Mở cửa du lịch để phục hồi và phát triển đất nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau một thời gian thí điểm, nước ta đã chính thức mở cửa du lịch quốc tế từ ngày 15-3. Các hãng hàng không, lữ hành, khách sạn đang kỳ vọng vào luồng sinh khí mới cho du lịch nước nhà sau 2 năm ngưng trệ vì dịch Covid-19. Mở cửa để không lỡ nhịp phục hồi hoạt động du lịch và đảm bảo yêu cầu thích ứng an toàn, phòng-chống dịch bệnh hiệu quả là vấn đề được quan tâm nhất lúc này.

Cuối cùng thì những quy định “quá cứng” về điều kiện nhập cảnh với du khách quốc tế cũng được Bộ Y tế kịp gỡ bỏ trước thời điểm mở cửa ngày 15-3. Du khách nếu có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 24-72 giờ, nhập cảnh Việt Nam không còn phải giam mình trong phòng thêm 24 giờ nữa, cũng không phải tiếp tục xét nghiệm SARS-CoV-2 hàng ngày nếu đi ra ngoài. Đây quả là tin vui đối với các hãng hàng không, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn vốn đã quá mệt mỏi sau 2 năm phải đóng cửa chống dịch.

Đỉnh Kon Ka Kinh bạt ngàn trúc phủ rêu xanh mịn. Ảnh: Hoàng Ngọc
Nhóm du khách chinh phục đỉnh Kon Ka Kinh-"nóc nhà của Gia Lai" cao 1.748 m so với mực nước biển. Ảnh: Hoàng Ngọc


Việc thay đổi này chẳng những để bắt kịp với thế giới mà còn tạo cho du khách quốc tế cảm thấy không bị phân biệt đối xử với khách nội địa. Nhất là khi họ đã tiêm 2-3 mũi vắc xin phòng Covid-19, nhập cảnh vào Việt Nam có kết quả xét nghiệm âm tính và trước đó đã chấp nhận những quy định khắt khe của các hãng hàng không, lữ hành quốc tế để được bước lên máy bay.  

Theo một khảo sát của ngành du lịch, lượng khách quốc tế tìm thông tin về điểm đến Việt Nam thời gian gần đây đã tăng trên 400%. Sự hấp dẫn của các di sản văn hóa, hệ thống danh lam thắng cảnh, những cánh rừng nguyên sinh của đại ngàn Tây Nguyên cùng bao giá trị văn hóa của cư dân bản địa; nhất là các khu nghỉ dưỡng, những bãi tắm với biển xanh cát trắng nắng vàng và lồng lộng gió trời trải dài từ Bắc chí Nam của dải đất hình chữ S này có sức hút mãnh liệt đối với những người ưa xê dịch, thích khám phá, muốn rời xa cuộc sống xô bồ nơi phố thị, trở về hòa mình với thiên nhiên, núi rừng, sông nước, cỏ cây. Vì vậy, mở cửa cho thị trường du lịch quốc tế lúc này là rất đúng lúc, thậm chí có người còn cho là hơi muộn so với một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Mở cửa để không lỡ nhịp, tận dụng cơ hội vàng để phục hồi và phát triển ngành “công nghiệp không khói” đầy tiềm năng của đất nước là điều mà các địa phương, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, để làm sao vừa đón được khách, vừa đảm bảo yêu cầu thích ứng an toàn, phòng-chống dịch hiệu quả. Vì vậy, việc cần làm lúc này là các doanh nghiệp du lịch phải củng cố cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của dòng khách sau đại dịch đang hăm hở khám phá; tăng cường sự phối hợp giữa các hãng hàng không với doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, khai thác hiệu quả hơn nữa các đường bay thương mại quốc tế, kết nối các thị trường trọng điểm với các điểm đến du lịch tại Việt Nam.

Tuy vậy, du lịch là hoạt động kinh tế đặc biệt, liên quan đến vấn đề di chuyển của các nhóm dân cư. Vì thế, ngoài mục tiêu thu hút ngày càng nhiều du khách cũng cần tính tới những yếu tố rủi ro bằng các giải pháp quản lý dữ liệu thông suốt từ các hãng lữ hành, hàng không và các địa phương. “Mở cửa nhưng không buông lỏng” là phương châm cần thiết lúc này để thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển du lịch, lĩnh vực đang mang lại nguồn thu chiếm 1,2% GDP cả nước.

