Lớp học trong đêm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Suốt 10 năm qua, ở những nơi nghèo khó nhất của vùng phía bắc tỉnh Lâm Ðồng, đã có những lớp học chỉ diễn ra trong đêm - dưới ánh sáng hiu hắt của bóng đèn tích điện. Lớp học mà người cầm phấn trắng đứng trước bảng đen tóc còn xanh, còn học trò có người mái đầu đã pha sương bởi hơn nửa cuộc đời đầy mưa nắng. Ở những lớp học trong đêm ấy, ngoài nghĩa thầy trò nồng thắm, còn ấm áp tình quân dân.
 
Thiếu tá Nguyễn Trọng Thúy hướng dẫn cho bà con Tiểu khu 179 viết chữ.
Thiếu tá Nguyễn Trọng Thúy hướng dẫn cho bà con Tiểu khu 179 viết chữ.
Mang đèn pin đến lớp
Lớp học xóa mù chữ vừa được bắt đầu vào ngày 18-3 tại Tiểu khu 179 có lẽ là lớp xóa mù đặc biệt nhất của Ðoàn Kinh tế Quốc phòng (KTQP) Lâm Ðồng từ trước tới nay. Bởi thay vì đội ngũ trí thức trẻ thuộc Dự án "Tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu KTQP giai đoạn 2010 - 2020" đứng lớp, giáo viên ở đây lại chính là các anh bộ đội.
Chúng tôi có mặt tại Ðoàn KTQP để theo chân các thầy giáo bộ đội vào Tiểu khu 179. Trong bữa cơm trưa cùng đơn vị trước khi xuất phát, Thiếu tá Nguyễn Trọng Thúy - Trợ lý Chính trị Ðoàn KTQP Lâm Ðồng, cũng là thầy giáo đứng lớp trong tuần học đầu tiên tại lớp học xóa mù chữ - bảo rằng sẽ chuẩn bị cho các anh và chúng tôi áo mưa đi đường. Cứ ngỡ rằng anh bộ đội vui tính nói đùa vì trời tháng ba Tây Nguyên nắng như đổ lửa. Nhưng cho đến khi kết thúc hành trình 90 km đường núi quanh co trong bốn giờ đồng hồ, vòng qua địa phận tỉnh Ðắk Nông để đến Tiểu khu 179, khi bụi bám trắng xe máy, áo quần, ba-lô, chúng tôi bắt đầu nhận ra, con đường "gieo" chữ ở nơi này thật nhiều gian nan.
Tiểu khu 179 của xã Liêng Sronh là địa bàn vùng sâu, vùng xa nhất của huyện Ðam Rông. Ðây là nơi sinh sống của hơn 108 hộ người dân tộc H’Mông, với 664 nhân khẩu đều là dân di cư tự do trái phép từ các tỉnh miền núi Tây Bắc. Di cư tự do và sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ khiến những con người nơi đây bao năm qua vẫn luôn khát khao con chữ.
Nghỉ một buổi lên rẫy, ông Ma Seo Tráng - người uy tín trong cộng đồng người H’Mông ở Tiểu khu 179 đã chờ đợi bộ đội vào dạy học. Vừa gặp bộ đội, ông hồ hởi khoe rằng, "mình đã đi thông báo với bà con từ rất sớm rồi. Hôm nay bà con sẽ đi rẫy về sớm, ăn cơm sớm để đến lớp đúng giờ. Mấy thanh niên đã chuẩn bị sẵn bóng đèn, máy phát điện cho lớp học rồi bộ đội ạ!".
Bữa cơm chiều sớm hôm ấy không trọn vẹn, bởi người dân cứ lác đác đến sớm hơn giờ đã được thông báo. Hai chiếc bóng đèn dùng để chiếu tạm trên mâm cơm đành phải dời ra lớp học để đón bà con. Bộ đội cũng buông chén đũa để lên lớp. Thầy Huân, thầy Ngọc, thầy Phù cùng lúc bỏ dở chén cơm rồi ra chồng ghế lên cao, treo đèn chuẩn bị cho bà con đến lớp.
