Mạch sống nghị lực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong cuộc sống hiện đại, lắm lúc có những áp lực vô hình, khiến không ít người trầm cảm, bế tắc… Bởi vậy, lan tỏa một nghị lực sống, một ý chí vươn lên lại là câu chuyện tốt đẹp rất cần thiết.
Quyển sách không giá bìa
“Không phải để truyền cảm hứng hay gì cả, chỉ là tôi kể câu chuyện của tôi, nhưng có lẽ nó có thể xoa dịu nếu bạn chẳng may rơi vào hoàn cảnh giống tôi. Còn nếu bạn đang khỏe mạnh, thì mong câu chuyện của tôi sẽ tiếp thêm động lực cho bạn chân cứng đá mềm trước mọi biến số của cuộc đời…”.
Những dòng chia sẻ này, đọc qua dễ biết không phải của một nhà văn hay một cây bút 8X, 9X nào đó mới gia nhập giới văn chương. Thật vậy, nó được kể và viết lại bởi một chàng trai trẻ vừa vượt qua căn bệnh u não ở tuổi còn rất trẻ, đó là Tống Quang Anh (23 tuổi, tác giả cuốn sách không giá bìa Câu chuyện của tôi).
Tự truyện hay hồi ký/nhật ký là một dòng sách khá thu hút độc giả bởi sự tò mò, nhất là giới nghệ sĩ với những câu chuyện hậu trường, được người trong cuộc kể ra, rất được bạn đọc quan tâm.
Nhưng Câu chuyện của tôi lại khác, không thu hút người ta tò mò bằng chuyện hậu trường giới nghệ sĩ. Nó được viết và kể lại, thậm chí có những dòng chia sẻ còn rất ngô nghê của một chàng trai 22 tuổi, cái tuổi bước vào ngưỡng cửa cuộc đời với bao nhiêu hoài bão, ước mơ… Nhưng ông trời đôi khi lại đặt để như một cách thử thách nghị lực con người, ở cái tuổi thanh xuân đẹp nhất, nhiều mơ ước nhất thì bạn trẻ ấy đối mặt với căn bệnh u não khi còn chưa kịp làm đồ án tốt nghiệp đại học.
“Sao không để giá bìa vậy em?”, tôi hỏi. Quang Anh chậm rãi trả lời (bởi muốn nhanh cũng không được, vì em đang trong quá trình phục hồi sức khỏe): “Em không muốn để giá bìa, vì em không viết sách để bán lấy tiền. Đầu tiên, em viết câu chuyện này bằng tiếng Anh. Một phần là bởi vì em không muốn nó trở nên quá phổ biến, bạn bè của em trên Facebook sẽ hỏi han về vô vàn thứ mà em không thể trả lời hết được.
Mãi tới khi bác em cùng các bác sĩ điều trị cho em và rất nhiều bạn bè động viên, em mới quyết tâm chỉnh sửa lại mọi thứ cho giống một cuốn sách. Em không ghi giá bìa vì mục đích quyển sách của em là để tự tâm mọi người đóng góp và toàn bộ số tiền đó, em tặng cho các bệnh nhi ung thư”.
 
Quang Anh và quá trình điều trị bệnh
Quang Anh và quá trình điều trị bệnh
Và có lẽ với quá trình điều trị khoảng 1 năm vừa qua, hơn ai hết, Quang Anh hiểu được những cơn đau thập tử của bệnh tật. Giọng nói còn đôi chút chưa khỏe của một người vừa vượt qua lằn ranh sinh tử, Quang Anh kể tiếp: “Khi sửa lại những dòng chia sẻ từ Facebook thành sách, lúc ấy em chưa nghĩ đến truyền thông điệp gì cả, chỉ là em muốn dùng số tiền bán sách ủng hộ các bệnh nhi. Vì trẻ con, khả năng chịu đựng yếu hơn chúng ta, nên em muốn hướng tới đối tượng đó, góp phần nhỏ bé giúp các em vượt qua khó khăn”.
