Loạt dự án giải quyết ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất chờ gỡ nút thắt mặt bằng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Dự án nhà ga T3, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, mở rộng đường Cộng Hòa, Hoàng Hoa Thám đều là những dự án quan trọng giúp giảm ùn tắc cả trong và ngoài sân bay Tân Sơn Nhất nhưng chưa triển khai do vướng mặt bằng.
 
Dự án mở rộng đường Cộng Hòa vẫn chưa có mặt bằng sạch để khởi công. Ảnh: Minh Quân
Dự án mở rộng đường Cộng Hòa vẫn chưa có mặt bằng sạch để khởi công. Ảnh: Minh Quân
Nhà ga T3 nhiều lần lỗi hẹn khởi công
Sân bay Tân Sơn Nhất có thiết kế khoảng 30 triệu khách nhưng đến năm 2019 đã đón hơn 40 triệu khách. Trước áp lực này, nhà ga T3 được Chính phủ duyệt chủ trương đầu tư hai năm trước, tổng vốn gần 11.000 tỉ đồng từ nguồn vốn của Tổng công ty hàng không (ACV).
Công trình được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, công suất 20 triệu hành khách một năm và các công trình phụ trợ đồng bộ, phục vụ khai thác nội địa để giảm tải cho nhà ga T1 Tân Sơn Nhất. Nhà ga T3 cũng phải phù hợp với quy hoạch và phân chia sản lượng khai thác giữa sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất.
Nhà ga T3 trước đó dự kiến khởi công cuối năm ngoái, nhưng đến nay chưa triển khai do vướng mắc thủ tục trong việc thu hồi đất quốc phòng.
Trong chuyến khảo sát sân bay Tân Sơn Nhất hồi tháng 7 năm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ GTVT sớm hoàn tất thủ tục để khởi công dự án nhà ga T3 trong quý 3 năm nay, hoàn thành sau hai năm. Tuy nhiên, dự án thêm một lần lỗi hẹn do vẫn chưa có mặt bằng để khởi công.
Theo kế hoạch mới nhất, trong tháng 10 này, Bộ Quốc phòng sẽ bàn giao hơn 16 ha để khởi công dự án. Khu đất này hiện do Quân chủng Phòng không - Không quân quản lý. Theo tính toán của Bộ Quốc phòng, cần khoảng 1.152 tỉ đồng di chuyển các đơn vị để bàn giao đất.
Loạt dự án giảm kẹt xe nằm trên... giấy
Theo quy hoạch chi tiết sân bay Tân Sơn Nhất, khi dự án nhà ga T3 được hình thành, kết nối trực tiếp với nhà ga hành khách T1, T2 gồm có đường Trường Sơn hiện hữu; trong khi kết nối trực tiếp với nhà ga hành khách T3 gồm đường trục nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa; các đường 18E, C2 và C12, đường Hoàng Hoa Thám, Thân Nhân Trung,…
Ngoài ra, các tuyến đường khác xung quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất gồm Cộng Hòa, Phạm Văn Bạch, Tân Sơn, Quang Trung và tuyến đường trên cao số 1 đi dọc đường Cộng Hòa... cũng được quy hoạch, cải tạo để hình thành mạng lưới quy hoạch giao thông hoàn chỉnh.
 
Giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên ùn tắc. Ảnh: M.Q
Giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên ùn tắc. Ảnh: M.Q
Dự án được kỳ vọng lớn nhất là đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa, tổng mức đầu tư 4.848 tỉ đồng. Đây là dự án trọng điểm của TPHCM, đang được nỗ lực triển khai trong giai đoạn 2022-2024 nhằm đồng bộ với tiến độ nhà ga T3.
Tuy nhiên, dự án chưa thể khởi công do vướng khoảng 11,8 ha đất thuộc 16 đơn vị của Bộ Quốc phòng. 
Để đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án trọng điểm trên, Sở GTVT TPHCM đã kiến nghị Bộ GTVT làm việc với Bộ Quốc phòng để chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sớm bàn giao đất quốc phòng cho thành phố thực hiện dự án. Trong đó, đồng ý bàn giao bổ sung thêm khoảng 0,515 ha đất quốc phòng do Bộ Tư lệnh Quân khu 7 quản lý, sử dụng cho thành phố.
Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (chủ đầu tư) cho biết, dự kiến đầu tháng 12 năm nay sẽ khởi công gói thầu đầu tiên (phần hầm) ở đầu đường Phan Thúc Duyện, bởi đây là phần đã có sẵn mặt bằng thi công. Các gói thầu còn lại sẽ triển khai trong năm tiếp theo.
“Chúng tôi thực hiện song song, một là phối hợp UBND quận Tân Bình đền bù tái định cư phần đất ngoài đất quốc phòng và hai là phối hợp Bộ Quốc phòng chuẩn bị thủ tục để tiếp nhận đất quốc phòng. Mục tiêu là tháng 3.2023 hoàn tất mặt bằng để tiếp tục thi công đến tháng 8.2024 hoàn thành đường nối Trần Quốc Hoàn, đồng bộ với nhà ga T3, dự kiến khai thác tháng 9.2024” - ông Phúc chia sẻ.
Trong khi đó, dự án cải tạo, mở rộng đường Cộng Hòa, dài 134 m, từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long được phê duyệt từ năm 2016 nhưng không triển khai nên tăng vốn từ 142 tỉ đồng lên gần 168 tỉ đồng.
 