Bốn bề rừng núi thâm u, bóng đêm như nuốt chửng tất thảy những con người nhỏ bé ở Tiểu khu 179. Duy chỉ có điểm trường sáng đèn, lớp học nhộn nhịp, vui tươi như làm bừng lên sức sống giữa màn đêm u tịch. Một người, hai người, rồi 10 người và vượt qua con số 28 người đăng ký, đã có gần 50 người mang đèn pin trên đầu tới lớp.
Mẹ con cùng đến lớp
Bữa cơm tối hôm ấy của gia đình anh Ma Seo Lừ diễn ra sớm hơn thường lệ, anh bảo, "nay nhà mình đi làm về sớm, ăn cơm sớm để đi học đúng giờ đấy". Người đàn ông 40 tuổi với năm đứa con nhỏ rạng ngời khuôn mặt khi đến lớp ngày đầu tiên - "Nhà mình ngoài Tây Bắc nghèo lắm. Nhà xa trường, đi bộ vất vả lắm. Ðói ăn nên mấy anh em phải đi trỉa ngô quanh năm thôi chứ đâu đi học được". Có lẽ tuổi thơ của Ma Seo Lừ cũng là câu chuyện chung của nhiều con người ở nơi này. Một tuổi thơ đói ăn và cả đói chữ. Có lẽ bởi thế nên dù đã lớn tuổi, dẫu có ngượng ngùng, nhưng khi nghe ông Ma Seo Tráng thông báo có lớp học, Ma Seo Lừ đã cười, gật đầu và nói rằng "mình phải đến lớp chứ". Trong lớp học ở Tiểu khu 179 đêm ấy, rất nhiều người mẹ địu theo con tới trường. Chị Sùng Thị Chư (27 tuổi) chăm chú nhìn thầy giáo giảng bài trên bảng, một tay nắn nót viên phấn trên bảng đen, một tay vẫn vỗ nhịp đều để đứa con trên lưng ngon giấc.
Ðể chuẩn bị tốt nhất cho bà con đến lớp, ngoài giáo án đặc biệt chuyên dụng cho chương trình xóa mù chữ, Ðoàn KTQP còn chuẩn bị toàn bộ phấn trắng, bảng, vở, bút cho bà con. "Mọi thứ có bộ đội lo hết, bà con cứ an tâm đi học chăm chỉ" - trong màn đêm tĩnh mịch, giọng của Thiếu tá Nguyễn Trọng Thúy vang lên, xua tan không khí ngại ngùng ban đầu. Lần đầu tiên làm thầy giáo, bỡ ngỡ với những kỹ năng nghiệp vụ sư phạm, cả Thiếu tá Thúy và Thượng úy Thanh đều dùng chính sự chân thành của mình để giao tiếp với lớp học.
Lớp học xóa mù chữ ở Tiểu khu 179 được chia làm ba tổ. Buổi học đầu tiên, anh Thào Seo Nhà (33 tuổi) được bầu làm lớp trưởng, vì anh đã biết được một ít chữ và nói được tiếng Kinh, có thể giúp thầy giáo trao đổi với lớp học. Còn Vừ Sánh Tòng, 46 tuổi, là người lớn tuổi nhất lớp được phân làm tổ trưởng tổ hai. Có lẽ với những người thường ngày vốn chỉ quen với lam lũ này, đây là lần đầu họ được biết đến từ "lớp trưởng", "tổ trưởng", lần đầu hào hứng và ngại ngùng mang trên mình trọng trách mà họ từng không dám nhận, vì lý do sợ mình không làm nổi.
Ðều đặn hai giờ mỗi đêm, những bàn tay chai sần, thô ráp, quanh năm chỉ làm bạn với cuốc, rựa, gùi,… nơi Tiểu khu 179, nay uốn theo từng nét chữ. Các thầy giáo bộ đội, và cả nhiều người trong số đó chỉ mong đến một ngày, họ có thể biết đọc thành thạo và viết được tên mình, thay vì những cái lắc đầu khi được hỏi về họ tên và năm sinh vào ngày đầu đến lớp.
 
Lớp trưởng Thào Seo Nhà cùng thầy giáo bộ đội điểm danh lớp học Tiểu khu 179.
