Tại sao những người sống cả đời với lũ, ngay rốn lũ lại bất ngờ vì lũ để đến mức nửa đêm lên mạng cầu cứu, để đến giờ gần như trắng tay vì lũ?!
Bà Vị mếu máo vì lũ lụt trôi mất bò và 1,5 tấn lúa bị ướt hỏng. Ảnh: Trần Tuấn. |
Xã Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh. Bà Nguyễn Thị Vị ngồi thẫn thờ trước những bao lúa đã lên mầm. 1,5 tấn, vậy là coi như bỏ. Mấy chục con gà bị lũ cuốn. Con bò - tài sản lớn nhất của cả gia đình cũng bị cuốn mất.
Cẩm Xuyên - được coi là rốn lũ của Hà Tĩnh.
Bên sông Bồ, Thừa Thiên - Huế, Nguyễn Văn Sinh đăm đăm nhìn dòng nước. 17 lồng, 7 tấn cá nửa chết, nửa bị lũ cuốn. Bây giờ trắng tay rồi, không biết lấy tiền đâu trả nợ ngân hàng.
Anh Sinh, giờ vớt vát bằng cách vớt cá chết để bán cho Công ty thức ăn gia súc. Mỗi kg: 1 ngàn.
Trong câu chuyện, liên tục là lời than: Lũ lên nhanh quá. Trở tay không kịp.
Ở Quảng Bình. Ông Nguyễn Văn Tâm nhẩm tính mỗi con heo 8 triệu, mưa lũ đã cuốn của ông 80 triệu.
Lão nông 60 tuổi, là 60 năm kinh nghiệm chạy lũ, đã sụt 6kg.
Phải mở ngoặc nhấn mạnh: Khi cơn lũ xuất hiện giữa đêm, khắp nơi là những lời kêu cứu khi dân quá bất ngờ, không biết chạy đi đâu.
Trận “đại hồng thuỷ” ở miền Trung đã làm 132 đồng bào chết và mất tích. Đã dìm 178.000 ngôi nhà trong nước. Đã huỷ hoại 6.989 ha hoa màu. Đã cuốn trôi 5.876 con gia súc, 685.225 con gia cầm... đã “như một đòn mạnh vào sinh kế của hàng triệu người đang lao đao vì khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra” - nhìn nhận của Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu.
Con số không chỉ là con số. Bởi đằng sau con số ấy là tay trắng.
Nhưng tại sao những người cả đời sống chung với lũ, ngay tại rốn lũ, 60 năm kinh nghiệm chạy lũ... lại “bất ngờ”? lại trở tay không kịp?
Tại sao lại có cảnh dân kêu cứu giữa đêm vì bất ngờ với lũ?
Khi câu hỏi này được đặt ra, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định trên báo: Cơ quan khí tượng đã dự báo sớm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị mưa lớn như thế... Không có chuyện không nắm được thông tin vì dự báo trước cả tuần”.
Tuy nhiên, ông Hiệp cũng cho rằng: Phải xem lại “do nghẽn về thông tin hay chính quyền không phổ biến, tuyên truyền”.
Đúng. Phải làm rõ.
Bởi rõ ràng sự bất ngờ của dân đang cho thấy cái “nghẽn” của thông tin lũ lụt. Không ngoại trừ cả việc thông tin dự báo khu trú trong vùng an toàn, hoặc chỉ toàn những con số, không đủ để người dân lường trước được mức độ nghiêm trọng.
Phải làm rõ để những thông tin dự báo, cảnh báo bão lũ đến sớm, đến tận từng người dân. Bởi nếu dự báo có chính xác đến đâu mà không tới được dân thì điều đó có ý nghĩa gì?!
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/lu-nghen-bat-ngo-va-trang-tay-847785.ldo
Theo Đào Tuấn (LĐO)