Lớp học tiếng Anh miễn phí dành cho các bô lão

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cứ vào mỗi chiều Thứ ba hằng tuần, các “học trò già” có tuổi đời ít thì ngoài 60, nhiều cũng xấp xỉ 90 lại hào hứng đến lớp học tiếng Anh miễn phí ở phố Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng. Điều đáng nói ở lớp học đặc biệt này là các học viên dù mắt kém, chân run nhưng không bỏ một buổi học nào. Bởi, họ nghĩ rằng, “cô giáo đã nhiệt tình dạy miễn phí thì không có lý do gì mà mình lại phụ lòng cô”.
Đi học để thấy đời còn ý nghĩa
Trong căn phòng nhỏ áng chừng 20 mét vuông, những “học trò già” đang say sưa phát âm từ mới theo sự hướng dẫn của cô giáo Phùng Hải Yến. Cô Yến năm nay mới 30 tuổi nhưng đã “theo đuổi” lớp học miễn phí này được tròn 4 năm. Kể về cơ duyên đến với lớp học này, cô Yến chia sẻ: “Ban đầu mình cũng chỉ là được cử đến dạy thay một bạn khác vì hôm đó bạn ấy bận. Cứ nghĩ chỉ là thay 1 buổi thôi, ai ngờ thay một mạch đến bây giờ luôn”.
 
Tinh thần học tập phấn khích.
Tinh thần học tập phấn khích.
Giải thích về cái sự thay thế lạ lùng ấy, cô Yến nói rằng do bị bất ngờ và ấn tượng trước tinh thần học tập quá sung của các cụ nên cô muốn đóng góp chút kiến thức của mình. Kể từ đó, cô Yến quyết định gắn bó với lớp học miễn phí đặc biệt này.
Nhớ lại những ngày đầu đứng lớp, cô Yến đã phải rất vất vả mới truyền đạt được kiến thức tới những học trò đặc biệt này. Có những buổi cô chỉ dạy được 2-3 từ mới. “Buổi hôm trước các cụ thuộc bài lắm, đọc cứ vanh vách nhưng đến buổi hôm sau mọi thứ lại như mới. Các cụ thi nhau hỏi: “Cô giáo ơi, từ này là từ gì ấy nhỉ, bác quên mất rồi”. Thế là “cô trò” lại bắt đầu lại từ đầu”, cô Yến nhớ lại.
 
Các “nữ sinh” thích mặc áo dài mỗi khi đến lớp để thể hiện sự trân trọng cô giáo.
Các “nữ sinh” thích mặc áo dài mỗi khi đến lớp để thể hiện sự trân trọng cô giáo.
Không chỉ vậy mà chuyện nửa đêm, tầm 1-2 giờ sáng cô Yến phải nghe điện thoại giải đáp thắc mắc của “học trò” cũng là rất bình thường. Nhiều cụ nói rằng bài tập cô giao về nhà mà không làm được là không thể nào chợp mắt. Nhắm mắt vào là các con chữ cũng như những đáp án lại nhảy nhót trong đầu khiến nhiều cụ giữa đêm bật dậy làm cho xong thì thôi. Khi khó quá không thể tìm ra đáp án là lập tức alo cho cô giáo. Phải nghe xong câu trả lời của cô mới yên tâm kê cao gối ngủ.
Với niềm say mê học tập cùng với sự quyết tâm không ngừng nghỉ, giờ đây các “trò” đã tiếp thu nhanh hơn rất nhiều. Vốn kiến thức cũng nhờ đó mà nhiều lên trông thấy. “Có thể do trí não hoạt động liên tục nên khả năng nhớ của các bác cũng tăng dần lên. Mỗi ngày tích cóp một chút, giờ đây các bác đã nói được khá nhiều, thậm chí bây giờ đã có thể nói được những đoạn hội thảo giao tiếp căn bản, có thể dạy cho các cháu của mình ở nhà”, cô Yến chia sẻ.
Những học trò đặc biệt
Người cao tuổi nhất trong lớp học tiếng Anh miễn phí này là cụ Vũ Thị Đông Hải. Cụ Hải năm nay đã 85 tuổi nhưng luôn là “học trò” hăng hái và gương mẫu nhất. Dù sức khỏe yếu, chân tay đã run rẩy nhưng cụ gần như chưa bỏ buổi học nào nếu không phải vì lý do bất khả kháng. Vì nhà cách trường khá xa nên suốt mấy năm qua cụ thường phải bắt xe ôm đến lớp. Hỏi động lực nào khiến một người tuổi “gần đất xa trời” như cụ lại say mê học hành đến thế, cụ Hải cười nói rằng: “Học thì không bao giờ là muộn, cũng không ai phân biệt tuổi tác cả. Nhiều người vẫn nói với tôi rằng, đến tuổi này rồi thì ở nhà mà nghỉ ngơi cho khỏe chứ học hành thì ích gì nữa. Nhưng, bản thân tôi thì lại thấy hôm nào được đi học thì hôm đó tôi khỏe ra, tinh thần phấn chấn hẳn lên. Đến đó không những được tiếp thu kiến thức mà còn được trò chuyện cùng với những người có cùng sở thích. Với tôi đó là niềm vui ý nghĩa tuổi già”.
 
