Lũ gây ngập nhiều nơi tại khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lũ lớn trên các sông suối vẫn đổ dồn về khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai. Các địa phương tại đây đang khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó nhằm giảm thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. 

Lò sấy thuốc lá của người dân bị ngập giữa biển nước.
Lò sấy thuốc lá của người dân bị ngập trong nước lũ.

Do mưa lớn kéo dài trong hai ngày qua, lượng nước trên các sông Ayun, sông Tul, sông Bờ… dâng cao đột ngột đều đổ về sông Ba. Bên cạnh đó, Thủy điện An Khê-Ka Nak xả lũ từ 400 m3/s vào sáng 2-11 và nâng lên 1000 m3/s vào tối 2-11 khiến lượng nước lớn đổ dồn về khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai gây ngập lụt cục bộ tại một số nơi.

Theo số liệu từ Thủy điện Đak Srông 3A tại khu vực đèo Tô Na, sáng 2-11, lượng nước đổ về chỉ là 400 m3/s, nhưng đến tối 2-11 lượng nước đã là 1000 m3/s. Chưa dừng lại ở đó, đến sáng nay (3-11), mực nước đo được đã đạt 3200 m3/s và nước qua tràn đạt 2 mét. Còn tại Thủy điện Đak Srông 3B mực nước đổ về đạt khoảng 4200 m3/s.
 

Nước ngập tràn qua bờ kè chống sạt lở Tây sông Ba.
Nước ngập tràn qua bờ kè chống sạt lở Tây sông Ba.

Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực Tây Nguyên vào sáng 3-11 cho biết, mực nước sông Ba tại An Khê là 403,51 mét, thấp hơn báo động 1 là 0,99 mét; tại Ayun Pa là 155,38 mét, thấp hơn báo động 3 là 0,62 mét. Trong 12 giờ tới, khu vực phía Đông-Đông Nam tỉnh Gia Lai có mưa 40-80 mm, có nơi trên 80 mm. Sáng nay, trên lưu vực sông Ba vùng thượng nguồn mực nước có xu thế giảm, vùng hạ lưu lũ tiếp tục dâng cao. Đến trưa hôm nay, lũ có khả năng trên mức báo động 2 và xấp xỉ báo động 3: tại trạm An Khê: 403 mét, thấp hơn báo động 1 là 1,5 mét; tại trạm Ayun: 155,9 mét, thấp hơn báo động 3 là 0,1 mét.
 

Nước ngập, người dân đành thu bắp cây cho bò ăn.
Nước ngập, người dân đành cắt bắp cây cho bò ăn.

Với mực lũ tăng nhanh như trên, khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai đã có nhiều vùng bị ngập lụt cục bộ. Lúc 9 giờ 30 phút, lực lượng tìm kiếm cứu nạn thị xã Ayun Pa vẫn tiếp tục tiếp cận với khoảng 10 hộ dân ở khu vực phường Sông Bờ bị ngập. Tại cầu Bến Mộng, lực lượng chức năng cũng triển khai ca nô tiếp cận trên 10 công nhân ở một lò gạch giữa khu vực bị ngập lụt gần bờ sông Ba. Theo báo cáo nhanh của UBND thị xã Ayun Pa, quốc lộ 25 đoạn qua xã Ia Sao bị ngập một đoạn dài 300 mét, sâu khoảng 0,5 mét.
 

Nước ngập một số nhà của buôn Jứ Ma Uôk, xã Ia Broăi, huyện Ia Pa.
Nước ngập một số nhà của buôn Jứ Ma Uôk, xã Ia Broăi, huyện Ia Pa.

Do mưa lớn, đèo Tô Na trên quốc lộ 25, nối thị xã Ayun Pa và huyện Krông Pa cũng đã bị sạt lở nghiêm trọng với hàng trăm m3 khối đất đá lấp toàn bộ đường khiến ách tắc cục bộ từ rạng sáng 3-11. Ông Lê Quý Đức-Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý và sửa chữa đường bộ Gia Lai cho biết, đơn vị này đã huy động công nhân và thiết bị để dọn dẹp đất đá để giao thông được thông suốt. Theo ghi nhận của P.V Báo Gia Lai, khoảng 10 giờ ngày 3-11, tuyến đường tuy đã lưu thông nhưng chỉ cho phép xe hai chiều qua từng đợt. Trong khi xe qua, đất đá vẫn tiếp tục sạt lở và nguy cơ xảy ra tai nạn là rất cao.
 

