Miền Trung: Lại tiếp tục đối mặt với cơn bão số 11

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cả một dải đất miền Trung vừa bị bão số 10 chà qua xát lại gây thiệt hại hàng chục ngàn tỷ đồng nay sắp đối mặt với cơn bão số 11 dự báo có sức tàn phá vượt cấp 15. Lãnh đạo Trung ương đang có mặt tại các địa phương trong khu vực trực tiếp chỉ đạo công tác đối phó với diễn biến phức tạp của mưa bão.

Ngư dân Quảng Trị đang đưa tàu thuyền vào bờ tránh bão số 10. Ảnh: Bùi Oanh
Ngư dân Quảng Trị đang đưa tàu thuyền vào bờ tránh bão số 10. Ảnh: Bùi Oanh

Nhiều tàu thuyền gặp nạn

Sáng 14-10, Trung tâm Phòng-chống lụt bão miền Trung-Tây Nguyên, cho biết, hiện các địa phương ở miền Trung tiếp tục triển khai các biện pháp để ứng phó với bão số 11. Trong đó, tập trung kiểm tra các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn. Sau cơn bão số 10, các hồ chứa tại miền Trung đã tích đầy nước, riêng các hồ chứa từ Quảng Bình đến Đà Nẵng dung tích ở mức 60-80% so với thiết kế. Ngoài ra, 5 hồ đã đầy và vượt qua tràn.

Điều đáng lo nhất hiện nay là có 28 hồ chứa nhỏ nguy cơ mất an toàn khi mưa lớn xảy ra tập trung ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam và Bình Định. Hiện các địa phương đang tích cực huy động vật tư, nhân lực tổ chức gia cố, lên phương án sẵn sàng sơ tán người dân ở khu vực các hồ chứa này, tránh để xảy ra những thiệt hại đáng tiếc.

Bão số 11 dự kiến đổ bộ vào đất liền miền Trung trong đêm 14 rạng sáng 15-10. Tuy nhiên, mấy ngày qua sau khi đổ bộ vào biển Đông, bão số 11 đã và đang gây thiệt hại lớn cho ngư dân các tỉnh miền Trung trên đường di chuyển phương tiện vào bờ tránh bão. Trong đó, tàu cá QNg 94257 TS do ông Cao Mẫn làm thuyền trưởng, trên tàu có 11 lao động đều ở xã Phổ An, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi đang trên đường di chuyển đến tại tọa độ 17 độ VB, 109,3 độ KĐ (cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 100 hải lý về hướng Đông Bắc) thì bị hỏng máy, thả trôi với tốc độ 1,5 hải lý/giờ giữa vùng biển động. Ban Chỉ huy Vùng 3 Hải quân điều tàu HQ 951 nhận được tin lập tức đạp sóng 35 hải lý tiếp cận và cứu hộ đưa vào bờ an toàn.
 

 Bộ đội và người dân miền Trung gia cố bờ biển trước khi bão số 11 đổ bộ. Ảnh: Bùi Oanh
Bộ đội và người dân miền Trung gia cố bờ biển trước khi bão số 11 đổ bộ. Ảnh: Bùi Oanh

Cùng thời điểm, lực lượng Hải đội 2 BĐBP tỉnh Quảng Bình phối hợp các phương tiện tàu cá đưa vào bờ an toàn 12 thuyền viên tàu QNg 92852 TS bị sóng đánh chìm. Trước đó, 15 giờ ngày 12-10, tàu cá này do ông Trần Văn Viết (ở xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa) làm thuyền trưởng, bị sóng đánh chìm tại tọa độ 17,45 độ VB, 106,41 độ KĐ (cách Cửa Gianh, Quảng Bình khoảng 20 hải lý). Tại Phú Yên, đã có 2 tàu cá gặp nạn do ảnh hưởng bởi bão số 11. Tàu PY 92999 TS bị nạn khu vực quần đảo Trường Sa đã được tàu PY 92088 TS và PY 92024 tiếp cận để chở người và tháo dỡ trang bị ngư lưới cụ, vào trú tại đảo Đá Đông (quần đảo Trường Sa).