Một số hộ dân đường Cộng Hòa chờ nhận tiền đền bù để bàn giao mặt bằng. Ảnh: M.Q
Một số hộ dân đường Cộng Hòa chờ nhận tiền đền bù để bàn giao mặt bằng. Ảnh: M.Q
Hiện tất cả 16 hộ dân ảnh hưởng bởi dự án đã đồng ý phương án bồi thường, trong đó nhiều hộ đã nhận tiền và tháo dỡ nhà cửa bàn giao mặt bằng. Tuy vậy, vẫn có hộ dân chưa nhận được tiền để di dời nhà cửa bàn giao mặt bằng cho dự án.
“Cách đây 6 tháng, gia đình tôi đã đồng ý nhận tiền đền bù hơn 7,4 tỉ đồng cho phần mặt bằng với diện tích hơn 43 m2. Tuy nhiên đến nay, gia đình tôi chưa nhận được tiền để sửa chữa lại nhà và bàn giao mặt bằng. Nhiều tháng nay, việc kinh doanh phải tạm ngừng đợi di dời, chúng tôi phải sống bằng tiền tiết kiệm chờ tiền đền bù của nhà nước” – chị Trần Thị Tân, số 6 Cộng Hòa (phường 4, quận Tân Bình) bức xúc.
Việc quận Tân Bình chậm trễ bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng khiến dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám dù được phê duyệt tháng 10.2016 với tổng mức đầu tư 255 tỉ đồng chưa thể khởi công. Sau nhiều năm, dự án đã tăng vốn lên gần 291 tỉ đồng do phát sinh chi phí giải phóng mặt bằng.
Theo Minh Quân (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Khổ vì chung cư không có chỗ giao, nhận hàng

Khổ vì chung cư không có chỗ giao, nhận hàng

Khi mua hàng qua mạng đã trở thành thói quen của hầu hết người dân thành phố, việc nhiều chung cư không bố trí chỗ giao, nhận đã gây không ít phiền lụy cho cư dân. Chỗ giao- nhận đồ ở các chung cư, chuyện nhỏ mà khó lớn trong đời sống hiện đại.

Đường liên xã Ia Tiêm-Bờ Ngoong ở huyện Chư Sê: Nỗi khổ của người dân

Đường liên xã Ia Tiêm-Bờ Ngoong xuống cấp, nguy cơ mất an toàn giao thông

(GLO)- Nhiều năm qua, tuyến đường nối xã Ia Tiêm và xã Bờ Ngoong (huyện Chư Sê) xuất hiện dày đặc ổ gà, ổ voi với kích thước lớn. Thêm vào đó, tình trạng sụt lún, nứt gãy, tạo thành khe hở sâu, lồi lõm trên mặt đường khiến việc lưu thông khó khăn và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Dừng việc miễn phí xe chở hàng cứu trợ bão lũ qua trạm thu phí

Dừng việc miễn phí xe chở hàng cứu trợ bão lũ qua trạm thu phí

(GLO)- Cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đề nghị dừng việc miễn thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ cho các phương tiện vận chuyển hàng cứu trợ do ảnh hưởng của cơn bão số 3.

Sớm khởi công 2 cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương kết nối với Đông Nam Bộ

Sớm khởi công 2 cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương kết nối với Đông Nam Bộ

Thông tin từ Bộ Giao thông vận tải (GTVT), chủ đầu tư và các nhà thầu, đơn vị thi công hai cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương qua hai tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai đang tập trung hoàn thành thủ tục để có thể khởi công trong quý IV/2024 và dự kiến hoàn thành trong năm 2027.

Kế hoạch hoàn hảo

Kế hoạch hoàn hảo

Những bước cuối cùng để chuẩn bị triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã được thực hiện. Kế hoạch rút ngắn thời gian lưu thông đường bộ của quốc gia đã bước vào giai đoạn quyết liệt, bằng những phương tiện hiện đại tương đồng với các nước.