Lời thề còn ở trên ngàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Một ngày cuối năm hoang hoải nắng, giữa đại ngàn Kon Ka Kinh, chúng tôi nghe chuyện 3 người đàn ông Bahnar trả nghĩa với rừng mà lòng rộn vui. Lời thề với ngàn xanh đã khiến họ từ bỏ việc đặt bẫy, cưa cây mưu sinh qua ngày để đảm nhận công việc quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, cây rừng kiêm hướng dẫn viên du lịch. 
Từ TP. Pleiku, chúng tôi xuôi theo quốc lộ 19 đến Vườn Quốc gia (VQG) Kon Ka Kinh. Sáng sớm, nơi đây giăng phủ sương mù và thông thốc gió. Dẫu vậy, thời tiết cũng không làm nản lòng những con người đang âm thầm bảo vệ sự đa dạng sinh học của ngàn xanh, trong đó có 3 người đàn ông dân tộc Bahnar: Djưng, A Mưm, Chưn.
Một thời “ăn rừng”
Làng Đê Kjiêng (xã Ayun, huyện Mang Yang) tiếp giáp với VQG Kon Ka Kinh. Người dân tộc Bahnar chiếm số đông ở làng này. Dẫu có những thay đổi nhưng việc dựa vào rừng sinh tồn vẫn là một phần tất yếu trong đời sống của những cư dân bản địa.
Ba người đàn ông sinh sống ở làng Đê Kjiêng có tên là Djưng (SN 1968), Chưn (SN 1977) và A Mưm (SN 1980) cũng không là ngoại lệ. Đây là những thợ săn, sơn tràng có tiếng ở ngôi làng cạnh sông Ayun. Ngoài săn bắt thú rừng làm thức ăn hàng ngày thì họ còn bán cho những người có nhu cầu. Nhiều động vật rừng như: nai, mang, heo, gà, thỏ, khỉ… trở thành mục tiêu của những cuộc đi săn vì mưu sinh.
Đứng dưới bóng gốc đa cổ thụ trong khuôn viên Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật (VQG Kon Ka Kinh), anh A Mưm kể: “Mình từng là thợ săn giỏi nhất vùng này đấy. Hồi đó, nhắc đến tên mình là ai cũng kiêng nể bởi chưa lần nào vào rừng đặt bẫy mà phải về tay không”. 
Những thợ săn khét tiếng một thời đã bỏ nghề để chuyển sang làm công việc bảo vệ động vật hoang dã rừng và cây rừng. Ảnh: Nguyễn Tú
Những thợ săn khét tiếng một thời đã bỏ nghề để chuyển sang làm công việc bảo vệ động vật hoang dã và cây rừng. Ảnh: Nguyễn Tú

