(GLO)- Năm 2015 là năm có nhiều dịp lễ quy mô lớn, dự báo tình hình thị trường có nhiều biến động, hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại sẽ diễn biến phức tạp. Để ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm, Chi Cục Quản lý Thị trường tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp mạnh, trọng tâm và trọng điểm.
Tập trung vào công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật
Quan tâm đào tạo, tập huấn cho cán bộ QLTT. Ảnh: L.L |
Xác định tuyên truyền là một giải pháp quan trọng, góp phần tích cực trong quá trình chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Ngay từ đầu năm 2015, Chi cục Quản lý Thị trường (QLTT) đã xây dựng các kế hoạch cũng như ban hành các công văn chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát kết hợp với tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật; phối hợp với cơ quan báo chí của tỉnh và đài phát thanh truyền hình địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hướng dẫn pháp luật; vận động ký cam kết đối với các cơ sở kinh doanh trên địa bàn không kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.
Theo ông Nguyễn Hồng Hà-Phó Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý Thị trường thì việc tuyên truyền mang đến hiệu quả rất cao, không chỉ góp phần nâng cao nhận thức của người dân và các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, mà rất nhiều vụ việc nhờ sự cung cấp thông tin của nhân dân đã giúp lực lượng ngăn chặn kịp thời hoặc bắt quả tang các đối tượng vi phạm.
Thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng khác. Ảnh: L.L |
Trong năm 2014, bên cạnh tăng cường tuần tra, kiểm soát thì việc làm tốt công tác tuyên truyền như tổ chức các đợt tuyên truyền hướng dẫn pháp luật cho 1.283 tổ chức, cá nhân; tham gia các chương trình truyền hình trực tiếp như: “Đồng hành và chia sẻ”, “Dân hỏi, cơ quan nhà nước trả lời” phát sóng trên đài Truyền hình Gia Lai về công tác quản lý sản xuất và kinh doanh phân bón trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, liên tục cập nhật tin tức lên trang thông tin điện tử http://qltt.gialai.gov.vn cũng góp phần không nhỏ trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Cụ thể, số vụ vi phạm năm 2014 là 1.585 vụ (giảm 483 vụ, tương đương 23,35% so với năm 2013), Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là 5,6 tỷ đồng. Trong đó, thu phạt hành chính hơn 4,9 tỷ đồng, phạt và truy thu gian lận thương mại 330 triệu đồng và tiền bán hàng hóa tịch thu 378 triệu đồng.
Mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường. Ảnh: L.L |
Dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi tình hình buôn lậu, buôn bán hàng cấm, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và các hoạt động kinh doanh trái phép diễn biến khá phức tạp. Đây cũng chính là thời điểm lực luợng QLTT phải tăng cường, huy động tất cả nguồn lực mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, trong đó tập trung chủ yếu vào các mặt hàng phục vụ nhu cầu mua sắm Tết như: thuốc lá điếu ngoại, hàng điện tử, động vật rừng, nước uống đóng chai...
Chỉ trong thời gian ngắn (từ 15-1-2015 – 22-2-2015) lực lượng đã phát hiện và xử lý 47 vụ vi phạm, tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước gần 155 triệu đồng. Trong đó, có 05 vụ vi phạm về hàng cấm; 1 vụ vi phạm về hàng lậu; 4 vụ vi phạm về hàng giả, quyền sở hữu trí tuệ và 35 vụ vi phạm trong kinh doanh. Điển hình là ngày 21-1-2015, Đội QLTT Lưu động đã tiến hành kiểm tra Cửa hàng điện máy Hoàng Kim (684 Phạm Văn Đồng, Pleiku), phát hiện 38 cái máy sấy tóc, 20 cái loa thùng, 35 cái micro; 9 cái Âm li, 20 cái ti vi, 12 cái bàn ủi không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tiếp đến, là vụ phối hợp với Đội Cảnh sát Kinh tế Công an TP. Pleiku phát hiện và tịch thu 500 bao thuốc lá điếu nhập lậu tại cơ sở kinh doanh Trà My (52B Nguyễn Thiện Thuật, Pleiku) ngày 29-1-2015. Cũng liên quan đến thuốc lá lậu, ngày 3-2-2015, tại quốc lộ 19 (thuộc thị trấn Chư Ty, Đức Cơ), Đội QLTT số 2 tiến hành khám xe hiệu Mercedes Benz mang BKS 81B-007.91 phát hiện trên xe vận chuyển 550 bao thuốc lá điếu nhập lậu… các vụ việc để bị lập biên bản xử phạt và tịch thu hàng hóa theo quy định của phát luật.
“Trong thời gian tới, lực lượng QLTT sẽ tập trung kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm. Chú trọng kiểm tra các loại hàng hóa thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, sữa, xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, mũ bảo hiểm và các mặt hàng nổi cộm, nhạy cảm… góp phần bình ổn thị trường, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh” Ông Nguyễn Hồng Hà cho biết thêm.
Lê Lan