàng OCOP rất đa dạng sản phẩm, nhưng lại có quy mô nhỏ lẻ. Sản phẩm chất lượng nhưng sản lượng lại không ổn định, chưa đảm bảo yêu cầu của các nhà phân phối lớn. Vì vậy, trước tiên, người sản xuất cần nhận thức được sản phẩm mình làm ra có giá trị, chuyên sâu từ chất lượng đến mẫu mã. Trên thực tế, việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sẽ hiệu quả hơn từ việc kết hợp các kênh quảng bá và bán hàng khác nhau. Thông qua các điểm bán này, người tiêu dùng ở nông thôn sẽ biết đến sản phẩm nhiều hơn”.

Các chủ thể sản xuất rất phấn khởi vì sản phẩm được giới thiệu, quảng bá tại nhiều điểm bán trên toàn tỉnh. Ảnh: V.T

Các chủ thể sản xuất rất phấn khởi vì sản phẩm được giới thiệu, quảng bá tại nhiều điểm bán trên toàn tỉnh. Ảnh: V.T

Theo kế hoạch, trong năm nay, Sở Công thương sẽ phối hợp với UBND các địa phương và các ngành liên quan khảo sát để lựa chọn xây dựng các điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”. Việc xây dựng hệ thống điểm bán hàng Việt, trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản, đặc trưng của tỉnh sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, các chủ thể OCOP trưng bày và tiêu thụ sản phẩm có chất lượng tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm; tạo cầu nối đến tay người tiêu dùng, nâng cao sức mua, góp phần bình ổn thị trường; phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững.

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam xuất siêu 8,08 tỷ USD trong quý I-2024

Việt Nam xuất siêu 8,08 tỷ USD trong quý I-2024

(GLO)- Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố, quý I-2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2023. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 8,08 tỷ USD.
Giải mã cơn sốt của vàng nhẫn

Giải mã cơn sốt của vàng nhẫn

(GLO)- Những ngày gần đây, thị trường ghi nhận giá vàng nhẫn liên tục lập đỉnh, một số địa phương diễn ra tình trạng khan vàng nhẫn cục bộ. Tại Gia Lai, thị trường vàng nhẫn cũng trong xu thế tăng thanh khoản trở lại trước lực mua SJC yếu.