Lội rừng cùng chuyên gia nấm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thời niên thiếu tôi đã có nhiều năm tháng gắn bó với rừng, cũng được gọi là “tay săn nấm” thiện nghệ. Tuy nhiên mãi đến bây giờ, được trò chuyện và lội rừng cùng một chuyên gia sinh học “quyết dâng đời mình cho nấm”, tôi mới tận thấy thế giới muôn màu của những chiếc nấm từ tí hon tới khổng lồ kia có thể mê hoặc, quyến rũ đến mức nào.
 
Thầy trò mừng rỡ với tảng nấm linh chi giữa VQG Yok Đôn. Ảnh: NGUYỄN QUYỀN
Gắn kết từ... những loài nấm độc
Không dễ chút nào để hẹn được một chuyến vào rừng hái nấm cùng Nguyễn Phương Đại Nguyên. Anh quá bận rộn để cùng lúc làm tròn các vai: Trưởng khoa Sinh trường Đại học Tây Nguyên, trực tiếp giảng dạy hướng dẫn sinh viên, điều hành cơ sở nghiên cứu nuôi trồng nấm tại trường, quản lý phòng lạnh sản xuất nấm tại nhà, theo dõi showroom giới thiệu các mặt hàng nấm Linh chi và Đông trùng hạ thảo. Đã thế, anh lại còn nghiện lội rừng. Hễ “sểnh” ra là vợ anh lại bị cắt đứt liên lạc với chồng, điện thoại ngoài vùng phủ sóng.
“Nếu không phải đúng lúc bay trên trời, giảng bài hay trình bày đề tài nghiên cứu trên bục, thì chắc chắn lúc đó ảnh đang tút hút lặn lội giữa rừng sâu”- Trong gian phòng khách được trang trí bởi những tảng nấm, tai nấm linh chi to nhỏ đủ loại, nhiều màu, chị Trần Thị Thu Hiền ra sức “bênh” chồng. “Không chỉ anh ấy nghiện nấm! Trừ bé út 2 tuổi nhỏ quá, còn cả nhà em suốt ngày đêm đều toàn mùi nấm. Anh ấy đi với ai vào rừng vợ con cũng chẳng lăn tăn, vì biết thừa đầu óc anh ấy toàn nghĩ về nấm thôi!”
Sự cả tin này... có lý do chính đáng (!) Chị Hiền, anh Nguyên cùng tuổi (SN 1979), cùng lớp thời còn học Sư phạm Sinh. Dù bố vợ từng là Trưởng một Khoa của trường, nhưng tốt nghiệp xong Nguyên chẳng xin được việc, phải đi làm công nhân cho trại nấm một thời gian.
Nhức nhối trước quá nhiều cái chết thương tâm vì nấm độc, Đại Nguyên lao vào nghiên cứu với sự đồng hành nhiệt tình của vợ. Thu Hiền bảo vệ thành công xong luận án tiến sĩ về đề tài nấm độc, cũng là lúc PGS-TS Đại Nguyên được giao chủ trì cũng đề tài này với công trình nghiên cứu cấp Bộ.
Học theo cha mẹ, con trai Nguyễn Trần Phương năm học lớp 8 với cô bạn cùng lớp đã dự thi sáng tạo khoa học kỹ thuật với đề tài nấm linh chi tạo bonsai, đoạt giải nhất cấp thành phố, giải nhì cấp tỉnh.
“Cả nhà toàn mùi nấm”, vì ngoài những chuyến cả gia đình khoác ba lô tìm nấm trên núi Chư Yang Sin, ngay trong khuôn viên nhà vườn rợp mát bóng cây này còn có một phòng lạnh nuôi cấy đông trùng hạ thảo, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho “toàn gia nấm” yên tâm “đi chung một đường, nhìn chung một hướng”.
 
