Long đong sổ đỏ - Bài 1: Dân khó, "cò" dễ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tại nhiều địa phương, không ít cán bộ vẫn “đẻ” ra… “nhiều cửa” bằng việc hướng dẫn thủ tục không đầy đủ, không giải quyết hồ sơ đúng hạn… buộc người dân đi lại nhiều lần, đến nhiều bộ phận, mất thời gian, công sức, trong khi qua “cò” thì... “nhanh - gọn - lẹ”.
 

“Cò” viết hồ sơ cho người dân làm sổ đỏ dịch vụ ngay trước Phòng một cửa UBND huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng
“Cò” viết hồ sơ cho người dân làm sổ đỏ dịch vụ ngay trước Phòng một cửa UBND huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng


LTS: Sau khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực, Chính phủ, các bộ - ban - ngành nhiều lần điều chỉnh quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (thường gọi là sổ đỏ) theo hướng giảm thủ tục, tránh gây phiền hà cho người dân, ngăn tiêu cực phát sinh... Song, thực tế hiện nay vẫn còn nhiều thủ tục rườm rà, quy định không sát thực tế, kéo theo nhiều hạn chế, bất cập. Lợi dụng điều này, tại nhiều địa phương, nhất là các tỉnh - thành có tốc độ đô thị hóa nhanh, giá đất biến động lớn, giao dịch nhà đất tăng…, một bộ phận cán bộ đã hạch sách, nhũng nhiễu người dân trong quá trình giải quyết hồ sơ cấp sổ đỏ, thậm chí cấp sai quy định.

Từ năm 2018, khi Chính phủ có Nghị định 61/2018/NĐ-CP, việc cấp sổ đỏ (cấp mới, cấp đổi, đăng ký biến động, chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn thời hạn sử dụng đất nông nghiệp…) được thực hiện theo cơ chế một cửa. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, không ít cán bộ vẫn “đẻ” ra… “nhiều cửa” bằng việc hướng dẫn thủ tục không đầy đủ, không giải quyết hồ sơ đúng hạn… buộc người dân đi lại nhiều lần, đến nhiều bộ phận, mất thời gian, công sức, trong khi qua “cò” thì... “nhanh - gọn - lẹ”.

Ăn “hành” khi tự làm hồ sơ cấp sổ đỏ

Bà Nguyễn Thị Tiên ở tỉnh Lâm Đồng có miếng đất ở xã Lộc Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng được UBND huyện Bảo Lâm cấp sổ đỏ CH0073/QĐ ngày 23-10-2012, diện tích 5.990m2, thửa 7, tờ 21 (cũ), sau đó bà chuyển nhượng cho ông Phạm Văn Trường (ngụ TPHCM). Ngày 25-11-2019, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Bảo Lâm thực hiện đăng ký biến động chủ sử dụng đất cho ông Trường, tuy nhiên diện tích thể hiện trên sổ đỏ không đúng với diện tích thực tế (trên sổ 5.990m2, thực tế gần 8.000m2).
Để được cấp đổi sổ đỏ, ông Trường liên hệ phòng một cửa UBND huyện Bảo Lâm, tại đây cán bộ bảo ông về xã làm hồ sơ. Tuy nhiên, khi đến UBND xã Lộc Lâm, cán bộ địa chính lại yêu cầu ông Trường lên phòng một cửa UBND huyện đăng ký xin thông tin tình trạng đất đai. Quay ngược lại phòng một cửa, ông Trường được cán bộ trả lời “mọi việc liên quan cấp sổ đỏ phải bắt đầu từ xã, muốn rõ hơn liên hệ chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai”. Đến Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Bảo Lâm, ông Trường tiếp tục được yêu cầu về xã làm hồ sơ.

Sau nhiều tháng ngược xuôi hàng trăm kilômét làm giấy tờ, ông Trường hoàn thành các thủ tục ở cấp xã, ngày 17-12-2021, ông nộp hồ sơ tại phòng một cửa UBND huyện Bảo Lâm. Phiếu hẹn ghi rõ thời gian giải quyết hồ sơ 40 ngày, nhưng hơn 2 tháng sau, cơ quan tiếp nhận vẫn không phản hồi kết quả. Không thể mãi chờ, ngày 21-2-2022, ông Trường lại liên hệ phòng một cửa UBND huyện Bảo Lâm thì cán bộ ở đây cho biết, hồ sơ của ông vẫn chưa được Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai trả ra.

Chỉ khi ông Trường đến Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Bảo Lâm, tìm gặp trực tiếp cán bộ thụ lý hồ sơ, người này mới lục hồ sơ ra kiểm tra, “giải thích” và soạn phiếu trả lời. Đến đây, những tưởng “đoạn trường gian nan” làm sổ đỏ của ông Trường dừng lại, nhưng không, phiếu trả lời ghi không giải quyết cấp đổi sổ đỏ, lý do: miếng đất ông Trường đề xuất cấp đổi thuộc thửa 3, tờ 22, không phải thửa 7, tờ 21.