Ông Trần Văn Thụ-Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật xác nhận những lời anh A Mưm chia sẻ. “Ngày trước, anh ấy đặt bẫy giỏi lắm. Anh ấy biết rõ tập tính của từng loại thú nên đã đặt là có con dính bẫy. Chúng tôi từng khốn khổ với người đàn ông này trong việc bảo vệ động vật rừng Kon Ka Kinh”-ông Thụ cười nói.
Với ông Djưng cũng vậy. Trước năm 2005, ông từng là một thợ săn thú có tiếng trong làng. Mỗi cánh rừng, con suối trong VQG Kon Ka Kinh đều in dấu chân ông Djưng. Ông thuộc địa thế của rừng và vị trí các đàn động vật trú ngụ như lòng bàn tay mình vậy.
Ông Djưng nhớ lại: “Lúc còn nhỏ, tôi thường được người lớn trong làng dẫn vào rừng đi săn và chỉ cách đặt bẫy, bắn nỏ, bắn súng. Đi riết theo mọi người nên tôi biết nhiều về rừng. Thời kỳ đó, cả làng cùng đi săn thú rừng để làm thức ăn mà. Họ săn được nhiều con thú lớn như: bò tót, heo rừng, nai, mang… Sau này, dân làng không còn đi chung thì một mình tôi tự vào rừng đặt bẫy. Có con nấu ăn, có con đem bán lấy tiền. Ngoài săn thú thì tôi còn vào rừng cắt gỗ bán lấy tiền”.
Không chỉ là thợ săn có tiếng, ông Chưn từng là “lâm tặc” cộm cán ở xã Ayun. Để trang trải cuộc sống gia đình, người đàn ông Bahnar rất kiệm lời thường vào rừng cưa trộm gỗ rồi xẻ hộp chở ra bán cho người mua. “Đói thì đầu gối phải bò thôi. Không cắt trộm gỗ thì con cái mình không có cái ăn, cái mặc. Mà cứ để chúng nó đói khát thì dân làng cười chê vợ chồng mình”-ông Chưn giãi bày.
Giữ rừng cho mai sau
Thời gian trôi đi, lối sống của dân làng Đê Kjiêng cũng dần thay đổi. Điển hình là 3 người đàn ông Bahnar nói ở trên. Không còn những đêm ngày lủi thủi trong rừng bẫy thú hay cưa cây lấy gỗ, họ tự nguyện gia nhập đội ngũ quản lý, bảo vệ rừng. 
Năm 2005, trong một lần tình cờ, ông Djưng được người làng giới thiệu dẫn đường cho TS. Hà Thăng Long đi tìm voọc chà vá chân xám ở VQG Kon Ka Kinh. Khi ấy, ông Long là chủ nhiệm dự án nghiên cứu này để kêu gọi sự chung tay bảo vệ loài linh trưởng quý hiếm trước nguy cơ tuyệt chủng.
“Người làng biết tôi rất rành về loại voọc chà vá chân xám nên chỉ cho ông Long. Tôi chỉ cần nghe mùi nước tiểu hay phân là biết đàn voọc đã ở chỗ đó trong thời gian bao lâu. Tôi cũng biết chúng sẽ ngủ những chỗ nào. Tôi đã giúp ông Long có những nghiên cứu chính xác về loài voọc chà vá chân xám ở Kon Ka Kinh. Tiếp đó, tôi rủ thêm ông Chưn ra Đà Nẵng hỗ trợ ông Long xây dựng khu nghiên cứu, bảo vệ loại voọc chà vá chân nâu. Sau 2 đợt đó, tôi thấy cần phải làm một cái gì để thay đổi nhận thức của dân làng mình nhằm giữ rừng. Và tôi chọn cách từ bỏ săn bắn, đặt bẫy, cưa cây. Ông Chưn cũng vậy”-ông Djưng nhớ lại.
Từ đầu năm 2019 đến nay, ông Djưng và ông Chưn đều làm việc tại Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường rừng (VQG Kon Ka Kinh). Công việc chính của 2 ông là phục vụ hoạt động du lịch sinh thái ở đây.
Bên cạnh việc vào rừng tìm kiếm những cảnh đẹp, vị trí mới để mở tour thì 2 ông còn giúp du khách được trải nghiệm cảm giác ăn uống ở trong rừng. Gà nướng, cơm lam, rau rừng là những món ăn đậm đà bản sắc của người Bahnar được chính tay 2 ông nấu nướng. Một vài kỹ năng sinh tồn ở rừng cũng được các ông cung cấp sơ lược cho du khách. Ngoài ra, 2 ông còn đảm nhiệm việc lên rừng gỡ bẫy thú do kẻ xấu đặt.
“Chúng tôi tiên phong làm việc trong này để cho những người khác biết sẽ được hưởng lợi ích lâu dài từ rừng, ví như việc thu được nhiều tiền từ những đoàn du khách tham quan hay giúp bảo vệ môi trường. Tôi sẽ tiếp tục làm công việc này cho đến lúc điều kiện không cho phép thì mới nghỉ”-ông Chưn bộc bạch.