Cũng là một người trẻ, tôi hiểu cảm giác háo hức và nhiều hoài bão của một sinh viên năm cuối đại học. Bao nhiêu là dự định, bao nhiêu là kế hoạch cho tương lai sẽ bắt đầu sau ngày nhận tấm bằng mà bản thân mình đã dành 4 năm cố gắng. Một ai đó mắc phải những căn bệnh quái ác đều khiến người xung quanh xót xa, nhưng là một bạn trẻ thì nỗi xót xa gấp bội và còn đi kèm chút nuối tiếc, bởi họ còn một quãng thanh xuân thật dài nữa mà… Sau nhiều cuộc kết nối, mỗi lần gác máy, tôi lại thầm mong phép màu sẽ thật sự đến với Quang Anh và cơ thể em thực sự “hợp tác” với thuốc đặc trị và phác đồ điều trị sau phẫu thuật.
Phép màu là có thật
Tôi ra Hà Nội, đón tôi ở đầu ngõ 158 Ngọc Hà (quận Ba Đình, Hà Nội) là chàng trai cao ráo, dáng người hơi mảnh khảnh. Từ xa, tôi nhận ra được đó là Quang Anh và chợt mừng… phép màu đã có thật, khi chàng trai trẻ ấy dù hơi gầy nhưng gương mặt đã tươi tỉnh.
Tiếp tôi trong một ngày Hà Nội trở gió lạnh, Quang Anh pha sẵn bình trà nóng: “Chị nói hôm nay tới nên em pha sẵn bình trà, chị uống đi, trà còn nóng”. Vẫn là giọng nói chầm chậm và đôi lúc hơi run, mọi thao tác chân tay đều thật chậm, nhưng khi tôi hỏi thăm về sức khỏe, Quang Anh cười tươi: “Em bây giờ chỉ đến viện kiểm tra sức khỏe theo lịch của bác sĩ thôi chị, không còn uống thuốc đặc trị nữa, chỉ có thêm thuốc bổ và vitamin để cơ thể mau phục hồi”.
Phía sau đầu Quang Anh nhìn rõ một vết sẹo dài từ đầu đến gáy. Vừa lấy tay xoa xoa vết sẹo vừa cười, em nói nhẹ nhõm: “Vết sẹo này đã lành hẳn rồi chị, không còn đau gì nữa đâu, phẫu thuật xong là mọi chuyện như bình thường à”.
Ca phẫu thuật của Quang Anh nếu ví như đánh cược một canh bạc cũng không sai, bởi phẫu thuật não không đơn giản như phẫu thuật tay chân. Tỷ lệ biến chứng cao hơn hẳn, hơn nữa trường hợp của Quang Anh, bác sĩ buộc phải áp dụng kỹ thuật mổ hở. Em có thể tỉnh dậy, bị liệt, hoặc cũng có thể không tỉnh dậy nữa… “Điều kỳ diệu đã xảy ra, Quang Anh đã hoàn thành ca phẫu thuật mà không bị biến chứng gì, em vẫn ngồi đây để tiếp chuyện với tôi”, tôi nghĩ thầm.
Trước mặt tôi là một bạn trẻ vừa trải qua quá trình điều trị rất khó khăn, 1 lần phẫu thuật, 34 lần xạ trị và 6 đợt hóa trị. Nhưng khi vừa phục hồi, tay chân vẫn chưa thật sự linh hoạt, giọng nói vẫn còn run, thay vì dành thời gian để nghỉ ngơi, em bắt đầu bán sách để gây quỹ ủng hộ bệnh nhi ung thư. “Ba tháng đầu ở viện về, thấy em lo bán sách gây quỹ, mẹ lo em sẽ mệt. Mà có lúc mẹ tỏ thái độ giận luôn vì em quyết tâm làm chứ không bỏ dở giữa chừng được”, Quang Anh kể.