Vào rừng tìm nấm với PGS-TS Đại Nguyên
Săn nấm trong rừng thẳm
Sau gần 20 năm nghiên cứu, tới nay PGS-TS Đại Nguyên đã định danh được khoảng 300 loại nấm trên Tây Nguyên, phát hiện được hơn 10 loài nấm mới. Trong đó nấm độc gần 70 loài, nấm lành ăn được hơn 20 loài, còn lại hầu hết các loài nấm khác chưa được nghiên cứu kỹ, nên anh xác định dù nỗ lực suốt đời cũng chưa hết những việc cần làm với nấm!
“Nấm là loài thực vật không hề có diệp lục, nên ít mọc những nơi rừng quá rậm, quá tối...” – Đứng dưới tán rừng già, thầy Đại Nguyên vui vẻ nhanh nhẹn sử dụng cả máy ảnh lẫn ống nhòm, hướng dẫn cho chúng tôi (phóng viên và vài thực tập sinh, trợ lý của anh) cách nhận biết đâu là nơi có thể gặp được những loài nấm độc, nấm lành, nấm trên thân cây, kẽ đá hay hình thành từ tổ mối, ổ kiến.
Với hàng chục năm nghiên cứu sâu về nấm linh chi, anh cho biết có sự nhầm lẫn trong công chúng khi nghĩ rằng loại linh chi nào cũng quý như thần dược. Sự thật thì trong hàng trăm loài nấm linh chi, hiện thế giới mới ghi nhận được chưa tới 10 loài có giá trị dược liệu. Dưới những cánh rừng Tây Nguyên, số loài nấm tự nhiên sinh sôi đa dạng, nhiều gấp năm, sáu lần so với số loài thực vật. Nấm độc, nấm lành mọc xen lẫn, mắt thường rất khó phân biệt. Không ít trường hợp chết oan do ăn phải nấm độc. Để khuyến cáo chuẩn xác cho cộng đồng, thì trước hết phải biết thật rõ về chúng.
Vì vậy, hầu hết các cánh rừng, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên trên Tây Nguyên, Đại Nguyên đều đã đặt chân đến, có nơi mỗi năm trở lại tới 2-3 lần. Với anh, mỗi chuyến đi đều là một trải nghiệm thú vị. Anh cũng không quên gõ cửa những địa chỉ rất đáng tin cậy từ các vị già làng, thầy lang ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tìm thêm tri thức bản địa từ những “pho từ điển sống” này.
Một kỷ niệm mà nhiều thành viên trong nhóm “chuyên gia nấm” trường Đại học Tây Nguyên cùng kể: Có đợt thầy Nguyên dẫn đoàn đi vào Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (Gia Lai). Rừng rậm rạp, cây cối um tùm, đường lên núi trơn trợt, thầy trò và cán bộ Vườn phải gùi theo thức ăn, xoong nồi, cuốc bộ từ sáng đến tối mịt mới lên tới đỉnh núi.
Sau 4 ngày ăn ngủ trong rừng, thu thập đủ số mẫu cần thiết, đoàn trở về. Bất thần thầy Trưởng đoàn nổi cơn đau bụng dữ dội, cả đoàn sợ xanh mặt, không biết loại nấm nào hành được thầy mình. Vượt chặng đường gần 300 km, xe phóng thẳng vào Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk. Chẩn đoán khẩn cấp, các bác sĩ đưa bệnh nhân vào phòng phẫu thuật ngay để ... mổ ruột thừa. Cả đoàn thở phào, hú hồn, hú vía.
Nấm ngon, nấm quý như vàng
Thời còn là một cô bé “Taczan” thuộc lòng những lối mòn hun hút xuyên những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn viền kín đôi bờ Krông Ana, cứ sau mỗi đợt mưa đầu mùa, tôi lại cùng đám bạn đồng trang lứa vác bao vào rừng săn nấm. Ăn tươi không hết thì phơi khô, để dành suốt mùa nắng vẫn không sợ dai như măng.
Thật tuyệt vời cảm giác bước êm trên thảm lá dày giữa không gian mát rượi, tinh khiết hương hoa lá, hiển hiện trước mắt những vạt nấm chúm chím nụ tròn vừa đội đất trồi lên. Nấm cơm trắng nhỏ li ti. Nấm mối mũ nâu thân mập, giòn thơm ngon ngọt. Nấm hạt mít không rễ không tán, cứ thế tròn xoe đùn lên nằm yên trên mặt đất. Nấm mồ côi mọc lẻ loi. Rồi nấm tràm, nấm mèo, nấm tuyết, nấm thông vị đắng nhân nhẩn mà ngọt hậu, thả vào nồi cháo chỉ cần nêm nếm tí ti đã đủ ấm bụng bao lứa sinh viên nghèo, cứ cuối tuần thẩn thơ vào rừng tìm nấm...
Vì vậy, tôi khá tự tin vào tài săn nấm của mình. Nhưng nhìn vào “danh mục nấm thực phẩm” do PGS-TS Đại Nguyên cung cấp, mới thấy “có thầy vẫn khác”, còn nhiều loại nấm ngon nữa: nấm trứng gốc tròn mũ vàng tươi; nấm gan bò gốc cam mũ hồng sậm; Nấm rùa nâu y như mu rùa bất động; Nấm dẻ đủ màu đỏ-tím-xanh v.v...
Đại Nguyên cho biết trong các loại nấm anh từng được ăn, ngon nhất là nấm Kaki vàng, Kaki tím giòn thơm, mát ngọt. Còn đắt nhất, là nấm Ô linh. Trước chỉ biết có ở Vân Nam Trung Quốc, gần đây đã được tìm thấy ở Vườn Quốc Gia Chư Yang Sin (Đắk Lắk) và Vườn Quốc Gia Bidoup Núi Bà (Lâm Đồng)...
Nấm Ôlinh chỉ có trong lòng đất, mọc trong các tổ kiến, nhìn như những quả nhựa có đuôi màu đen nhánh. Đồng bào các dân tộc phía Bắc tìm được loài nấm này thì mừng lắm, vì một số tư thương Trung Quốc sẵn sàng mua hết với giá từ 80 - 100 triệu/kg “để về làm thuốc”. PGS-TS Đại Nguyên kể “Nó có vị ngọt thanh thanh, còn công dụng quý đến đâu tới giờ chúng ta vẫn chỉ nghe qua lời đồn”. Hiện anh đang tổ chức cho nhóm nghiên cứu tìm hiểu về giá trị khoa học, cơ chế sinh trưởng, phát triển của loài nấm Ôlinh, đồng thời tiến hành xây dựng quy trình trồng một số loại nấm có giá trị dược liệu, nguồn gốc bản địa Tây Nguyên.
 
