Mảnh đời con nước xứ Quảng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Xuôi dòng sông Thu Bồn tới cửa Đại Chiêm, có một khúc sông chợt rẽ về, ôm trọn lấy phố Hội An. Cũng chính vì sự “quyến luyến” kỳ lạ ấy mà người ta đặt tên cho nó là sông Hoài, chữ “hoài” ở đây mang nghĩa là sự nhớ thương. Và khúc sông đặc biệt này không chỉ chảy quanh níu giữ từng tấc đất phố Hội An cổ kính bao năm qua mà còn miệt mài ôm lấy nhiều mảnh đời đã tới tuổi xế chiều nhưng vẫn phải lênh đênh.

Lênh đênh con nước

“Cô ơi đi dạo quanh sông thả đèn không, một mình cô, tôi cũng chèo, 40.000 đồng thôi cô!”, giọng nói vọng từ dưới ghe, một nụ cười thân thiện đặc trưng của người Quảng Nam. Ông Lan mời khách, tay nhẹ đẩy mái chèo cho sát bờ. Chiếc ghe của ông Lan là loại ghe nhỏ, chỉ đủ chỗ ngồi cho 2 khách. Nhanh tay với cái thau tát nước ra khỏi ghe xong, ông Lan khuấy mái chèo, bắt đầu cuộc hành trình rặt chất “đặc sản” của Hội An này. Hai cánh tay đen nhẻm, rắn rỏi của ông nhịp nhàng đẩy chèo, không cần nhìn mũi thuyền, cũng không cần nhìn dòng sông mà chiếc ghe của ông vẫn phăm phăm lướt trên mặt nước.

Ông Lan năm nay 60 tuổi, độ tuổi mà người ta an hưởng tuổi già cùng con cháu thì ông vẫn lam lũ với dòng sông quê hương. Ấy vậy nhưng so với những người cũng đang làm nghề lái ghe chở du khách tham quan sông Hoài, ông Lan lại thuộc vào lớp ít tuổi nhất, khi đa số các cụ đều trên 70 tuổi. Cũng vì thế mà người ta mới trìu mến gọi con sông này là “dòng sông bóng xế”.


 

 Ông Lan vừa chèo ghe vừa giới thiệu về những ngôi nhà hai bên bờ sông Hoài
Ông Lan vừa chèo ghe vừa giới thiệu về những ngôi nhà hai bên bờ sông Hoài




“Trước đây tui không lái ghe này, tui đi biển đánh cá. Nhưng mà nguy hiểm lắm cô, bữa nào nước lớn thì tưởng không còn đường mà về, mấy chục năm làm cũng chẳng đủ ăn. Mấy năm nay yếu rồi, tui gom góp vay mượn mua được cái ghe với mấy cái xuồng rồi đổi nghề qua chở khách đi tham quan sông với làng nghề quanh quanh. Giờ thu nhập tốt hơn, an toàn hơn hẳn. Tui cũng sắp trả được hết nợ rồi”, ông Lan cười kể.

Dập dềnh trên sông một quãng, đến ngôi nhà cổ nào có tích gì, lịch sử, tuổi đời ra sao, ông Lan lại kìm thắng ghe bằng cách khua nhẹ mái chèo rồi thao thao giới thiệu. Những câu chuyện ít có trên sách vở, chỉ có người dân vùng này họ truyền tai nhau mà thôi. Rồi thuyền ngược dòng chậm rãi chui qua cây cầu An Hội, ngắm nhìn hai bên phố Hội An chập tối với hàng ngàn chiếc đèn lồng rực rỡ mà vẫn rất đỗi yên bình.

