Lỗi không thuộc về con chó

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Liên tiếp xảy ra nhiều vụ chó cắn người gây hậu quả nghiêm trọng ở một số địa phương những ngày gần đây.
Mới nhất là vụ con chó của nhà ông Phan Hữu Long (khối 4, thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) tối 10-4 bất ngờ lao vào cắn xé điên cuồng 5 người đang đứng trước nhà ông, trong đó có 1 bé gái. Một ngày sau khi bị bắt nhốt, con chó này lăn ra chết, được xác định là mắc bệnh dại...
Trước đó một hôm, 5 học sinh tiểu học ở xã Tịnh Hòa, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi cùng lúc bị chó tấn công, phải nhập viện. Đáng thương hơn là trường hợp em Nguyễn Đắc Nguyên (7 tuổi) bị đàn chó khoảng 7 con của một hộ dân ở thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên cắn đến tử vong tối 3-4.
Không chỉ tấn công gây thương tích, vết cắn của chó còn có nguy cơ gây bệnh dại cho người. 97% ca mắc bệnh dại ở người tại Việt Nam là do chó gây ra và chưa có bệnh nhân nào bị phát bệnh dại thoát được lưỡi hái tử thần. Đang sắp vào hè, cũng là mùa bệnh dại bùng phát, tình trạng chó nuôi tấn công người, nhất là trẻ em, đã rộ lên như vậy, rất cần sự ngăn chặn kịp thời.
Ngăn chặn cách nào? Không khó, chỉ cần vận dụng luật. Luật đã quy định chi tiết và khá đầy đủ. Không chỉ dừng ở xử phạt hành chính như nhiều người nghĩ, điều 295 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 quy định: Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Nghị định 05/NĐ-CP/2007 về phòng chống bệnh dại cũng quy định về việc nuôi chó. Theo đó, chủ nuôi chó phải đăng ký với UBND xã, phường; phải xích nhốt...; ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị khi đưa chó ra ngoài thì phải nhốt, giữ chó trong chuồng, cũi hoặc phải rọ mõm và có người dắt...
Dù vậy, hầu như ít người biết hoặc chẳng mấy quan tâm đến những quy định pháp lý nói trên. Chủ nuôi chó xem nhẹ an toàn của người khác đã đành, có trường hợp phải trả giá về sự chủ quan của bản thân khi bị chính con vật mình nuôi tấn công. Các vụ chó cắn người gây thương tích hoặc tử vong đều được giải quyết qua thương lượng bồi thường dân sự giữa đôi bên, chính vì thế mà mối đe dọa đối với con người từ loài gia súc này luôn tồn tại, rình rập.
Chó dù là con vật gần gũi nhưng vẫn là loài sống theo bản năng. Những chuyện đau lòng đã xảy ra, lỗi không tại con chó, cũng chẳng phải do luật, mà vì con người. Ý thức chấp pháp của người nuôi chó còn thấp kém cũng như sự thiếu vắng vận dụng các chế tài hình sự vào việc xử lý những vụ chó tấn công gây thương tích hoặc chết người đã khiến cho luật bị "nhờn". Tình trạng này không thể xem nhẹ bởi từ nông thôn đến thành thị nước ta, việc nuôi chó giữ nhà, chó săn, chó kiểng... đang rất phổ biến, nhất là trào lưu nuôi những loài chó dữ như bẹc-giê, ngao Tây Tạng, Pitbull ngày càng thịnh hành. Khi nào còn để xảy ra tình trạng có luật mà không biết, không chấp hành và không vận dụng thì lúc ấy mạng người còn bị đe dọa bởi chính loài vật nuôi khó lường trong nhà! 
Cát Tường (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách nghĩ, cách làm như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý.

Dứt khoát khi làm luật

Dứt khoát khi làm luật

Trong chuyến đi mới đây, trước khi máy bay hạ cánh để quá cảnh Đài Loan, người viết được nghe phi hành đoàn chuyến bay nhắc nhở hành khách không được mang thuốc lá điện tử vào vùng lãnh thổ này, vì chính quyền sở tại cấm thuốc lá điện tử.

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Buổi sinh hoạt ngoại khóa của khối lớp 4 Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Thủ Đức, TPHCM) mới đây trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng theo mô hình không gian mở tại khu phố 8 (phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức) diễn ra sôi nổi.

Hiệu quả thực hành nghề nghiệp

Hiệu quả thực hành nghề nghiệp

Nếu có dịp nào đó chuyện trò với những sinh viên từng trải nghiệm thực tế ở doanh nghiệp trong một kỳ thực tập hoặc một trong những buổi học theo mô hình "học phần doanh nghiệp", chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề đáng để suy nghĩ cả về phía nhà trường lẫn về phía doanh nghiệp.