Lụi tàn làng Việt tại Philippines

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Từng là nơi trú ngụ của gần 2.000 người Việt, nhưng giờ đây, những dấu ấn cuối cùng của ngôi làng Việt Ville trên đảo Palawan có nguy cơ bị xóa sạch hoàn toàn.

Những ngôi nhà trong làng Việt Ville
Những ngôi nhà trong làng Việt Ville



Việt Ville là tên gọi của một cộng đồng người Việt sống tại vùng rìa thành phố Puerto Princesa, miền trung đảo Palawan (Philippines). Khác với sự náo nhiệt và phát triển tại trung tâm thành phố với nhiều khu nghỉ dưỡng, lúc nào cũng nhộn nhịp du khách, Việt Ville là ngôi làng bình yên với những ngôi nhà khiêm tốn làm bằng ván gỗ có mái tôn. Ít ai biết hơn 2 thập niên trước, gần 2.000 người Việt sinh sống và thành lập một cộng đồng sôi nổi tại đây. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, Việt Ville giờ đây chỉ còn lại 5 gia đình sinh sống, theo trang Roads & Kingdoms.

Cộng đồng gắn kết

Ông Tran Dung Minh (50 tuổi), một trong những người Việt cuối cùng trụ lại đây, kể ông đến Philippines vào năm 1985 và được đưa đến một khu tị nạn trên đảo Bataan ở miền bắc. Sau đó, ông được đưa về Trung tâm tị nạn thứ nhất Philippines tại thành phố Puerto Princesa sinh sống. Tuy nhiên đến năm 1996, chính quyền quyết định đóng cửa trung tâm này nên ông Minh cùng 2.000 người được tái định cư ở ngôi làng nằm ở rìa thành phố, sau này gọi là Việt Ville.

Ngôi làng diện tích khoảng 13 ha vào những ngày đầu có hơn 200 gia đình, có nhà thờ, chùa chiền, nhà hàng và điểm vui chơi cho trẻ em.

Bên cạnh đó, làng Việt Ville còn có một tiệm bánh mì Pháp nổi tiếng cùng nhiều cơ sở sản xuất bún miến, mì và nước mắm. Ông Peregrino Fedillaga Jr, dân bản địa và từng làm việc chung với cộng đồng Việt trong gần 4 thập niên, cho biết sinh hoạt tại Việt Ville thời ấy rất sôi nổi. Ông kể các sơ thuộc hội tu Nữ tử Bác ái thánh Vincent de Paul đã giúp đỡ cộng đồng người Việt ở Palawan rất nhiều trong các hoạt động xã hội và vấn đề pháp lý.


Tổ chức này giúp giải quyết tranh chấp giữa người Việt và dân bản xứ, kết nối với chính quyền địa phương để đào tạo nghề cho phụ nữ và trẻ em vô gia cư. Các nhân viên tình nguyện còn dạy kỹ năng sống cho người Việt nhập cư để họ có thể tìm việc làm ở những nơi khác nếu muốn. “Nhờ vậy, chúng tôi sống rất hòa thuận và gắn kết”, ông Fedillaga cho biết.
 

 Nhà hàng từng thuộc sở hữu của người Việt tại Việt Ville
Nhà hàng từng thuộc sở hữu của người Việt tại Việt Ville



Tương lai bất định

Tuy nhiên, vào đầu những năm 2000, nguồn ngân quỹ của cộng đồng bắt đầu cạn dần, hầu hết người dân rời đi, đến những nước khác như Mỹ, Canada hoặc Úc. Ông Minh một lần nữa lựa chọn ở lại và kết hôn với một phụ nữ Philippines, sinh ra 5 người con. Theo ông, cộng đồng bắt đầu đi xuống kể từ đó, những ngôi nhà mục nát dần sau nhiều năm bị bỏ hoang. Cũng như ông, một vài hàng xóm đồng hương lấy vợ địa phương nhưng nhiều người sau này chuyển vào thành phố sinh sống.

Nhà hàng Việt Ville ban đầu do các gia đình Việt và Philippines hùn hạp kinh doanh giờ sang tên hẳn cho người dân bản địa. Dù vẫn còn đó những bức vách bằng tre hay vật trang trí mang dáng dấp VN, món ăn tại nhà hàng bị chê là thiếu sự đậm đà của hương vị Việt. “Họ đưa 2 cô người Việt đến để nấu ăn nhưng rõ ràng là không có chút tình yêu nào trong nồi nước lèo đó”, ông Minh ngậm ngùi chia sẻ.

Từng làm việc cho nhà hàng trong nhiều năm, nhưng ông và một số người nữa quyết định nghỉ việc hồi năm 2015 vì mâu thuẫn với quản lý và đầu bếp mới. Ông nói cảm thấy bị phản bội vì nhà hàng từng là biểu tượng của sự hợp tác giữa người Việt và người Philippines. Hiện tại, ông kiếm sống bằng nghề phiên dịch nhờ lưu loát tiếng Anh và tiếng Tagalog bản ngữ. Biết rõ tương lai bất định của mình tại Việt Ville, tuy nhiên người đàn ông 50 tuổi này khẳng định sẽ cùng 4 gia đình còn lại bám trụ đến chừng nào còn có thể.

“Tôi không nghĩ đến việc rời khỏi Philippines”, ông Minh quả quyết. Dù vậy, ngày ông phải dứt áo ra đi có lẽ cũng không còn xa, bởi khu đất ở Việt Ville hiện tại được coi là bất động sản có giá rất hấp dẫn, đối diện nguy cơ bị thu hồi để đầu tư phát triển du lịch và khu dân cư cao cấp.

Bảo Vinh (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.