Ông Lan nhẹ rẽ nước về phía chùa Cầu - một trong những biểu tượng nổi tiếng của Hội An. Ở đây cũng chính là nơi tập kết của hơn dăm chục chiếc ghe chở khách du lịch giống ghe ông Lan, chỉ khác một điều là những người lái ghe này đều đã móm mém cả. Vừa hay tới giờ trên bờ bắt đầu biểu diễn, các điệu nhạc dân gian, những câu ca bài chòi Trung bộ trầm bổng vang lên. Khách du lịch rần rần kéo về hai bên sông. Mấy cụ lái ghe uống vội miếng nước rồi hướng mắt về những lượt khách qua đường, mời vọng lên bờ, giọng run run: “Hê lô, hê lô, hai đô pho oăn!”. Ông Lan cười cười giải thích, tức là mấy bà ấy đang mời khách tây 2 đô la cho 1 người đi tham quan sông. Lúc trước có mấy bạn sinh viên tình nguyện tới chỉ dẫn cho các cụ vài câu tiếng Anh để mời khách, nói hơi khó nghe chứ khách họ hiểu hết cả.

Rồi ghe tiến gần hơn vào bến, giữa tiếng nhạc, tiếng hát ca, giữa sự nhốn nháo khách lên xuống ghe, một cụ ông chống sào ngồi trầm ngâm, nét mặt nom có vẻ mệt mỏi. Ông Lan giới thiệu, đó là ông Thuần, là người chèo ghe lâu năm nhất ở xứ này. Những năm tháng chiến tranh đã qua nhưng dấu tích để lại là nỗi đau chưa bao giờ nguôi ngoai với ông Thuần. Tai nạn bom mìn khi còn nhỏ đã cướp đi một chân của ông. Ông Lan đưa ghe gần lại chỗ ông Thuần, hỏi thăm thì biết, hôm nay ghe ông Thuần chưa có khách nào đi cả, ông có bà vợ ốm đau ở nhà, cả hôm nay chỉ ăn độc cháo loãng. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn tham quan sông trên ghe của ông, ông Thuần mừng ra mặt: “Chân thế này chứ tui chèo tốt, cứ yên tâm”.

Ghe ra khỏi bến, ông Thuần kể, năm nay ông đã 89 tuổi, làm nghề này cũng hơn 40 năm. Ngày trước ông theo cha đi thuyền thả lưới bắt cá trên sông, trong một lần đang cắm sào ở bờ thì một vài khách du lịch nước ngoài tới và muốn ông chở họ đi dạo phố cổ. “Khi ấy, tui còn nhớ tui quay ra hỏi thì cha tui đồng ý, chở họ đi dạo quanh sông xong, họ trả tui 1 đồng. Tui là người đầu tiên lái ghe du lịch ở đây đó”, ông Thuần hoài niệm.


 

 Khi không có khách đi ghe, bà Huê lại lên bờ đi bán đèn hoa đăng
Khi không có khách đi ghe, bà Huê lại lên bờ đi bán đèn hoa đăng




Chỉ còn sông ở lại…

Đi qua đoạn đang có nghệ nhân biểu diễn hát chòi, ông Thuần cũng ngân nga theo. Ông Thuần khoái chí: “Ông bà khách tây đi ghe tui là thích nghe tui hát lắm, dân ca quê tui là tui mê lắm cô”. Khuôn mặt khắc khổ, mệt mỏi ban nãy nay đã trở nên rạng ngời hẳn. Có lẽ, những nhịp phách trầm bổng trong giai điệu dân ca kia chỉ góp phần thêm vào sự hoan hỉ của ông, bởi sau chuyến ghe này, tối nay người vợ ở nhà sẽ có một bữa cơm thay vì cháo.