Mỗi ngày đi học là một ngày vui.
Mỗi ngày đi học là một ngày vui.
Giống như cụ Hải, cụ Nguyễn Thị Thanh Đà năm nay cũng đã ngoài 80 tuổi nhưng tinh thần học tập thì không phải ai cũng có thể theo kịp. Không thuê xe ôm cũng chẳng đi xe bus mà cụ Đà vẫn tự tin đi xe máy đến lớp học vào mỗi buổi chiều Thứ ba. Có những hôm mưa to gió lớn, cụ vẫn tự mình đi mà không phiền đến con cháu. Cụ chia sẻ: “Nhiều lúc thời tiết không ủng hộ hay sức khỏe bỗng dưng dở chứng tôi cũng muốn lười lắm chứ nhưng cứ nghĩ đến việc cô giáo trẻ tâm huyết, cô vẫn phải đi làm để có thu nhập nhưng vẫn thu xếp thời gian để dạy chúng tôi học. Vậy thì chúng tôi chẳng có lý do gì để lười, để không cố gắng cả”.
Không chỉ vậy mà học còn khiến cụ Đà cảm thấy tự tin hơn rất nhiều. Cụ bảo nếu không học tiếng Anh thì cụ không thể biết được chiếc tivi mà người ta hay gọi là tivi LG nó có nghĩa thật sự là gì. Vì học tiếng Anh nên khi đến sân bay cụ sẽ tự biết được đâu là phòng chờ, đâu là phòng ăn nhanh... mà không cần ai hướng dẫn. Chính sự khai mở ấy là động lực để cụ Đà muốn đến lớp đều đặn.
Trong lớp học tiếng Anh miễn phí này, mọi người vẫn hay nhắc đến câu chuyện bà Ngô Thị Bích Liên (73 tuổi) trốn bệnh viện để về đi học. Tháng 4/2021, bà Liên bị mắc bệnh liên quan đến tim mạch nên phải vào bệnh viện điều trị dài ngày. Dù sức khỏe yếu đi nhiều nhưng cứ đến chiều Thứ ba là bà Liên trốn viện rồi thuê xe ôm đến lớp học. Học xong, bà lại bắt xe ôm quay lại viện. Bà Liên hài hước bảo rằng: “Lạ lắm, cứ đến lớp được gặp cô, gặp các cụ là thấy mình như khỏe ra vậy”.
 
Cô giáo Phùng Hải Yến đã theo đuổi lớp học được 4 năm.
Cô giáo Phùng Hải Yến đã theo đuổi lớp học được 4 năm.
Trong câu chuyện với tôi, bà Liên tự nhận mình là “học sinh hư” vì thời gian đầu đi học bà rất hay phá giấc ngủ của cô. “Tôi có cái tính là nếu làm chưa xong bài là không thể nào ngủ được. Nhiều hôm tôi thức đến 1-2 giờ sáng chỉ để cố làm cho xong bài tập cô giao. Nhưng, có những bài khó quá, làm mãi không được thế là tôi bốc máy lên gọi cho cô. Tôi cũng phải xin lỗi cô trước là vì “không làm xong là tôi không tài nào chợp mắt nên mong cô thông cảm”. Đến khi cô đưa ra đáp án, bài làm xong xuôi tôi mới yên tâm đi ngủ”, bà Liên tâm sự.
Giờ đây, sau 4 năm miệt mài đèn sách, bà Liên đã có thể nói được những đoạn hội thoại đơn giản. Sở thích mỗi ngày của bà Liên bây giờ là nói chuyện bằng tiếng Anh với đứa cháu gần 4 tuổi.
Trong lớp học tiếng Anh miễn phí này, có 2 học trò đặc biệt khác là vợ chồng cụ Nguyễn Văn Ánh (82 tuổi) và cụ Nguyễn Thị Lộc (80 tuổi). Hai cụ không phải là học trò thông thường mà chính là chủ nhân của căn phòng học miễn phí ấm áp. Căn phòng này trước từng là phòng ăn của gia đình cụ Lộc, nhưng từ khi biết tới chương trình học tiếng Anh miễn phí, vợ chồng cụ đã tình nguyện biến nó thành phòng học.
 
