Mất hộ khẩu, hậu sống khổ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhiều người dân gắn bó với TP. Hồ Chí Minh, đã từng có hộ khẩu thành phố, song sau những biến chuyển cuộc đời, họ không còn hộ khẩu, không có giấy chứng minh nhân dân (CMND). Không có giấy tờ tùy thân, hàng chục năm qua, những người này phải vật lộn với cuộc sống và nằm ngoài lưới an sinh xã hội.


Những người không có giấy tờ

Bà Phạm Kim Thanh (64 tuổi), sống trong căn nhà thuê số 95/52/2A Lê Văn Lương, phường Tân Kiểng, quận 7, không nhớ chính xác mình đã có mặt ở khu vực đường Tôn Thất Thuyết, quận 4, TP. Hồ Chí Minh, rồi về huyện Nhà Bè từ năm nào. Bà chỉ nhớ khoảng năm 1992, bà tới sinh sống ở quận 7, được cấp sổ tạm trú (KT3), thứ giấy tờ duy nhất mà bà có. Cách đây 10 năm, bà tiếp tục được cấp KT3 tại phường Tân Kiểng, quận 7; gia đình bà được xếp vô diện hộ nghèo, có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT)…

 

Gia đình anh Nguyễn Hoàng Phương (quận 8, TPHCM) không có hộ khẩu, phải chịu nhiều thiệt thòi.
Gia đình anh Nguyễn Hoàng Phương (quận 8, TP. Hồ Chí Minh) không có hộ khẩu, phải chịu nhiều thiệt thòi.


Năm 2011, bà Thanh về Long An giữ vườn hộ người quen, nhưng tuổi già cùng bệnh tật khiến bà không còn sức lao động. Chị Thuận, con gái bà đã đón bà về lại TP. Hồ Chí Minh ở cùng và mang KT3 đi mua thẻ BHYT cho mẹ thì mới hay KT3 không còn giá trị sử dụng. Chị Thuận đi làm thủ tục nhập khẩu cho mẹ về địa chỉ nhà mình cũng không được vì căn nhà vợ chồng chị sở hữu chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở (sổ hồng). Từ đó, bà Thanh trở thành người không có hộ khẩu, không giấy khai sinh, CMND cũ đã mất, không có CMND mới, không có cả KT3. Bà không còn được xếp vào diện hộ nghèo, không được cấp, cũng không mua được thẻ BHYT.

Trường hợp bà Nguyễn Thị Tám (78 tuổi), ở cùng con trai đau yếu trong căn nhà trọ số 95/94/7A đường Lê Văn Lương cũng vậy. Năm 1970, bà Tám được cấp thẻ căn cước ở Sài Gòn. Năm 1976, bà cùng gia đình đi kinh tế mới ở tỉnh Sông Bé (nay là 2 tỉnh Bình Dương, Bình Phước). Năm 1981, bà tự về xã Tân Quy Tây, huyện Nhà Bè (nay là phường Tân Kiểng, quận 7) và ở đến nay. Bà đi bán vé số trong cảnh không hộ khẩu, không CMND. Ông Bùi Văn Phúc (77 tuổi), ở nhà 95/34/11B Lê Văn Lương có thời gian đi kinh tế mới ở Bạc Liêu, sau đó về thì không được làm lại giấy tờ. Ông cũng không có hộ khẩu và bất cứ giấy tờ tùy thân nào.

Có hộ khẩu ở TK9/3 Võ Văn Kiệt, phường Cầu Kho, quận 1, song bà Trần Thị Minh Hồng (63 tuổi) không chuyển được khẩu về căn nhà 12/6 Nguyễn Văn Cừ, phường Cầu Kho, bởi căn nhà không có sổ hồng. Gia đình bà Hồng phải câu nước sinh hoạt từ nhà hàng xóm. Mỗi tháng bà Hồng phải trả 330.000 đồng tiền nước. Nhiều gia đình khác ở TP. Hồ Chí Minh phải sử dụng dịch vụ cơ bản với giá cao, thậm chí không được sử dịch vụ do thiếu điều kiện giấy tờ.

Tại phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, ông Trần Đăng Bách, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường, cho biết hội muốn làm chế độ người già cho một cụ đã ở phường hàng chục năm mà không làm được vì không có hộ khẩu, không có giấy tờ. Trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, nhiều người già không có hộ khẩu do trước đây đi kinh tế mới, hay có thời gian di chuyển tới các tỉnh khác, sau đó về lại thành phố, ở cả chục năm mà chưa có hộ khẩu, cuộc sống rất vất vả.

Thiệt thòi con trẻ

Tại quận 1, anh Nguyễn Tuấn Kiệt (40 tuổi, ngụ tại TK11/21 Bến Chương Dương, phường Cầu Kho) đưa bản sao sổ hộ khẩu (nhập khẩu 1995), giấy khai sinh tại TPHCM, trăn trở: “Vậy mà tôi không làm hộ khẩu mới được!”. Anh Kiệt kể, năm 2002, anh nghiện ma túy, được đưa đi cơ sở cai nghiện bắt buộc ở tỉnh Lâm Đồng. Năm 2005, anh bị bệnh nặng, có nguy cơ liệt nửa người nên được đưa về Bệnh viện Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) chữa bệnh. Ra viện, anh không trở lại trường mà tự về nhà ở quận 1, từ đó đến nay không nhập lại được hộ khẩu, không có CMND. “Tôi chạy xe ôm chở hàng cho người ta, cần có CMND để ra vô cổng các nhà kho, doanh nghiệp và lúc ký nhận hàng hóa. Không có giấy tờ chứng minh về bản thân mình, mỗi lần ký nhận hàng hóa, tôi phải mất 50.000 - 100.000 đồng mướn người đứng ra bảo lãnh. Anh Kiệt còn một nỗi niềm, đứa con duy nhất của anh (mang họ mẹ, mẹ bỏ đi), trên giấy khai sinh chỉ có tên mẹ, để trống tên cha, “giờ tôi muốn điền tên tôi vào giấy khai sinh của con cũng không được. Sang năm cháu đến tuổi đi học, tôi muốn chuyển hộ khẩu của cháu về địa chỉ nhà mình, muốn có giấy tờ thừa nhận cháu là con tôi mà không được vì tôi không có hộ khẩu, không có CMND gì cả…”.

