Mai này, làng Le

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Một tương lai sáng hơn đang đến rất gần với làng Le, khi Đề án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội dân tộc có khó khăn đặc thù (dân tộc Rơ Măm) đến năm 2025 được UBND tỉnh phê duyệt. Mai này, khi nói về làng Le, là ta đang nói về một làng nông thôn mới.

Làng Le nằm trên trục đường chính của xã Mô Rai (huyện Sa Thầy, Kon Tum), đồng thời cũng là Quốc lộ 14C. Vị trí làng cách trung tâm xã khoảng 1km về hướng Tây, gần biên giới Việt Nam - Campuchia. Và đây là nơi cư trú tập trung duy nhất của người Rơ Măm- 1 trong 16 DTTS rất ít người (còn dưới 1.000 người) ở nước ta, với 70,4% tổng số hộ trong làng (177 hộ/617 khẩu).

Làng Le có quỹ đất tương đối lớn, điều kiện khí hậu và đất đai cơ bản thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, phù hợp với cây lương thực và hoa màu, như lúa ruộng, bắp lai; cây công nghiệp, như cao su, điều; chăn nuôi gia súc, như trâu, bò, dê.

Trong biên niên sử của vùng đất này, có những chặng dài lê thê chìm trong giấc ngủ sâu giữa đại ngàn. Người già kể rằng, trong chiến tranh, đã 3 lần dân làng phải rời lên núi Chư Mom Ray ở để tránh bom đạn.

Cuối năm 1975, tỉnh chủ trương vận động dân làng xuống núi, nhưng mọi người không muốn đi. Đến cuối năm 1976, có 3 hộ gia đình, đều là cựu chiến binh, gồm A Blong, A Dói, A Reng quyết chuyển xuống núi xây dựng cuộc sống mới. Lần hồi, dân làng xuống theo, nên có làng Le bây giờ.


 

Bộ đội Biên phòng hướng dẫn người dân làng Le chăm sóc cây cao su. Ảnh: H.L
Bộ đội Biên phòng hướng dẫn người dân làng Le chăm sóc cây cao su. Ảnh: H.L


 Kể cả nhiều năm sau giải phóng, làng Le vẫn còn hoang vu lắm. Do điều kiện giao thông vô cùng khó khăn, cách trở, đời sống người dân hoàn toàn dựa vào ruộng rẫy, tự cung, tự cấp nên thiếu thốn đủ thứ.

Những năm gần đây, làng Le đã được sự quan tâm đầu tư đặc biệt của Nhà nước nên đời sống người Rơ Măm đã sang trang. Trong đó, giai đoạn 2017-2020, với việc Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội DTTS rất ít người Rơ Măm được triển khai, làng Le đã hoàn toàn thay da đổi thịt.

Hệ thống cơ sở hạ tầng đã được đầu tư cơ bản, với điện lưới quốc gia đến từng hộ gia đình, các trục giao thông chính trong làng Le được cứng hóa, giao thông thông suốt đến trung tâm xã, huyện, tỉnh; hệ thống nước sinh hoạt, kênh mương thủy lợi phục vụ sản xuất đã được đầu tư.

100% hộ dân được hỗ trợ sản xuất (cây, con giống), hỗ trợ vay vốn để phát triển kinh tế, từng bước giảm nghèo bền vững; thu nhập bình quân đạt 15,5 triệu đồng/người/năm.

Quy mô trường lớp được nâng cấp, mở rộng đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của con em dân tộc Rơ Măm. Trạm y tế quân dân y kết hợp hoạt động hiệu quả, nên việc chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh ban đầu cơ bản được đảm bảo; chất lượng dân số, tuổi thọ của dân tộc Rơ Măm từng bước được cải thiện.

Công tác bảo tồn văn hóa dân tộc Rơ Măm bước đầu đã được quan tâm (hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà rông; hỗ trợ phục hồi, tổ chức các lễ hội văn hóa đặc sắc; cấp trang thiết bị cho nhà sinh hoạt cộng đồng).

Nhưng quan trọng hơn, người Rơ Măm đã biết tự lực vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ. Ngoài ruộng rẫy, hầu hết hộ gia đình người Rơ Măm trồng cao su, làm công nhân cao su (Công ty 78- Binh đoàn 15), hoặc vay vốn từ ngân hàng chính sách để phát triển sản xuất.

Từ trồng cao su, nhiều hộ gia đình trong làng đã thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên khá giả, có “của ăn của để”, điển hình như hộ gia đình A Glong, Rơ Chăm H’len.  Làng Le được công nhận là "Làng văn hóa" cấp tỉnh.

Tuy nhiên, do nhiều khó khăn, trong đó nguồn lực đầu tư còn hạn chế so với nhu cầu, nên dù chất lượng đời sống của người Rơ Măm đã được cải thiện nhưng vẫn còn khoảng cách khá lớn so với các dân tộc khác. Giảm nghèo chưa thật sự bền vững; văn hóa truyền thống của dân tộc Rơ Măm có nguy cơ mai một; vẫn còn tồn tại một số phong tục, tập quán lạc hậu.

