Đáng chú ý, trong thời gian gần đây hiện tượng phóng viên (PV), cộng tác viên (CTV) một số cơ quan báo chí (trong đó chủ yếu là tạp chí thuộc các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp) lợi dụng danh nghĩa báo chí để hoạt động trái pháp luật, sách nhiễu cơ quan, doanh nghiệp, địa phương, có dấu hiệu gia tăng, diễn biến phức tạp.
Những hành vi thiếu chuẩn mực, có dấu hiệu vi phạm đạo đức nghề nghiệp, trái quy định pháp luật nêu trên đã làm tổn hại nghiêm trọng uy tín, hình ảnh của những cơ quan báo chí, người làm báo chân chính.
Một trong những nguyên nhân được Bộ TT-TT chỉ ra là một bộ phận cơ quan báo chí, PV, CTV đã lạm dụng, biến tướng việc cấp, sử dụng giấy giới thiệu như một dạng thẻ hành nghề trá hình; nội dung yêu cầu cung cấp thông tin ghi trên giấy giới thiệu không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí.
Cạnh đó, một số cơ quan báo chí quá dễ dãi trong quản lý, để tình trạng PV, CTV sử dụng một số giấy tờ được coi là giấy giới thiệu hoặc tài liệu kèm theo giấy giới thiệu nhưng không phải văn bản chính thống của cơ quan báo chí.
Để góp phần ngăn chặn tình trạng này, ngày 25.1, Bộ TT-TT đã gửi văn bản đến các cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành về việc tiếp nhận, giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin từ cơ quan báo chí bằng văn bản điện tử, kể từ 1.3.
Lợi ích của việc sử dụng văn bản điện tử thay cho văn bản giấy không chỉ nhằm rút ngắn thời gian xử lý, tối ưu quy trình phối hợp, tương tác giữa cơ quan nhà nước với báo chí, mà còn góp phần thúc đẩy chuyển đổi số báo chí, thuận tiện cho các cơ quan báo chí liên hệ công tác, tác nghiệp. Văn bản điện tử cũng góp phần xóa bỏ những yêu cầu cung cấp thông tin, liên hệ công tác thiếu minh bạch, sai quy định, góp phần thay đổi tác phong làm việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, cơ quan báo chí.
Bộ TT-TT đánh giá hiện tượng giấy giới thiệu "mập mờ" có thể được hạn chế, tiến tới chấm dứt nếu qua hình thức gửi, tiếp nhận, xử lý trọn vẹn từ đầu đến cuối quy trình bằng văn bản điện tử như các cơ quan hành chính nhà nước đang thực hiện.
Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, trên thực tế vẫn còn không ít lãnh đạo ngành, địa phương tìm cách né tránh trách nhiệm trả lời báo chí, dù điều 39 luật Báo chí quy định trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại của tổ chức, công dân và tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thông báo cho cơ quan báo chí biết biện pháp giải quyết…
Để bảo đảm quyền được thông tin phù hợp tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, bên cạnh giải pháp trên của Bộ TT-TT, các cơ quan nhà nước cũng cần phối hợp, cung cấp, minh bạch thông tin đối với những yêu cầu cung cấp thông tin đúng quy định, đúng tôn chỉ, mục đích; kịp thời xử lý các yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan báo chí theo quy định, bảo đảm cho các cơ quan báo chí kịp thời tiếp cận được thông tin chính thống.
Đối với cơ quan, đơn vị cố ý che giấu, không cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định cũng cần mạnh tay xử phạt, có như vậy mới đảm bảo sự công bằng, minh bạch, giúp cơ quan báo chí thông tin kịp thời, chính xác, hạn chế thông tin sai sự thật.