“Việc điều chỉnh diện tích chưa xong, lại phát sinh thêm sổ đỏ trước đây bị cấp sai thửa, không đúng vị trí đất. Tất cả sai sót này là của cơ quan cấp sổ và cơ quan đăng ký biến động, nhưng họ lại lơ trách nhiệm, không khắc phục. Ngược lại, cán bộ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Bảo Lâm bảo tôi về thương lượng với chủ đất bị cấp sổ đỏ sai, tìm cách giải quyết!”, ông Trường ngán ngẩm.

Khi ông Trường không đồng ý với cách làm trên, cán bộ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Bảo Lâm lại hướng dẫn ông về làm hồ sơ cấp mới sổ đỏ. Một lần nữa, ông Trường quay về xã làm hồ sơ từ đầu. Xong thủ tục ở xã, ngày 18-4-2022, ông Trường nộp hồ sơ ở phòng một cửa UBND huyện Bảo Lâm. Lần này, cơ quan cấp sổ đỏ lại trễ hẹn. Phiếu hẹn ghi thời gian giải quyết hồ sơ 30 ngày, nhưng ngày 6-6-2022 ông Trường đến hỏi, phòng một cửa UBND huyện Bảo Lâm cho biết vẫn chưa có kết quả và đề nghị liên hệ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện hỏi cụ thể.

Sau nhiều lần liên hệ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, ông Trường vẫn không gặp được cán bộ thụ lý hồ sơ. Đến ngày 18-7-2022, ông Trường đến phòng một cửa UBND huyện Bảo Lâm xếp hàng “xin lục hồ sơ”, thì mới nhận được văn bản trả lời: Chưa có cơ sở cấp sổ đỏ do tỉnh chưa phê duyệt phương án sử dụng đất! “Thật vô lý, nếu tỉnh Lâm Đồng chưa phê duyệt phương án sử dụng đất, tại sao nhiều hộ dân có đất lân cận, giáp ranh với đất của tôi đã được UBND huyện Bảo Lâm cấp sổ đỏ. Có chăng cơ quan cấp sổ đỏ đang làm khó tôi?”, ông Trường nói. Hành trình đi làm sổ đỏ của ông Trường kéo dài đã 3 năm, song đến nay chưa biết khi nào kết thúc.

Ông Trường là một trong số rất nhiều người dân bị “hành” khi tự làm hồ sơ cấp sổ đỏ mà nhóm PV Báo SGGP ghi nhận trong quá trình thực hiện loạt bài. Chán ngán với cách giải quyết hồ sơ lòng vòng, “có vấn đề” của một số đơn vị phối hợp cấp sổ đỏ, nhiều người đã tìm đến “cò” để làm dịch vụ; cũng có trường hợp chấp nhận “bỏ cuộc”, mang hồ sơ về nhà bỏ tủ.

Qua “cò”, hồ sơ bị trả ra vẫn được cấp

Trong khi người dân gặp rất nhiều khó khăn khi tự làm hồ sơ cấp sổ đỏ, thì “cò” sổ đỏ lại khẳng định làm được và làm nhanh. Có mặt trong khuôn viên UBND huyện Bảo Lâm (số 2 Nguyễn Tất Thành, tổ 9, thị trấn Lộc Thắng) lúc 9 giờ 30 sáng 4-10, PV Báo SGGP ghi nhận có đến 6 “cò” sổ đỏ đang hướng dẫn người dân (những người làm sổ đỏ dịch vụ - PV) viết hồ sơ ở trước phòng một cửa. Vừa hướng dẫn một người dân ký hồ sơ, “cò” Hoa vừa ngó mắt ra xung quanh tìm thêm khách.

“Nộp hồ sơ chưa anh, cấp mới hay cập nhật vậy, cần em hỗ trợ không?”, “cò” Hoa đon đả. Nghe chúng tôi kể chuyện bị “hành”, “cò” Hoa liền giải thích rằng có nhiều nguyên nhân, có thể do tính chất hồ sơ phức tạp, cán bộ ít - khối lượng công việc nhiều. Tuy nhiên, phần lớn hồ sơ bị “giam” lâu, hoặc cán bộ hướng dẫn thủ tục lòng vòng là để “làm khó”, hướng người dân làm sổ đỏ qua “cò”. “Anh thấy đó, “cò” tập trung nhiều ở đây là vậy. Mà ở đâu cũng thế, thủ tục có khó khăn thì người dân mới ngán ngại mà tìm đến “cò”. Và chỉ “cò” - có quen biết, móc nối làm ăn chung thì cán bộ, chuyên viên mới tin tưởng, dám nhận tiền để làm nhanh hồ sơ, hoặc bỏ qua thủ tục, lách các điều kiện còn thiếu…”, “cò” Lan tiết lộ.


