Mô hình đô thị sáng tạo phía Đông rõ dần

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với mũi nhọn là nền kinh tế tri thức và hợp tác phát triển, khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông sẽ trở thành hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của TP HCM và khu vực
Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP HCM vừa gửi Đề án "Hình thành và phát triển khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP" đến các thành viên Ban Chỉ đạo về xây dựng khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP và các chuyên gia để lấy ý kiến, tổng hợp, hoàn chỉnh đề án và trình Ban Chỉ đạo thông qua theo kế hoạch.
7 khu vực trọng điểm
Theo như đề án Sở Quy hoạch và Kiến trúc đang xây dựng, mục tiêu cốt lõi của khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông trong tương lai sẽ trở thành hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của TP và khu vực; dựa trên nền tảng phát triển mũi nhọn là kinh tế tri thức và hợp tác phát triển.

Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông sẽ trở thành hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của TP HCM .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông sẽ trở thành hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của TP HCM .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Các chỉ tiêu cơ bản về quy hoạch đô thị, gồm dân số sẽ có quy mô từ 2,4 triệu đến 3 triệu người vào năm 2060; giao thông công cộng cần đáp ứng 50%-60% nhu cầu đi lại; mạng lưới đường trục chính đô thị cần hoàn thiện với khoảng cách giữa các tuyến đường từ 4-6 km. Đến năm 2040 bảo đảm chống ngập tới tần suất 80%; 10% diện tích đô thị sáng tạo sẽ là công viên, trong đó 30% diện tích công viên sẽ trở thành hồ điều hòa để giảm rủi ro ngập (tương đương 630 ha đất làm hồ điều hòa). 1.000-1.200 ha đất công nghiệp sẽ được bố trí trong đô thị sáng tạo để bảo đảm không gian sản xuất công nghệ cao và nghiên cứu phát triển. Về mức độ đổi mới sáng tạo, có thể đo lường bằng các chỉ số về lao động, việc làm. Giai đoạn 1 (2021-2023): 20.000 việc làm trình độ kỹ sư và chuyên gia. Giai đoạn 2 (2023-2030): 50.000 việc làm trình độ kỹ sư và chuyên gia. Giai đoạn 3 (2030-2040): 150.000 việc làm trình độ kỹ sư và chuyên gia.
Các khu vực trọng điểm sáng tạo, gồm Trung tâm Tài chính quốc tế Thủ Thiêm; Trung tâm Thể thao và Sức khỏe Rạch Chiếc; Trung tâm Công nghệ cao Sài Gòn - trung tâm sản xuất tự động hóa và khu công viên khoa học - SHTP (Khu Công nghệ TP HCM) giai đoạn 2; ĐHQG - trung tâm công nghệ thông tin và công nghệ giáo dục; khu vực kết nối ĐHQG và Khu Công nghệ cao; khu vực Tam Đa và lân cận Đại học Long Phước - trung tâm công nghệ sinh thái; khu đô thị cảng Trường Thọ - đô thị tương lai, nơi ứng dụng các công nghệ tiên tiến đô thị, một living lab.
Các chiến lược thực hiện gồm các bước: quản lý và các chính sách phát triển đô thị; nghiên cứu và giáo dục; hệ sinh thái doanh nghiệp và xây dựng chính sách khuyến khích kinh tế sáng tạo; cơ sở hạ tầng cho các khu trung tâm sáng tạo; giao thông, không gian xanh và chống ngập.
Giới chuyên môn đồng tình
Trước các chỉ tiêu về mặt đô thị, khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP dành 10% diện tích đô thị sáng tạo cho công viên; 30% diện tích công viên sẽ trở thành hồ điều hòa để giảm rủi ro ngập, TS Hồ Long Phi - chuyên gia cao cấp của EnCity Singapore, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu (ĐHQG TP HCM) - nhìn nhận đây là một định hướng hoàn toàn đúng và rất phù hợp của TP. "Phải có địa chỉ cho nước "ở", nếu không, nước sẽ "lấn" chỗ của con người" - TS Hồ Long Phi nhấn mạnh.
Theo TS Hồ Long Phi, để khu đô thị sáng tạo làm tốt việc chống ngập, cần thực hiện đồng bộ 4 nhóm giải pháp. Hiện nay TP đang thực hiện nhóm giải pháp thứ nhất là ngăn chặn. Đó là xây đê, cống thoát nước, nâng nền, bơm nước để chặn ngập xảy ra. Nhưng nhóm giải pháp này có nhược điểm là "cứng", không thích nghi kịp những biến động đầu vào như mưa nhiều, triều cường nên giải pháp này sẽ bị lạc hậu. Bởi cống làm chừng đó, đê làm chừng đó, san nền chừng đó… thì đâu dễ thay đổi. Thực tế của TP HCM trong hơn 20 năm qua đã thấy rõ điều này. Chính vì những hạn chế từ nhóm giải pháp thứ nhất nên phải thực hiện nhóm giải pháp thứ hai là thích nghi thông qua hồ điều tiết, tăng phần nước thấm xuống tầng dưới qua mảng xanh và việc này TP đang tiến hành.