Mở cửa du lịch quốc tế là vấn đề không chỉ một ngày. Vì vậy, ngày 15-3 nên được hiểu là một dấu mốc cho sự phục hồi của nền kinh tế sau khi chúng ta đã từng bước kiểm soát và chủ động khống chế dịch bệnh. Trên thực tế thì từ nhiều tháng nay, các doanh nghiệp, địa phương cũng đã chủ động đón đầu cơ hội này bằng cách xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới đưa vào phục vụ du khách.

Đi du lịch là để thư thái tâm hồn, là để tìm về những nét đặc sắc trong văn hóa, con người ở những vùng đất mà ta đi qua. Bởi vậy, sau động thái mở cửa của Chính phủ, thì rất cần sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương, nhất là những khu vực có nhiều tiềm năng du lịch văn hóa-sinh thái như các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, Tây Bắc, Đông Bắc và các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ… trong việc sắp xếp lộ trình, khởi động lại hệ thống hạ tầng, tour, tuyến tham quan, cùng hệ thống sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế... cũng như các quy định thông thoáng tạo điều kiện cho du khách quốc tế có những chuyến tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm ý nghĩa, ấn tượng khi đến với Việt Nam.

 

 ĐÌNH CƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Chiêu trò nguy hại

Chiêu trò nguy hại

Những ngày vừa qua, một cuộc tranh cãi đã diễn ra trên mạng xã hội, bắt nguồn từ nhiều ý kiến cá nhân trước một hoạt động của doanh nghiệp. Cuộc tranh cãi đã trở nên ồn ào, gây nhiều phản ứng hơn khi xuất hiện một làn sóng định hướng thông tin bằng phương pháp seeding.

Người lao động trong kỷ nguyên mới

Người lao động trong kỷ nguyên mới

Báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế từng chỉ ra trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một số ngành nghề sẽ biến mất. Trong đó, những nghề có nguy cơ bị robot thay thế là công nhân nhà máy (44%), nhân viên thu ngân (40%), lái xe taxi (20%), nhân viên chăm sóc khách hàng (18%), phi công (16%)...

Rạng rỡ Việt Nam

Rạng rỡ Việt Nam

Hôm nay, người dân TPHCM cùng cả nước hân hoan Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - thành quả vĩ đại nhất trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, trong niềm vui, tự hào và xúc động dâng trào.

Để giang sơn gấm vóc mãi mãi yên bình, cường thịnh

Để giang sơn gấm vóc mãi mãi yên bình, cường thịnh

(GLO)- Nửa thế kỷ hòa bình thống nhất là nửa thế kỷ xây dựng lại non sông từ vỡ vụn chiến tranh. Vượt qua những trở lực từ bên ngoài, dám nhìn nhận những sai lầm nội tại, chúng ta tiến hành công cuộc đổi mới và đạt được những thành tựu mà 40 năm trước, nhiều người không thể hình dung.

Hòa bình cho tất cả chúng ta

Hòa bình cho tất cả chúng ta

Trong những ngày cả nước hướng về đại lễ của dân tộc, câu chuyện hào hùng được tiếp nối qua bao thế hệ, người trẻ hôm nay kể về niềm tự hào bằng ngôn ngữ thế hệ gen Z, gen Y, những video, hình ảnh, bài viết ngập sắc cờ đỏ sao vàng phủ kín mạng xã hội.

Tương lai viết nên từ bản lĩnh văn hóa

Tương lai viết nên từ bản lĩnh văn hóa

Di sản nếu không được số hóa, không được kể lại theo cách của thời đại sẽ dần bị đứt gãy trong trí nhớ cộng đồng. Một thế hệ lớn lên không thấy được những giá trị đã tạo nên cội nguồn sẽ khó tìm thấy niềm tự hào, khó kiến tạo tương lai có chiều sâu văn hóa.