Mẹ của những đứa trẻ mồ côi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Linh hứa, sẽ quay lại trường khi thành đạt. Cũng vì lời hứa đấy, Linh không dám gặp lại những cô thầy của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Phước Sơn nữa. Em gái của Linh - Hồ Thị Lan, vẫn đang được các thầy cô đưa về đùm bọc, cưu mang…

Không chỉ là chuyện học hành, các thầy cô Trường PTDTNT Phước Sơn còn là người mẹ, người bạn đồng hành với những đứa trẻ mồ côi. Ảnh: Tuệ Lâm
Không chỉ là chuyện học hành, các thầy cô Trường PTDTNT Phước Sơn còn là người mẹ, người bạn đồng hành với những đứa trẻ mồ côi. Ảnh: Tuệ Lâm
Chúng tôi đến Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) Phước Sơn (thị trấn Khâm Đức, Phước Sơn) vào một chiều mưa tầm tã, được dự báo có thể sẽ có lũ trái mùa.
Cũng y hệt cái buổi chiều vào năm 2020, khi từng mảng núi đổ xuống, vùi lấp 13 người ở huyện Phước Sơn. Vẫn là những đôi mắt đen láy, ngấn nước đứng tần ngần ở cửa lớp, nhưng nay chỉ là phảng phất buồn, như nhắc nhớ về cái ngày mà lũ trẻ bất ngờ mồ côi.
Những mảnh đời buồn
Cái buổi chiều chúng tôi ghé trường vào năm 2020, khi mưa lũ đang hoành hành khắp Phước Sơn, Hồ Văn Lan (lúc đó học lớp 9) đứng nơi cửa lớp, đôi mắt đỏ hoe khi hay tin cả cha lẫn mẹ mình bị cuốn trôi mất tích.
Đứng trước lũ trẻ, thậm chí tôi không biết phải mở lời thế nào vì sợ rằng mình trở nên lố bịch khi khơi gợi lại nỗi đau của chúng. Đành chỉ nhìn.
Thầy cô, bạn bè hết khuyên nhủ đến dọa nạt mãi Lan mới từ bỏ ý định cắt rừng về nhà. Đôi tay như muốn vò nát cả cái lai áo trắng đang mặc. Hồ Thị Sơ (lúc đó lớp 10) thì gục đầu vào lòng cô giáo, khóc. Cũng giống Lan, em nghe tin cha mẹ mình đã bị cuốn theo dòng lũ.
Còn Hồ Văn Linh và Hồ Thị Lan (xã Phước Hiệp, đang học lớp 10/1) là hai anh em ruột. Cha mẹ mất từ nhỏ nên hai anh em nương tựa nhau. Linh lớn hơn, tốt nghiệp cấp 3 vào năm 2018 với lời hứa: sẽ quay lại trường khi thành đạt.
“Thành đạt” của Linh, chẳng gì ghê gớm, mà là sẽ tiếp tục theo học, hoặc là học được cái nghề thật ổn, kiếm ra tiền rồi quay trở về thăm thầy, thăm cô. Như để thông báo rằng, công sức nuôi dưỡng của các thầy cô chẳng hoài phí.

