Lớn lên từ núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cảm giác đang sống ở độ cao gần 1.000 m so với mực nước biển luôn gây cho tôi sự thích thú. Bao ý nghĩ chênh chao bay bổng tựa những ngọn núi ngàn đời lặng lẽ từ trên cao đưa ánh nhìn ra bốn phương tám hướng và trầm ngâm ngẫm ngợi về cuộc sống đang chuyển động không ngừng.
Tôi không phải đứa con được sinh ra từ núi. Nhưng thẳm sâu trong lòng, tôi luôn mang ơn những ngọn núi đã cùng tôi lớn lên. Vui buồn gì tôi cũng quay nhìn về phía núi và ở phía ấy, tôi thấy mình vững chãi, tĩnh lặng, tựa hồ được dựa dẫm vào sự mạnh mẽ, chở che.
Thời gian gắn bó đủ để tôi có thể nhìn màu mây, trông sắc cỏ mà đoán định được thời khắc nào đang về trên những ngọn núi. Cũng đủ lâu để tôi cảm nhận được hương núi thân thuộc theo những ngọn gió mỗi mùa. Khi sống và gắn bó với nơi nào đó bằng tất cả tình cảm, bằng tất cả sự yêu thương thì ta không chỉ cảm nhận về nơi đó bằng các giác quan nữa mà có lẽ còn bằng cả những mơ hồ khó mà diễn tả hết thành lời.
Ở nơi này, bên mỗi ngọn núi luôn thấp thoáng những ngôi làng. Những ngôi làng với những nóc nhà sàn tựa lưng vào núi một cách hiền hòa, nương náu. Dưới chân núi là đồng ruộng, lưng chừng núi là rẫy nương và trên đỉnh núi là rừng. Người xưa thật tài giỏi trong việc tìm kiếm vùng đất để định cư lâu dài, đó là nơi mà ta có thể dựa vào thiên nhiên để sinh sống, vừa có nguồn nước lại vừa có đất đai sản xuất.
Và trên những dãy núi, sự sống đời này qua đời khác được tiếp nối vững bền. Trẻ con sinh ra từ núi, nắng gió và đất đai xứ sở lặn vào làn da rắn rỏi, ánh mắt tinh anh. Những đứa trẻ xứ núi thường có đôi mắt rất đẹp, đôi mắt đen tròn trong veo, hàng mi dày cong vút, ánh nhìn phảng phất nét bí ẩn như đại ngàn sâu thăm thẳm.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Thi thoảng, tôi lang thang về phía núi, vòng qua một con đường đất đỏ nằm khuất bên sườn núi là đến với một ngôi làng. Sự sống ở những ngôi làng ấy dường như tách biệt hẳn với vẻ náo nhiệt của nhịp sống hiện đại. Những ngôi nhà sàn vẫn nằm lặng lẽ dưới bóng núi, lẫn vào cây xanh, bé nhỏ và hiền hòa. Mái nhà rông như lưỡi rìu vươn lên giữa bốn bề gió núi trời mây. Giọt nước đầu làng róc rách ngày đêm đưa nước về từ những khe núi.
Trên miền đất có đến một nửa thời gian trong năm nắng hong khô cả đất, thế mà từ một khe núi bí ẩn nào đó, nguồn nước vắt trong cứ rỉ rả đêm ngày theo những chiếc ống lồ ô đem ngọt mát về với con người. Những buổi chiều xâm xẩm về làng, ở nơi giọt nước ấy, mọi sinh hoạt diễn ra ríu ran tựa một bến nước ở đồng bằng. Người tắm gội, giặt giũ, người hứng nước vào những quả bầu khô đen nhánh, cẩn thận xếp vào gùi rồi cõng nước về. Những quả bầu đầy nước ấy rồi sẽ theo chân người ra đồng, lên rẫy…
Mùa xuân ở đây, tiết trời hanh khô, nắng ấm và trời ngắt xanh. Những ngọn núi mùa này im ắng nằm lặng nghỉ ngơi. Đám ruộng ven hồ dưới chân núi trơ những thân rạ chờ mùa sau, cho đến khi cơn mưa đầu mùa đổ xuống. Mùa xuân đi qua những ngày nông nhàn của người nông dân.
Mùa xuân được người Tây Nguyên gọi là mùa “ăn năm uống tháng”, bởi chưa đến mùa vụ nên nhiều lễ hội được tranh thủ tổ chức vào dịp này. Đêm mùa xuân ấm áp, nghe tiếng chiêng bung biêng vọng về từ phía chân núi mờ xa, lòng lại chộn rộn, chân lại muốn bước, tay lại muốn nắm tay dìu nhau trong vòng xoang chống chếnh đượm men rượu cần ủ kỹ. Nằm giữa phố mà như vẳng nghe giọng con gà rừng le te gọi mặt trời thức giấc trên đỉnh núi Chư Nâm.
Giữa tiết trời mùa xuân, trên những cung đường bazan uốn lượn, đôi chỗ gặp một dáng pơ lang đỏ sẫm rực rỡ vươn lên nhuộm vào nắng trời. Ai đó thốt lên nỗi nhớ mưa xuân và hoa gạo bến vắng sông xưa, gợi nỗi niềm người xa xứ. Biết bao người tự những phương trời khác nhau chọn đất này để nương náu, rồi gắn bó, yêu thương.
Đất thành quê hương, đất tạo tính cách, đất dính nết người, đất ngấm giọng nói. Người lớn lên từ núi phong thái hào sảng, tính cách bao dung, nếp nghĩ mộc mạc, cử chỉ chân thành, cất lời tùy nơi, im lặng đúng lúc. Tất thảy mọi thứ dường như chừng mực, có phần lặng lẽ khiêm nhường, tựa những ngọn núi vời vợi cao xanh kia bốn mùa im lìm dang đôi tay chở che ôm ấp những đứa con của núi.
Một sớm trong xanh, những đóa mây bồng bềnh, thảnh thơi díu dan lưng chừng trời, tôi chợt nhận ra hương thơm dịu nhẹ lan trong nắng mai vừa chớm. Làn hương vừa thân thuộc, vừa gần gụi thoảng rất nhẹ vào gió sớm, bâng quơ mà gieo vào lòng người nỗi hoài nghi. Tôi dừng lại, ngước mắt nhìn ngó xung quanh, chợt thấy những đóa hoa cà phê trắng muốt tinh khôi đang khe khẽ hé những nụ hàm tiếu như những đóa môi cười trước đất trời đang nhẹ bước vào xuân.
Trên cao kia là núi, sừng sững, thăm thẳm, vời vợi, lặng lẽ in bóng mình vào thời gian. Tôi thoáng như nghe thấy âm thanh bung biêng dội vào vách núi rồi vang ra xa, lại như nghe tiếng giọt nước đầu làng réo rắt reo vui trong một nếp sinh hoạt ấm áp nói cười. Chẳng biết tự bao giờ, hương vị núi rừng ngấm vào tôi, nuôi tôi lớn lên cùng núi và trở thành đứa con của xứ sở này...
ĐÀO AN DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Ngàn sau