Ban Chỉ huy Phòng-chống Lụt bão và Tìm kiếm Cứu nạn Bình Định xác nhận: Tàu cá BĐ 96822 TS do ông Đặng Văn Học (thôn Thiện Đức, xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn) làm thuyền trưởng, bị hỏng máy thả trôi về đến đảo Sơn Ca (quần đảo Trường Sa) đã được tàu Trường Sa 16 Hải quân vùng 4 tiếp cận, lai dắt vào nơi neo đậu an toàn.

Nỗ lực đối phó với bão
 
Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, hồi 7 giờ ngày 14-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 111,3 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa. Cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị-Quảng Ngãi khoảng 280 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15 km. Đến 7 giờ ngày 15-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Quảng Trị-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14.
 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát chỉ đạo công tác đối phó với bão số 11 tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ảnh: Bùi Oanh
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát chỉ đạo công tác đối phó với bão số 11 tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ảnh: Bùi Oanh

Sáng 14-10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát cùng đoàn công tác Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương đã kiểm tra công tác PCLB số 11 tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Địa phương dự báo tâm bão số 11 đổ bổ. Hiện toàn huyện Phú Lộc có hơn 5.800 hộ với hơn 24.000 khẩu nằm trong vùng nguy hiểm đang được các lực lượng chức năng tổ chức di dời. Trước mắt, đến trưa 14-10 hơn 3.000 hộ dân vùng có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp sẽ được di dời đến nơi ở an toàn trước.

Huyện Phú Lộc đã huy động 7 xe xúc, 9 xe khách, 10 xe ben, 1 xe kéo chuyên dụng, 3 thuyền máy, 2 ca nô và dự trữ 30 tấn gạo, 2.000 thùng mì ăn liền, 3.000 lít dầu hỏa, các cơ sở y tế cũng chuẩn bị đủ cơ số thuốc... sẵn sàng ứng phó với bão. Ngoài ra, huy động 3 đại đội dự bị động viên, 1 trung đội dân quân cơ động và mỗi xã huy động 1 trung đội dân quân tự vệ để giúp dân chằng chống nhà cửa và trực sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.

Cũng theo lãnh đạo UBND huyện Phú Lộc, chính quyền và người dân các địa phương ngay từ chiều 13-10 kéo dài đến sáng 14-10 đã nỗ lực triển khai nhiều phương án đối phó với bão số 11. Tại buổi làm việc nhanh với Ban Chỉ huy PCLB huyện Phú Lộc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát yêu cầu, huyện theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão, vận động nhân dân tổ chức chằng chống nhà cửa và chuẩn bị phương án tập trung di dời dân vùng ven biển, đầm phá, vùng xung yếu đến nơi an toàn trước 19 giờ ngày 14-10; bố trí nhân, vật lực bảo vệ các tuyến đê biển, các công trình hồ đập nhằm đảm bảo an toàn cho người dân. Sau khi làm việc nhanh với huyện, Bộ trưởng Cao Đức Phát cùng đoàn đã thị sát công tác phòng-chống bão lụt, di dời dân tại các xã vùng ven biển.

Tại Đà Nẵng, từ sáng sớm 14-10, gió đã bắt đầu giật mạnh ở những khu vực ven biển như Sơn Trà, Liên Chiểu, Thanh Khê khiến cho công việc phòng-chống bão của người dân trở nên hết sức khó khăn và cấp bách. Theo ghi nhận tại những khu vực xung yếu, ven biển, người dân đã chủ động triển khai các biện pháp để ứng phó. Tập trung người, phương tiện để kéo những tàu thuyền công suất nhỏ lên bờ tránh bão. Dùng bao cát, dây thép để chèn chống nhà cửa.