Tuy nhiên, TS Hồ Long Phi cho rằng nếu dừng lại ở 2 nhóm giải pháp trên thì chưa đủ mà cần hướng đến và thực hiện nhóm giải pháp dự phòng và dự báo. Bởi nếu chẳng may có bão lũ, sóng thần đột ngột xảy ra như trận lũ lịch sử ở Bangkok - Thái Lan năm 2011 dẫn đến thiệt hại 50 tỉ USD thì phải có giải pháp dự phòng những biến cố này để làm thế nào thiệt hại là thấp nhất. Nếu 2 nhóm giải pháp đầu dựa vào công trình thì nhóm giải pháp dự phòng dựa vào kinh tế - xã hội. Cuối cùng là nhóm giải pháp dự báo bằng quan trắc từ xa, ứng dụng công nghệ tính toán, đưa ra cảnh báo. Cảnh báo này đến người dân, doanh nghiệp để lên giải pháp dự phòng. "TP hướng đến đô thị thông minh thì phải làm những chuyện thông minh, giải quyết bằng quy chế, công nghệ cao chứ không dừng lại ở mặt công trình. TP sáng tạo có tiềm năng công nghệ, kỹ thuật số thì phải giải quyết chống ngập ở mức 3 và mức 4" - TS Hồ Long Phi nêu quan điểm.
Trong khi đó, kiến trúc sư (KTS) Khương Văn Mười - Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam - cho rằng các tiêu chí về quy hoạch đô thị, các chiến lược phát triển tại các khu vực trọng điểm sáng tạo như đề án đưa ra là hợp lý. Theo KTS Khương Văn Mười, Trung tâm Tài chính quốc tế Thủ Thiêm rất quan trọng. Hình thành được trung tâm này là kéo kinh tế TP và cả khu vực đi lên. Đặc biệt, khu đô thị cảng Trường Thọ - đô thị tương lai, KTS Khương Văn Mười cho rằng về mặt đô thị rất đúng. "Khu đô thị cảng Trường Thọ có hệ thống cảng, giáp sông Sài Gòn, giáp Quốc lộ 1, có cầu qua bán đảo Thanh Đa… nên rất thuận lợi để chuyển đổi thành các khu chức năng. Về mặt đô thị rất lý tưởng" - KTS Khương Văn Mười nói và cho biết vấn đề còn lại là xây dựng như thế nào để tạo ra được dấu ấn đô thị mới mẻ, thông minh và sáng tạo chứ không phải là hình hài đô thị cũ. Cụ thể là bài toán về quy hoạch 1/500 và giải pháp về không gian kiến trúc để đô thị này thật sự ấn tượng và độc đáo.
KTS Khương Văn Mười cũng góp ý thêm cần có khu văn hóa dân tộc. "Trong phát triển bền vững, văn hóa là một yếu tố rất quan trọng, tạo ra bản sắc riêng của mình. Với công nghệ hiện đại hiện nay thì khu văn hóa dân tộc phải diễn đạt khác với công nghệ hiện đại 4.0 bằng hình ảnh, không gian, vừa nuôi dưỡng văn hóa, giáo dục truyền thống vừa tham quan, du lịch" - KTS Khương Văn Mười phân tích. 
"Diện tích tự nhiên của khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP khoảng 21.172,47 ha (bao gồm diện tích các quận: 2, 9 và Thủ Đức). Dân số hiện tại là 1 triệu người. TP chú trọng thu hút và phát triển dân số trẻ, tri thức, người có trình độ tham gia nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao.
Bốn mục tiêu xây dựng và quản lý chất lượng đô thị
Trong đề án đang xây dựng đưa ra 4 mục tiêu và nhiệm vụ nhằm giải quyết các thách thức hiện hữu và linh hoạt phát triển trong tương lai.
Một là thành phố sáng tạo phải tạo ra các trung tâm kinh tế sáng tạo, các khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, hình thành một hệ sinh thái sáng tạo. Về cơ sở hạ tầng đô thị, cần gia tăng kết nối internet vạn vật, sử dụng công nghệ trong quản lý, vận hành tiện ích đô thị và cảnh báo rủi ro cho người dân. Hai là đô thị vì con người: Giáo dục được chú trọng và đầu tư chất lượng cao; giáo dục tích hợp trong nhiều bối cảnh khác nhau chứ không chỉ ở trong không gian trường học; dịch vụ y tế chất lượng cao; không gian chung của cộng đồng được tạo ra để khuyến khích sự sáng tạo trong đời sống; chăm sóc những nhóm yếu thế trong xã hội; chiến lược nhà ở phù hợp với thu nhập của đại đa số cư dân.
Ba là cân bằng giữa phát triển và môi trường: duy trì những đặc tính vốn có của môi trường thiên nhiên. Thiết kế quản lý tốt nước mưa và ngập lũ. Bảo đảm chất lượng không khí tốt, giảm thiểu các tác động gây ô nhiễm.
Bốn là di chuyển nhanh và dễ dàng: Văn hóa đi lại được chuyển đổi từ giao thông cá nhân sang giao thông công cộng. Người dân có thể đi bộ một cách thuận tiện và an toàn. Những không gian công cộng tiện nghi và an toàn, khu vực vỉa hè, đường đi bộ kết nối với các phương tiện giao thông công cộng. Lối đi bộ được thiết kế phù hợp điều kiện khí hậu nóng và nhiều mưa. Hệ thống vận tải nặng và phân phối hàng hóa được phân luồng riêng.
PHAN ANH (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.