Cô hiệu trường Phạm Thị Thứ (giữa) cùng với những học trò mồ côi mà cô xem như con.
Cô hiệu trường Phạm Thị Thứ (giữa) cùng với những học trò mồ côi mà cô xem như con.
Đoạn đường ở phía sau, không dễ dàng như Linh tưởng. Để rồi Linh chọn cách lẩn tránh. Khi em Linh, học đến lớp 9 thì được đưa về trường để nuôi ăn học. Các thầy cô xuống tận nhà Linh đưa em Hồ Thị Lan lên trường, Linh bỏ vào rừng trốn biệt.
Cô giáo Phạm Thị Thứ - Hiệu trưởng nhà trường nói: “Thương vì em quá coi trọng lời hứa. Nhưng thôi, cho em thêm một khoảng thời gian nữa, xem như là động lực để Linh phấn đấu. Tin rằng, sẽ có một ngày Linh đường hoàng trở về trường mà không còn bị mặc cảm”.
Còn nhiều, rất nhiều hoàn cảnh tương tự như Lan hay Sơ đã và đang được nhà trường nuôi dưỡng. Ở đó, không chỉ có tình thầy trò mà còn là tình thân, là gia đình. Cuộc sống, đã bất công với các em. Nhưng bù lại, các em lại có được những người “mẹ”, để đồng hành trong khoảng thời gian còn lại.
Cô giáo Hoàng Thị Quỳnh Ly - Tổ trưởng tổ tư vấn tâm lý nhà trường chia sẻ: “Nhà trường, các cô cố làm sao để có thể đồng hành, chia sẻ với các em vào những lúc chúng cần nhất. Không dễ, nhưng cũng chẳng khó nếu biết cách. Quan trọng, là các em đều rất ngoan. Đó là điều mà ai cũng mừng”.
Gia đình thứ hai
Việc nhận nuôi các em học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ xuất phát từ ý kiến cá nhân của cô Phạm Thị Thứ - Hiệu trưởng nhà trường, rồi được lan tỏa và sự ủng hộ của toàn trường.
“Các em còn quá nhỏ để đương đầu với mất mát lớn trong cuộc đời. Lúc này, cần có bàn tay đưa ra rồi nắm lấy, từng bước dìu đi. Có lẽ các em cũng chỉ cần có thế! Cứ nghĩ cũng giống như con mình vậy thôi, có chừng nào thì nuôi dạy chừng đó” - cô Thứ cười nói.

Các thầy cô trong trường luôn tạo cho học sinh môi trường có thể không đầy đủ vật chất nhưng tràn đầy yêu thương.
Các thầy cô trong trường luôn tạo cho học sinh môi trường có thể không đầy đủ vật chất nhưng tràn đầy yêu thương.
Cứ mỗi năm, danh sách các học sinh mồ côi sẽ được tổng hợp, những trường hợp đặc biệt khó khăn sẽ được các thầy cô trong trường nhận nuôi nấng. Lúc đầu, mỗi học sinh sẽ có người đỡ đầu, thường là các cô giáo chủ nhiệm lớp. Nhưng sau đó, nhân sự ở trường có nhiều thay đổi, nên giờ, tất cả đều là người “mẹ” của học sinh.
Có lẽ, không ngôi trường nào có nhiều học sinh là trẻ mồ côi như ngôi trường này. Toàn trường có hơn 50 em học sinh mồ côi, trong đó có 7 em mất cả cha lẫn mẹ. Phần vì bão lũ, lở núi, phần là bởi số phận đã bỏ rơi em từ rất sớm.
“Tiền bạc, vốn không có nhiều. Giáo viên thì đóng góp ngày lương, lập quỹ mồ côi. Số tiền đó được chi cho tiền ăn ở, mua sách vở, dụng cụ học tập hay áo quần năm học mới. Có khó khăn, nhưng thầy cô cùng học trò có thể vượt qua được” - cô Thứ nói.
Thực ra, các em đều được Nhà nước hỗ trợ gần 1,5 triệu đồng/học sinh/tháng, dành cho tiền ăn ở, sinh hoạt. Nhưng với khoản tiền này, các thầy cô giáo trường đã để dành lại, như một khoản tiền cho các em sau này khi ra trường.
“Mỗi em sẽ được mở một tài khoản ở ngân hàng, hàng tháng, khi nhận được tiền hỗ trợ thì bỏ vào đó. Tiền ăn ở, sinh hoạt hiện tại đã có nhà trường lo. Tiền để dành sẽ được trao lại khi các em tốt nghiệp, nếu đi học tiếp hay học nghề cũng có tiền vốn” - cô giáo Đinh Thị Việt Hà - Phó hiệu trưởng nhà trường thông tin.

