Lời ru buồn đầu non

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tết Nguyên đán trên rẻo cao Sơn La đang đến thật gần, người người nhà nhà tất bật cho Tết để sum vầy sau những ngày tháng vất vả ngược xuôi.

Trong không gian những ngày xuân ấm áp, đâu đó trên mỗi bản đồng bào vùng sâu, vùng xa là những tiếng khóc lạc vào lời ru của những người mẹ tuổi mới thành niên.

Những mối tình... sét đánh

Trở lại xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ sau những ngày u ám bởi nạn buôn bán “cái chết trắng”, bản làng của đồng bào Mông hôm nay đã khoác lên mình một tấm áo mới, con đường đổ bê tông trải dài từ đầu bản đến cuối bản. Dẫn chúng tôi đến các bản người Mông, Thiếu tá Lý Văn Minh, Trưởng Công an xã Lóng Luông kể rất nhiều về những đổi thay trên vùng đất này sau ngần ấy năm. Theo đánh giá của đồng chí Trưởng Công an xã, tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn tuy đã giảm sâu nhưng không vì thế mà mỗi cán bộ, chiến sĩ công an được phép lơ là, mất cảnh giác.

Các cấp, các ngành họp bàn đưa ra nhiều giải pháp thiết thực để ngăn ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết.

Các cấp, các ngành họp bàn đưa ra nhiều giải pháp thiết thực để ngăn ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết.

Đồng chí Giàng A Dê, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lóng Luông cho biết: Những năm qua, tình hình an ninh, trật tự tại địa bàn xã đã có những chuyển biến tích cực, tội phạm đã giảm nhiều, tình hình không còn phức tạp như trước. Đặc biệt, từ khi có lực lượng Công an xã chính quy, đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhiều chủ trương, biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự; tăng cường bám, nắm địa bàn, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, góp phần làm thay đổi nhận thức về pháp luật của bà con trong xã. Tuy nhiên, vấn nạn tảo hôn trong thời gian qua trên địa bàn vẫn là cơn “đau đầu” với cấp ủy, chính quyền địa phương...

Con đường vào các bản của xã Lóng Luông nay đã dễ đi hơn nhiều. Có những tuần các thầy cô phải đi đi lại lại hàng chục lần để vận động, tuyên truyền các em học sinh tảo hôn quay lại trường học. Mặc chiếc áo trắng, trong nắng mới ngày đầu xuân, em Sùng Y G. (14 tuổi) ngồi thêu chiếc yếm Mông. Em hiện đang sống tại bản Co Tang, xã Lóng Luông cùng chồng và gia đình nhà chồng, ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, em đã trở thành vợ người ta. Nhà em ở Hòa Bình, quen chồng qua Facebook rồi 2 ngày sau đó em theo về làm vợ. “Em nói chuyện trên Facebook, thấy thích thích là yêu thôi” - Sùng Y G. nói với chúng tôi như vậy. Trong câu chuyện với chúng tôi, khi kể về bố mẹ, ông bà ở Hòa Bình, Sùng Y G. bật khóc nức nở, cũng vì nghèo, nhiều lúc nghĩ mình là gánh nặng của bố mẹ mà em phải đi lấy chồng.

Trung tâm Y tế cử người đến tận nhà vợ chồng trẻ Sồng Thị N. và Mùa A N. tuyên truyền về sức khỏe sinh sản.

Trung tâm Y tế cử người đến tận nhà vợ chồng trẻ Sồng Thị N. và Mùa A N. tuyên truyền về sức khỏe sinh sản.

Cũng ở xã Lóng Luông, vợ chồng anh Giàng A T. có 2 người con một trai, một gái. Người con trai đầu của anh là Giàng A L., lấy vợ là Sồng Thị P. khi đang học lớp 8, vừa bước sang tuổi 15. Sau một vài lần đi chơi với nhau, L. dẫn về nhà đòi cưới, bố mẹ L. cũng không nói gì, bố mẹ vợ cũng chả ngăn cấm. “Thực ra, con đang trẻ tuổi mà lấy vợ thì không tốt thật. Nhưng, phong tục của người Mông mình là nó mang đến nhà thì mình không thể mang được đi bên nhà gái. Vì phong tục mình nó thế nên kể cả con nhỏ tuổi nhưng chấp nhận phải cưới cho nó” - anh Giàng A T. ở bản Lóng Luông, xã Lóng Luông nói.