“Nam sinh” duy nhất trong lớp học đặc biệt, cũng là ông chủ phòng học miễn phí.
“Nam sinh” duy nhất trong lớp học đặc biệt, cũng là ông chủ phòng học miễn phí.
Cụ Lộc cho biết: “Tôi muốn góp chút công sức để lớp sớm hoạt động, nhiều cụ già có cơ hội được tiếp cận tiếng Anh, tìm thấy niềm vui trong cuộc sống”. Có lớp học rồi, hai cụ cũng say mê học tập. Có những từ mới khó phát âm, hai cụ miệt mài đọc đi đọc lại tới cả trăm lần. Cụ Lộc cười nói rằng: “Trước kia, mỗi khi các con các cháu hát bài “Happy Birthday”, chúng tôi chỉ biết ngồi vỗ tay theo nhịp, giờ thì tự tin hát cùng cả nhà được rồi”.
Dù là lớp học của những người đã bước vào cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng không vì thế mà nó thiếu đi sự vui tươi, sôi động. Các cụ bà mỗi khi đến lớp thường rất thích diện áo dài, vì theo các cụ như thế cũng là cách thể hiện sự trân trọng cô giáo dạy mình”.
Nếu như các “học trò già” luôn muốn cố gắng để đền đáp lại tấm lòng của cô giáo trẻ thì ngược lại, cô giáo Phùng Hải Yến cũng luôn nỗ lực hết sức để tri ân lại sự hiếu học đến kỳ diệu này. Cô Yến tâm sự: “Nhiều khi mình cứ tự hỏi là tại sao các cụ lại có được tinh thần học tập tuyệt vời đến như vậy. Nếu không phải vì những lý do bất khả kháng như ốm nặng hay gia đình có công việc thì các cụ không bao giờ nghỉ học. Các cụ càng ham học thì mình lại càng có động lực để tiếp tục công việc ý nghĩa này”.
 
Cặp đôi học trò đặc biệt của lớp.
Cặp đôi học trò đặc biệt của lớp.
Vào những ngày 8/3, 20/10 hay 20/11, cô Yến luôn nhận được những món quà tinh thần đặc biệt ý nghĩa từ những “học trò già”. Đó là những bó hoa tươi thắm, những tấm thiệp nhỏ xinh hay những dòng thơ chân chất nhưng chứa chan tình cảm: “Cuối thu ngập nắng sắc trời/ Heo may gió bấc chơi vơi lòng mình/ Lớp ta rộn rã chung tình/ Mừng ngày nhà giáo cô mình thêm vui/ Cô ơi bên cạnh chúng tôi.../ Đẹp thay tình nghĩa thanh cao/ Cô gieo vần chữ ước ao bao ngày/ Mặc dầu bạc tóc như mây/ Mắt mờ chân chậm vẫn say nhận vần...”.
Nếu như nhiều người vẫn thường nghĩ, tuổi già là để nghỉ ngơi thì những “học trò” của lớp học đặc biệt này lại đi ngược suy nghĩ ấy. Với họ, sự học không bao giờ là thừa và cũng không bao giờ là muộn. Chỉ cần còn đủ tỉnh táo và minh mẫn, họ vẫn sẽ theo lớp đến cùng. Đấy cũng là lý do lớp học tiếng Anh miễn phí này đã tồn tại được 4 năm và sẽ còn kéo dài thêm nhiều năm nữa.
Theo Phong Anh (cand.com.vn)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.