Lớp trưởng Thào Seo Nhà cùng thầy giáo bộ đội điểm danh lớp học Tiểu khu 179.
Mười năm miệt mài "gieo" chữ
Bắt đầu từ lớp học đầu tiên ở Ðạ M’Bô (xã Liêng Sronh, huyện Ðam Rông) vào năm 2012, đến nay, đã có 13 lớp học xóa mù chữ được Ðoàn KTQP Lâm Ðồng tổ chức. 900 người biết đọc, biết viết chỉ là con số tương đối, nhưng những gì mà người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nhận được từ những lớp học này lại là điều không thể nào đong đếm hết được. Ðó là trái ngọt của hành trình "gieo chữ" mà những người lính và đội ngũ trí thức trẻ tình nguyện ở Ðoàn KTQP Lâm Ðồng đã miệt mài thực hiện suốt 10 năm qua.
Thiếu tá Nguyễn Trọng Thúy và những người lính vào thay phiên nhau dạy học ở lớp xóa mù Tiểu khu 179 vẫn đùa nhau rằng, họ là những người thầy không chuyên. Khi cả xã hội đang phát triển theo xu hướng 4.0, họ vẫn kiên trì bám thôn, bám dân và thực hiện 4 cùng: Cùng ăn, cùng ở, cùng lao động và cùng học tập để bà con đến gần hơn với con chữ. Không kể hết được những khó khăn, nhọc nhằn của hành trình mười năm "gieo chữ", bởi địa bàn rộng, đông đồng bào dân tộc thiểu số và trình độ dân trí thấp, đời sống kinh tế kém phát triển. Thế nên, để duy trì tốt lớp học, những người lính Bộ đội Cụ Hồ xác định phải thực hiện tốt công tác dân vận. "Không thể dùng vật chất để thuyết phục, chúng tôi phải làm cách nào để người dân tin yêu, gần gũi mình, hiểu được việc học chữ rất có ích, từ đó sẽ chịu đến lớp. Với cách làm ấy, cứ "mưa dầm thấm lâu", lớp học dần được hình thành. Khi đã vào nền nếp, mọi người đăng ký đến lớp học xóa mù chữ rất đông, không bỏ học giữa chừng" - Thiếu tá Trọng Thúy cho hay.
Không chỉ ở Tiểu khu 179 đợt này, mà ở tất cả các lớp xóa mù, bộ đội đều trở thành thầy giáo cắm buôn. Tối lên lớp, ban ngày giúp dân. Có khi, lịch học được sắp xếp theo vụ mùa của bà con. Cũng có khi, bộ đội ra quân giúp dân thu hoạch cà-phê, để bà con nhanh chóng có thời gian trở lại lớp học.
"Chương trình xóa mù chữ của Ðoàn KTQP Lâm Ðồng không kể độ tuổi, đối tượng nào, miễn là người dân có nhu cầu học thì đơn vị sẵn sàng dạy. Thời gian trung bình của một lớp là sáu tháng, nhưng cũng có những lớp kéo dài hơn vì tác động thời tiết, mùa vụ,… Miễn sao cho bà con đọc thông viết thạo thì lớp học mới kết thúc" - Thượng tá Hoàng Văn Ðình, Chính trị viên Ðoàn KTQP Lâm Ðồng chia sẻ.
Hiệu quả của những lớp học đặc biệt này cũng được đánh giá theo cách thật đặc biệt: Phụ nữ đọc, viết được tên mình, đàn ông đi thi được bằng xe máy. Nỗi khát khao con chữ chưa bao giờ dừng lại trong những thôn, buôn nhiều gian khó. Nhưng, như khẳng định của Thượng tá Hoàng Văn Ðình: Khi dân còn cần thì bộ đội còn sát cánh. Cùng với sự đồng hành của mầu xanh áo lính, giữa những vùng rừng núi xa xôi, thăm thẳm, lớp học chữ của bà con đồng bào Cơ Ho, người H’Mông,... vẫn sáng đèn trong đêm tối. Tình quân - dân bền vững đã ươm mầm cho nhiều điều tốt đẹp trên mảnh đất này.
Ngọc Ngà - Việt Quỳnh (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.