Lợi ích và thách thức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Việc áp dụng lịch học 5 ngày/tuần cho học sinh THCS và THPT tại một số địa phương đang nhận được nhiều sự quan tâm.

Chủ trương này được kỳ vọng giúp học sinh giảm tải, có thêm thời gian nghỉ ngơi, phát triển kỹ năng và tham gia hoạt động ngoại khóa.

Tuy nhiên, trong bối cảnh giáo dục Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập về chương trình, phương pháp giảng dạy, cơ sở vật chất…, liệu việc nghỉ học thứ bảy có thực sự giúp giảm áp lực hay lại khiến học sinh đối mặt những vấn đề mới?

Ở nhiều nước phát triển, nơi phụ huynh không làm việc vào cuối tuần, học sinh được nghỉ thứ bảy và chủ nhật, giúp gia đình có thời gian bên nhau, tham gia hoạt động xã hội. Tại Việt Nam, nhiều phụ huynh vẫn phải đi làm thứ bảy khiến việc nghỉ học của học sinh có thể trở nên bất cập. Không có sự giám sát từ cha mẹ, học sinh dễ bị cuốn vào các lớp học thêm hay vui chơi mất kiểm soát, làm giảm ý nghĩa của chính sách giảm tải.

Bản thân chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) vẫn còn nhiều vấn đề ngay cả khi học 6 ngày/tuần, khiến việc học 5 ngày có thể không thực sự giảm áp lực mà chỉ dồn tải trọng vào những ngày còn lại trong tuần và học sinh vẫn phải học thêm. Nội dung chương trình và sách giáo khoa chưa có sự liên thông tốt giữa THCS và THPT, khiến học sinh dễ quá tải. Việc học vẫn thiên về lý thuyết hơn là thực hành khiến các em phải dành nhiều thời gian ghi nhớ, thay vì phát triển tư duy và kỹ năng thực tiễn.

Phương pháp giảng dạy cũng là một rào cản khi giáo viên chưa được đào tạo đầy đủ để dạy theo hướng phát triển năng lực. Chương trình GDPT mới theo định hướng dạy học tích hợp nhưng nhiều giáo viên vẫn chưa có đủ kỹ năng triển khai hiệu quả. Điều này dẫn đến việc học sinh tiếp thu kiến thức một cách rời rạc, thiếu sự liên kết giữa các môn học. Cơ sở vật chất ở nhiều trường chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới; phòng học, trang thiết bị còn thiếu; sĩ số học sinh/ lớp cao cũng gây khó khăn khi tổ chức dạy học.

Áp lực thi cử vẫn là vấn đề lớn nhất khiến việc học trở thành gánh nặng. Các kỳ thi vào lớp 6, lớp 10 và đại học đều rất cạnh tranh, đòi hỏi học sinh phải học tập cường độ cao để đạt điểm số tốt. Nếu chỉ học 5 ngày/tuần mà không giảm tải chương trình, học sinh có thể phải học tăng tiết hoặc học thêm vào cuối tuần. Điều này không giúp giảm áp lực mà còn làm tăng sự mệt mỏi.

Thay vì chỉ áp dụng lịch học 5 ngày/tuần, cần tập trung giải quyết các vấn đề cốt lõi của hệ thống giáo dục. Trước hết, cần tinh gọn chương trình GDPT, tập trung vào nội dung cốt lõi, tăng cường kết nối giữa chương trình, sách giáo khoa các cấp học để tránh tình trạng học sinh bị "ngợp" khi chuyển cấp. Cần đào tạo giáo viên để nâng cao năng lực giảng dạy theo phương pháp tích hợp, giúp học sinh hiểu và vận dụng kiến thức vào thực tế.

Bên cạnh đó, cần cải thiện cơ sở vật chất để bảo đảm dạy học 2 buổi/ngày hiệu quả. Việc sắp xếp thời khóa biểu cũng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để tránh tình trạng dồn ép tiết học, gây mệt mỏi cho học sinh. Quan trọng hơn, phải thay đổi cách đánh giá và tổ chức thi cử, giảm áp lực điểm số, tập trung đánh giá năng lực thực chất.

Việc cho học sinh nghỉ học thứ bảy sẽ là một bước đi hợp lý nếu được thực hiện đúng cách. Nếu không điều chỉnh chương trình, phương pháp giảng dạy, cải thiện chính sách thi cử và cơ sở vật chất, việc nghỉ học thứ bảy có thể chỉ là giải pháp hình thức, không giúp giảm tải mà còn tạo thêm bất cập mới. Điều quan trọng không phải là số ngày học trong tuần mà là cách tổ chức việc học sao cho khoa học, hiệu quả, thực sự mang lại lợi ích cho học sinh.

Theo TS HOÀNG NGỌC VINH
nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD-ĐT

(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Hai câu chuyện về thuế

Hai câu chuyện về thuế

Hai câu chuyện về thuế của các doanh nghiệp đặt ra nhiều suy ngẫm cho chúng ta trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang quyết liệt cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, công bằng trong kỷ nguyên mới.

Tận dụng tối đa cơ hội thu hút FDI

Tận dụng tối đa cơ hội thu hút FDI

Tháng 3, Việt Nam đón tiếp 2 đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ, với hơn 60 thương hiệu lớn. Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), ông Ted Osius, nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, cho biết đây là phái đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ lớn nhất từng đến Việt Nam.

Trị sốt đất để dồn sức cho tăng trưởng

Trị sốt đất để dồn sức cho tăng trưởng

Thật phi lý khi vừa qua những thông tin đồn sốt đất đã bùng lên với lý do sáp nhập tỉnh thành, cho dù thực tế chẳng ăn nhập gì với nhau. Mục đích sáp nhập nhằm tinh gọn bộ máy, tiết giảm chi phí để dành nguồn lực phát triển kinh tế chứ không phải hướng đến phát triển bất động sản (BĐS).

Tư duy mới cho tác phẩm đặt hàng

Tư duy mới cho tác phẩm đặt hàng

MV Bắc Bling của Hòa Minzy đạt hơn 77 triệu lượt xem sau 20 ngày phát hành, đứng tốp 1 Trending YouTube Việt Nam liên tục gần 2 tuần lễ. Đây là thành công của một sản phẩm âm nhạc, minh chứng cho cách một tác phẩm có thể khơi dậy niềm tự hào văn hóa dân tộc mà không cần những khẩu hiệu cứng nhắc.