Một góc khu nội trú của các em học sinh trường PTDTNT Phước Sơn.
Một góc khu nội trú của các em học sinh trường PTDTNT Phước Sơn.
Những đôi tay vân vê tà áo, khẽ nép vào người cô giáo của mình như tìm sự sẻ chia. Mất mát, khiến chúng như những chú chim non bị tổn thương đang tìm cách chui vào cánh mẹ, tìm hơi ấm.
“Cái tuổi ẩm ương, rất phức tạp. Chỉ một cái nắm tay cũng đã làm chúng trăn trở. Từ tình bạn, rồi tình yêu. Cả những ngày “khó ở” của con gái hay sự phát triển của đứa con trai dậy thì.
Vậy nên mình sẻ chia từ cái nhỏ rồi dần đến cái lớn. Cao hơn nữa là tuyên truyền để chúng biết tác hại tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… Các kênh từ zalo, facebook đều được đưa vào để có thể chia sẻ với các em mọi lúc, mọi nơi. Chỉ có vậy, mình mới nắm bắt được tâm lý của học trò rồi tìm cách tháo gỡ” - cô Hoàng Thị Quỳnh Ly chia sẻ.
Khi Hoàng Ngọc Ánh Dương (học sinh lớp 11, mồ côi cả cha lẫn mẹ) chọn cho mình cách thể hiện tuổi trưởng thành theo một cách khác - những cuộc chơi game thâu đêm - thì tất thảy đều lo lắng. Bởi Dương là đứa học giỏi, rất ngoan nhưng chơi vơi khi đang tuổi lớn.
Cô giáo chủ nhiệm của Dương mất gần 1 tháng trời để bám theo Dương trong những cuộc game thâu đêm. Từ khuyên nhủ ngọt nhạt đến cứng rắn đủ kiểu thì em mới trở lại như cũ. Hiện tại, Dương là một trong 3 học sinh nhận được học bổng của những người Việt tại CHLB Đức (phối hợp với báo Tiền phong) để khi tốt nghiệp sẽ qua đó tiếp tục theo học.
Đoạn đường còn dài
Nhà trường đã cố huy động các nguồn có thể để lo cho các em, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Mỗi ngày tiền ăn của các em chỉ có hơn 30 nghìn đồng, chia làm 3 bữa. Sách vở, áo quần và sinh hoạt phí đều được trích từ quỹ mồ côi của nhà trường. Thiếu thốn là điều không thể tránh. Nhưng đó chưa phải là chuyện lớn nhất.

Hồ Văn Thận (người trên màn hình điện thoại) – đang học ngoại ngữ ở Hà Nội để sang Đức du học nói chuyện với các cô giáo từng nuôi nấng mình.
Hồ Văn Thận (người trên màn hình điện thoại) – đang học ngoại ngữ ở Hà Nội để sang Đức du học nói chuyện với các cô giáo từng nuôi nấng mình.
Điều trăn trở nhất của thầy cô ở Trường PTDTNT Phước Sơn là, khi rời xa vòng tay của mình rồi, liệu các em sẽ sống như thế nào? Hay rồi lại như Linh, vì một lời hứa thành đạt để rồi không dám quay về gặp cô thầy?
“Các em vẫn chưa đủ lớn để có thể một mình đương đầu với khó khăn ở giai đoạn mới. Nếu đủ lực, thì có thể dìu dắt các em thêm một đoạn nữa, khi đủ cứng cáp thì để các em vùng vẫy. Nhưng, đó vẫn là bài toán khó” - cô Phạm Thị Thứ thở dài.
Mưa ngày càng nặng hạt. Những đứa trẻ líu ríu đi về phía khu nội trú để tiếp tục cho những ngày thi giữa kỳ. Mắt đen láy, đầu ngẩng cao. Mất mát, đôi khi là động lực để các bạn trưởng thành mạnh mẽ hơn.
Bởi, bên cạnh các bạn, là những người bạn đồng hành, là những thầy cô mà tình thương đã và đang thay thế đấng sinh thành của họ, để đường vợi bớt chông chênh, dẫu biết còn rất dài phía trước...
Theo TUỆ LÂM (QNO)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.