
Những năm trước, các cơ sở giáo dục thực hiện các đợt tuyển sinh xét học bạ, xét chứng chỉ quốc tế, xét điểm thi đánh giá năng lực, tư duy... thường diễn ra trước kỳ thi tốt nghiệp THPT. Năm nay, các trường vẫn có thể dùng các phương thức này để xét tuyển, nhưng phải xét chung đợt với điểm thi tốt nghiệp THPT. Đồng thời, Bộ quy định điểm cộng ưu tiên của mỗi thí sinh không vượt quá 10% mức điểm tối đa, đồng thời tổng điểm xét của thí sinh không vượt quá mức điểm tối đa 30/30 điểm.
Bên cạnh đó, Quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 sẽ bỏ yêu cầu về việc mỗi ngành/chương trình đào tạo chỉ tối đa có 4 tổ hợp xét tuyển.
Khi Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục mầm non đã nhận được rất nhiều ý kiến về vấn đề xét tuyển sớm.
Hầu hết chuyên gia đều cho rằng không nên tổ chức xét tuyển sớm, bởi tất cả nguyện vọng của thí sinh cuối cùng vẫn phải nhập lên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT, thí sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng duy nhất, cao nhất có thể trong năng lực của mình, dù tham gia xét tuyển sớm hay không.