Dù ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng mái chèo của ông Thuần vẫn rất nhịp nhàng. Khi tôi hỏi sẽ chèo ghe tới khi nào, ông Thuần nói: “Còn sức khỏe thì tui còn chèo, còn hơi thì tui còn hát. Một ngày không đi ghe nữa thì tui làm gì để ăn, làm gì còn chỗ nào nhận tui. Còn có con sông này nó cưu mang thôi. Tui vẫn còn may mắn vì có gia đình mà về, như bà Quyền, bà Huê, mấy bả cũng chèo ngần ấy năm như tui, giờ leo lắt ở ghe qua ngày”…

Bà Huê ít tuổi hơn ông Thuần, năm nay bà 73 tuổi. Bà Huê vừa bán đèn hoa đăng trên bờ, khi có khách đi ghe thì kiêm luôn chở khách tham quan sông. Nở nụ cười món mém, bà Huê kể, năm ấy khi ông Thuần bắt đầu đi ghe chở khách thì bà và những người khác bàn với ông Thuần cùng đi, cùng làm, dần dần trở thành một bến ghe chở khách du lịch.

Cũng như nhiều phụ nữ khác sống kiếp lênh đênh sông Hoài, bà Huê không có chồng, không con, lấy mái ghe làm nhà, lấy sàn ghe làm giường, đơn chiếc trên ghe từ khi còn tuổi đôi mươi. Đối với bà Huê, ghe là nhà rồi, còn những người trong xóm chài như bà Quyền, ông Thuần thì như anh chị em trong nhà, như người thân ruột thịt. Cả một đời lèo lái, tài sản duy nhất mà bà Huê có là một chiếc ghe nhỏ cũ rích, vài cái chén, mấy manh áo cũ và con sông Hoài này. Bà Huê kể: “Già nên hay bệnh, có khi tui ốm thì mấy bả, người chia cơm, người chia canh, người cho rau. Có lúc bà Quyền bỏ cả tiền để mua thuốc cho tui, tiền ấy bả đi mấy ngày mới có được. Cũng có ngày chẳng có khách, cả xóm chẳng ai đi được chuyến nào. Mỗi nhà còn một ít cơm nguội, cứng đơ, người góp tí cá con con, bả thì mang một chén mắm ớt, tui có nồi canh rau lang, cả xóm chia nhau ăn, thế thôi mà tình cảm, mà lại vui”.

Đã nhiều năm trôi qua, nhiều kiếp người ra đi, chỉ còn sông ở lại. Sông Hoài gắn bó như máu thịt với người Hội An, với người xóm chài. Ngần ấy con người mưu sinh trên sông nhưng chưa bao giờ to tiếng, chưa một lần tranh cướp khách, sông Hoài êm đềm như chính những người dân nơi đây vậy. Nếu không có những chiếc ghe đặc biệt, ấm áp tình này thì có lẽ dòng sông sẽ trở nên thật khô khan và hoang vắng…

Thanh Mai (sggp)

Có thể bạn quan tâm

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Những người mẹ đặc biệt

Những người mẹ đặc biệt

Lặng lẽ tồn tại suốt gần 60 năm qua, cô nhi viện Phú Hòa (xã Tịnh Ấn Tây, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) được nhiều người gọi với cái tên “ngôi nhà đặc biệt”, bởi nơi đây có những phụ nữ hy sinh cả đời để trở thành mẹ của hàng trăm đứa trẻ mồ côi, khuyết tật, bị bỏ rơi...

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Cùng với mục tiêu đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng, quân địch dồn lực lượng để bao vây, đánh chiếm cứ điểm hang Đền Mẫu án ngữ con đường dẫn đến thị trấn Đồng Đăng. Tại đây, quân và dân địa phương đã kiên cường bám trụ 3 ngày đêm chống lại quân xâm lược.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, rất nhiều người lính đã không chỉ cống hiến xương máu, bảo vệ từng tấc đất biên cương, mà còn coi nơi mình chiến đấu là quê hương thứ 2 để ươm mầm tình yêu, cho hạnh phúc hôm nay.

Cán bộ Công an phường Phù Đổng (TP. Pleiku) hướng dẫn nhân viên Khách sạn Khánh Linh đăng ký lưu trú qua phần mềm dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: T.T

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ 1: Khi hệ thống chính trị cùng vào cuộc

(GLO)- Ngày 6-1-2022, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…