Tại Thừa Thiên-Huế, 100% di tích thuộc quần thể di tích Cố đô Huế đã được đơn vị quản lý là Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế gia cố thêm gỗ chắc và ràng buộc bằng dây thừng, dây thép chắc chắn nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại khi bão số 11 đổ bộ. Người dân các huyện ven biển Phong Điền, Quảng Điền tổ chức ràng chống nhà cửa và sử dụng hàng ngàn bao tải đựng cát đè mái nhà lợp tôn. Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Thừa Thiên-Huế có công điện khẩn yêu cầu các nhà máy thủy điện Hương Điền, Bình Điền và A Lưới chủ động xả lũ phù hợp với tình hình thực tế, đưa về mực nước đón lũ để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.
 

100% di tích thuộc quần thể di tích Cố đô Huế đã được gia cố bằng gỗ chắc để hạn chế thiệt hại khi bão số 11 đổ bộ. Ảnh: Bùi Oanh
100% di tích thuộc quần thể di tích Cố đô Huế đã được gia cố bằng gỗ chắc để hạn chế thiệt hại khi bão số 11 đổ bộ. Ảnh: Bùi Oanh

Tương tự, tại huyện đảo Cồn Cỏ-địa phương thiệt hại nặng nhất của tỉnh Quảng Trị trong bão số 10 với 100% nhà cửa, công trình công cộng bị sập và tốc mái nỗ lực triển khai các biện pháp đối phó với bão số 11.

Ông Lê Quang Lanh-Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ cho biết, cùng với việc triển khai phương án đảm bảo an toàn về người và phương tiện tại các công trình xây dựng dang dở cũng như khẩn cấp lợp lại nhà tốc mái sau bão số 10, địa phương đã chuẩn bị đầy đủ lương thực thực phẩm và lên phương án di dời khẩn cấp 100% người dân làng Thanh Niên-ngôi làng đầu tiên và duy nhất trên đảo với chủ nhân là những thanh niên của Tổng đội Thanh niên xung phong Quảng Trị đến nơi ở an toàn để tránh bão số 11 là trụ sở UBND huyện xây dựng cao tầng kiên cố. Lực lượng xung kích trên đảo túc trực 24/24 giờ, sẵn sàng xử lý khi xảy ra sự cố trong mưa bão.

Bùi Oanh

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

(GLO)- Chiều 12-1, tại Hội trường 19-5 huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã về thăm và trao quà Tết cho 100 công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại 2 huyện Chư Prông, Đức Cơ và Công ty Quang Đức.
Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

(GLO)- Sáng 12-1, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Xuân đoàn kết-Tết yêu thương“ nhằm tạo khí thế vui tươi, đầm ấm nhân dịp Tết Quý Mão 2023 và chia sẻ khó khăn với hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn.
Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

(GLO)- Đó là anh Cao Thanh Bình, dân tộc Chứt, ở làng Mơ Nú (xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Từ người làm thuê, 20 năm sau, anh trở nên giàu có. Không chỉ nỗ lực làm giàu cho bản thân, anh còn góp phần lan tỏa hình ảnh sống tích cực, tham gia giải quyết việc làm tại địa phương.
Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

(GLO)- Sáng 10-1, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Gia Lai, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức Chương trình trao quà Tết Quý Mão 2023 của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đến 200 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh và trao tặng kinh phí hỗ trợ 22 nhà “Mái ấm Công đoàn“ cho đoàn viên khó khăn về nhà ở.
SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

(GLO)- Sau 2 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Hỗ trợ giao thông SOS Gia Lai đã được công nhận là CLB trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Đây là sự động viên, khích lệ kịp thời và tiếp thêm nguồn động lực để các thành viên tiếp tục chung tay hỗ trợ cộng đồng.
Phố núi ngày đầu năm

Phố núi ngày đầu năm

(GLO)- Phố núi Pleiku bước vào ngày đầu tiên của năm mới 2023 trong tiết trời trong lành, thoáng đãng. Không khí đông đúc, tất bật của những ngày thường dường như được thay bằng bức tranh yên bình với hình ảnh người người vui xuân và kỳ vọng vào những điều tốt đẹp. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã ghi lại những khoảnh khắc này trong ngày đầu năm.