Thầy Đại Nguyên với tai nấm Kaki vàng tìm được trong rừng thông
Ngoài hơn 60 bài báo khoa học đã công bố trong nước và quốc tế, 2 cuốn sách về nấm đã được xuất bản, các giải thưởng và bằng độc quyền sáng chế về nấm, PGS-TS Đại Nguyên còn được giới nghiên cứu biết tiếng với quy trình nuôi cấy đông trùng hạ thảo ký sinh trên côn trùng, đạt hàm lượng Cordycepin 9.0-13mg/gram và Adenosine 5-8.0mg/gram, cao gấp hàng chục lần so với nhiều công trình về đông trùng hạ thảo nhân tạo đã công bố trước đó.
“Tôi mong muốn ngay cả những người không phải là giàu có vẫn có thể tiếp cận và dùng được loại nấm cực quý này để bồi bổ sức khỏe”- Nhà khoa học đồng thời là chủ thương hiệu nấm linh chi, nấm đông trùng hạ thảo nhãn hiệu Đại Nguyên chia sẻ.

Phụ trách mảng nghiên cứu khoa học của trường Đại học Tây Nguyên, PGS-TS Trần Trung Dũng-Phó hiệu trưởng trường Đại học Tây Nguyên khẳng định: “PGS-TS Đại Nguyên là giảng viên đại học đầu tiên ở nước mình trực tiếp thực hiện việc thương mại hóa thành công sản phẩm do chính anh nghiên cứu, đúc kết được toàn bộ quy trình sản xuất. Với nhóm nghiên cứu mà PGS-TS Đại Nguyên đã thành lập, đang dẫn dắt với sự ủng hộ của lãnh đạo trường, đúng hướng chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, rất có thể Đại học Tây Nguyên sẽ trở thành nơi  nghiên cứu chuyên sâu nhất về nấm của Việt Nam”.

Hoàng Thiên Nga (TP)

Có thể bạn quan tâm

'Người cha' của rừng gỗ quý

'Người cha' của rừng gỗ quý

Gần 30 năm miệt mài ươm trồng, cánh rừng với hàng vạn cây Pơmu, Samu của gia đình ông Vừ Rả Tênh (trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài huyện vui chơi, tận hưởng không khí trong lành.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...