Về cơ sở hạ tầng, nhiều công trình được đầu tư xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp, hư hỏng, cần được nâng cấp, sửa chữa. Quy mô đầu tư, phát triển sản xuất còn nhỏ, lẻ; chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của người dân.

Một tin vui đến với đồng bào Rơ Măm, đến với làng Le là tháng 11/2022, UBND tỉnh ban hành Đề án Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội dân tộc có khó khăn đặc thù (dân tộc Rơ Măm) đến năm 2025.

Mục tiêu của Đề án là thúc đẩy giảm nghèo bền vững, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần nhằm giảm dần sự chênh lệch về khoảng cách phát triển với các dân tộc khác. Đến năm 2024, làng Le đạt chuẩn thôn nông thôn mới; cơ sở chính trị ở làng vững mạnh.

Hơn 19 tỷ đồng sẽ được đầu tư cho làng Le, để đảm bảo rằng đến năm 2025, hệ thống cầu, đường giao thông thông suốt, đi được 2 mùa trong năm; điện, nước sinh hoạt, thủy lợi đảm bảo phục vụ đời sống, sản xuất theo tiêu chí nông thôn mới.

Thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 20% so với đầu năm 2020; mức sống bình quân của dân tộc Rơ Măm tương đương với các dân tộc khác trong vùng.

Tất nhiên, từ nay đến ngày mà làng Le nông thôn mới "hiện diện" vẫn còn khá xa. Và trong khoảng thời gian ấy, sẽ có rất nhiều khó khăn, thách thức phải vượt qua. Nhưng có hề chi, người dân làng Le nói chung, người Rơ Măm nói riêng sẵn sàng nỗ lực để ngày ấy đến sớm hơn.

Như bất cứ người Rơ Măm nào khác, tôi nhận thấy một tương lai sáng hơn  đang đến rất gần với làng Le, với dân tộc Rơ Măm.

Theo Hồng Lam (baokontum)

https://www.baokontum.com.vn/xa-hoi/mai-nay-lang-le-27268.html

Có thể bạn quan tâm

'Báu vật' của làng

'Báu vật' của làng

Hàng chục cây kơ nia trăm năm tuổi được người dân ở Bình Định ví như 'báu vật' được bảo vệ qua nhiều thế hệ. Địa phương đang lập hồ sơ đề nghị công nhận rừng kơ nia này thành rừng cây di sản VN.

Trường Sa: Vững vàng nơi đầu sóng - Kỳ IV: “Điểm tựa” cho ngư dân vươn khơi bám biển

Trường Sa: Vững vàng nơi đầu sóng - Kỳ IV: “Điểm tựa” cho ngư dân vươn khơi bám biển

Cùng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và bảo đảm an ninh trên biển, thời gian qua, công tác dân vận luôn được cán bộ, chiến sĩ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa quan tâm triển khai hiệu quả, thực sự trở thành “điểm tựa” vững chắc để ngư dân an tâm vươn khơi bám biển.

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

(GLO)- Ở một “sân khấu” nhỏ trong căn nhà tại tổ 2 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai), những bài ca cổ vào thập niên 80-90 của thế kỷ trước vẫn thường xuyên được cất lên bởi những người đam mê loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng vùng Nam Bộ.

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

(GLO)- Nói đến thung lũng Ia Drăng, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến nơi ghi dấu trận thắng Mỹ đầu tiên của quân và dân ta ở Tây Nguyên. Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, vùng chiến địa năm xưa đang từng ngày “thay da, đổi thịt”.

Vững niềm tin chiến thắng

Vững niềm tin chiến thắng

(GLO)- Với niềm tin chiến thắng, những thầy thuốc kiên trung đã vượt mọi gian khổ, hy sinh cho đến ngày thống nhất đất nước. Trong tháng Tư lịch sử này, nhớ lại những năm tháng cống hiến sức trẻ vì độc lập, tự do của Tổ quốc, ai cũng xúc động xen lẫn tự hào.

Những người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

E-magazineNhững người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

(GLO)- Đồng hành cùng sự sáng tạo, đổi mới của người trẻ, các tổ chức Đoàn-Hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai không chỉ là điểm tựa vững chắc mà còn trở thành bệ phóng, giúp họ tự tin bứt phá, vượt qua giới hạn bản thân và lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc sâu rộng trong cộng đồng.

Kỳ tích cao su vươn mình trên xứ sở Angko - Kampong Thom: Kỳ cuối-Đời sống người lao động ngày càng nâng cao

Cao su vươn mình trên xứ sở Angkor - Kampong Thom: Kỳ cuối - Đời sống người lao động ngày càng nâng cao

(GLO)- Bên cạnh xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh, phát triển sản xuất kinh doanh, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Chư Sê - Kampong Thom luôn quan tâm cải thiện đời sống cho hơn 3.300 lao động tại Campuchia với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng.