Lời kêu gọi của lương tri và trách nhiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa ra lời kêu gọi toàn dân đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, chung tay cùng Đảng, Chính phủ chống dịch Covid-19. Lời kêu gọi của người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước được xem như một lời hiệu triệu chạm đến trái tim mỗi người, là tiếng nói của lương tri và trách nhiệm trước vận mệnh của đất nước, trước sinh mệnh của nhân dân.  

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Ảnh: TTXVN


Trong lịch sử đất nước, ngoại trừ lúc giang sơn lâm nguy trước sự xâm lăng của ngoại bang, người đứng đầu đất nước mới ban lời hiệu triệu toàn dân đứng lên chống giặc. Kháng chiến chống quân Nguyên Mông ta có “Hịch tướng sĩ”. Kháng Pháp ta có “Hịch cần vương”. Đối mặt với kẻ thù mang danh nghĩa Đồng minh để tái chiếm nước ta một lần nữa, tháng 12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”.

Giờ thì đến lúc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi đến đồng bào, chiến sĩ cả nước, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài lời kêu gọi đoàn kết, thống nhất ý chí, tập trung cao độ để tiếp tục chủ động ngăn chặn và kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19.

Trong bối cảnh nguy cơ lây nhiễm dịch trong cộng đồng ngày càng lớn, lời kêu gọi ấy đã chạm đến trái tim của mỗi người Việt Nam, hiệu triệu tất cả mọi người cùng đoàn kết nhất trí một lòng phòng-chống dịch, trước là để bảo vệ chính mình, sau là bảo vệ cộng đồng, rộng hơn nữa là bảo vệ đất nước qua cơn hoạn nạn. Ai cố tình không nghe, không thấy, không làm lúc này là vô trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, là quay mặt lại với những nỗ lực của Chính phủ, với những chiến sĩ trên mặt trận chống dịch bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân.


Hơn 2 tháng qua, Chính phủ đã hành động quyết liệt để ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh. Chấp nhận thực tế để có giải pháp ứng phó phù hợp là cách làm của người thông minh và trách nhiệm. Tuy nhiên, khi số ca nhiễm dịch toàn thế giới đã lên trên 80 vạn người với gần 39.000 trường hợp tử vong; còn trong nước, dù chỉ mới hơn 200 ca nhiễm bệnh (trong đó, 57 người đã được điều trị khỏi) nhưng dịch đã có dấu hiệu lây nhiễm ra cộng đồng với những diễn biến khó lường thì sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân là vô cùng cần thiết.

“Với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng-chống dịch bệnh”-lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là lời hiệu triệu đoàn kết toàn dân, để mỗi người dân là một chiến sĩ, một pháo đài chống dịch. Từ người lính biên phòng canh giữ ở vùng biên đến những người lính quân y trên tuyến đầu chống dịch, từ những anh bộ đội trẻ chăm sóc miếng ăn, giấc ngủ cho hàng vạn người đang bị cách ly đến đội ngũ y-bác sĩ bám bệnh viện, chấp nhận hiểm nguy để điều trị bệnh cho dân.


Truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, nhân văn của dân tộc Việt Nam lại một lần nữa được phát huy, được tỏa sáng khi có nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm nhiệt tình góp kinh phí, nhường khách sạn, nhà nghỉ làm khu cách ly, giúp Chính phủ chống dịch. Nhiều ca sĩ, diễn viên, những cụ ông, cụ bà, những cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên, mỗi người một cách đều tham gia góp sức bằng những việc làm ý nghĩa.  

Trong gian khó hiểm nguy, chúng ta vẫn dang rộng vòng tay đón tất cả những người con xa quê về nước tránh dịch; người cách ly được chăm sóc ân cần, người mắc bệnh được điều trị miễn phí. Những người Việt xa xứ trở về phải thốt lên rằng quê hương luôn là chốn an toàn hơn bất cứ nơi đâu. Mà đâu chỉ với dân mình. Người nước ngoài đến Việt Nam bị nhiễm bệnh phải điều trị hay bị nghi nhiễm phải cách ly đều nhận được sự đối xử tốt đẹp quá mức mong chờ của họ. Những bức tâm thư họ để lại sau khi được điều trị khỏi bệnh đã nói lên sự cảm phục trước tinh thần nhân văn của con người Việt Nam.

Phát huy tinh thần yêu nước, nhân nghĩa, nhân văn trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19 để bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho bản thân, gia đình, người thân và cộng đồng; chung sức chung lòng cùng Đảng, Chính phủ giành chiến thắng trong cuộc chiến này chính là lương tri và trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam. Trong lúc khó khăn nhất, lời hiệu triệu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chính là lời của đất nước, của non sông.

 

ĐÌNH CƯƠNG




 

Có thể bạn quan tâm

Sao mãi để trẻ bị bạo hành?

Sao mãi để trẻ bị bạo hành?

Lại một vụ trẻ mầm non bị bạo hành, lại từ một lớp mầm non tư thục nhỏ lẻ; lại các cơ quan, ban ngành vào cuộc yêu cầu đình chỉ, xử lý nghiêm… Thế nhưng cái gốc để không tái diễn tình trạng này thì nói bao nhiêu năm vẫn vậy.
Làm sạch, đẹp không gian du lịch

Làm sạch, đẹp không gian du lịch

Tình trạng ô nhiễm rác thải do thiếu ý thức sẽ tái diễn, không gian du lịch bị vấy bẩn bởi rác trên đường và "rác trong ý thức", làm ảnh hưởng ngành du lịch Việt Nam, đến hình ảnh đất nước, con người Việt Nam
'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Cần lắm mảng xanh đô thị

Cần lắm mảng xanh đô thị

Cách đây chưa lâu, một chủ thầu xây dựng ở Singapore bị tòa án nước này phạt 25.000 USD vì đã chặt hạ một cây xanh cao 20 m. Một công dân khác chặt 1 cây xoài và 2 cây chôm chôm trong vườn nhà mình cũng bị phạt tổng cộng 6.000 USD.