P. sau khi về làm dâu đã xin nghỉ học, ngoài lên nương thì quanh quẩn ở nhà bên bếp lửa. Em nói với chúng tôi, nghỉ học sớm để đỡ đần cho bố mẹ, nhưng ở cái tuổi này có lẽ đỡ đần thì không thấy, chỉ thấy trở thành gánh nặng cho nhà chồng. Hằng ngày, sau mỗi giờ học, L. lại cùng vợ lên nương làm chè. Vợ chồng L. còn quá trẻ, công việc thì quá sức so với lứa tuổi. Lấy vợ xong, L. học hành chểnh mảng, em luôn có suy nghĩ là bỏ học, đôi khi học cũng chỉ là đối phó với bố mẹ.

Cô giáo Vũ Thị Quyên, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS, THPT Vân Hồ dù rất cố gắng nhưng cũng không biết cách nào để làm thay đổi suy nghĩ các em. Cô cho biết: Ở lớp có 3 trường hợp là 3 học sinh nam. Các em đều nhà ở các xã sát biên giới. Khi các em lấy vợ, về phía giáo viên chủ nhiệm và ban giám hiệu nhà trường cũng như các cơ quan, ban, ngành đã đến tận gia đình các em tuyên truyền, vận động để mong các em sẽ quay trở lại học. Tuy nhiên, trong quá trình vận động thì trong số 3 em chỉ có 1 em quay trở lại, còn 2 em tiếp tục nghỉ.

Còn tại Bắc Yên - xã khó khăn nhất của tỉnh Sơn La - trong căn nhà của bố mẹ nằm ở nơi lưng chừng núi thuộc bản Hồng Ngài, xã Hồng Ngài, đôi vợ chồng Sồng Thị N. và Mùa A N. dù mới 16 tuổi, nhưng đã về ở chung với nhau được 2 năm. Cả hai biết đến nhau khi đang học dưới mái trường phổ thông dân tộc nội trú, sau đó cùng nghỉ học khi mới hết lớp 9. Vì chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định nên đôi vợ chồng này chưa thể làm đám cưới. Vài tháng nữa sẽ đến kỳ sinh nở, nhưng hiện tại cả hai vợ chồng vẫn phân vân chưa biết sẽ nuôi con như thế nào. Em Mùa A N. cho hay: “Hai vợ chồng nghỉ học để ở nhà làm nương, trồng sắn với trồng ngô. Nhưng, do vợ có bầu nên nguồn thu nhập từ làm nương không đủ trang trải cuộc sống. Hằng tháng, hai vợ chồng vẫn phải trông chờ vào bố mẹ đi làm thuê ở dưới xuôi gửi tiền về để mua dầu ăn, mua gạo”.

Các trường học trên địa bàn tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục giới tính.

Các trường học trên địa bàn tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục giới tính.

Để những lời ru không buồn

Bác sĩ Vũ Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Vân Hồ thông tin: Khi bố mẹ chưa đủ tuổi, sự phát triển trong cơ thể con người còn chưa đầy đủ mà đã sinh ra đứa con thì tất nhiên, kể cả về trí tuệ và sức khỏe không thể đảm bảo... Theo y tế, theo khoa học, khi bố mẹ còn thiếu những điều kiện về sinh lý thì sẽ sinh ra những đứa con không được khỏe mạnh và thông minh như những đứa trẻ bình thường khác. Đặc biệt, mai sau cho các cháu học hành, vấn đề bảo hiểm y tế cũng rất khó khăn.

Thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Sơn La, tỷ lệ tảo hôn đã giảm từ 21,2% năm 2015 xuống còn 10,5% năm 2022. Tuy nhiên, đây vẫn là con số còn cao so với những địa phương khác. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn như: Một số nơi quan niệm, hủ tục lạc hậu đã ăn sâu vào nhận thức của người dân. Bà con cho rằng, cho con kết hôn sớm để gia đình có thêm người lao động. Ngoài ra, hiểu biết về pháp luật, trình độ dân trí về những hệ lụy trong tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống của đồng bào còn hạn chế. Cùng với đó, việc can thiệp, ngăn chặn của chính quyền địa phương đối với tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống chưa triệt để, thiếu quyết liệt. Toàn tỉnh Sơn La có trên 83% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, do trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức về pháp luật còn hạn chế nên tình trạng tảo hôn ở vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn diễn ra với nhiều hệ lụy đối với bản thân, gia đình và xã hội.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Sơn La thông tin: Trong những năm qua, tỷ lệ tảo hôn có giảm nhưng rất chậm. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, mạng internet và các ứng dụng mạng xã hội rất phổ biến, trong khi ở độ tuổi vị thành niên các cháu rất tò mò và tiếp cận rất nhanh. Do đó, chưa hiểu hết hậu quả của việc lấy chồng sớm, lấy chồng chưa đúng độ tuổi. Vì thế, dù đơn vị triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền nhưng hiệu quả vẫn chưa cao.

Lực lượng Công an cơ sở tại Sơn La thường xuyên xuống địa bàn tuyên truyền, vận động nhân dân về các kiến thức pháp luật.

Lực lượng Công an cơ sở tại Sơn La thường xuyên xuống địa bàn tuyên truyền, vận động nhân dân về các kiến thức pháp luật.

Ông Thào Xuân Nếnh, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sơn La cho biết: “Thực hiện đề án, các địa phương đã vào cuộc triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Trong đó, nhiều huyện, thành phố tập trung vào truyền thông trong đối tượng là các em học sinh THPT, THCS để các em sớm nhận biết tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ngoài ra, các đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ ở thôn bản cũng sẽ là cầu nối, cánh tay đắc lực để góp phần hạn chế tình trạng tảo hôn”.

Đặc biệt, thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, trong đó có lực lượng Công an, dẫu vấn đề này đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn khá nan giải... Trung tá Triệu Minh Hải, Trưởng Công an xã Chiềng Xuân, huyện Vân Hồ cho biết: Công tác tuyên truyền của lực lượng Công an trong thời gian qua là rất khó khăn, các cặp vợ chồng còn trẻ nên việc tiếp thu còn hạn chế, ngoài ra việc tuyên truyền đối với đồng bào dân tộc thiểu số thì phải là ngôn ngữ của dân tộc đó. “Với việc tuyên truyền về nạn bỏ học thì Cơ quan công an cũng phối hợp với nhà trường trong công tác quản lí nhân, hộ khẩu, thứ hai là các cháu mà đi học, cũng phối hợp với nhà trường tạo điều kiện làm thủ tục về mặt pháp lí để đúng thủ tục cho các cháu được đến trường theo quy định” - Trung tá Hải nói.

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết là một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo.

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết là một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo.

Một mùa xuân mới đã đến với khắp bản làng vùng cao Sơn La, câu chuyện tảo hôn tuy không mới nhưng vẫn là một cơn “đau đầu” của tất cả các ngành, nếu như không có giải pháp cụ thể, quyết liệt sẽ lại có thêm những em học sinh phải lỡ dở việc học hành, thêm những ông bố, bà mẹ trẻ con và thêm những đứa trẻ phải chịu thiệt thòi khi bố mẹ chúng còn chưa tự lo được cho chính cuộc sống của mình. Tuổi thơ những đứa trẻ vùng cao bị “đánh cắp” bởi nỗi vất vả, nhọc nhằn và hơn nữa, chúng còn bị cuốn theo vòng mưu sinh của gia đình.

Theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Sơn La, tỷ lệ tảo hôn trên địa bàn tỉnh những năm gần đây có giảm, nhưng vẫn còn cao. Năm 2022, toàn tỉnh có gần 700 trường hợp tảo hôn, chiếm 10,5% số cặp vợ chồng. Năm 2023 toàn tỉnh có 2 cặp tảo hôn cận huyết, 700 cặp tảo hôn. Các huyện có nhiều trường hợp tảo hôn gồm: Phù Yên, Bắc Yên, Mường La,... Đây là vấn đề xã hội nan giải bởi những tập quán lạc hậu của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, do vậy không thể giải quyết trong “một sớm, một chiều”.

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.