Anh Nguyễn Hoàng Phương (ngụ tại số 371 Nguyễn Duy, khu phố 3, phường 9, quận 8) làm nghề nhặt rác, tâm sự hồi 7-8 tuổi, anh cùng gia đình đi kinh tế mới ở tỉnh Sông Bé, nhà bị cháy, giấy tờ cũ mất sạch, khi anh về lại TP. Hồ Chí Minh thì không nhập lại được hộ khẩu, không có giấy tờ tùy thân. Hiện nay, anh và mẹ là bà Lê Thị Sáng (80 tuổi), sống trong cảnh không một tờ giấy lận lưng. Căn nhà gia đình anh đang ở là nhà ven kênh không có sổ hồng, chỉ có giấy tờ kê khai năm 1999 và số nhà tạm nên anh Phương không nhập khẩu vào nhà mình được.

“Tôi tính sẽ nhập khẩu ké vào địa chỉ nhà vợ, nhưng muốn vậy, tôi cần có giấy tờ xác nhận bản thân tôi là ai trước. Như vậy, tôi phải về nơi đã đi kinh tế mới ngày xưa xin xác nhận, nhưng mấy chục năm qua tôi không ở đó, liệu có ai xác nhận không?”, anh Phương lo lắng. Bà Nguyễn Thị Loan-Phó Trưởng ban Điều hành khu phố 3, cho biết nếu có hộ khẩu, cụ Sáng được hưởng chính sách người cao tuổi là 380.000 đồng/tháng và có BHYT theo diện hộ nghèo. Nhưng cụ không có chế độ này theo chính sách chung nên khu phố đành đi xin mạnh thường quân mỗi tháng hỗ trợ cụ 200.000 đồng. Tội nhất là 4 đứa con của vợ chồng anh Phương, 2 đứa lớn học lớp 3 và lớp 1 không được học tiểu học như trẻ bình thường mà phải đi học lớp tình thương vào buổi tối.

Theo sggp

Có thể bạn quan tâm

Cán bộ, chiến sĩ Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực Ayun Pa chữa cháy kho mì tại thôn Plei Tăng A, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Lính cứu hỏa trên mặt trận không tiếng súng

(GLO)-Nghề nào cũng có vinh quang riêng, song với cán bộ, chiến sĩ phòng cháy và cứu nạn cứu hộ, bên cạnh niềm tự hào nghề nghiệp còn là sự hy sinh thầm lặng. Trên mặt trận không có tiếng súng, không có tội phạm nhưng muôn vàn nguy hiểm, họ luôn dốc hết sức mình vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Vườn cây của gia đình chị Nguyễn Thị Huệ -Công nhân Đội 2, Công ty Cà phê Ia Sao 2 trồng năm 1986 vẫn đạt sản lượng 24 tấn quả tươi/ha. Ảnh: Đinh Yến

Những công nhân tiêu biểu trong lao động giỏi, sáng tạo

(GLO)- Bằng lòng đam mê, nhiều công nhân tại các công ty cà phê tỉnh Gia Lai đã không ngừng học hỏi và có những sáng kiến mới áp dụng vào sản xuất. Họ không chỉ nâng cao đời sống gia đình mà còn mang lại nhiều nguồn lợi cho đơn vị, góp phần tô thắm thêm phẩm chất tốt đẹp của giai cấp công nhân.

Nông sản Việt đang ở đâu?

Nông sản Việt đang ở đâu?

Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang vào vụ thu hoạch các mặt hàng nông sản như: vải, nhãn, sầu riêng, thanh long,… Câu hỏi đặt ra giải pháp nào để xúc tiến xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản mùa vụ Việt Nam tránh tình trạng ùn ứ, điệp khúc “được mùa mất giá”.

Cán bộ Đoàn, ĐVTN cùng lực lượng quân đội đóng góp ngày công để đẩy nhanh tiến độ thi công nhà ở cho người dân. Ảnh: P.L

Xóa nhà tạm-Kiến tạo tương lai - Kỳ 2: Góp gạch hồng dựng xây mái ấm

(GLO)-Phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đang lan tỏa trên địa bàn tỉnh Gia Lai bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Mỗi tấm lòng, mỗi hành động đều hiện thực hóa mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” trên hành trình góp gạch hồng dựng xây mái ấm, giúp người dân an cư, lạc nghiệp.

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Thị trường mỹ phẩm “nóng rực” khi hàng loạt sản phẩm vô chủ vứt bừa bãi, doanh nghiệp ồ ạt xin thu hồi công bố. Phóng viên đã thâm nhập thị trường mỹ phẩm để tận thấy cách thức hô biến đồ rẻ tiền thành cao cấp, chiêu trò của các ông trùm vươn vòi bạch tuộc, bủa vây người người tiêu dùng.

null