Mê hoặc tháp Chăm Bình Định

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Về Bình Định, ấn tượng đầu tiên dành cho vùng đất võ là những tháp Chăm trầm mặc, trơ gan cùng tuế nguyệt suốt 10 thế kỷ chứng giám lịch sử vùng địa linh nhân kiệt, hun đúc thành đất võ trời văn. Dưới chân tháp, các môn phái võ mượt mà quyền thảo; những làng nghề trăm năm vẫn rộn ràng mưu sinh...

Khoác ba lô về Bình Định, ngồi trên chiếc xe thổ mộ lộc cộc quanh những ngọn tháp, qua những thành quách cũ, du khách như được hít thở không khí cổ trang của “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo”. Dấu ấn trầm tích của những tháp Chăm hàng trăm năm phác họa sự phồn thịnh kinh tế, văn hóa một thời dần được hiện ra. Cảm nhận hết những nét văn hóa tinh tế ấy ta mới hiểu vì sao vùng đất này được mệnh danh là đất võ trời văn.

 

Tháp Cánh Tiên, một di tích quốc gia nằm cạnh thành Đồ Bàn và chùa Thập Tháp. Ảnh: T.Đ
Tháp Cánh Tiên, một di tích quốc gia nằm cạnh thành Đồ Bàn và chùa Thập Tháp. Ảnh: T.Đ

Từ thế kỷ X, Chiêm Thành chọn vùng đất Bình Định xây thành Đồ Bàn và xây dựng đền tháp. Tháp Chăm là một kiến trúc tôn giáo độc đáo mang bản sắc rất riêng của dân tộc Chămpa. Đến nay, tháp Chăm ở Bình Định vẫn còn khá nguyên vẹn với 8 cụm di tích tháp và 14 tháp có niên đại ngót 1.000 năm, trong số đó những tháp nổi tiếng như tháp Bánh Ít, Dương Long, tháp Đôi, Cánh Tiên, Phú Lốc, Thủ Thiện, Bình Lâm... vẫn còn như nguyên vẹn. Quần thể tháp nằm quây quần ôm lấy thành Đồ Bàn tạo nên một kiến trúc đặc biệt trên một vùng đất đặc biệt. Bởi, cũng ngay trên thành Đồ Bàn, Hoàng đế Nguyễn Nhạc xây thành Hoàng Đế sau khi Tây Sơn Tam kiệt dẹp Đàng Trong, Đàng Ngoài, đánh tan quân Thanh, Xiêm. Vùng đất của những làng võ nổi tiếng đất Việt, đất của thơ ca, của những làng nghề trên 100 năm tuổi... có lẽ được hun đúc từ những trầm tích, nơi phát tích những anh hùng hào kiệt xưa nay.

Một lần về Bình Định, đứng trước tháp Chăm, nhạc sĩ Văn Cao từng thảng thốt: “Từ trời xanh/Rơi/Vài giọt tháp Chàm/Quanh Quy Nhơn”. Tư thế đứng sừng sững vút lên bầu trời đó được Văn Cao gọi là giọt. Tháp thường đứng trên một đỉnh đồi hoặc vùng đất nhô cao thoáng đãng, tưởng chừng như dang tay là có thể ôm trọn đất trời lộng gió. Hầu hết các tháp nằm ở vị trí đắc địa nên trải qua nhiều thế kỷ, tháp vẫn sừng sững dù mưa gió cố tình đánh dấu thời gian lên tường tháp.

Giọt tháp Chàm trầm mặc tưởng chừng như không hề thay đổi, thách thức với thời gian. Nhưng du khách đến đây mỗi lần đều có thể khám phá được những bí ẩn giấu kín trong những nét kiến trúc, nó thay đổi sắc màu với từng thời điểm trong ngày. Buổi sáng, tháp ưỡn ngực ra đón bình minh với sắc màu ấp ám; chiều đỏ rực với mặt trời lặng lẽ nhìn đất trời khép bờ mi; đêm trầm mặc với bóng tối... Nhưng dù đến với tháp lúc nắng đỏ lửa hay mưa dầm dề thì tháp vẫn cho một cảm giác mát mẻ, ấm áp đến lạ lùng.

Về thăm tháp Bánh Ít, tháp Cánh Tiên, tháp Dương Long... ta nhận ra sự phồn thịnh một thời của Chămpa. Tháp Bánh Ít và tháp Dương Long được xây theo cụm nhiều tháp đứng gần nhau tạo một tư thế vững chãi. Tháp Cánh Tiên hiện hữu một nét kiến trúc độc đáo trong quần thể tháp Chăm, có người cho rằng đây là tháp được Chế Mân xây riêng tặng Công chúa Huyền Trân vì trong tháp có những hình chạm khắc công phu mang dáng dấp một mỹ nữ. Cảnh ở đây quá nên thơ bên làng sen Bả Canh tỏa hương tinh khiết bao đời nên có thơ: “Rồng thiêng tiên cưỡi đi đâu/Cánh Tiên để đó dãi dầu nắng mưa/Cùng non tháp giữ tình xưa/Trải bao dâu bể vẫn chưa nao lòng/Đồ Bàn còn núi còn sông/Còn tiên kết cánh, còn rồng tuôn mây”.

Bên cạnh tháp, dấu vết xưa vẫn còn hiện hữu ở những làng nghề truyền thống duy trì bao đời xúm xít quanh kinh đô xưa. Từ làng gốm Vân Sơn, làng dệt, làng rèn Phương Danh, làng đúc đồng Bằng Châu, làng tiện gỗ, làng nón Gò Găng, nón ngựa Phú Gia và rất nhiều làng võ dọc sông Kôn cho thấy sự rộn ràng, phồn hoa trên mảnh đất kinh kỳ.

Khách đến Bình Định thường không bị chinh phục bởi vẻ hào nhoáng ban đầu nhưng đều tiếc nuối khi ra về, bởi ở đây không chỉ có tầng sâu văn hóa mà còn có những món ăn ngon, rẻ đủ sức níu chân du khách tứ phương.

Trường Đăng

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.