 

“Cò” nộp hồ sơ làm sổ đỏ ở Phòng một cửa UBND huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng
“Cò” nộp hồ sơ làm sổ đỏ ở Phòng một cửa UBND huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng



Để xác thực điều này, chúng tôi mang hồ sơ xin cấp mới sổ đỏ của ông Phạm Văn Trường bị Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Bảo Lâm trả đến gặp bà Vấn, một “cò” sổ đỏ ở xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng). Bà Vấn được giới “cò đất” địa phương khen ngợi là người uy tín, tỷ lệ xử lý hồ sơ phức tạp thành công cao. Xem qua hồ sơ chúng tôi cung cấp, bà Vấn nói hồ sơ này đã hoàn thiện ở xã, tuy nhiên huyện mới là cấp quyết định, ngày mai bà sẽ cho hay là xử lý được hay không.

Đúng như lời hứa, trưa 4-10, bà Vấn hẹn gặp chúng tôi tại một quán cà phê gần Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Bảo Lâm. Vừa gặp, bà Vấn đi thẳng vào vấn đề: “Ok, cấp được vì phần đất này đã được tỉnh đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng, nhưng chỉ cấp được tầm 4.000-5.000m2, không thể cấp full (đủ) sổ gần 8.000m2”. Theo bà Vấn, sở dĩ chỉ cấp sổ đỏ được hơn 1/2 diện tích đất là do hồ sơ này nộp vào rồi (nộp Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Bảo Lâm - PV) và bị trả ra.

“Nếu cấp hết diện tích như đề xuất ban đầu, trường hợp bị thanh tra, họ (cán bộ, lãnh đạo cơ quan cấp sổ đỏ - PV) sẽ bị kỷ luật. Do đó, tất cả hồ sơ nộp vào nhưng bị trả ra, khi nhận lại chỉ cấp sổ đỏ được khoảng một nửa diện tích. Đây là nguyên tắc làm ăn của họ, chứ không phải em ra điều kiện với mấy anh, vì phí dịch vụ em lấy theo hồ sơ (40 triệu đồng/hồ sơ cấp sổ đỏ cho cá nhân), không tính bằng diện tích. Nếu đồng ý, hai bên làm hợp đồng.

Phí dịch vụ là 40 triệu đồng, em ứng trước 10 triệu đồng, còn lại 50 ngày sau, giao sổ em lấy đủ”, “cò” Vấn giải thích và khẳng định, nếu gặp bà, hoặc bất kỳ “cò” nào ở Bảo Lâm sớm hơn (trước khi nộp Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Bảo Lâm và bị trả ra - PV), hồ sơ của ông Phạm Văn Trường chắc chắn được cấp sổ toàn bộ thửa đất gần 8.000m2.

 


Không chỉ nhận cập nhật biến động chủ sử dụng đất, cấp đổi sổ đỏ, “cò” Vấn và nhiều “cò” sổ đỏ khác ở Bảo Lâm, Bảo Lộc, Đơn Dương, Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) khẳng định, còn có “thuốc” để giải các hồ sơ phức tạp, có nhiều vướng mắc như: Cấp mới sổ đỏ đối với thửa đất chưa phân định ranh giữa đất rừng với đất lâm nghiệp; chuyển mục đích lên đất ở đối với đất nông nghiệp không phù hợp quy hoạch; gia hạn thời hạn sử dụng đất trên đất nông nghiệp đã có nhà ở, biệt thự; cấp sổ đỏ đối với các nền đất sau phân lô, tách thửa nhưng chưa có đường giao thông, hệ thống điện, cống thoát nước…

Để chuyển mục đích lên đất ở đối với đất nông nghiệp không phù hợp quy hoạch, “cò” Bình (ở Lộc Thành, Bảo Lâm) cho biết sẽ “phủ hồng” trước. “Phủ hồng ở đây là “chạy” quy hoạch, tức là đất của mình trên bản đồ quy hoạch đang là màu xanh (đất nông nghiệp), thì Sở TN-MT sẽ chỉnh sang màu hồng (đất ở). Sau khi “phủ hồng” xong, sở sẽ có văn bản về huyện. Trên cơ sở này, huyện sẽ giải quyết hồ sơ chuyển mục đích sử đụng đất”, “cò” Bình khẳng định có thể “phủ hồng” bất cứ vị trí nào trong tỉnh Lâm Đồng, ngoại trừ đất rừng.


Theo NHÓM PV (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.