Thơ Đào An Duyên: Ngàn sau

(GLO)- Không chỉ là một lời nói về tình yêu, "Ngàn sau" của tác giả Đào An Duyên còn là một tác phẩm thơ triết lý, khẳng định sự bất tử, trường tồn của những xúc cảm chân thật qua biến động của thiên nhiên và cuộc sống.

Thơ Lê Vi Thủy: Tinh khôi mùa xuân

Thơ Lê Vi Thủy: Tinh khôi mùa xuân

(GLO)- "Tinh khôi mùa xuân" của Lê Vi Thủy thể hiện cảm xúc tươi mới, ngọt ngào của mùa xuân và tình yêu trong sáng, thuần khiết. Từ hình ảnh thiên nhiên gần gũi như "cánh hoa trắng", "giọt sương ban mai" đến những ẩn dụ về tình yêu, tất cả đều mang lại cho người đọc cảm giác ấm áp, đầy hy vọng.

Thơ Vân Phi: Ngõ xanh

Thơ Vân Phi: Ngõ xanh

(GLO)- Bài thơ Ngõ xanh của tác giả Vân Phi khắc họa một không gian thiên nhiên thanh bình của làng quê, nơi có mẹ cha và những điều thân thuộc nhất. Mỗi hình ảnh trong thơ như một lời nhắc nhở về sự quan trọng của gia đình, quê hương và những ký ức đẹp mà ta luôn cất giữ trong trái tim mình.

Khúc ca mùa xuân đoàn tụ

Khúc ca mùa xuân đoàn tụ

(GLO)- Mỗi lần nghe lại ca khúc “Sông Đakrong mùa xuân về” của nhạc sĩ Tố Hải, lòng tôi lại dạt dào xúc cảm và không thôi nghĩ về dòng chảy của những đoàn quân hào hùng ra trận để đem về mùa xuân đoàn tụ của một dân tộc anh hùng.

Thơ Phạm Đức Long: Tản mạn Pleiku

Thơ Phạm Đức Long: Tản mạn Pleiku

(GLO)- Pleiku hiện lên trong bài thơ của tác giả Phạm Đức Long như một vùng đất đầy bí ẩn, vừa thực vừa ảo, vừa hùng vĩ vừa mộng mơ. Những câu từ mang đến cho người đọc cảm giác như đang lạc vào không gian trữ tình, đầy sức sống, thôi thúc họ khám phá và trải nghiệm.

Du khách người Ý thích thú tìm hiểu các nhạc cụ truyền thống Jrai dưới sự hướng dẫn của Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih. Ảnh: Quốc Nguyễn

Quảng bá “sức mạnh mềm” từ hoạt động đối ngoại văn hóa

(GLO)- Những ngày gần đây, hình ảnh truyền cảm hứng nhất được lan tỏa trên báo chí và mạng xã hội là việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và ông Jensen Huang-Nhà sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn Nvidia (chuyên về lĩnh vực công nghệ) cùng dạo phố cổ và thưởng thức nem chua rán, uống bia.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ cách viết '3 trong 1' ở 'Tiệm sách của nàng'

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ cách viết '3 trong 1' ở 'Tiệm sách của nàng'

Trong số các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đã có nhiều tựa sách đề cập đến nhân vật nữ cá tính như: Nữ sinh, Những cô em gái, Út Quyên và tôi… nhưng đây là lần đầu tiên từ khóa “sách” và “nàng” cùng xuất hiện trên bìa tác phẩm mới, tạo cho bạn đọc sự tò mò thú vị.

Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

Quán triệt nội dung định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đã xây dựng phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, trong đó có các cơ quan báo chí thuộc Chính phủ.