(GLO)- Để giúp người lao động giảm bớt chi phí, thời gian đi lại, cũng như được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí, Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Gia Lai đã triển khai thực hiện đề án “một cửa” để giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Theo ông Nguyễn Xuân Hùng-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Gia Lai, mô hình “một cửa” thực hiện chính sách BHTN không giống cơ quan hành chính. Cán bộ phụ trách mô hình “một cửa” có nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ công giúp người lao động nắm rõ chủ trương, chính sách về việc làm, BHTN. Nhờ thực hiện mô hình “một cửa” nên sau 5 ngày kể từ khi có quyết định hưởng trợ cấp, người lao động được nhận trợ cấp tại Bưu điện gần nhất. Ngoài ra, theo quy định, trong thời gian người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp, định kỳ hàng tháng phải quay lại bộ phận “một cửa” hoặc qua Facebook của Trung tâm thông báo tình hình việc làm mới. Nếu người lao động có nhu cầu học nghề, tìm việc làm mới thì cán bộ ở bộ phận “một cửa” tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí.
Một buổi tư vấn giới thiệu việc làm và các chế độ, quyền lợi liên quan đến BHTN. Ảnh. Đ.Y |
Có mặt tại bộ phận “một cửa” để làm thủ tục hưởng chế độ trợ cấp BHTN, chị Lê Thị Hậu (trước đây là công nhân cạo mủ cao su thuộc Nông trường Kdang, Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang) cho biết: “Khi cầm quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, tôi được hướng dẫn đến bộ phận “một cửa” của Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh làm thủ tục hưởng chế độ trợ cấp BHTN. Tôi được các nhân viên ở đây đón tiếp, tư vấn nhiệt tình để hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Trong thời gian đợi nhận phiếu hẹn trả kết quả, tôi còn được cán bộ tư vấn về chính sách hỗ trợ học nghề, tìm việc làm miễn phí”.
Đúng thời gian hẹn nhận kết quả, anh Lê Thanh Tùng quay lại bộ phận “một cửa” để lấy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, anh nộp quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Bảo hiểm Xã hội TP. Pleiku. 5 ngày sau, anh được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp tại Bưu điện tỉnh. “Tại bộ phận “một cửa”, tôi được cán bộ hướng dẫn nhiệt tình. Sau tháng đầu hưởng trợ cấp, tôi đến bộ phận “một cửa” nhờ tư vấn tìm việc làm. Sau khi được tư vấn, tôi chọn học nghề lái xe, được chính sách BHTN hỗ trợ tiền phí học nghề. Trong thời gian học nghề, tìm việc làm mới, tôi được trợ cấp thất nghiệp nên cảm thấy rất yên tâm”-anh Tùng cho biết.
Cũng đến bộ phận “một cửa” của Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh để làm thủ tục, chị Dương Trần Nghi Quân (TP. Pleiku) cho biết: “Sau 5 năm vào làm công nhân ở Công ty cổ phần Thực phẩm Á Châu tại tỉnh Bình Dương, tôi xây dựng gia đình nên phải nghỉ việc. Theo quy định, người lao động có quyền nộp hồ sơ hưởng chế độ BHTN tại nơi gần nhất để nhận trợ cấp thất nghiệp. Mới đầu, tôi không tin. Tuy nhiên khi đến bộ phận “một cửa” thì được cán bộ tiếp đón, tư vấn giúp tôi hoàn thiện hồ sơ. Tôi không phải đi lại nhiều lần nhưng mọi thủ tục đã được giải quyết xong”.
Trong 8 tháng năm 2017, Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh đã tiếp 2.565 lượt người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, đăng ký tư vấn về việc làm, học nghề. Trong đó, có 2.257 người lao động đã có quyết định hưởng chế độ trợ cấp BHTN với tổng số tiền trên 25,9 tỷ đồng. Đồng thời, Trung tâm còn giới thiệu việc làm cho 880 lao động. |
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Xuân Hùng cho biết: Năm 2014, Trung tâm xây dựng mô hình “một điểm đến”. Đến năm 2015, Trung tâm chuyển sang thực hiện đề án “một cửa” theo chỉ đạo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội. Theo đó, Trung tâm đã sắp xếp lại mặt bằng làm việc, kiện toàn bộ máy, sắp xếp vị trí việc làm cho phù hợp với mô hình “một cửa” về giải quyết BHTN. Đồng thời, Trung tâm chọn những cán bộ có trình độ chuyên môn và phẩm chất đạo đức để bố trí vào bộ phận đón tiếp-tư vấn. Cùng với đó, đơn vị xây dựng và hoàn thiện bộ thủ tục hành chính về BHTN; tổ chức thông tin tuyên truyền thực hiện mô hình với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Tại mỗi bộ phận đều có trưởng bộ phận phụ trách. Lãnh đạo Trung tâm thường xuyên giám sát các bộ phận làm việc, hàng tháng có kiểm tra, nhận xét và đánh giá. Nhờ cách làm đột phá này mà 2 điểm giao dịch chính sách BHTN ở cụm huyện Chư Sê (địa điểm tại Trung tâm Dạy nghề Chư Sê) và cụm huyện phía Đông Nam tại thị xã An Khê (địa điểm tại Trường Trung cấp Nghề An Khê) cũng rất thuận lợi, giúp người lao động giảm chi phí, thời gian đi lại khi nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Hà Tây