Nỗ lực của Quang Anh cùng sự trợ giúp của gia đình, bạn bè, đợt đầu tiên số tiền bán sách gây quỹ được 122 triệu đồng và được chia thành hơn 20 phần quà dành tặng cho bệnh nhi ung thư tại Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội). Do tình hình dịch Covid-19, để tốt nhất cho các em nhỏ, số tiền và quà được bệnh viện trao lại sau cho các em. Quang Anh tới thăm và chạm tay các em nhỏ qua cửa kính phòng bệnh… Tấm hình em và các em nhỏ chạm tay nhau qua tấm kính thực sự chạm đến trái tim tôi, và chắc chắn là với những ai hiểu câu chuyện, nhìn thấy tấm hình đó, cũng sẽ có cảm xúc như vậy.
Quang Anh tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội vào tháng 8-2020, trước khi kết thúc quá trình điều trị bệnh 2 tháng. Nhưng mọi thứ đành gác lại, vì để có thể viết một kế hoạch cụ thể, tìm một công việc, hay một công ty kỹ thuật/công nghệ như mơ ước, có lẽ sẽ khó cho Quang Anh. Kiến thức ở lĩnh vực này đòi hỏi phải cập nhật liên tục, một người vừa mới phục hồi sau cơn đau mà bản thân còn không chắc ngày mai hay lằn ranh sinh tử sẽ đến trước, thì rất khó.
“Kỹ thuật mà chị, vài tháng thôi thì nó đã phát triển rất khác rồi, em gián đoạn cũng hơi lâu… Thời gian tới, em dự định sẽ học về tâm lý, em cũng mong muốn giúp các em nhỏ tự kỷ hay bị trầm cảm”, Quang Anh chia sẻ.
Một ngày của em, không chỉ có việc tập luyện chân tay, nghỉ ngơi, thuốc bổ… Mỗi tuần một buổi, Quang Anh đều đến lớp Anh văn làm trợ giảng giúp một người thầy. “Chắc chị cũng nghe qua câu “Làm trai cho đáng thân trai”, em luôn suy nghĩ như vậy để cố gắng thật nhiều, để có thể giúp ích hay chia sẻ một chút gì đó với mọi người xung quanh”. Trong những dự định sắp tới của mình, em không quên kể với tôi: “Hiện tại, đợt gây quỹ thứ 2 được khoảng 50 triệu đồng rồi chị, nếu có thêm đợt ba, đợt bốn, em hy vọng có thể gây quỹ để xây trường cho các em nhỏ vùng xa”.
Đôi khi không nhất thiết phải trồng một cánh rừng, mà gieo một hạt mầm nhỏ cũng là điều đáng trân quý như cách mà Quang Anh đã chọn. Sự hồi phục của em là một điều may mắn trong số rất nhiều ca bệnh ung thư. May mắn đó đến từ rất nhiều yếu tố, nhưng hơn hết là từ nghị lực sống lạc quan và tích cực của em.
Điều kỳ diệu đã xảy ra, phép màu là có thật và nó đang được Quang Anh lan tỏa thành tình yêu thương với cộng đồng quanh mình. Đứng trước tai ương, trước lằn ranh sinh tử không quan trọng, mà chính là cách mà chúng ta chọn cho mình một thái độ sống - nghị lực mãnh liệt hay đầu hàng mà thôi…
"Đây không phải là cuốn nhật ký thông thường, mà là sản phẩm tinh thần, sản phẩm tư duy, sản phẩm của những giá trị “có” từ “mất”. Ung thư không phải là dấu chấm hết. Khi em ngỏ ý hỏi tôi: “Cô ơi, con có nên viết ra, rồi bán sách quyên góp tiền ủng hộ các bé ung thư có hoàn cảnh khó khăn không?”, thì tôi đã phải quay đi, giấu những giọt nước mắt vì thương em, vì cảm động. Nên lắm chứ, sao không! Việc em ấy muốn làm tiếp sức cho đồng đội; việc em ấy muốn làm khiến lan tỏa cách sống đẹp. Nên lắm chứ! Tôi và cuộc sống này cảm ơn em, và yêu em".
TS-BS PHẠM THỊ VIỆT HƯƠNG (bác sĩ trực tiếp điều trị cho Quang Anh)
KIM LOAN (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.