1. A Mưm và ông Djưng chia sẻ với PV công việc hiện tại
Anh A Mưm và ông Djưng chia sẻ với phóng viên về công việc hiện tại. Ảnh: Nguyễn Tú
Nói về quá trình làm việc của ông Djưng và ông Chưn, Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường rừng Đinh Khánh Toàn dành những lời ngợi khen: “Hai ông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nấu ăn cũng rất ngon. Nhiều du khách đánh giá rất cao 2 ông ấy trong quá trình làm hướng dẫn viên”.
Anh A Mưm là nhân viên hợp đồng ở Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật. Anh đã làm việc nơi đây 3 năm. Đôi bàn tay chai sạn giờ không còn gài bẫy trong rừng Kon Ka Kinh mà chuyển sang gỡ bẫy để đảm bảo an toàn cho các loài động vật hoang dã.
Ba năm qua, hàng trăm cái bẫy thú đã được người thợ săn nức tiếng một thời gỡ bỏ. Nhiều con thú hoang được Trung tâm giải cứu trở nên thân quen với anh A Mưm. Một đồng nghiệp của anh A Mưm rỉ tai tôi: “Được chăm bẵm bất kể ngày đêm nên con khỉ má vàng coi anh A Mưm như người thân. Mỗi lần anh ấy đến gần chuồng là nó mừng lắm”.
Chia sẻ về cơ duyên làm việc ở Trung tâm, anh A Mưm nói: “Được anh em Kiểm lâm tuyên truyền nhiều lần, mình biết những việc làm trước đây là sai trái. Ăn của rừng rưng rưng nước mắt mà. Lỡ dại dính vòng lao lý do bẫy thú hay phá rừng trái phép thì khổ con cái”.
Nhận thức được con đường sáng, A Mưm như cởi bỏ nút thắt đè nặng trong lòng bấy lâu, sau mỗi sáng đi nhặt bẫy, nhìn ánh mắt của những con thú hoang đang sợ hãi, cầu cứu, anh luôn cảm thấy ám ảnh về tội lỗi của mình, nhưng vì mưu sinh không khác được... Anh A Mưm tự lên rừng chặt hết bẫy mà mình đã đặt trước đó. Anh dùng hết sức cắm phập lưỡi rựa vào thân cây già, đứng lặng nhìn lên đỉnh Kon Ka Kinh hồi lâu rồi lập lời thề độc bỏ nghề.
Anh A Mưm và những chiếc bẫy do mình gỡ về. Ảnh: Nguyễn Tú
Anh A Mưm và những chiếc bẫy do mình gỡ về. Ảnh: Nguyễn Tú
“Cây rựa vẫn còn lưu trên thân cổ thụ đó như vật chứng nhắc nhở mình về lời thề độc với rừng thiêng. Vì thế, mình đã quay về làm việc cho Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật để trả nợ cho rừng. Khi mới vào làm ở đây, nhiều người làng chưa bỏ nghề săn bắt ghét mình lắm, nói mình giật miếng cơm của họ. Có người vác dao đến nhà dọa chém. Đến nay thì nhiều người đã hiểu ra, không đi rừng đặt bẫy nữa. Người làng cũng ít dị nghị về mình rồi”-anh A Mưm bộc bạch.
Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật cũng dành những lời có cánh cho anh A Mưm: “Từng là thợ săn giỏi nên anh A Mưm giúp Trung tâm phát hiện, tháo gỡ các loại bẫy thú do người dân đặt trong lâm phần quản lý. Làm việc ở đây, anh phát huy được khả năng trong việc tuyên truyền, vận động người dân chấp hành quy định về công tác bảo vệ, phát triển rừng. Anh ấy cũng làm rất tốt phần việc của mình trong hoạt động giải cứu động vật ở Trung tâm”.
*
Con đường bê tông dẫn từ Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật ra cổng chính VQG Kon Ka Kinh len lỏi giữa những cánh rừng. Thi thoảng có một vài con thú lao vút qua. Trên những cành cây cao hai bên đường, chim hót líu lo. Gió trên ngàn như vọng lời thề giữ rừng của 3 thợ săn Bahnar đã “hoàn lương”.
NGUYỄN TÚ-MINH TRIỀU

Có thể bạn quan tâm

'Người cha' của rừng gỗ quý

'Người cha' của rừng gỗ quý

Gần 30 năm miệt mài ươm trồng, cánh rừng với hàng vạn cây Pơmu, Samu của gia đình ông Vừ Rả Tênh (trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài huyện vui chơi, tận hưởng không khí trong lành.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...