Lực lượng dân quân, Công an xã Ia Broăi chuẩn bị thuyền sẳn sàn cứu hộ.
Lực lượng dân quân, Công an xã Ia Broăi chuẩn bị thuyền sẳn sàn cứu hộ.

Trong khi đó, tại “rốn lũ” buôn Jứ Ma Uôk, xã Ia Broăi, ngay từ rạng sáng 3-11, người dân đã sơ tán trâu, bò lên những khu vực cao hơn. Người già và trẻ em cũng được tập kết tại Trường THCS Lê Lợi để tránh lũ. Anh Siu Xiêm (trú tại buôn Jứ Ma Uôk) cho biết: “Nước lên nhanh quá mình phải đưa mẹ già và mấy đứa con nhỏ đi lên trường để lánh chờ nước rút thôi. Mới sáng nước chưa thấy đâu mà giờ đã mấp mé chân nhà sàn rồi. Hy vọng nước rút sớm để không bị thiệt hại về nhà cửa, lợn gà”.

Ở một khu vực rẫy tại buôn này cũng bị cô lập bởi dòng nước vây quanh khiến hơn 20 người và hàng chục tấn phân bón bị mắc kẹt. Ông Rơ Ô A Luyn-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Broăi cho hay: “Đến khoảng 12 giờ ngày 3-11, vẫn còn 17 người bị mắc kẹt ở khu vực nước bao vây vì tiếc số phân bón trong nhà rẫy. Chúng tôi vẫn tiếp tục đưa thuyền đến vận động bà con rời khỏi nơi này trước khi nước dâng cao hơn nữa. Theo tổng hợp ban đầu từ UBND huyện Ia Pa, toàn huyện bị ngập 60ha bắp, 10 ha mè, hơn 10 ha đậu đỗ các loại.

Trong khi đó, tại huyện Krông Pa, mưa lũ khiến giao thông ách tắc, 7 buôn tại xã Ia Rsai đang bị cô lập gồm: buôn Pan, Puh, Chik, Kting, Chư Tê, Sai, Ơ Kia…

 

Cơ quan chức năng tiến hành đo mực nước trên sông Ba (cầu Bến Mộng).
Cơ quan chức năng tiến hành đo mực nước trên sông Ba (cầu Bến Mộng).
Nước qua tràn tại đập thủy điện Đak Srông 3A với chiều cao 2 m (3.200 m3/s).
Nước qua tràn tại đập thủy điện Đak Srông 3A với chiều cao 2 m (3.200 m3/s).
Sạt lở ở đèo Tô Na.
Đèo Tô Na bị sạt lở.

Phóng viên Báo Gia Lai sẽ tiếp tục cập nhật tình hình mưa lũ tại khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai.
 

Văn Ngọc-Quang Tấn (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Nga chịu tổn thất về người lớn nhất trong tháng 11, Ukraine ra mắt “UAV tên lửa” mới

Nga chịu tổn thất về người lớn nhất trong tháng 11, Ukraine ra mắt “UAV tên lửa” mới

(GLO)- Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Anh, số lượng binh sĩ Nga chết và bị thương trung bình hàng ngày trong tháng 11-2024 đã đạt mức cao kỷ lục. Trong khi đó, Ukraine vừa giới thiệu mẫu UAV lai tên lửa có tốc độ lên đến 700 km/giờ và tầm bay 700 km, vượt xa tên lửa do phương Tây cung cấp.

Thanh niên xã Nghĩa An (huyện Kbang) khám sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự. Ảnh: M.P

Kbang bảo đảm chất lượng thanh niên lên đường nhập ngũ

(GLO)- Nhằm nâng cao chất lượn tuyển quân năm 2025, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) huyện Kbang, Gia Lai triển khai đồng bộ quy trình tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức khám sơ tuyển sức khỏe NVQS bảo đảm chặt chẽ, công bằng, công khai, đúng luật.

Người dân nhận thực phẩm cứu trợ tại Deir al-Balah, Dải Gaza ngày 23-11. Ảnh: THX/TTXVN

Israel bị cáo buộc “tiến hành diệt chủng” đối với người Palestine tại Dải Gaza

(GLO)- Ngày 5-12, Hãng tin AFP cho biết, Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc Israel “tiến hành diệt chủng” đối với người Palestine tại Gaza kể từ khi chiến sự xảy ra. Tuy nhiên, Israel đã nhiều lần kiên quyết bác bỏ các cáo buộc diệt chủng, đồng thời cáo buộc Hamas lợi dụng người Palestine làm lá chắn sống.